Thứ Tư, 28 tháng 9, 2011

(THVL) Cây tuyết tùng trong cuộc sống người Nhật

70% diện tích của nước Nhật là địa hình đồi núi. Rừng chiếm khoảng 67% tổng quỹ đất, trong đó, 20% là rừng tuyết tùng. Từ tháng 2 đến tháng 4 hàng năm là thời điểm tuyết tùng nở hoa.
Từ xưa, cây tuyết tùng là nguồn cung cấp gỗ quan trọng của người Nhật. Họ dùng nó để xây nhà, làm vật dụng, chất đốt trong sinh hoạt và sưởi ấm. Ngày nay, vai trò của gỗ tuyết tùng vẫn không thay đổi. Các cánh rừng tuyết tùng ở Nhật được chia ra thành từng khu và có người quản lí. Để có những thân gỗ tuyết tùng đẹp, chất lượng tốt, người quản lí phải chặt bỏ bớt cây xấu và tỉa cành để ánh nắng chan hòa khắp khu rừng.

Rừng cây tuyết tùng xuất hiện khắp nơi trên đất nước Nhật Bản


Vào những năm 1950, Nhật Bản đẩy mạnh trồng cây tuyết tùng. Chẳng bao lâu, những cánh rừng tuyết tùng non bạt ngàn bắt đầu xuất hiện, chúng tập trung chủ yếu ở những vùng có khí hậu ấm áp.
Nghề giữ rừng cũng được hình thành từ đây. Nhiệm vụ của những người giữ rừng là bảo vệ và chăm sóc rừng, đổi lại họ sẽ nhận được nguồn lợi từ rừng. Quá trình phát triển các khu rừng tuyết tùng đã giúp ngành lâm nghiệp Nhật Bản thừa khả năng cung ứng gỗ cho thị trường. Diện tích rừng tuyết tùng không ngừng gia tăng. Tuy nhiên, nó lại nảy sinh một vấn đề y tế – xã hội ở Nhật: căn bệnh dị ứng liên quan đến phấn hoa tuyết tùng.
Những chùm hoa tuyết tùng chứa một khối lượng phấn hoa khổng lồ. Khi những đợt gió mạnh thổi qua, phấn hoa tuyết tùng bị cuốn theo, hòa lẫn trong không khí và trở thành nguyên nhân gây ra chứng dị ứng phấn hoa cho nhiều người. Phấn hoa tuyết tùng là thủ phạm của các triệu chứng dị ứng như hắt hơi, chảy nước mắt, nước mũi và nghẹt mũi khó thở. Các triệu chứng trên xuất hiện khi virus hoặc các yếu tố môi trường khác xâm nhập vào cơ thể của những người quá mẫn cảm qua đường hô hấp mũi và miệng. Dị ứng phấn hoa, tuy không gây tử vong, nhưng từ lâu, nó đã trở thành căn bệnh theo mùa gây phiền toái cho nhiều người.

Phấn hoa tuyết tùng gây ra căn bệnh dị ứng theo mùa phổ biến ở Nhật Bản


Năm 1964, lần đầu tiên Nhật Bản chính thức xác nhận căn bệnh dị ứng có liên quan trực tiếp đến phấn hoa tuyết tùng. Kể từ sau năm 1964, số bệnh nhân được chẩn đoán mắc chứng dị ứng phấn hoa tuyết tùng trên cả nước Nhật không ngừng gia tăng. Hiện nay, con số này ước tính khoảng 30 triệu người. Điều đó có nghĩa là cứ 4 người Nhật thì có 1 người bị dị ứng với phấn hoa tuyết tùng.
Theo số liệu thống kê của ngành y tế Nhật Bản, tỉ lệ người Nhật mắc bệnh dị ứng theo mùa có sự thay đổi đột biến theo từng thời kỳ. Cụ thể như sau: trong số những người Nhật sinh ra trước năm 1955, giai đoạn từ năm 1945 đến năm 1954, tỉ lệ mắc bệnh dị ứng là 40%. Thế nhưng, đối với những người ra đời trong và sau năm 1955, tỉ lệ mắc bệnh dị ứng tăng vọt, lên đến 80%.
Nguyên nhân của tình trạng trên được cho là xuất phát từ chế độ dinh dưỡng, trong đó có thịt gia súc và gia cầm. Các loại thịt này, đặc biệt là thịt bò, có chứa vi khuẩn Gram âm. Trong vi khuẩn này có chứa nội độc tố tên gọi Endotoxin. Endotoxin cũng là tác nhân làm gia tăng lượng kháng thể IgE – dạng kháng thể có nhiều trong máu của những người có cơ địa dị ứng.
Thông thường, hệ miễn dịch của con người có 2 loại tế bào kháng thể bao gồm tế bào miễn dịch sản sinh ra kháng thể IgE và tế bào miễn dịch có chức năng tấn công, tiêu diệt vi khuẩn có hại. Đối với những em bé mới chào đời, hệ miễn dịch của chúng chưa phát triển hoàn thiện vì vậy, kháng thể cũng chưa định hình một cách hoàn chỉnh.
Trong quá trình nuôi dưỡng, các em bé này được người lớn cho ăn dặm nguồn đạm từ thịt ngay từ giai đoạn chưa đến 1 tuổi, nội độc tố endotoxin cũng theo đó vào trong cơ thể các em, chúng tạo ra tế bào miễn dịch có chức năng tiêu diệt vi khuẩn.
Tuy nhiên, không dừng lại ở đó, endotoxin tiếp tục biến đổi hóa học để hình thành nên tế bào miễn dịch sản sinh kháng thể IgE. Từ khi mới sinh đến 1 tuổi là giai đoạn hoàn thiện hệ miễn dịch, đó cũng là lí do tại sao tế bào miễn dịch tạo IgE lại giữ vai trò chủ lực trong hệ miễn dịch của những người mẫn cảm được tiếp xúc với thịt động vật quá sớm.
Nguồn thực phẩm cung cấp cho những người sinh ra trước năm 1954 chủ yếu là sản phẩm nông nghiệp. Đối với trẻ em, phải đến 1 tuổi các bé mới được cho ăn dặm đạm động vật. Thế nhưng, đối với những thế hệ ra đời sau năm 1955 – giai đoạn kinh tế Nhật Bản tăng trưởng mạnh mẽ, trẻ em, đặc biệt là ở khu vực thành thị, khi mới 1 tuổi, các bé đã được tiếp cận với thịt bò và các loại thịt khác.
Ngoài ra, đây cũng là thời điểm Nhật Bản đẩy mạnh trồng cây gây rừng, diện tích rừng tuyết tùng không ngừng gia tăng. Cùng với chế độ dinh dưỡng nhiều đạm nêu trên, sự lan tỏa rộng của phấn hoa tuyết tùng là những nguyên nhân chính dẫn đến hệ quả tỉ lệ người Nhật mắc bệnh dị ứng phấn hoa chiếm đến ¼ tổng dân số.
Để giúp những người quá mẫn cảm đối phó với căn bệnh dị ứng, các nhà sản xuất đã cho ra đời nhiều sản phẩm chuyên dụng. Trong đó, mặt nạ chống dị ứng là mặt hàng được ưa chuộng nhất. Đến mùa hoa tuyết tùng nở, mặt nạ trở thành vật bất ly thân của một số người, nó giúp họ bảo vệ mũi và miệng, nơi phấn hoa xâm nhập vào cơ thể.
Trong cuộc chiến với căn bệnh dị ứng theo mùa này, ngành y tế giữ vai trò rất quan trọng. Hiện nay, trên thị trường dược phẩm ở Nhật có trên 100 sản phẩm chống dị ứng phấn hoa. Chiếm số lượng nhiều nhất là các loại thuốc nước dùng để xịt mũi và thuốc rửa mắt. Tuy nhiên, chúng chỉ mang tính chất điều trị tạm thời.

Nếu không thích sử dụng dược phẩm dạng này, những bệnh nhân dị ứng phấn hoa có thể chọn cách điều trị. Chẳng hạn như một cuộc tiểu phẫu can thiệp vào niêm mạc mũi - một phần của hệ hô hấp tiếp thu phấn hoa từ môi trường. Khi người bị dị ứng hít phải một tác nhân gây dị ứng nào đó, các tế bào bên trong mũi, hay còn gọi là niêm mạc mũi, sẽ phản ứng, gây sưng viêm. Cuộc tiểu phẩu sẽ ngăn chặn sự phản ứng của tế bào niêm mạc. Tuy nhiên, thời gian người bệnh miễn dịch với chứng dị ứng phấn hoa sau khi can thiệp vào niêm mạc mũi chỉ kéo dài trong 3 năm.

Đi du lịch cũng là một giải pháp chống dị ứng mà nhiều người Nhật lựa chọn. Thị trấn Kamishi-horo ở tỉnh Hokkaido thuộc miền bắc Nhật Bản – nơi có khí hậu lạnh giá, nhiệt độ trung bình thường rất thấp nên cây tuyết tùng không thể sinh trưởng được. Chính vì vậy, Kamishi-horo là địa điểm lánh nạn ưa thích của những người mắc bệnh dị ứng phấn hoa tuyết tùng.

Trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 4, lượng khách du lịch đến Kamishi-horo tăng đột biến, họ đi tự túc theo nhóm hoặc theo tour của các công ty lữ hành. Dạng du lịch tránh dị ứng này ra đời vào năm 2006, trong đó, khách đến từ Tokyo chiếm số lượng đông nhất.
Các nhà khoa học cũng đã cho ra đời giống tuyết tùng mới, sản sinh rất ít phấn hoa. Vào giai đoạn trưởng thành, lượng phấn hoa của chúng chỉ bằng 10% so với tuyết tùng thông thường. Phấn hoa tuyết tùng là nguyên nhân chính gây nên chứng dị ứng phấn hoa, vì vậy, giống tuyết tùng mới này có ý nghĩa rất quan trọng.

Cho đến nay, khoảng 2.500 vườn ươm giống tuyết tùng ít phấn hoa được thành lập tại các khu lâm nghiệp. Giống cây rừng mới này hiện đang được đẩy mạnh canh tác trên toàn lãnh thổ Nhật Bản. Mỗi năm, có đến 1 triệu cây tuyết tùng ít phấn hoa được trồng xuống đất.
Sự ra đời của giống tuyết tùng ít phấn hoa và tuyết tùng không phấn hoa mở ra hy vọng về một nền lâm nghiệp tuyết tùng an toàn cho những người có cơ địa quá nhạy cảm.
Thanh Tâm
 

Không có nhận xét nào: