Thứ Bảy, 16 tháng 6, 2012

Thưởng thức café kiểu... Áo với giá 8.000 đồng


Nguyễn Nguyệt , Theo Wien
Ở thủ đô Viên, nước Áo, “mặt hàng” tiêu thụ chủ yếu ở các quán café là thời gian và không gian, nhưng chỉ có café là được ghi trên hóa đơn với giá chỉ 8.000 đồng một tách.
Phong cách café truyền thống của Viên mới đây đã chính thức được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể như một “hoạt động xã hội điển hình”. Tiếp theo loại hình dạ tiệc khiêu vũ truyền thống và phong cách hát đổi giọng trầm sang giọng kim (Wiener Dudeln), văn hóa café là di sản văn hóa phi vật thể thứ 3 của Thủ đô nước Áo được UNESCO công nhận.
 

Một bồi bàn đang pha chế một tách café sữa trong một quán café ở Viên.
 

Văn hóa uống café độc đáo ở Viên đã được UNESCO
công nhận di sản phi vật thể của thế giới.
 
Ở Viên, quán café còn được gọi là phòng khách công cộng. Người ta nói rằng, nếu không có các quán café thì thủ đô Viên chỉ còn thú vị một nửa. Quán café đầu tiên tại đây xuất hiện từ cuối thế kỷ thứ 17 và mang một bầu không khí rất đặc trưng.
 

Các quán café cũng phục vụ cả các loại đồ uống có cồn nếu như khách yêu cầu.
 

Bồi bàn luôn có thái độ niềm nở và tận tình.
 
Không giống như văn hóa café ở các nước khác trên thế giới, người dân thủ đô Viên cảm thấy hết sức bình thường khi nấn ná vài giờ đồng hồ và đọc các loại báo có ở khắp nơi trong một quán café. Cùng với café, bồi bàn luôn phục vụ kèm một cốc nước mát và trong suốt thời gian vị khách nán lại, họ sẽ được cung cấp nước uống liên tục mà không cần yêu cầu.
 

Nhiều tác giả nổi tiếng thường chọn các quán café
làm địa điểm viết lách và giải trí.
 

Nội thất của một quán café kết hợp nhiều phong cách, từ thoải mái
đến sang trọng và phong cách.
 
Các phòng khách công cộng thường có điểm đặc trưng là các bàn đá cẩm thạch, những chiếc ghế dựa, ghế lô, bàn báo và nội thất thiết kế theo phong cách Chủ nghĩa lịch sử.
 

Một gian hàng bày bán các loại đồ ăn nhẹ trong quán café.
 
Thời hoàng kim của các quán café ở Viên là vào thế kỷ thứ 19, khi các tác giả nổi tiếng như Peter Altenberg, Alfred Polgar, Karl Kraus, Hermann Broch và Friedrich Torberg sử dụng nơi này như nơi làm việc và thư giãn. Rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng, nhà khoa học và chính trị gia của thời kỳ này như Arthur Schinitzler, Stefan Zweig, Egon Schiele, Gustav Klimt, Adolf Loos, và thậm chí cả Lon Trotsky trở thành những khách hàng quen của các quán café. Nhiều người dân bình thường cũng bắt đầu chọn café làm điểm ghé thăm hàng ngày để thoát khỏi sự chật chội của các ngôi nhà có diện tích nhỏ hẹp.
 

Chỉ với một tách café, các “thượng đế” có thể ngồi
vài tiếng đồng hồ mà không bị ai làm phiền.
 
Nhà văn Stefan Zweig đã mô tả các quán café ở Viên như một tổ chức đặc biệt, giống một dạng câu lạc bộ dân chủ, mở ra cho tất cả mọi người với giá café rất rẻ, nơi mọi người khách có thể ngồi hàng giờ dù chỉ gọi một ly nước uống. Họ có thể vừa nhâm nhi tách café, vừa nói chuyện, viết lách, chơi bài, viết thư và đọc hàng đống báo, tạp chí.
 




 
Ở nhiều quán café cổ điển của thủ đô Viên, nhạc piano được chơi vào mỗi buổi tối. Các sự kiện xã hội cũng được tổ chức thường kỳ. Vào mùa hè, các vị khách có thể ngồi bên ngoài để hóng gió. Hầu hết các nhà café đều có phục vụ kèm các món ăn nhẹ như xúc xích, các món tráng miệng và các loại bánh ngọt.
 




 
Vào những năm 1950, thời kỳ “suy thoái” của các quán café truyền thống ở Viên bắt đầu, nhiều quán café lớn phải đóng cửa. Điều này bắt nguồn từ sự phát triển của các loại hình giải trí mới như tivi và các quán bar hiện đại. Tuy nhiên, rất nhiều quán café cổ điển đậm phong cách Viên vẫn còn tồn tại cho tới ngày nay và trở thành những địa điểm ưa thích của khách du lịch. Theo Phòng thương mại Áo, thủ đô Viên hiện có 1083 quán café và 900 nhà hàng café. Nhiều quán café cũng sản xuất và bán các loại bánh kẹo.
 





Khách đến uống café tha hồ đọc báo miễn phí.
 
Một cốc nước mát luôn được phục vụ kèm tách café thơm ngon.
 

Không có nhận xét nào: