Tiếng côn trùng từ lâu đã trở thành đề tài trong văn học, thi ca của người Nhật Bản. Chúng còn là dấu hiệu giúp con người nhận biết thiên nhiên đang giao mùa.
Vào thời Heian, thế kỷ thứ VIII, nhiều thi sĩ đã cho ra đời những tuyệt tác thi ca lấy cảm xúc từ tiếng kêu của côn trùng. Đến thời Edo, thú tiêu khiển nghe âm thanh của côn trùng không còn là đặc thù của giới quý tộc mà đã lan rộng trong dân chúng. Lúc bấy giờ, ở khu vực thành thị, người ta bắt đầu bày bán những loài côn trùng phát ra tiếng kêu. Nghề kinh doanh này được duy trì cho đến tận ngày nay. Vào giai đoạn cuối thu, các cửa hàng côn trùng ở Nhật khẩn trương chuẩn bị những hộp dế Suzumushi hay còn gọi là dế chuông để đưa ra thị trường.
Người Nhật đã bán những hộp dế từ thời Edo
Dế suzumushi rất được người Nhật ưa chuộng bởi âm thanh do chúng phát ra không quá inh tai mà đều đặn, trầm bổng như tiếng phong linh đung đưa trong gió. Những hộp dế suzumushi được người mua gìn giữ cho đến tận mùa đông, khi đó, tiếng dế gáy sẽ giúp xóa tan cảm giác lạnh lẽo của tiết trời giá rét. Lắng nghe âm thanh của côn trùng đã trở thành nét văn hóa của người Nhật, nó thể hiện sự gắn kết giữa con người với tự nhiên.
Những hộp dế suzumushi được thiết kế đẹp mắt
Côn trùng không chỉ là đề tài trong thơ ca mà chúng còn xuất hiện trong nhiều lĩnh vực khác và một trong số đó là nghệ thuật gói quà Origata truyền thống của Nhật Bản. Tác phẩm hình bươm bướm là khuôn mẫu điển hình trong kỹ thuật Origata. Theo phong tục của người Nhật, nó dùng để làm quà tặng trong các sự kiện vui với ý nghĩa cầu chúc những điều tốt đẹp, thuận lợi.
Tác phẩm hình bươm bướm là khuôn mẫu điển hình trong nghệ thuật Origata
Và đây là một con bướm được xếp theo nghệ thuật Origami
Loài bướm có màu sắc đẹp và đôi cánh mềm mại nên từ xa xưa, người Nhật đã dùng hình ảnh của bươm bướm để trang trí. Lâu đài Himeji ở tỉnh Hyogo đã được công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 1993. Hoa văn hình bươm bướm là một trong số những mẫu trang trí tinh xảo trên mái ngói của lâu đài.
Hoa văn hình bướm tinh xảo trên mái ngói của lâu đài Himeji
Trong vòng đời sinh trưởng, bươm bướm trải qua nhiều giai đoạn từ sâu bướm, sâu hóa thành nhộng, từ trong kén nhộng phát triển thành bướm và chui ra ngoài. Do đặc tính đó, nên người Nhật quan niệm rằng bươm bướm là biểu tượng cho sự tái sinh.
Bướm là biểu trưng cho sự tái sinh
Trong nghệ thuật trang trí, người Nhật sử dụng trên 70 mẫu hoa văn hình bươm bướm khác nhau. Mỗi mẫu hoa văn mang một sắc thái riêng, đó có thể là một cánh bướm riêng lẻ, đôi bướm đang tung cánh hay nhiều cánh bướm cùng kết hợp với nhau.
Có đến 70 hoa văn hình bướm khác nhau trong nghệ thuật trang trí ở Nhật Bản
Chiếc chuông đồng Dotaku được dùng trong các dịp tế lễ vào thời Yayoi, cách nay khoảng 2.000 năm. Qua nhiều thế kỷ, chiếc chuông vẫn được bảo quản rất tốt. Chúng ta có thể thấy rõ trên thân chuông có nhiều hình chạm nổi trang trí. Và loài côn trùng được chạm khắc trên chiếc chuông này là chuồn chuồn.
Chuông đồng Dotaku
Chuồn chuồn là loài vật rất thân thuộc trên những cánh đồng lúa, người Nhật xưa gắn bó với nông nghiệp, họ dùng hình ảnh của chuồn chuồn để cầu nguyện cho vụ mùa bội thu.
Người Nhật xem chuồn chuồn là biểu tượng khai sinh đất nước. Truyền thuyết kể rằng, Thiên hoàng Jimmu – vị thiên hoàng đầu tiên của nước Nhật – khi từ thiên đàng bay xuống trần gian, ông nhận thấy quần đảo mà ông sắp cai quản có hình dáng giống con chuồn chuồn. Ông quyết định đặt tên cho nó là “Đảo Chuồn chuồn”, tiếng Nhật gọi là “Akitsu shima”. Đó cũng là tên cổ dùng để gọi đất nước Nhật Bản.
Người Nhật cũng xem chuồn chuồn là biểu tượng của chiến thắng. Điều này xuất phát từ câu chuyện về Thiên hoàng Yuryaku – vị thiên hoàng thứ 21 của nước Nhật. Trong một lần đi săn, Thiên hoàng Yuryaku bị một con mòng cắn vào tay. Ngay lập tức, một con chuồn chuồn từ đâu bay đến tấn công con mòng.
Vì là biểu tượng của chiến thắng nên hình ảnh chuồn chuồn được dùng làm vật trang trí trên nón sắt của các chiến binh samurai ngày xưa với hàm ý họ sẽ đánh bại kẻ thù trên chiến trường.
Hoa văn hình chuồn chuồn trên chiếc nón và thanh kiếm của các chiến binh Samurai…
….và trên một số vật dụng khác
Chuồn chuồn còn là con vật tượng trưng cho may mắn. Chính vì vậy, bên cạnh họa tiết của loài bướm thì hình ảnh chuồn chuồn rất phổ biến trên những chiếc áo kimono truyền thống và các món đồ thủ công khác ở Nhật Bản.
Thanh Tâm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét