Thứ Bảy, 16 tháng 6, 2012

Những quan niệm “ăn trông nồi” lạ lùng trên Thế giới


 In bài viết này Nguyễn Nguyệt , Theo Meal
Hãy cùng khám phá những tập tục kỳ lạ quanh bàn ăn ở khắp nơi trên Thế giới.
Ethiopia – Đút cho nhau ăn bằng tay trần
 
 
Một số vùng của Ethiopia có phong tục đút cho nhau ăn bằng tay trần. Khi tất cả mọi người đã ngồi thành vòng tròn, chủ nhà bắt đầu vốc một ít thịt và rau rồi đút cho người ngồi bên cạnh mình. Chủ nhà sẽ tiếp tục làm vậy với từng người theo vòng tròn. Khi đã đút xong cho tất cả, người ngồi bên cạnh chủ nhà lại làm hành động tương tự. Khi kết thúc bữa cơm, mỗi người đều được tất cả mọi người đút cho ăn ít nhất một lần.
 
Tanzania – Đến đúng giờ là… bất lịch sự
 
Ở Tanzania, những vị khách mời đến quá đúng giờ ăn bị xem là bất lịch sự. Thời điểm lý tưởng nhất là muộn từ 15 đến 30 phút. Trong trường hợp bữa ăn được bầy trên thảm hoặc chiếu, bạn không được để lộ phần lòng bàn chân khi ngồi nếu không muốn bị gọi là vô ý vô tứ. Người lớn tuổi nhất sẽ ăn đầu tiên, trong khi chủ nhà ăn cuối cùng. Bên cạnh đó, hành động ngửi thức ăn bị xem rất thô thiển ở Tanzania.
 
Afghanistan – Hôn bánh mỳ rơi trên đất
 
 
Ở Afghanistan, những vị khách mời sẽ ăn đầu tiên, ăn nhiều nhất và được xếp chỗ xa cửa ra vào nhất. Chủ nhà hiếu khách sẽ phải hỏi khách mời có muốn ăn thêm hay không ít nhất 3 lần và vì thế, các vị khách cũng phải từ chối ít nhất 3 lần trong bữa ăn. Người nào vô tình đánh rơi bánh mỳ xuống đất sẽ phải nhặt lại và đặt lên miếng bánh một nụ hôn trước khi để nó sang một bên. Người Afghanistan thường ăn bốc và thức ăn chỉ được cầm bằng tay phải bởi tay trái bị xem là không sạch sẽ do những hoạt động liên quan đến việc đi vệ sinh.
 
Trung Quốc – Văn hóa quanh đôi đũa
 
 
Người Trung Quốc có rất nhiều quan niệm về những điều nên và không nên làm với đôi đũa. Bạn phải cầm đũa bằng tay phải. Khi không sử dụng đến đũa, hãy đặt chúng xuống kệ đũa hoặc lên bát của mình. Không được dùng đũa chỉ vào người khác. Không được đập đũa lên xuống hoặc vung vẩy xung quanh. Không dùng đũa để đâm chọc vào thức ăn. Và điều cấm kỵ nhất là không được cắm đũa vào bát cơm bởi đó là nghi thức cúng cơm cho người chết.
 
Nhật Bản – Húp xì xụp
 
 
Người Nhật có thói quen ăn uống khá tao nhã và tỉ mỉ, nhưng riêng đối với món mỳ thì ngược lại. Việc húp mỳ xì xà xì xụp được xem là một nét văn hóa ẩm thực truyền thống ở Nhật. Họ cũng cho rằng cách ăn này sẽ làm tăng vị ngon của món mỳ. Tuy nhiên, bạn cũng nên chú ý không nên húp mỳ quá mạnh bởi có thể làm bắn nước ra xung quanh.
 
Philipines – Chờ đợi, chờ đợi và chờ đợi
 
 
Nếu bạn muốn trở thành một vị khách biết ý biết tứ ở Philipines thì hãy biết chờ đợi. Bạn sẽ được đánh giá là lịch sự nếu như chờ đến khi được mời ngồi vào bàn và được chỉ cho vị trí ngồi, cũng như chờ đến khi được mời bắt đầu động đũa. Nếu như bạn vẫn chưa thấy no thì cũng hãy cố chờ đến khi chủ nhà mời bạn ăn thêm.
 
Người Inuit ở Canada - Ợ càng nhiều càng tốt
 
Người Inuit ở Canada rất hoan nghênh nếu bạn ợ sau bữa ăn. Đối với họ, đây là một cử chỉ bày tỏ sự cảm ơn và khen bữa ăn ngon. Tập tục nghe có vẻ trái khoáy này trên thực tế lại có nguồn gốc từ sinh lý con người. Các nhà khoa học khi nghiên cứu hệ tim mạch khỏe mạnh đặc biệt của người Inuit đã phát hiện ra rằng, người Inuit ăn một lượng lớn omega-3, gây ra hiện tượng ợ nhiều.
 
Hàn Quốc - Người lớn tuổi “bao” ăn, người trẻ tuổi “bao” uống
 
 
Ở Hàn Quốc, văn hóa tôn trọng người lớn tuổi được đặc biệt xem trọng. Vì thế, nếu bạn ăn cùng ai đó lớn tuổi hơn mình, bạn nên chờ cho họ ngồi xuống và bắt đầu ăn trước. Bạn cũng phải nán lại bàn cho đến khi những người lớn tuổi ăn xong.
 
Trong trường hợp đi ăn ở ngoài, người Hàn Quốc không có văn hóa ai trả tiền người nấy. Thông thường, người lớn tuổi nhất trong nhóm sẽ trả tiền hóa đơn. Những người trẻ hơn có thể “trả nợ” bằng cách mời uống café sau đó.
 
Nga – Để lại thức ăn thừa trên đĩa
 
Nếu bạn được một gia đình người Nga mời ăn, hãy để lại một ít thức ăn ở trên đĩa để tỏ ý rằng chủ nhà đã chuẩn bị rất nhiều đồ ăn. Thêm vào đó, đừng bao giờ từ chối khi được mời rượu vodka hoặc các loại đồ uống có cồn khác vì hành động này được xem là bất lịch sự. Người Nga thường thể hiện thái độ quý trọng thức ăn, vì vậy, việc ném bỏ hoặc lãng phí bánh mỳ bị xem là một tội lỗi.

Không có nhận xét nào: