Nghệ thuật xăm mình horimono của Nhật bản có bề dày lịch sử rất lâu đời. Mỗi hình xăm truyền thống đều mang một ý nghĩa riêng, gắn liền với văn hóa, lịch sử và đời sống của người dân đất nước Mặt trời mọc.
Nghiên cứu về nghệ thuật xăm mình, khi giải nghĩa thuật ngữ có nguồn gốc xuất phát từ Polynesia này (từ tattoo là từ mượn của từ tatau trong tiếng Polynesia), một số nhà nghiên cứu đi theo mối liên hệ giữa ngữ nguyên của nó với các từ “ta” - nghĩa là bức tranh và “atu” - nghĩa là linh hồn. Còn một số khác lại đi theo mối liên hệ với tên của vị thần Tiki, là vị thần trong truyền thuyết, người đã dạy cho người dân Polynesia cách trang điểm cơ thể họ.
Thế nhưng, lịch sử của tattoo lại không phải bắt đầu trên những hòn đảo của Thái Bình Dương. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy những pho tượng nhỏ thời kỳ đồ đá mới tại Hungary có niên đại 5.000 năm trước Công nguyên. Trên ngực và phần mông của những khối hình người cổ đại này có các trang trí hoa văn.
Dù cho rằng khu vực châu Á Thái Bình Dương không phải là nơi khởi nguồn của nghệ thuật xăm, nhưng đây chính là nơi mà loại hình nghệ thuật này đạt được sự phát triển đỉnh cao. Và minh chứng không thể tranh cãi đó chính là nghệ thuật xăm của Nhật Bản. Từ thế kỷ thứ VI, những kẻ phạm tội ở đất nước Mặt trời mọc bị đánh dấu bằng thích chữ hoặc hình ảnh. Công việc này trong tiếng Nhật gọi là “nesaku”. Trên cơ thể những kẻ vi phạm pháp luật thời đó, người ta thậm chí có thể đọc được toàn bộ tiểu sử phạm tội của anh ta. Cùng với thời gian, công việc xăm mình của Nhật Bản đã phát triển và dần trở thành một môn nghệ thuật đích thực với tên gọi horimono. Nó phát triển rực rỡ vào nửa sau của thế kỷ XVIII.
Sự phát triển rộng rãi của hiromono có được không chỉ bởi vẻ đẹp thẩm mỹ mà còn nhờ vào ảnh hưởng của các nhân tố xã hội. Năm 1603, Tokugawa Ieyasu sau khi gây sức ép buộc hoàng đế Nhật Bản phong cho mình tước hiệu Shōgun (Tướng quân), đã giành lấy chính quyền. Và như vậy, một triều đại thống trị mới được thành lập, thủ đô của Nhật Bản được đặt tại thành phố Edo (Giang Hộ) – đánh dấu sự bắt đầu thời kỳ Edo.
Trong thời gian Tokugawa Ieyasu trị vì, những tranh chấp giữa các phe phái đã nổ ra và được ghi dấu bằng không ít xương máu của người Nhật. Tuy nhiên, chính quyền cuối cùng đã giành được mục đích của mình – thành lập một đất nước Nhật Bản thống nhất. Trên tư tưởng của vị tướng quân đầy nhiệt huyết, mang mong muốn thiết lập kỷ cương quân sự cho khắp mọi nơi, bộ luật của Samurai (Bộ luật Võ sĩ đạo) đã được thành lập.
Bộ luật này dựa trên nền tảng tư tưởng triết học của đạo Khổng về “chính nhân quân tử”, người tuân theo các chuẩn mực đạo đức và dành trọn cuộc đời phục vụ cho quân vương. Tuy nhiên, về sau này, tướng quân Tokugawa Ieyasu không bắt buộc giới quân sự phải sống theo các quy tắc của đạo Khổng và tương tự cả với tầng lớp dân chúng.
Những nỗ lực của giới cầm quyền nhằm củng cố chuẩn mực đạo đức trong mọi mặt đời sống gây bất mãn trong dân chúng. Tuy nhiên, người dân không bao giờ dám công khai thể hiện sự bất mãn đó ra. Và chính lúc này, nghệ thuật xuất hiện như là một cách để người dân bày tỏ quan điểm của mình.
Thế kỷ XVII đánh dấu sự xuất hiện của rạp hát tại các thành phố của Nhật Bản, cũng như sự xuất hiện của thể loại tiểu thuyết khêu gợi trong văn học. Những mô típ dân gian khá xa lạ với chuẩn mực đạo đức Khổng giáo thường được sử dụng.
Chủ đề của nét văn hóa thành thị kiểu mới – mang tên gọi “Ukiyo” – không còn là trách nhiệm trước cộng đồng hay chính quyền nữa mà là những bi kịch riêng, tình cảm của mỗi cá nhân trong đó. Đó cũng chính là những gì mà sử thi dân gian đề cập đến.
Nghệ thuật xăm mình Horimono trở thành nơi để nghệ nhân “chạm trổ” với đầy cảm hứng các nhân vật anh hùng, những cảnh đáng nhớ trong các câu truyện truyền thuyết dân gian. Và đó cũng là cách tầng lớp bình dân trong thành phố thể hiện sự đối lập thông qua văn hóa nghệ thuật: hình ảnh những nhân vật dân gian trên cơ thể là minh chứng rằng, chủ nhân của tác phẩm đó đang sống như cách anh ta cho là đúng, chứ không phải như cách mà các luật định hà khắc bắt buộc phải tuân theo.
Đôi khi, những hình mẫu truyền thống còn bị bóp méo trong hệ tư tưởng chống đối Samurai. Ví dụ như hình ảnh cá chép ở viễn Đông được coi là biểu tượng của sự cương nghị, kiên cường. Còn với hình xăm, nó được thể hiện như một trong những biểu tượng cho những người không chịu khuất phục trước tầng lớp quý tộc có quyền lực quân sự. Nguyên nhân là ở chỗ chính quyền cấm dân chúng tổ chức hội hè.
Vào ngày Tết trẻ em (ngày mùng 5/5), khi mà các gia đình Samurai trưng mũ giáp cùng các loại vũ khí trước cổng và hàng rào của nhà, thì các gia đình thường dân treo những lá cờ hình con cá chép bằng giấy nhằm đả kích sự khoe khoang lòng dũng cảm quý tộc.
Điều này cũng diễn ra tương tự với nhân vật Kintaro (Cậu bé vàng). Nhân vật phổ biến nhất của văn hóa dân gian Nhật Bản này được thể hiện như một chiến binh vĩ đại, một Samurai đích thực. Tuy nhiên, trên các hình xăm hiếm khi nhìn thấy hình ảnh Kintaro cầm kiếm hay mang mũ giáp. Trong dân chúng rất phổ biến hình ảnh của cậu khi còn thơ bé, khi mà cậu được mẹ nuôi trong rừng và dành phần lớn thời gian chơi đùa cùng với muông thú. Trên các hình xăm, thay vì hình ảnh chiến binh, họ thể hiện một cậu bé bình thường với lòng can đảm, kiên cường, tràn đầy tình yêu thương với người thân và có mối liên hệ bền chặt với thế giới tự nhiên.
Tuy nhiên, chúng ta cần nhấn mạnh rằng, phần lớn các hình xăm nghệ thuật Horimono cần được nhìn nhận theo tư tưởng truyền thống, chứ không phải chỉ bằng cái nhìn với văn hóa dân gian bên lề thành phố.
Sau đây là những lý giải cặn kẽ về những hình xăm của đất nước Nhật Bản:
1. Jurōjin - (Thọ Lão Nhân) vị thần thông thái và trường thọ. Cây trượng thiêng của ngài cuộn tròn ở phía trên đầu, tương truyền trong đó chứa đựng bí mật về muôn loài, cùng với những bí quyết trường sinh bất tử. Trong các hình xăm, Jurōjin được thể hiện bằng hình ảnh một cụ già thông thái đội chiếc mũ hiền triết.
2. Hotei - (Bố Đại, hiện thân của phật Di Lặc) vị thần đầy lòng từ bi mang lại hạnh phúc. Ông có chiếc bụng lớn mập tròn tượng trưng cho tấm lòng rộng lượng bao dung.
3. Khuôn mặt - biểu tượng cho tiếng nói của chính quyền Samurai, là hình ảnh của người dân thành thị dũng mãnh và dữ tợn.
4. Chim hạc - một biểu tượng khác của sự trường thọ, người bạn đồng hành thủy chung của Jurōjin. Một số nơi tin rằng những người giác ngộ đạo lý sẽ được chim hạc đưa lên thiên đình, trở thành bất tử.
5. Kintaro (Cậu bé vàng) - nhân vật thần thoại dân gian Nhật Bản, giúp vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Cậu được sinh ra ở vùng núi và ngay từ bé đã có những năng lực phi thường. Do không có những đứa trẻ khác sống cùng để làm bạn, Kintaro đã kết bạn với muông thú. Cậu học và hiểu được tiếng nói của muôn loài.
6. Hamaraki - dùng để bảo vệ linh hồn khỏi những thế lực ác hại bên ngoài (là một bộ phận trong trang phục chiến đấu của Samurai). Hamaraki là dây đai đặc biệt được các Samurai buộc quanh bụng. Trong văn hóa Nhật Bản, bụng - hara - được coi là vùng tập trung sinh lực, nơi chứa đựng linh hồn, vì vậy cần được đặc biệt chú ý.
7. Mẫu đơn - biểu tượng chống lại những thế lực xấu. Cần biết rằng, mẫu đơn vốn được coi là biểu tượng theo truyền thống Trung Quốc. Ở đây ta có thể nhận ra sự chống đối với cúc đại đóa, là biểu tượng truyền thống của gia đình hoàng tộc Nhật Bản.
8. Thư pháp - chữ ký của nghệ nhân. Nghề xăm mình nghệ thuật - horisi khá được coi trọng ở Nhật, vì vậy, những người có tay nghề không ngần ngại ghi dấu ấn riêng của mình bằng phong cách thể hiện cùng với chữ ký.
9. Rồng - biểu tượng cho sức mạnh, sự thông thái và phồn vinh. Hình ảnh rồng luôn có quan hệ chặt chẽ với hình ảnh cá chép, vốn dĩ lớp vảy của rồng là vảy của loài cá này. Hình tượng về rồng ở phương Đông rất khác biệt với rồng ở phương Tây. Ở Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, rồng là sinh vật của cõi âm, là sinh vật phù trợ thần thánh, có thể hút nước phun mây. Rồng mang lại sự thịnh vượng và giàu có, kết nối cả ba vùng đất, nước và bầu trời: sống dưới nước, có chân để di chuyển trên cạn và có thể bay trên trời.
10. Lá phong - biểu tượng của trường thọ (cây phong có thể sống đến 200 tuổi). Tuy nhiên, hình ảnh cây phong (đặc biệt trong hội họa) lại là biểu tượng cho mùa thu, sự già cỗi và biến đổi khắc nghiệt của thời gian.
11. Cá chép - biểu tượng của sự kiên định, cứng cỏi và sức mạnh nam tính. Những đức tính này có được là nhờ sức sống phi thường của chúng. Trong các truyền thuyết, cá chép cũng được coi là loài cá linh thiêng. Hình ảnh cá chép xăm trên mình có ý nghĩa mang đến cho chủ nhân của nó sức khỏe, trường thọ và con đàn cháu đống.
12. Kintaro trưởng thành: Trong một vài trường hợp hiếm hoi, cậu bé vàng được thể hiện trên các hình xăm như một chiến binh trưởng thành khoác trang phục Samurai và cầm dao găm. Tuy nhiên, bối cảnh thì không hề thay đổi, cậu chiến đấu với một con cá chép dũng mãnh. Bối cảnh quen thuộc này thể hiện năng lực phi thường của người anh hùng nhỏ tuổi.
13. Màu đỏ – tượng trưng cho cuộc sống, hạnh phúc và bảo vệ khỏi bệnh tật cùng những thế lực xấu xa. Trong thời kỳ Edo, phần lớn cư dân không được mặc trang phục màu đỏ. Tuy nhiên, với hình xăm thì không hề bị cấm. Nhờ vậy mà dần dần điều cấm kỵ này được gỡ bỏ.
14. Cúc đại đóa - tượng trưng cho sự hoàn mỹ, một trong những biểu tượng chính của đất nước Mặt trời mọc.
Theo VTCnews
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét