Thứ Tư, 28 tháng 9, 2011

Thả trôi phiền muộn trên sông Main

Ấn tượng đầu tiên của tôi khi đặt chân tới nơi đây là hình ảnh bình dị và cổ kính của những gác chuông nhà thờ in trên nền trời xanh thẫm, của những toa tàu điện chạy lóc cóc trên đường ray giữa những con phố nhỏ, hay tiếng rì rào trên những hàng cây phong trong ánh nắng hè dường như không muốn tắt. Và hơn hết, là sông Main êm ái, hiền hoà.
Có thể, chúng ta đã đi qua rất nhiều thành phố bên bờ những dòng sông. Nhưng không phải dòng sông nào cũng làm ta nhớ. Càng ít hơn những thành phố mang tên một dòng sông. Cái tên Frankfurt am Main, lúc đầu chỉ được dùng để phân biệt thành phố trên sông Main này với một Frankfurt khác – Frankfurt an der Oder nằm ngay biên giới với Ba Lan. Ở Đức có rất nhiều địa danh trùng lặp và được phân biệt đơn giản vậy. Frankfurt lớn mà không ồn ào, bận rộn mà không mệt nhọc, nhiều dân nhập cư mà không xô bồ, lại có sông Main trôi qua.
Không nổi tiếng như dòng Danube xanh biếc, hay Seine thơ mộng, hay Themes trầm tư, Main có một vẻ duyên dáng thôn quê, chẳng ăn nhập gì với những toà nhà cũ kỹ uy nghi hay những ngọn tháp mới mẻ hiện đại. Main chảy hờ hững giữa bao tấp nập bộn bề của những cần cẩu, xe ủi đất, ximăng và sắt thép; giữa những dòng xe và người hối hả. Thỉnh thoảng lại có một chiếc thuyền hay một con tàu chở du khách hụ còi lướt qua, làm giật mình đàn thiên nga lười biếng.
Nhưng Main có một nét rất đặc trưng của Frankfurt: không già và không trẻ, vừa chỉn chu, ngăn nắp vừa mềm mại nên thơ. Nếu thả bộ từ bờ sông, đi qua những vỉa hè lát đá về khu phố cổ, rồi sau đó tới Zeil, con đường nhộn nhịp với những trung tâm mua sắm hiện đại nhất. Ta có thể mường tượng được cách mà người Đức ở đây trùng tu khoảng 4.000 toà nhà cổ và xây nên những toà nhà mới trên nền đổ nát của đệ nhị Thế chiến. Phía trong những bức tường tạm của các công trình dang dở, bên ngoài là những quán bia với những đôi bạn già hay những công chức vừa tan sở ngồi nhấm nháp rất thong dong. Người ta thường nói đùa là ở Đức, trong ba chữ B nằm trong bier (bia), Bach và Beethoven (tên hai nhạc sĩ lớn người Đức), thì chữ B thứ nhất có vẻ quan trọng nhất!
Những tiếng chuông không lỗi hẹn
Người Đức thông thái, nhanh nhẹn và trầm tĩnh, có vẻ ngoài lạnh lùng nhưng lại biết cảm thông. Có thể nói không ngoa rằng, tính cách Đức đã vực dậy thành phố từng bị chiến tranh tàn phá nặng nề này.
Frankfurt am Main, hay “Vũng nước cạn của người Frank” là thành phố lớn thứ năm của nước Đức. Với dân số khiêm tốn khoảng 670.000 người, trung tâm tài chính lớn của thế giới có trụ sở của hơn 200 ngân hàng và sở giao dịch chứng khoán lớn hàng đầu thế giới. Đây cũng là thành phố hội chợ và là đầu mối giao thông quan trọng nhất châu Âu, với sân bay, nhà ga đồ sộ và tấp nập bậc nhất thế giới.
Thành phố này có khoảng gần 1 triệu người với tỷ lệ 96% số người trong độ tuổi lao động có việc làm ổn định. Nơi cứ một trong ba cư dân là người nước ngoài và ba trong năm đứa trẻ sinh ra mang dòng máu của dân nhập cư, Frankfurt trước hết vẫn là một thành phố đậm đà bản sắc Đức, với cảnh trí, thiên nhiên, con người và lịch sử điển hình Đức.
Nếu đến xem ngôi nhà tuổi thơ của Goethe, bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy nhiều di vật của đại thi hào, được sinh ra và sống 16 năm đầu đời ở đây, như chiếc bàn mà cậu bé tài năng đã từng kiễng chân để viết những dòng thơ non nớt, được gìn giữ chu đáo tới mức nào. Một ngày bình thường ở đây cũng có thể cho ta những ngạc nhiên nho nhỏ về tính cách Đức. Nếu lỡ đánh rơi mấy tấm vé lên tàu du ngoạn trên sông Main, xin đừng quá lo lắng. Bạn có thể quay lại quầy bán vé, nhỏ nhẹ trình bày: “Anh có nhớ tôi không? Khoảng một tiếng trước tôi có trả tiền mua vé cho cả nhà ở đây, nhưng chờ đến giờ lên tàu, tôi đã lỡ vứt chúng đi vào sọt rác”. Chẳng hiểu có nhận ra bạn giữa hàng trăm du khách hay không, anh bán vé khẽ gật đầu và rời chỗ, ra hiệu cho bạn cùng quay lại cầu tàu. Nói nhanh gì đó với cô soát vé, anh khoát tay ra hiệu cho bạn và gia đình lên tàu. Nếu ở đất nước mình thì mọi chuyện ra sao, bạn thử nghĩ xem?
Trong lúc ngắm cảnh mặt trời rơi từ từ xuống mặt nước sông, tôi ngẫm nghĩ: Frankfurt và những thành phố Đức không có vẻ nguy nga tráng lệ của Paris, London hay St. Petersburg. Vậy thành phố này có gì hấp dẫn?
Nhìn cây Cầu Cũ và nóc nhà thờ Tin lành St. Catherine đang khuất dần trong ánh chiều tà, tôi chợt nhận ra vẻ bình yên và đáng tin cậy lạ lùng của Frankfurt. Tuy không được nghe những tiếng nhạc du dương như ở các vườn hoa thành Vienna, ta có thể an tâm là cuộc sống dù còn bao khó nhọc cuối cùng sẽ tốt đẹp. Và, chờ đợi tiếng 50 quả chuông nhà thờ sẽ đồng loạt gióng lên trong vòng nửa tiếng đồng hồ vào các chiều thứ bảy, bốn lần trong năm: trước đêm Giáng sinh, chủ nhật Phục sinh, tuần đầu Mùa vọng và trước lễ mùa gặt Pentecost. Những tiếng chuông Đức không bao giờ lỗi hẹn.
Theo SGTT

Không có nhận xét nào: