Trong lễ cưới của người Nhật Bản, không có sự xuất hiện của phù dâu, phù rể.
Đám cưới ở Nhật thường diễn ra vào các tháng mùa xuân và mùa thu. Điều đặc biệt là ở Nhật, cô dâu chú rể có thể lựa chọn phong cách tổ chức đám cưới theo kiểu thiên chúa giáo, phật giáo hay không theo truyền thống nào nếu họ muốn. Tuy nhiên, đám cưới theo kiểu truyền thống Nhật Bản vẫn thường được các cặp đôi lựa chọn.
Đám cưới truyền thống Nhật Bản được gọi là đám cưới theo kiểu Shinto, và được tổ chức tại các đền thờ. Cô dâu mặc bộ kimono màu trắng gọi là shiromuku và chú rể mặc áo kimono màu đen là montsuki, khoác áo haori và mặc quần hakama.
Chỉ có người thân trong gia đình và bạn bè thân của cặp đôi mới được mời đến dự lễ cưới theo kiểu Shinto. Đám cưới sẽ bao gồm nghi lễ uống rượu, nghi lễ trao nhẫn cưới và rất nhiều nghi lễ khác. Cô dâu chú rể sẽ cùng nhau uống 9 chén rượu sake như một lời hẹn ước tình duyên bền chặt.
Trong lễ cưới này, sẽ không có phù dâu, phù rể. Theo truyền thống một cặp vợ chồng già gọi là nakoudo, một dạng như “ông tơ bà nguyệt” sẽ tham dự lễ cưới, tuy nhiên ngày nay, trong các đám cưới Shinto Nhật Bản, đã vắng bóng hình ảnh này.
Sau lễ cưới, một lễ đón khách tên là kekkon hiroen sẽ được tổ chức. Ở lễ này, số lượng khách sẽ đông hơn, bao gồm họ hàng, người thân, đồng nghiệp, hàng xóm…Vào đầu bữa tiệc, cô dâu sẽ mặc chiếc kimono màu đỏ và sau đó có thể chuyển qua chiếc váy trắng theo kiểu Châu Âu. Khách đến dự có thể mặc âu phục hoặc kimono.
Khi bạn nhận được thiệp mời cưới, bạn phải lập tức gửi lại một chiếc thiệp trả lời, trong đó ghi rõ bạn có đồng ý tham dự lễ cưới hay không. Nếu bạn đồng ý, nên mang theo quà cưới hoặc tiền mừng cưới. Phong bì mừng cưới được gọi bằng cái tên Shugi – bukuro. Quà tặng cưới gọi là hikidemono, nó có thể là khăn trải bàn, chăn gối, kẹo, đồ nội thất…
Hiền Trang (Theo G)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét