Thứ Bảy, 21 tháng 12, 2013

Phong tục đón năm mới của người Nhật

Năm mới ở Nhật còn được gọi là Shougatsu. Vào ngày này, họ thường trang trí lại nhà cửa, làm Mochi và tặng nhau Otoshidama để cầu may mắn và hạnh phúc.
1. Đón năm mới với gia đình
Có rất nhiều người Nhật về quê để cùng đón năm mới với gia đình. Cũng giống như ở Việt Nam, Hàn Quốc, Trung Quốc và rất nhiều nước châu Á khác, người Nhật cũng quan niệm năm mới là dịp để những người thân tụ họp, ôn lại những kỷ niệm về một năm đã qua.
2. Trang trí lại nhà cửa
Ngôi nhà trong năm mới sẽ được trang trí bằng những bùa may đậm phong cách truyền thống Nhật Bản, thể hiện tín ngưỡng và mong muốn trong năm mới. Người Nhật có thể mua hoặc tự làm một vòng hoa thật đẹp bằng rơm và bùa cầu may rồi treo trên cửa trước nhà mình. Ngoài ra, họ cũng nên đặt bên cạnh cửa ra vào một kadomatsu (cây may mắn – thông hoặc một cây cảnh nào đó), hay có một chú maneki neko (mèo may mắn) ở trong nhà, hoặc để trên bàn làm việc của mình một chiếc kumade (cái cào than cầu may).
image001-6541-1387442795.jpg
Maneki neko – chú mèo may mắn rất nổi tiếng trong truyền thống Nhật Bản
3. Làm món Mochi
Mochi là một loại bánh gạo của Nhật Bản, dai và có vị ngọt. Người ta cũng thường gọi món này là “O-mochi”, “o” là một âm tiết thêm vào để tạo sự trang trọng, cho thấy đó là món ăn thiêng liêng. Mochi là một phần không thể thiếu được trong lễ mừng năm mới ở Nhật Bản. Bạn có thể thưởng thức Mochi theo nhiều cách. Người ta thường dùng bữa sáng với món Mochi dưới dạng súp nóng gọi là Zouni, hoặc ăn kèm với nước tương hay mù tạt. Ngoài ra, có thể dùng bánh cho những bữa tiệc ngọt với một chút trà xanh truyền thống.
4. Tổ chức một buổi Bonenkai (tiệc chia tay năm cũ)
Đây có thể là một bữa tiệc được tổ chức trong phòng trà với những tấm nệm tatami và bàn thấp kiểu Nhật, hoặc một nhà hàng phong cách phương Tây, nhưng đồ ăn là những món truyền thống của Nhật Bản. Đó có thể là shashimi, miến soba, súp cá đỏ, món fugu, cơm, trứng cá, tempura, và rượu sake. Theo truyền thống, người Nhật không tự rót đầy rượu cho mình mà thường rót đầy chén của bạn bè khi thấy chén của họ đã cạn. 
DSCN1024-JPG.jpg
Tiệc chia tay năm cũ.
5. Cùng trao đổi Nengyou
Nengyou là một loại thiệp năm mới rất đặc biệt, được trang trí bằng 12 con Giáp theo kiểu Trung Hoa. Ở Nhật Bản, các bưu điện địa phương thường có những dịch vụ đặc biệt trong dịp năm mới để chuyển những bức Nengyou này đi khắp nơi.
6. Tặng nhau Otoshidama
Theo truyền thống, Otoshidama là những món quà nho nhỏ được tặng cho nhau trong suốt những ngày kề năm mới. Thời nay, Otoshidama thường là tiền mà người lớn trao cho trẻ em. Mệnh giá được sử dụng chủ yếu là khoảng 5.000 Yên (khoảng 1 triệu đồng), và được đặt trong những phong bao màu đỏ có hình trang trí đặc biệt. Đối với những người làm nghề buôn bán, đôi khi họ sẽ tặng Oseibo (một món quà gì đó được làm từ hàng hóa của họ).
7. Dọn dẹp nhà cửa
Cuối năm chính là khoảng thời gian phù hợp để dọn dẹp và trang hoàng lại cho ngôi nhà và văn phòng làm việc. Người Nhật gọi việc này là susuharai hay ousouji.
8. Ăn món Toshikoshi Soba vào ngày 31/12
Đây là truyền thống bắt nguồn từ vùng Tokyo. Những sợi mì dài chính là biểu tượng cho một cuộc sống lâu dài và trường tồn.
P1000975-1-JPG_1387509266.jpg
Những sợi mỳ dài chính là biểu tượng cho một cuộc sống lâu dài và trường tồn.
9. Xem Kouhaku Uta Gassen vào đêm giao thừa
Đây là một cuộc thi hát rất phổ biến ở Nhật Bản, giữa hai đội Đỏ và Trắng. Trong khi đội Đỏ mang tên Akagumi được trình diễn bởi toàn những nữ nghệ sĩ, thì đội Trắng tên là Shirogumi bao gồm toàn nam. Những bài hát và màn trình diễn ở đây đều do một ban giám khảo được chọn bởi kênh truyền hình NHK (Nhật Bản) chấm điểm. 
10. Đi lễ hoặc đến thăm một ngôi đền
Đợi đến lượt mình để rung chuông và cầu xin may mắn trong đền, sau đó mua những tấm bùa cầu may từ những miko (nhà sư giữ đền) như omamori, hamayda, kamifuda hoặc ema. Hãy chú ý lắng nghe nhạc gagaku (nhạc chầu). Ở trong những ngôi đền Phật Giáo, bạn có thể được xem cảnh chiếc chuông trong đền rung tới 108 lần vào lúc nửa đêm. 
11. Đặt những đồ lễ trên bàn thờ
Những đồ lễ thông dụng vẫn thường được dùng là Mochi, quả hồng, hạt dẻ, hạt thông, đậu đen, cá Sardines, cá trích, mực và cam. Đây là những sản phẩm đặc trưng truyền thống của Nhật Bản, dễ làm và dễ kiếm.
3031925-387ce9edfd-o_1387443376.jpg
Bàn thờ, còn gọi là “kamidana” và “butsudan”
12. Làm một cuộc “Cách mạng”
Năm mới là thời điểm được người Nhật ví như một sự khởi đầu hoàn toàn mới cho mọi việc. Không nhất thiết phải làm những điều quá phức tạp hay to lớn mà chỉ đơn giản như bày trí lại một ngôi nhà theo một phong cách hoàn toàn mới, thay màu sơn cho phòng ngủ, hoặc nuôi một chú thú cưng hay cây kiểng mới chẳng hạn.
13. Ăn Osechi (đồ ăn năm mới)
Một vài loại thức ăn được coi là sẽ đem lại may mắn trong năm mới. Có rất nhiều cửa hàng ở Nhật Bản bán những hộp đồ ăn bao gồm những món như kuri (hạt dẻ), datemaki (trứng), kamaboko (bánh cá), kobumaki (tảo biển), yakizabaka (cá), kazunoko (cá trích muối), konnyaku (một loại rau), gobo, rekon (ngó sen), kuromame (đậu đen), ise ebi (tôm hùm), và daikon (củ cải trắng). Ozouni (súp Mochi) và otoso (rượu sake cay) cũng là những món rất đặc trưng trong lễ Mừng năm mới.
Oseti.jpg
Osechi-ryori đón năm mới.
14. Tổ chức một bữa tiệc năm mới
Với toàn đồ ăn Nhật Bản và những trò chơi cổ truyền, đây là một bữa tiệc gia đình mà trong đó mọi người sẽ cùng chơi hanetsuki (cầu lông), koma (đánh quay) và takoage (thả diều) hoặc karuta (chơi bài).
15. Kỷ niệm những cái “đầu tiên”
Một vài “mốc son” truyền thống của người Nhật là kakizome (nét bút đầu tiên, mà chúng ta vẫn gọi là khai bút), hatsuyume (giấc mơ đầu tiên), hatsumoude (chuyến viếng đền thờ đầu tiên), hakizome (lần quét nhà đầu tiên), và hatsuburo (lần tắm đầu tiên). 
16. Ăn Mochi trong lễ Kagami Biraki
Kagami Biraki là một nghi lễ truyền thống của Nhật Bản, có thể hiểu nôm na là “Phá vỡ món Mochi”. Món bánh gạo trang trí được đập ra và nấu lên. Theo truyền thống, Kagami Mochi thường được ăn vào ngày 11 tháng 1.
17. Dự lễ Dondoyaki
7022425.jpg
Lễ Dondoyaki.
Vào ngày 15 tháng 1, người Nhật thường đem những tấm bùa cầu may của năm cũ và đồ trang trí năm mới tới ngôi đền ở địa phương. Trong đền, họ sẽ đốt chúng trong một ngọn lửa cháy sáng. Sau đó, có thể họ sẽ được thưởng thức amazaki (rượu sake ngọt). Nghi thức này sẽ chính thức kết thúc ngày lễ Mừng năm mới.
Trần Nam (theo asiasociety)

Người Nhật đón năm mới như thế nào?

Không giống Việt Nam, Trung Quốc và một số nước Châu Á mới, người Nhật đón năm mới - Oshogatsu - cùng với Phương Tây theo lịch dương nhưng vẫn mang đậm nét truyền thống đặc trưng rất riêng trong văn hoá Nhật Bản. Các hoạt động chuẩn bị cho năm mới kéo dài từ giữa tháng 12 đến 3 ngày đầu năm mới. Hãy cùng Carnival Group đến và khám phá nước Nhật trong năm mới.

Trước giao thừa

Người Nhật chuẩn bị năm mới từ những ngày giữa tháng 12 bằng cách bắt đầu viết và gửi các bưu thiếp mừng năm mới cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp. Các tấm bưu thiếp thường dùng hình ảnh con giáp đại diện trong năm đó kèm những lời cảm ơn cho năm cũ, lời chúc trang trọng trong năm mới. Những tấm bưu thiếp thường được gửi đến trước khi kết thúc năm cũ nhưng cũng có thể kéo dài đến ngày 15 tháng Giêng.

Người Nhật cũng có truyền thống dọn dẹp nhà cửa, công ty trước năm mới để xóa sạch những điều xui xẻo của năm cũ và sẵn sàng đón may mắn trong năm mới. Sau khi dọn dẹp, họ sẽ trang trí trước cửa nhà bằng kadomatsu – chậu cây thông và tre để đón Thần Toshigamisama với mong muốn vị thần này sẽ đem đến sự thịnh vượng, may mắn, trường thọ và hạnh phúc cho cả nhà
 
Kadomatsu – chậu cây thông và tre để đón Thần Toshigamisama trước cửa nhàKadomatsu – chậu cây thông và tre để đón Thần Toshigamisama trước cửa nhà

Đêm giao thừa

Đêm giao thừa là thời điểm người Nhật sum họp gia đình để cùng ăn tất niên và chờ đợi khoảnh khắc năm mới đến. Món ăn không thể thiếu trong bàn ăn của người Nhật trong đêm giao thừa là món Toshikoshi Soba - loại sợi mì dài và dai làm từ kiều mạch, gạo tượng trưng cho tuổi thọ, hạnh phúc sẽ kéo dài trong năm mới. Họ quây quần bên nhau trong bữa tối năm cũ và xem chương trình Houhaku Uta Gassen - đại hội tranh tài của các nghệ sỹ nổi tiếng Nhật Bản với 2 đội hồng và đội trắng cùng nhau biểu diễn để giành được chiếc cúp và lá cờ chiến thắng của hội đồng thẩm định. Đây là chương trình truyền thống, được phát sóng trên kênh truyền hình quốc gia Nhật Bản NHK. Bữa cơm ấm cùng sẽ kéo dài đến gần thời điểm giao thừa.

Thời khắc giao thừa

Vào đúng 0h đêm giao thừa, mọi người sẽ cùng chúc nhau những lời chúc năm mới hoà trong 108 hồi chuông được đánh khắp các ngôi chùa tại Nhật với ý nghĩa tiếng chuông sẽ xua đuổi 108 ham muốn trần trục khiến con người khổ sở. Một vài gia đình sẽ đến các chùa để cầu nguyện cho năm mới vào đúng thời điểm giao thừa nhưng cũng một vài gia đình nghỉ ngơi và sẽ đi lễ chùa đầu năm vào ngày hôm sau.

Viếng lễ chùa đầu năm tại Đền AsakusaViếng lễ chùa đầu năm tại Đền Asakusa

Những ngày đầu năm mới

Người Nhật có truyền thống thức dậy trước thời khắc mặt trời mọc để cùng nhau nhìn ngắm bình minh như mong muốn một khởi đầu mới tốt đẹp cho cả năm. Các sóng truyền hình cũng sẽ phát các hình ảnh mặt trời mọc tại các điểm khác nhau trong nước Nhật để người dân cùng nhau chiêm ngưỡng. Với các gia đình chưa đến đền chùa vào thời khắc giao thừa thì họ sẽ bắt đầu viếng vào ngày đầu tiên này để cầu nguyện cho sức khoẻ, phát đạt, hạnh phúc trong năm mới. Oshogatsu cũng là dịp trẻ em Nhật Bản được nhận tiền mừng tuổi Otoshidama từ người lớn như một lời chúc năm mới khoẻ mạnh.

Ngày mồng hai và ba là thời gian người Nhật thực hiện thăm viếng đầu năm đến bạn bè, người thân, đồng nghiệp và gửi tặng nhau những lời chúc tốt đẹp trong năm mới.

Trong những ngày đầu năm, người Nhật thường uống rượu sake, thưởng thức món Oseshi truyền thống - một món đồ nguội để hạn chế việc nấu nướng trong những ngày tết.

 Sau 3 ngày tết, người Nhật còn có Tết 7 loài hoa vào ngày 7/1, tục làm vỡ bánh dày vào ngày 11/11 và lễ thành nhân ngày 15/1 cho các thanh niên nam nữ tròn 20 tuổi. Sau những ngày này, nước Nhật mới thực sự hết tết và trở lại hoàn toàn với cuộc sống nhộn nhịp hằng ngày.



Không có nhận xét nào: