Thứ Tư, 27 tháng 6, 2012

Nghi lễ độc đáo trong đám cưới Trung Quốc


Một số lễ đính hôn kéo dài tới 1, 2 năm thậm chí lâu hơn, chờ cho cô dâu chú rể đủ tuổi kết hôn.
Lễ cầu hôn và xin dâu

Nghi lễ này được thực hiện bởi bà mai của cả hai bên gia đình, có nhiệm vụ chẳng khác gì một… trung tâm môi giới ngày nay. Trong nghi lễ này, cô dâu chú rể hầu như chẳng phải tham gia. 

Khi gia đình nhà trai đã công nhận cô gái là dâu sắp cưới, họ sẽ gửi bà mai sang nhà cô dâu để tặng quà và thể hiện sự vui mừng của họ đối với mối nhân duyên này. Nếu nghi lễ diễn ra trôi chảy, món quà được ưng thuận, bà mai sẽ xin ngày giờ sinh của cô gái để viết lên văn bản chính thức. 


Gia đình nhà trai sẽ đặt văn bản này trên bàn thờ tổ tiên trong ba ngày như một sự báo cáo với họ tộc về việc trọng đại của gia đình. Gia đình nhà trai sẽ gửi ngày giờ sinh của cô dâu cho thày để xem nhân duyên và xem ngày lành tháng tốt. 

Tới khi nghi lễ này đã ổn thỏa, hai gia đình mới chính thức gặp mặt nhau và họ bắt đầu đánh giá gia đình thông gia qua ngoại hình, gia giáo, tính cách và địa vị xã hội. 

Lễ đính hôn

Trong lễ đính hôn, sau những cuộc ngã giá, hai gia đình sẽ đi đến thỏa thuận về số tiền và sính lễ mà nhà trai sẽ mang tới nhà gái. Bà mai cầm một vật đính ước làm tin và nhờ nhà gái chọn giữa các ngày lành để trao sính lễ và ngày làm đám cưới. 


Sính lễ sẽ bao gồm những đồ vật xa hoa như trà, tiền, bánh hình long phượng, rượu, kẹo, thuốc lá. Trà là phần quan trọng nhất trong lễ đính hôn. Nhà gái sau đó sẽ mang kẹo, bánh đem chia với họ tộc người thân như một cách thông báo về lễ cưới. 


Vài ngày sau khi gửi quà cho họ tộc, gia đình cô gái sẽ gửi sang nhà trai của hồi môn gồm hoa quả và tiền. Đây cũng là một cách để người Trung Hoa thể hiện địa vị xã hội của họ. Tuy nhiên, theo truyền thống cổ Trung Hoa, lễ đính hôn này có thể cách đám cưới tới 1 đến 2 năm, hoặc thậm chí lâu hơn vì hai họ còn phải … chờ cho cô dâu, chú rể lớn lên và đến tuổi lập gia đình. 

Chuẩn bị cho lễ cưới

Trước ngày trọng đại một thời gian, cô dâu mới sẽ phải xa rời các hoạt động thường nhật và bị nhốt vào một ngôi nhà riêng và chỉ gặp những người bạn thân. Cô dâu sẽ hát những khúc ca than vãn về sự chia xa của mình với người thân và thậm chí… nguyền rủa bà mai. Nghi lễ này thường được gọi là “chuồng gà” để thể hiện sự cách ly dần dần cô dâu và gia đình cô dâu. 


Trước ngày cưới một ngày, vào một giờ đẹp, một cặp vợ chồng sung túc sẽ đến trải giường cho đôi tân hôn. Sau khi giường chiếu đã gọn gàng, người ta sẽ cho lũ trẻ vào giường chơi, để cầu mong gia đình sung túc, đông con cái. Cả căn buồng tân hôn được trang hoàng màu đỏ, từ ga giường, gối, đệm tới rèm cửa, khăn trải bàn…

Ngày cưới 

Cô dâu sẽ được bới một kiểu tóc hoàn toàn khác, thể hiện mình đã trưởng thành và trở thành một phần của gia đình mới. Trang phục cưới màu đỏ, tượng trưng cho niềm vui chung là màu chủ đạo. 


Chú rể và gia đình sẽ đến nhà cô dâu trong tiếng kèn trống vang lừng. Một người phụ nữ được lựa chọn sẽ cõng cô dâu và đặt lên một chiếc ghế trong khi một người khác ném gạo vào cô dâu. Họ sẽ trao cho cô dâu một chiếc gương để giấu trong quần áo như một chiếc bùa trừ tà. Cô dâu sẽ chỉ được tháo gương khi đã ngồi trên chiếc giường tân hôn. 


Khi cô dâu đã được đón về, và ngồi trên chiếc giường tân hôn, chú rể sẽ vén tấm màn che mặt, và chính thức nhìn thấy khuôn mặt người vợ của mình. Họ uống chén rượu giao bôi và động phòng hoa chúc. 


Trong khi cô dâu chú rể động phòng hoa chúc, bữa tiệc lớn sẽ vẫn tiếp diễn với sự tham gia của họ hàng, người thân, bạn bè, hàng xóm…

Ngày nay, đám cưới của người Trung Quốc đã được giản lược đi rất nhiều, tuy nhiên một số nghi lễ chủ chốt như thuê bà mai, cầu hôn, xin dâu, đính hôn vẫn được giữ nguyên và là nét văn hóa đặc sắc thu hút nhiều du khách. 

Hiền Trang (TH

Không có nhận xét nào: