Thứ Năm, 28 tháng 6, 2012

Shopping thỏa thích ở Istanbul


Đến Istabul, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng những kiến trúc cổ kính mà còn được shopping tại những khu chợ sầm uất.
Nói đến Thổ Nhĩ Kỳ, người ta nghĩ ngay tới đất nước của các ngành nghề thủ công truyền thống. Nổi tiếng về sự tinh xảo và những chi tiết tỉ mỉ qua các mặt hàng: gốm sứ, thủy tinh, dệt may, da thuộc… và đặc biệt với nghề dệt thảm truyền thống lâu đời, Thổ Nhĩ Kỳ còn được biết đến là trung tâm sản xuất hàng hóa cung cấp cho Châu Âu nên hàng hóa ở đây rất đa dạng, phong phú.

Đã tìm hiểu thông tin trên mạng trước ngày lên đường, vừa đến Istanbul là muốn đến ngay Grand Bazaar, khu chợ mái vòm cổ kính, nơi bất cứ khách du lịch nào cũng phải ghé qua. Tuy nhiên, khi được ông Ahmet, người hướng dẫn của chúng tôi cảnh báo: “Các bạn đừng kỳ vọng nhiều để mua sắm ở khu chợ này. Trước đây, nó là khu chợ sầm uất nhất Istanbul, nhưng càng về sau khi nhiều du khách đến đây, người dân địa phương đã chuyển qua mua sắm ở nơi khác, nơi này chỉ dành cho khách du lịch và hàng hóa cũng không chắc chắn đảm bảo”.

Tuy nhiên, vì sự quá nổi tiếng của nó, chúng tôi vẫn quyết định không thể bỏ qua.

Grand Bazaar hiện ra đúng như trong tưởng tượng của tôi, vô cùng hoành tráng với vô số cửa vòm, người ta phải đánh số mới mong tìm được đúng đường, bởi mỗi cửa sẽ hướng ra một con phố khác. Chúng tôi xuất phát từ cửa số 1, bên trong chợ giống như một mê cung với những lối rẽ liên tục và cả những lối đi xuống hầm.

Dưới những mái vòm cao, lộng lẫy là vô số những gian hàng, với cơ man hàng hóa. Bắt mắt nhất là khu vực bán khăn, các loại khăn lụa, khăn vải sợi màu sắc sặc sỡ, giăng khắp gian hàng và xếp cao ngất trên các kệ.

Hàng gốm sứ không tập trung một nơi mà rải rác khắp khu chợ, nhưng mỗi gian hàng như một điểm trưng bày với đủ loại: từ bình trang trí đủ mọi kích thước, hình dáng, đĩa, tô trang trí với những hoa văn nhỏ li ti, màu sắc tươi tắn, rực rỡ; những chùm đèn mô phỏng từ những ngọn đèn dầu cổ xưa với chụp đèn bằng thủy tinh màu trong suốt, khung đèn bằng kim loại được chạm khắc hoa văn tinh xảo.

Nhìn thấy cái nào cũng muốn mua, nhưng cuối cùng tôi chỉ dám mua 3 chiếc đĩa nhỏ xinh xinh có hoa văn thật đẹp về treo ở nhà, vì hàng sứ nên cũng khó đem về nước. Gian hàng giày dép phía bên ngoài khu chợ ngập tràn các loại giày, dép đủ kiểu, chủ yếu là hàng sản xuất trong nước, giá cũng rẻ nhưng đúng như ông Ahmet nói thì chất lượng có vẻ cũng không được tốt lắm.

Các gian bán hàng da mới thực sự thu hút du khách bởi Thổ Nhĩ Kỳ nổi tiếng nhất với mặt hàng này bên cạnh hàng thảm. Vô số các loại, nào túi da, áo da, bóp, dây lưng… đúng là chẳng biết chất lượng ra sao nhưng có mức giá khá cao, một số cửa hàng tính bằng đô la Mỹ.

Đặc biệt, trái hẳn với những nơi khác chúng tôi đã đi qua, người bán hàng rất nồng nhiệt và dễ chịu, thì ở Grand Bazaar, bạn hãy cẩn thận, nếu trả giá chưa tới, sẽ bị nhận ngay thái độ rất khó chịu của người bán hàng, thậm chí là la mắng (dĩ nhiên bằng tiếng Thổ). Chúng tôi đi hết một vòng chợ, chủ yếu là ngắm nghía bởi đã được ông Ahmet bật mí, người dân Istanbul và cả vợ ông ấy thường mua sắm ở khu Taksim Square.

Ngay buổi tối hôm đó, xe đưa chúng tôi đến khu Taksim. Đó là một con phố với hai dãy nhà theo lối kiến trúc Châu Âu cổ xưa, bước chân trên con phố đi bộ lót đá xám, bạn có ngay cảm giác ở đang giữa lòng châu Âu với dòng người đi bộ ngược xuôi, thỉnh thoảng chiếc tàu điện màu đỏ chầm chậm đưa du khách chạy ngang giữa phố, hai bên là những cửa hiệu san sát, thôi thì đủ cả các nhãn hiệu nổi tiếng thế giới và Thổ Nhĩ Kỳ với các cửa hàng thời trang, mỹ phẩm, giày dép đủ hiệu: Mango, Collezione, Defacto, Puma, Nike…

Thực sự choáng ngợp trước con phố mua sắm dài tới 5 km, chưa kể các con phố ngang. Đây thực sự đúng là thiên đường cho chị em đam mê “shop”. Nào túi da, bóp da; Nào hàng vải thun, chất lượng mới sờ tay vào đã thấy thích mê; Nào giày dép đủ loại, thích nhất là giá cả đã được niêm yết không sợ bị “hớ” và bạn có thể thanh toán bằng thẻ tín dụng, đô la Mỹ, EU hay đồng Lira của Thổ.

Hàng hóa ở đây đúng là bán cho người bản xứ, nhìn đã thấy chất lượng và giá cả rất phải chăng.

Nếu đã thấm mệt, bạn cũng có thể tạt ngay vào các quán kem Thổ, bánh mỳ Kebap, quầy hạt dẻ nướng, tiệm bánh kẹo Thổ, quán café… nằm xen kẽ giữa các cửa hàng thời trang. Nếu vội, chỉ với 1 đồng Lira (khoảng 12 ngàn đồng tiền Việt) bạn đã có ngay 1 ly cam ép tươi nguyên, mát lạnh vừa đi vừa uống.

Tuy thời gian mua sắm bị hạn chế, cả đoàn cũng đã mua được khá nhiều, ai cũng lỉnh kỉnh với một đống túi xách. Tuy nhiên, tôi cũng còn tiếc rẻ lắm vì nhiều thứ còn chưa mua được. Hẹn lần sau trở lại Istanbul sẽ ghé Taksim trọn một ngày.
Theo fiditour 

Không có nhận xét nào: