Thứ Bảy, 28 tháng 12, 2013

Nhỏ mà rất hiểm

SGTT.VN - Rộng chưa đầy 35m2, sức chứa không đủ 20 người, quá bé, và cũng quá đơn giản để nói về một điểm thưởng thức càphê như thế ở thành phố mù sương London. Thế nhưng, không gian này là một ngoại lệ, bởi nguyên bản của nó là một nhà vệ sinh công cộng được xây dựng từ năm 1890.

Thật khó để hình dung rằng không gian này từng là một nhà vệ sinh công cộng.
Dẫu có óc tưởng tượng phong phú đến mấy cũng thật khó để nghĩ rằng mở một tiệm ăn uống, phục vụ càphê trong nhà vệ sinh lại có thể kiếm lời được từ thực khách. Nhưng với Peter Tomlinson thì khác, ông chủ của nhà hàng độc đáo ở ngay trung tâm London là Attendant, kể lại rằng: “Khi tôi nhìn thấy chữ “to let” (cho thuê) gắn trên chấn song sắt nơi một nhà vệ sinh công cộng dành cho quý ông trên đường Foley ngay ngã tư Hanson, một ý tưởng chợt loé lên trong đầu rằng chỗ này mà để bán càphê và phục vụ ăn uống thì… hết ý. Nếu bạn ngẫm cái từ “to let” của tiếng Anh, chỉ cần thêm chữ i vào nữa là thành toilet. Và chữ Attendant – tên gọi của quán bây giờ – cũng chính là tên gọi của các nhà vệ sinh công cộng ở Anh ngày xưa”.
Ở Anh, c ác nhà vệ sinh công cộng thường đặt ở dưới tầng ngầm ngay góc ngã tư đường phố, khi gắn tấm biển Attendant, nghĩa là trong nhà vệ sinh đó có một không gian nhỏ để người phục vụ trực, dọn dẹp, giữ sạch sẽ cho khu vệ sinh và thu tiền của khách. Attendant trên đường Foley chính thức mở cửa từ năm 1890 và được sử dụng bởi khách bộ hành và người buôn bán ở khu chợ trên con đường Great Titchfield gần đó.
Năm ra đời của nhà vệ sinh công cộng này được xác định cụ thể chính nhờ vào những phần lạc khoản (đóng dấu) in trên lớp sứ ở bồn tiểu, cho biết chúng được sản xuất bởi công ty Doulton ở Lambeth và được chuyển đến điểm xây dựng bằng ngựa và xe kéo. Nhưng sau 70 năm sử dụng, nhà vệ sinh này đóng cửa vào năm 1960, và bỏ hoang cho đến năm 1989, sau đó được mua lại từ một cuộc đấu giá, với giá khởi điểm ban đầu là 50.000 bảng cho diện tích 33,4m2, và cuối cùng được bán với giá 85.000 bảng. Người chủ mua lại có ý định để mở một xưởng vẽ nhưng cuối cùng không thực hiện được. Và không gian này bị bỏ hoang đến tận 50 năm sau, từ một căn hầm không khác gì ổ chuột, phủ đầy rác rưởi và hôi thối, người tiếp quản Tomlinson đã biến nó thành một không gian quán để phục vụ ăn uống long lanh và mang phong cách độc đáo như hiện nay.
Công trình sửa đổi kéo dài mất hai năm, chỗ ngồi thu tiền trong phòng vệ sinh biến thành nhà bếp, và bồn tiểu phủ men trắng ngà được thay đổi công năng, biến thành bàn ăn với các đường lượn rất duyên dáng mà hẳn chưa một quầy bar nào trên thế giới có đủ… đẳng để sở hữu. Các bồn chứa nước xả giáp với trần được giữ nguyên làm chi tiết trang trí, đi kèm là các bức tranh vẽ có đường nét đơn giản. Phần ghế ngồi được thiết kế rất độc đáo, với chất liệu composite nên có trọng lượng nhẹ, dễ di chuyển, độ cao tương xứng với mặt quầy bar, sử dụng tông màu xanh để kết nối với phần gạch bông phân ô xanh trắng nguyên bản của nền nhà từ thời Victoria ở thế kỷ 19. Tất cả các chi tiết trang trí tận dụng tối đa những gì còn lại của một nhà vệ sinh cũ, biến đổi công năng để phục vụ mục đích trái nghịch hẳn với nhu cầu sử dụng ban đầu.
Khách đến không gian Attendant lần đầu tiên có lẽ chỉ là sự tò mò. Và việc kinh doanh chỉ cần bán càphê cũng là một ý tưởng hoàn hảo, nhưng Tomlinson còn phục vụ thêm các món ẩm thực chọn lọc chẳng hạn như càphê lấy từ nguồn cung cấp Caravan ở King’s Cross, sữa tươi lấy từ nông trại Ivy House ở Sommerset, và các loại bánh lấy từ nhà cung cấp uy tín của London là Bittersweet Bakers. Những vị khách sau khi được thưởng thức những món ăn ở đây, họ có thêm một lý do chính đáng nữa để tiếp tục quay lại… Bởi các món ăn và thức uống đều đảm bảo chất lượng ngon, rẻ, trong một không gian hết sức độc đáo ngay trung tâm London.
Chỉ có điều khi xuống không gian của Attendant, bạn phải tự chủ rằng đây là một quán ăn, quán càphê, chứ không phải là một nhà vệ sinh vẫn đang còn hoạt động. Và nếu chưa từng ghé qua nơi này, nếu có dịp đi du lịch London, hoặc khi nghe ai đó nói với bạn rằng: Ở London người ta ăn bánh và uống càphê trong nhà vệ sinh thì bạn đừng ngạc nhiên nhé!
Bài và ảnh: Nguyễn Đình

Ảnh trái: Mái vòm của Attendant được thiết kế bằng sắt rất cầu kỳ và tinh xảo. Ảnh phải: Từ bồn tiểu biến thành quầy bar để thưởng thức càphê.

Attendant nhìn từ bên ngoài, ngay góc ngã tư Foley và Hanson ở London.

Lối vào nhà hàng Attendant hôm nay, vẫn còn đó ô cửa của người bán vé cho khách đi vệ sinh công cộng ngày trước, vẫn còn đó phần nền gạch từ thời Victoria, nhưng công năng sử dụng đã thay đổi – một sự thay đổi độc đáo và thú vị trong nhịp sống London.

Khách đến Attendant giờ có thể ngồi hàng giờ để thưởng thức ẩm thực và không gian kỳ thú của một nhà vệ sinh cổ xưa.

Các chi tiết nội thất cũ được tận dụng tối đa, kết hợp cùng ánh sáng để tạo nên vẻ duyên dáng và không kém phần sang trọng.

Không có nhận xét nào: