Thứ Bảy, 28 tháng 12, 2013

Bên này và bên kia bức tường xám xịt

SGTT.VN - Tôi đứng dựa vào lan can nhà thờ Thánh Đản nhìn qua bên kia Israel, quả là sự khác biệt quá lớn khi so sánh giữa Israel và Palestine. Một số thanh niên người Palestine nói với tôi: “Họ là những người không có tổ quốc”. Hai ngày trước, bên kia Jerusalem, những người Israel kể cho tôi nghe những câu chuyện và họ cũng thấm thía ý nghĩa hai từ đơn giản “tổ quốc”.

Bề mặt bức tường bên Israel vẽ nhiều hình ảnh chúa sơn lâm, khẳng định sức mạnh của mình.
Amzi là tài xế người Israel gốc Palestine đồng hành cùng tôi qua biên giới để đến Bethlehem – nơi Chúa ra đời – thuộc phần đất của Palestine. Tôi khá ngạc nhiên về Amzi khi anh giải thích rành rọt cho tôi hiểu những điển tích về Chúa trong kinh Cựu ước, anh chỉ cười và vẫy tay giải thích: “Bất cứ ai cũng có thể kể được những câu chuyện như thế này bởi đơn giản đây là vùng đất Thánh…”
Amzi gốc Palestine nhưng lại theo Kitô giáo. Anh giải thích cho tôi biết: “Đây là vùng đất Thánh và nhiều nếp tầng văn hoá chồng lên nhau. Điều đó có nghĩa là một quốc gia Hồi giáo, nhưng không phải ai cũng theo đạo Hồi”. Trên vùng đất còn đầy khói lửa chiến tranh, là người Palestine nhưng theo Kitô giáo cũng một phần giúp gia đình Amzi dễ dàng trở thành công dân Israel hơn so với những người theo Hồi giáo.
Jerusalem đều được cả Israel và Palestine gọi là thủ đô của riêng mình. Phần đất đó nằm bên Israel và do người Do Thái quản lý. Việc tranh chấp thủ đô vẫn chưa có hồi kết khi không một tổ chức nào của thế giới công bố Jerusalem thuộc về ai. Những người Palestine cho rằng họ “không có tổ quốc” là vậy!, trong khi những người Israel cố gắng gìn giữ “thủ đô” còn non trẻ của mình. Cả những người Palestine và Israel đều thấm thía ý nghĩa của hai từ đơn giản “tổ quốc”. Amzi giải thích thêm: hiện nay, thành phố Ramallah được xem như phát ngôn chính thức của Nhà nước Palestine và thành phố Tel Aviv là phát ngôn của Israel.
Amzi lại chở tôi đến bức tường ngăn cách biên giới giữa Israel và Palestine. Những người Palestine thường gọi đó là “bức tường khốn khổ” bởi họ đã bị Israel phong toả và những người Israel chỉ gọi đơn giản đó là “bức tường ngăn cách”. Bức tường thành xây dọc theo bờ Tây sông Jordan vào năm 1949 cho đến ngày nay vẫn đang tiến hành xây dựng với chiều dài dự kiến khoảng 700km. Những mảng tường ximăng tối màu với kích thước rộng khoảng 6m cao 8m được lắp ghép vào nhau. Bên kia tường, những người Palestine vẽ hàng loạt những hình ảnh biếm hoạ hay những câu đả kích nói lên nỗi “thống khổ” của mình, trong khi bên đây tường những người Israel lại vẽ nhiều hình ảnh chúa sơn lâm nhằm khẳng định sức mạnh của mình.
Một vài người quá khích Palestine lại lén trốn vào các đồn cửa khẩu biên giới để vẽ hình ảnh biếm hoạ hay nỗi niềm thống khổ và bị bắt. Nhưng rồi, họ vẫn được thả ra bởi đơn giản điều cuối cùng đọng lại vẫn là “tình người”, Amzi cho tôi biết. Với những người Palestine, cách duy nhất muốn đi đâu đó ra khỏi Palestine là đi dọc theo bức tường khốn khổ và vào Jordan để có đường đi tiếp.

Nơi những người Palestine theo Kitô giáo sinh sống ở ngoại ô Jerusalem. Nó bệ rạc – đối nghịch vối Jerusalem.
Buổi chiều nắng đã nhạt hơn, Amzi lại đưa tôi đến ngọn đồi cao để ngắm nhìn thành phố Jerusalem nằm bên dưới. Nắng chiều vàng ươm đang trải dài qua những con đồi khiến những bông cải dại vàng tươi lại muốn khoe mình. Cả tôi và Amzi đều thả mình trong không khí mát mẻ trong lành và chẳng ai nói gì. Tôi bất chợt quay sang hỏi Amzi: “Cậu có bị phân biệt đối xử không, khi cậu là người Israel nhưng mang gốc người Palestine?” Amzi trả lời tôi: “Chắc chắn có bởi tôi mang họ Mohammed, trong khi những người Do Thái phần lớn mang họ vua David. Ít nhất mỗi lần đi ra khỏi Israel, tôi vẫn bị kiểm soát chặt chẽ hay rườm rà thủ tục hơn so với những người bản địa. Dù sao cuộc sống của gia đình tôi vẫn còn nhẹ nhàng hơn so với những người Palestine ở bên kia bức tường. Chiến tranh xung đột tôn giáo đã làm mất mát đi quá nhiều và mọi người vẫn sống trong sự nơm nớp lo sợ…” Gia đình Amzi di chuyển qua Israel từ khi cậu ấy mới năm tuổi. Hơn 30 năm đã trôi qua, những người Israel gốc Palestines vẫn sống ở những thành phố nhỏ dành riêng cho những người nhập cư đến từ Palestine.
Amzi đưa tôi đi qua những thành phố nhỏ nằm ven Jerusalem mà nơi đó chỉ có những người Palestine định cư sinh sống. Nó là hình ảnh trái ngược với những gì Jerusalem vốn có. Không còn những thảm cây xanh hay hoa trải dài trên phố mà chỉ là những ngôi nhà nằm chơ vơ trên những đồi núi hoà màu cùng với cát sa mạc. Kiến trúc đặc trưng của các ngôi nhà là hình ảnh giống như những gì tôi đã nhìn thấy ở phía bên kia bức tường. Những con đường dốc nối liền khu dân cư nhỏ hẹp chỉ trải một lớp nhựa mỏng và thỉnh thoảng bụi lại mù trời khi một chiếc xe nào đó lướt qua… Amzi chỉ cho tôi ngôi nhà mà anh cùng cả gia đình đang sinh sống nằm cách con đường lớn khoảng 100m. Nó nằm quạnh hiu giữa vùng sa mạc trắng…
Nắng đã tắt trên những ngọn đồi. Gió từ sa mạc thổi lên cũng bắt đầu lạnh hơn. Tôi muốn uống một thứ gì đó vào lúc này. À, chỉ có thể là càphê! Tôi và Amzi ghé tạt một siêu thị mua hai cốc càphê để nhâm nhi. Amzi lại tiếp tục hỏi tôi: “Cậu vẫn cầu nguyện hoà bình cho vùng đất Thánh chứ?” Hớp vội một chút càphê, tôi trả lời: “Chắc chắn!” Amzi và tôi sẽ tin như thế!
bài và ảnh: Nguyễn Chí Linh

Không có nhận xét nào: