Những thạch nhũ lơ lửng phản chiếu ánh sáng của nước hồ trong veo là những kỳ tích của tạo hóa ở Australia.
Hang Yarrangobilly
Đến với hang động Yarrangobilly ở gần đường cao tốc Núi Tuyết, New South Wales; du khách sẽ được hướng dẫn viên giải thích cặn kẽ về sự hình thành của những vách đá và những thạch nhũ có hình thù kỳ lạ bên trong.
Quần thể hang động được hình thành từ núi đá vôi lên tới 440 triệu năm tuổi đời này được phát hiện vào năm 1834 bởi một nhà chứng khoán và lập tức thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học và du khách thập phương.
Chỉ có 6 trong số 300 hang động ở Yarrangobilly mở cửa đón khách tham quan và mỗi tour chỉ kéo dài 2 giờ để đảm bảo độ an toàn cao nhất với các công trình của tạo hóa.
Hang Jenolan
Thổ dân Úc hàng nghìn năm trước gọi Jenolan là Binoomea, nghĩa là “nơi tối tăm”. Phải mãi đến năm 1838, hang động mới được phát hiện, soi sáng và thực sự đưa vào nghiên cứu bởi những nhà khoa học phương Tây.
Điều đáng buồn là khi mới được phát hiện, Jenolan chưa được bảo tồn tốt và rất nhiều du khách đã đập vỡ các phiến đá vôi nghìn tuổi này để lấy một miếng về làm…kỷ niệm.
Đến năm 1872, dưới sức ép của nhà chính trị John Lucas, một lệnh cấm xâm phạm khu hang động đã được ban bố và tên của ông được đặt cho một trong những hang động trong vách núi.
Ngày nay, Jenolan là một trong những điểm du lịch thu hút nhất đất nước. Để lôi kéo du khách, các nhà hoạt động trong lĩnh vực du lịch đã đặt thêm hệ thống đèn và âm thanh để tạo hiệu ứng trong hang động. Hàng năm, có 250.000 du khách ghé thăm Jenolan.
Hang Capricorn
Capricorn nằm ở phía Bắc Rockhampton, Queensland. Sau khi được phát hiện bởi một người Na Uy: John Olsen vào năm 1882, hang Capricorn vẫn luôn là điểm đến được du khách yêu thích.
Sau khi vượt qua những con đường hình zig zag, du khách sẽ đến với hang chính: hang Cathedral (Nhà thờ lớn), nơi chứa những thạch nhũ đẹp nhất của Capricorn. Một trong những cái tên khác luôn được du khách nhớ tới là Fat Man’s Misery, một hố nhỏ chỉ có đường kính 30 cm mà du khách phải bò, trườn mới có thể đi tiếp. Cái tên Fat Man's Misery (Nỗi khốn khổ của người béo) cũng từ đây mà ra. Chắc chắn nếu có cái bụng quá khổ, bạn không thể chui lọt cái hố này!
Hang Kelly Hill
Đảo Kangaroo, nằm ngoài khơi phía Nam Australia là điểm đến cho những ai yêu thích động vật hoang dã, biển xanh, những ngọn hải đăng, ẩm thực, và tất nhiên là cả hang động.
Hang Kelly Hill là một trong số ít những hang động khô ráo ở Australia. Những thạch nhũ và tường, trần của hang động ban đầu được hình thành từ… cát cách đây 1,5 triệu năm. Câu nói quen thuộc của các hướng dẫn viên du lịch ở đảo Kangaroo là: "Hãy tưởng tượng các bạn đang ở trong lòng của một đụn cát khổng lồ!".
Hang Bàn Treo
Hang đá nằm ngay sát dòng sông Margaret, được gọi bằng cái tên Bàn Treo với những thạch nhũ lơ lửng rất đẹp mắt. Hang đá được phát hiện vào năm 1899, bởi Edward Dawson, khi ông đang đi tìm đàn ngựa của mình.
Đây là một trong những hang động sâu và tối nhất Australia. Đi đến tận cùng của hang động về phía Nam, du khách sẽ được chiêm ngưỡng hồ nước trong veo có nguồn nước từ sông Margaret chảy vào, phản chiếu ánh sáng của những hang động, đẹp đến ngỡ ngàng.
Đây là một trong những hang động sâu và tối nhất Australia. Đi đến tận cùng của hang động về phía Nam, du khách sẽ được chiêm ngưỡng hồ nước trong veo có nguồn nước từ sông Margaret chảy vào, phản chiếu ánh sáng của những hang động, đẹp đến ngỡ ngàng.
Mỗi một phiến đá, thạch nhũ có một hình thù khác nhau và được gọi bằng những cái tên độc đáo: Bông cải xanh, Gà tây, Thác nước đóng băng…
Hiền Trang (Theo C)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét