Thứ Hai, 26 tháng 9, 2011

Trong vòng tay ấm Kyrgyzstan

Làng Shaty nhỏ xíu. Bạn sẽ không tìm thấy tên làng trong bản đồ hay sách du lịch nào. Gõ Google, chỉ có đâu hai, ba kết quả liên quan đến dự án gì đó của thị trấn Tyup kề bên… Nhưng tôi đã một lần đến đây, để ngập tràn hạnh phúc trong vòng tay ấm Kyrgyzstan.

 
“Đại gia đình Baha chụp trong buổi sáng tiễn tôi đi. Bây giờ gia đình này đã là gia đình Kyrgyz của tôi...” Ảnh: Trần Thái Hoãn

Không hẹn mà hò…

Lang thang trong chợ phiên gia súc lớn nhất Trung Á ở Karakol, tôi tếu táo làm quen với mấy chàng mục đồng vui tính Kyrgyz. Nhiệt tình nhất là Baha. Thêm nữa, chàng mục đồng – giáo viên này biết nói tiếng Anh, và thích “thực tập” với khách nước ngoài. Tôi nửa đùa nửa thật: “Hay là tôi về làng cậu chơi hén…” Cậu hỏi đi hỏi lại: “Thiệt không, thiệt không anh…”, rồi căn dặn khi nào đến nhớ báo cho cậu.

Kyrgyzstan miễn visa cho người Việt Nam. Có thể đến đất nước xinh đẹp Trung Á này bằng đường bộ từ Kashgar, Tân Cương. Mỗi tuần có vài chuyến xe từ đây đi thành phố cổ xưa Osh, miền Nam Kyrgyzstan. Từ đó có thể đi tham quan dần dần lên hoặc đi thẳng đến thủ đô Bishkek. Hoặc bạn có thể bay từ Urumqi, thủ phủ vùng Tân Cương đến thẳng Bishkek. Từ Bishkek có nhiều xe mỗi ngày đến các phố, làng ven hồ đẹp Issyk Kul như Karakol, Tamga, Cholpon Alta…

Tôi muốn ghé thăm nhà Baha vì muốn được sống trong trong một làng quê Kyrgyz. Thứ nữa là sẽ đến thung lũng Karkara, quê hương và cũng là bối cảnh trong Một ngày dài hơn thế kỷ của nhà văn Chinghiz Aimatov, mà tôi đã mê mẩn đọc nhiều năm trước. Nhưng cứ mê mải với thiên nhiên tươi đẹp ven hồ xanh Issyk Kul, tôi quên bẵng... Đến một hôm, “Đang ở đâu vậy anh? Sao chưa ghé nhà Baha?” Rồi một chiều tôi ghé chân giang hồ nơi làng quê nhỏ Shaty, ngỡ ngàng và hạnh phúc thật trong vòng tay ấm Kyrgyzstan.

Tôi là ai? Chỉ là khách lạ vừa mới quen Baha qua một lần chuyện trò trong phiên chợ ồn ào náo nhiệt. Tôi là ai? Kẻ lang bạt đến từ miền đất xa lạ, áo đã mòn, balô đã rách, thân đã nhàu… Vậy đó. Nhưng Baha bỏ công việc ngày mùa bận rộn ra tận Karakol đón tôi. Rồi ở nhà bà ngoại, bạn bà ngoại, mẹ Baha cùng các chị dâu, rồi cả xóm nhỏ chờ tôi như khách quý. Đón tôi về để cùng uống trà chiều, với thật nhiều thức ăn, bánh trái… nhưng ấm hơn cả là những tấm chân tình của những ngoại – mẹ quê Kyrgyz, những dân làng Shaty. Tôi, kẻ lang bạt thường tự khen mình là cứng rắn (?), nhưng buổi chiều quê đó, tôi đã phải rất cố gắng để kềm lòng…
 

Cuốn album có người thân trong gia đình Baha là những chàng hồng quân Liên Xô. (Ảnh: SGTT)

Những chén trà, rồi những ly kymys (sữa ngựa lên men) luôn được âu yếm rót đầy. Những câu hỏi chân tình về ba má tôi, về quê nhà xa lắc xa lơ… về bước đường rong ruổi, tại sao tôi dạt đến đây... Rồi mấy tấm hình vàng ố, được cất giữ kỹ càng trong cuốn album sờn cũ, về những chàng hồng quân Liên Xô rạng rỡ, những cô gái Kyrgyz xinh đẹp… được đem ra chia sẻ với “khách”, làm bà ngoại của Baha móm mém cười, mấy chị dâu Baha cũng khúc khích cười… làm tôi ngỡ như mình không ở trên đất Kyrgyzstan, cứ ngỡ như đang ở nhà với ba má, với ngoại tôi, ở miền đất quanh năm nắng ấm – miền Nam đất Việt.

Chia tay không dám ngoái đầu…

Làng quê Shaty, đêm lạnh thảo nguyên về, rúc trong chăn ngắm trăng khuya, khúc khích cười đùa với những đứa cháu trong nhà, nghe những câu chuyện xưa… rồi lơ mơ chìm trong giấc Nam Kha lặng lẽ, đã lâu lắm rồi tôi mới có lại. Sớm mai, mùi hương bánh mì chiên boorsok thơm ngào ngạt và tôi được quây quần bên ấm samova uống trà cùng cả nhà trước khi ra đồng.
Xúc động hơn nữa khi chuyện trò với Baha, lúc chúng tôi dạo bước trên đường quê. Cậu chia sẻ cho tôi về cuộc sống còn nhiều khó khăn nơi đây. Làng quê nghèo, kẻ xa lạ tôi sao được đón chào chân tình quá vậy? Rồi Baha nói về những ước mơ, dự tính đơn sơ mộc mạc nhưng tôi nghe sao đắng nghẹn. Tôi cũng có những giấc mơ mọn. Chỉ mong được đi đây đi đó, vậy thôi. Nhưng giờ sao tôi thấy chúng quá nhỏ nhen vị kỷ.
Cuối cùng tôi không đi Karkara. Tôi đã hứa với Baha là sẽ đợi để cùng đi, bây giờ cậu không đi được, tôi cũng sẽ không đi. Những ngày cuối mùa hạ, làng quê đang rất bận rộn trong việc chuyển gia súc từ thảo nguyên về, chuẩn bị rơm cỏ cho ngày đông tháng giá. Tôi chia tay làng nhỏ, gia đình Baha, giờ đã là gia đình Kyrgyz của tôi… Một sớm mai Shaty trong trẻo đến nao lòng, tôi ra đi, không một lần dám ngoái đầu lại. Vì biết, tôi đã để lại nơi đây một mảnh hồn.

Theo SGTT

Không có nhận xét nào: