Thứ Tư, 27 tháng 6, 2012

Chinh phục Pinatubo


TTO - Nằm tại ranh giới các tỉnh Zambales, Tarlac và Pampanga, Pinatubo là ngọn núi lửa tầng đang hoạt động trên đảo Luzon và là một trong những lựa chọn thám hiểm thú vị của nhiều du khách khi đến đảo quốc Philippines.
Thư giãn trên bãi đá nham thạch bên hồ Pinatubo - Ảnh: Băng Giang

1. Trên chiếc xe Jeep, Datu vừa khéo léo điều khiển chiếc xe chồm lên, băng qua những lòng suối lởm chởm đá, vừa chỉ cho mọi người thấy những vách cát thẳng đứng màu tro bụi hai bên sa mạc. Anh kể câu chuyện thức giấc của Pinatubo năm nào.
Chúng tôi là một trong 3 nhóm sớm nhất băng qua sa mạc ngày hôm đó để đến với Pinatubo. Bình minh đang quệt một màu hồng nhè nhẹ lên đường viền chân trời lấp ló sau dãy Cabusilan.
Chiếc xe lao đi phấn khích, cũng như chúng tôi đang háo hức được chiêm ngưỡng một Pinatubo huyền thoại.
Xe Jeep đưa du khách qua sa mạc cát trước khi bắt đầu chuyến trekking khám phá Pinatubo - Ảnh: Băng Giang

Một nhóm lữ hành nghỉ đêm trên núi đang quay về - Ảnh: Băng Giang

2. Nằm ở dãy núi Tri-Cabusilan tách bờ biển phía tây của đảo Luzon khỏi các đồng bằng trung tâm, tất cả hành trình chinh phục và khám phá ngọn núi lửa này đều được xuất phát từ Santa Juliana, một thị trấn nhỏ cách chợ Capas, Tarlac khoảng 20km.
Ngày 15-6-1991, ngọn núi lửa yên bình Pinatubo thức giấc sau hàng trăm năm ngủ say trong chiếc vỏ bọc hiền hòa và thân thiện. Những cảnh báo sáng suốt và kịp thời của các nhà khoa học và chính quyền địa phương tại thời điểm đó đã tránh cho nhân loại một thảm họa khốc liệt Pinatubo, vì sau đợt phun trào cực đỉnh, ngọn núi này đã “bay” mất 2,5km chiều cao, dòng nham thạch phủ lên thung lũng một lớp tro bụi trầm tích dày tới 220m mà cho đến sau hơn 20 năm, Pinatubo vẫn chưa thay áo mới.
Để đảm bảo an toàn cho du khách, các chuyến đi trong ngày đều không được phép xuất phát sau 8g30 sáng, nếu du khách có nhu cầu cắm trại qua đêm trên khu vực núi lửa thì phải được cấp phép đặc biệt cùng với một đội trợ giúp bao gồm cả quân đội và hướng dẫn người địa phương.
Một chuyến chinh phục Pinatubo thông thường cần đến 8 giờ, trong đó một nửa thời gian phải đi bộ giữa các khe núi, sa mạc cát, rừng nhiệt đới (chưa kịp hồi sinh sau thảm họa Pinatubo thức giấc năm 1991). Thời gian còn lại là di chuyển bằng xe jeep xuyên qua sa mạc tro bụi, các dòng suối chảy ngang, rẽ dọc trên bề mặt cũ của dòng sông nham thạch năm nào. 
Chi phí tối thiểu để tổ chức tour đến Pinatubo bao gồm: thuê xe jeep di chuyển (3.000 peso/nhóm 4-5 người), thuê hướng dẫn địa phương: 500 peso, lệ phí tham quan: 300 peso/khách, đồ ăn trưa: 300 peso/khách, thuyền đi trên hồ núi lửa: 350 peso/khách. Du khách được khuyến cáo mang theo ít vật dụng nhất có thể, mang theo nước uống trong quá trình trekking.
Đích đến của Pinatubo sẽ là hồ núi lửa, vốn là miệng ngọn núi lửa chứa đầy nước trong vắt và xanh như ngọc bích, màu xanh đặc trưng của nham thạch núi lửa.
Chặng đường đi bộ gian nan, phải băng qua những dòng suối cắt đường ngang dọc - Ảnh: Băng Giang

Nụ cười trẻ thơ Pinatubo - Ảnh: Băng Giang

3. Sau hơn 1 giờ chạy xe như bay với các trải nghiệm trồi lên, sụt xuống như đi offroad, chúng tôi đến điểm dừng chân để bắt đầu con đường trekking.
Theo kế hoạch, sẽ có 2-3 giờ đi bộ. Đường không quá gập ghềnh hay phải leo lên trèo xuống gì nhiều, chỉ có điều cát cứ níu mỗi bước chân đi, và bắt buộc phải cắt ngang qua những con suối chảy ngang không hàng lối giữa những khoảng sa mạc mênh mang.
Thời tiết khá tốt cho chuyến đi. Nắng nhẹ, gió ẩm ướt. Chúng tôi hào hứng vượt qua những khe núi hẹp, những lòng suối nước ngập ngang bắp chân, nô đùa hớn hở khi gặp đoàn người cắm trại trên núi đêm qua đang trên đường quay trở về Santa Juliana.
Ấn tượng bởi những vách núi tro bụi khổng lồ, thẳng đứng, đôi khi như một bức tường thành trong phim 3D, lối đi chỉ toàn đá sỏi. 20 năm đã qua, dấu hiệu của sự sống trên miền đất này vẫn thật hiếm hoi. Không thấy bản làng, không người dân, không màu xanh của cây cỏ.
Còn cách đỉnh Pinatubo khoảng 30 phút đi bộ mới thấy sự xuất hiện của cây bụi, cây lá nhỏ và các tán cây rừng nhiệt đới. Và rồi hồ Pinatubo hiện ra trong tầm mắt, đẹp lung linh trong nắng trưa khiến nhiều du khách phải đứng sững lại, mơ màng.
Mất khoảng 14 phút để đi thuyền từ bờ bên này sang bên kia bãi đá nham thạch, ngang qua mặt hồ Pinatubo. Như nhiều du khách, nhóm chúng tôi rất thích thú khi được "bơi" trên miệng núi lửa thay vì đi thuyền.
Dường như vẫn có hai dòng nước ở bên dưới bề mặt xanh ngọc yên bình kia, ấm và lạnh, hòa trộn vào nhau, vỗ về cơ thể, tạo ra cảm giác phấn khích và những trải nghiệm ấn tượng đến khó tin. Có lẽ nhiều người đang tự đùa cợt mình: “Thức dậy đi Pinatubo!”.
Hồ núi lửa Pinatubo - Ảnh: Băng Giang

Một góc yên bình

4. Chúng tôi ngồi hát nghêu ngao trên đỉnh núi lửa Pinatubo, dưới chân là mặt hồ trong xanh, gọi mời, xa xa những vách núi vẫn còn nguyên dấu ấn của trận phun trào núi lửa năm xưa.
Nếu 100 năm nữa Pinatubo vẫn ngủ yên thì mảnh đất này sẽ trở thành một trong những điểm đến du lịch tuyệt vời nhất thế giới về cảnh quan. Nhưng bí ẩn ở bên trong lòng đất có thể đánh thức Pinatubo bất kỳ lúc nào.
Vì thế, bạn còn chần chừ gì để không đặt chân lên miệng ngọn núi lửa danh tiếng này?
THỦY TRẦN

Không có nhận xét nào: