(PetroTimes) - Sasando là một trong những nhạc cụ
truyền thống độc đáo của cư dân đảo Rote, phía nam Timor, thuộc quần đảo
Đông Nusatenggara, Indonesia. Thuộc nhạc cụ bộ dây, Sasando được tạo
thành từ những vật liệu gần gũi trong đời sống, gồm hai phần, phần vỏ và
phần chính tạo âm.
Phần chính tạo âm được làm từ ống tre mài nhẵn, khắc những họa tiết
biểu tượng của đảo Rote. Dọc ống tre đính những núm gỗ nhỏ để căng dây
tạo thành các âm vực, nốt nhạc riêng biệt. Tựa như kết cấu của đàn
guitar, các dây đàn tụ về đầu ống tre, nối với các nút vặn tạo thành bộ
điều chỉnh âm sắc.
Vỏ ôm lấy trục đàn được làm từ lá cây thốt nốt hay lá cây cọ Lontar.
Cây cọ Lontar vốn được mệnh danh là cây của sự sống vì nó là một loại
cây quý ở Indonesia. Mỗi cây hàng năm có thể mang lại 200 - 400 lít nước
cho người dân đảo Rote, nơi thường xuyên khan hiếm nước. Thân cây làm
cột nhà. Lá cây để lợp mái, làm chiếu… và có vẻ vinh dự nhất cho nó là
để làm vỏ đàn Sasando.
Vỏ đàn Sasando cao khoảng 40 cm, được đan theo kiểu gấp zích zắc để có
thể xếp lại và mở ra. Khi vỏ khép lại, Sasando nhìn giống như đàn hạc,
và ngược lại nó như một chiếc thuyền bập bềnh sóng nước.
Sasando đơn giản nhất gồm 28 dây, phức tạp và khó chơi nhất là 56 dây,
phổ biến là 32 dây. Dây đàn Sasando giống dây đàn guitar, một số dây
trầm to bản được làm bằng tay. Điều làm cho Sasando trở nên độc đáo là
cùng lúc melody, bass,và accord có thể ngân lên. Sasando được chơi với
cả hai tay từ hướng ngược lại. Từ trái sang phải và phải sang trái. Tay
trái chơi melody và bass, trong khi tay phải là accord, tạo nên sự hài
hòa tuyệt vời .
Khi luyện tập hay biểu diễn trong nhóm nhỏ, những cư dân đảo Rote sẽ
kéo lớp vỏ giãn rộng và ôm Sasando vào lòng, ngân lên những âm thanh mộc
mạc. Còn khi biểu diễn trước đám đông trong không gian lớn, chiếc đàn
độc đáo này được gắn lên giá đỡ, thêm phần khuếch âm nối điện để âm
thanh mê hoặc vang đến tai người ở xa nhất.
Sasando bắt nguồn từ chữ Sasandu trong ngôn ngữ của cư dân đảo Rote,
nghĩa là rung hay âm vang, và được cho là xuất hiện từ thế kỷ thứ 7. Có
rất nhiều truyền thuyết xung quanh cây đàn này. Người kể rằng, ngày nọ,
trên đường đến đồng cỏ khô, cậu bé Sangguana, cư dân đảo Rote, cảm thấy
mệt nên dừng chân và ngủ thiếp đi dưới gốc cọ Lontar.
Trong giấc mơ, cậu bé thấy mình đang chơi đàn, một cây đàn kì lạ với âm
thanh réo rắt. Tỉnh giấc, ngạc nhiên xen lẫn nuối tiếc, cậu lại nằm
xuống, dưới tán cọ Lontar, và vỗ về giấc ngủ. Một lần nữa, cây đàn tuyệt
diệu ấy ngân vang. Sangguana thức dậy và theo trí nhớ, tạo ra Sasando
từ lá cọ Lontar và ống tre để lưu giữ âm thanh diệu kỳ ấy.
Một câu truyện truyền miệng khác dệt rằng, thuở xưa, vua Taka La'a trị
vì đảo Rote có một nàng công chúa vô cùng xinh đẹp. Công chúa yêu thơ
ca, nhạc họa, thường xuyên tập họp mọi người vào đêm trăng sáng để đàn
hát, xướng ca. Ngày nọ, Ana Sanggu là cư dân của hòn đảo cạnh đó, chèo
thuyền đến Rote đánh cá. Anh bị bắt vì chưa được phép của vua Taka La'a.
Trong củi tre buồn chán, Anna Sanggu tìm thấy một khúc tre lăn lóc và
vài cái rễ cây. Bằng đôi tay khéo léo, anh đã chế ra nhạc cụ thô sơ, và
cất cao tiếng hát xua đi muộn phiền. Tiếng hát cùng âm thanh kỳ lạ của
nhạc cụ ấy đến tai công chúa. Mến tài năng, công chúa hạ lệnh cho phép
Ana Sanggu tham gia cuộc vui vào đêm trăng tròn. Cảm kích, Ana Sanggu đã
dùng lá cọ tô điểm thêm tạo thành Sari Sando, tiền thân của cây đàn
Sasando, để dâng lên công chúa.
Tôi biết đàn Sasando khi tình cờ gặp nghệ sĩ Jacko Hendrick Ayub Bullan tại Triển lãm Dầu khí ASCOPE 2013.
Đây là sự kiện của ngành dầu khí có uy tín nhất trong khu vực ASEAN,
được tổ chức định kỳ 4 năm một lần, luân phiên giữa các nước thành viên.
Và năm nay được tổ chức tại Việt Nam. Tôi là thành viên công ty Apave
Châu Á – Thái Bình Dương thuộc gian hàng của Pháp. Còn anh ở gian hàng
của Indonesia.
Đến triển lãm lớn nhất của ngành dầu khí này, các công ty không chỉ
mang đến công nghệ, kỹ thuật mà còn tranh thủ quảng bá văn hóa đất nước
mình. Gian hàng Việt Nam mời các nghệ sĩ trong trang phục áo dài, khăn
đóng truyền thống biểu diễn đàn tranh, nhã nhạc…
Gian hàng Indonesia mang đến những nhạc cụ dân tộc của đất nước mình và
nghệ sĩ Jacko Hendrick Ayub Bullan được mời đến biểu diễn đàn Sasando ở
triển lãm.
Trong trang phục truyền thống và chiếc mũ đội đầu được làm từ lá cọ
Lantor, nghệ sĩ Jacko đã níu bước chân bao khách tham quan bằng tiếng
đàn Sasando réo rắt trong tay anh. Lúc là những bản nhạc vui nhộn, lúc
là khúc tình ca, lúc là những bài ca da diết về quê hương. Buổi trưa khi
vắng khách tham quan, anh đã chia sẻ niềm đam mê Sasando với tôi trong
niềm kiêu hãnh của người dân đảo Rote.
Anh cho biết, nhìn Sasando giản dị thế nhưng khó chơi hơn cả guitar vì
kết hợp cả melody, bass và accord trên cùng một cây đàn. Vì thế, ở
Jakarta, thủ đô Indonesia, chỉ có ba người chơi được Sasando. Tôi mỉm
cười hỏi: “Có phải cả ba đều trong một gia đình”. Anh gật đầu chỉ vào
mình và nói “thêm hai người anh em họ nữa. Chúng tôi đều di cư từ đảo
Rote”.
Một lần, Jacko đề nghị tôi chỉ đường đến hiệu sách, anh ấy muốn tìm vài
cuốn sách nhạc của Việt Nam với hi vọng ngày nào đó anh có thể biểu
diễn được nhạc Việt với cây đàn của mình. Tôi hẹn ngày mai. Hôm sau, tôi
tặng Jacko một tập tình ca gồm những bài hát của Trịnh Công Sơn, Nguyễn
Ánh 9 và của những nhạc sĩ tài hoa như món quà nhỏ kỷ niệm cuộc gặp gỡ
tình cờ. Tôi không ngờ món quà của mình làm anh xúc động.
Anh hẹn gặp tôi lúc 4 giờ chiều, cũng là khi triển lãm bế mạc. Đúng 4
giờ, tiếng đàn Sasando đột nhiên cao vút rồi réo rắt, nhiều giọng ca
ngân vang. Tôi vội đi đến gian hàng của anh. Trước mặt tôi là cảnh tượng
rực rỡ, những người Indonesia trong rất nhiều trang phục truyền thống
riêng biệt của từng địa phương vây quanh Jacko cùng hát vang. Họ mỉm
cười chào tôi và nói tôi rất may mắn.
Ngạc nhiên, tôi hỏi lại: “Tại sao nói tôi may mắn?”. Jacko cười, bước
đến, gỡ chiếc mũ trên đầu anh đặt sang đầu tôi. Máy ảnh khách tham quan
chớp sáng. Jacko giải thích: “Khi biểu diễn đàn Sasando không thể thiếu
trang phục truyền thống của đảo Rote và chiếc mũ Tilangga”. Đó là lý do
khi biểu diễn xong anh mới tặng chiếc mũ cho tôi. Chiếc mũ Tilangga
cũng đặc biệt y như cây đàn, được làm từ lá cọ, lấy cảm hứng từ mũ của
người Bồ Đào Nha thế kỷ 16,17.
Sau 3 ngày, triển lãm kết thúc, nhân viên các gian hàng đã kịp làm quen
nhau. Jacko và tôi trao đổi email, facebook và hẹn gặp lại. Jacko chỉ
vào tập nhạc và nói: “Đây là món quà đẹp của tôi khi nhớ tới Việt Nam.”
Tôi đội chiếc mũ Tilangga trong lời chào tạm biệt của những người bạn
Indonesia mới quen. Chúng tôi hẹn nhau một ngày nào đó, Sasando sẽ ngân
vang những bản tình ca Việt.
Hương Giang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét