Trong mường tượng của tôi, Tây Tạng hiện lên là
vùng đất đậm chất thiền định, đẹp như giấc mơ dở dang thuở thiếu thời.
Và may mắn đến khi tôi nhận được thẻ công dân từ đất nước thứ hai của
mình, đồng nghĩa với việc cánh cửa đến Tây Tạng đã rộng mở. Tôi vội vã
đặt vé máy bay, mà không để ý mùa Giáng Sinh đã cận kề...
Với kẻ có đời sống về đêm như tôi, dậy sớm chưa bao giờ là viễn cảnh hấp dẫn, nhất là trong buốt rét cùng suy nghĩ mình đang ngủ nơi lưng chừng trời. Thế nhưng 6 giờ sáng, chiếc chăn đã bị lật tung ra khỏi cơ thể của tôi với lời mời mọc của cô bạn cùng phòng: “Xin mời quý bà dậy để chiêm ngưỡng điều kỳ diệu”. Cô khẽ kéo chiếc rèm cửa để lộ từng tia sáng nhè nhẹ nhảy nhót trên tấm thảm Tây Tạng đỏ nồng, rồi đột ngột vươn đôi tay dài giật thật mạnh khiến ánh sáng hốt hoảng tràn vào… Và, tất cả như vỡ òa... Tây Tạng chìm trong biển trắng mùa đông thật đẹp - vẻ đẹp thiền định làm mờ ranh giới giữa thực và ảo, tồn tại và không tồn tại, sân si và cực lạc. Đôi khi tôi sợ hãi nắm chặt bàn tay để chắc chắn mình đang không tan biến dần trong cái khung cảnh trắng xóa ấy.
Đêm Giáng Sinh siêu thực
Trái với suy nghĩ của tôi về đất nước nằm vắt vẻo trên dãy Himalaya chỉ có những hoang mạc, đồi núi, thảo nguyên, Tây Tạng hiện lên trước mắt tôi hiện đại đến khó tin. Nhà cửa, các khu mua sắm, cửa hàng ăn uống, trường học, bệnh viện, bảng thông báo bằng tiếng Trung Quốc,... Nghĩa là tất cả tín hiệu xâm lăng của sự hiện đại hóa đều tề tựu đủ ở đây.
Căn nhà đậm chất Tây Tạng, đầy màu sắc nóng: Vàng, đỏ, tím,... cùng những hoa văn kì dị là kết quả giao thoa của văn hóa thổ dân bản địa và phật giáo nguyên thủy từ Ấn Độ. Thay vì cây thông xanh mướt gắn những chiếc chuông nhỏ, là cây gỗ dài, kết đầy lá cờ xanh, đỏ, tím, vàng, bằng vải lanh bay phấp phới được gắn những dây đèn lấp lánh. Trên mỗi lá cờ lại tràn ngập các dòng chữ tiếng Phạn và những biểu tượng kì lạ. Khi thấy tôi nhìn ngắm những lá cờ này, chủ nhà vội giải thích những lá cờ viết các bài cầu nguyện. Cạnh cây cờ treo vòng dây được kết từ các chuỗi ngọc màu lục xanh mướt cùng hổ phách bí ẩn, dây thừng tím rịm xen lẫn đen tuyền thay thế cho vòng kết từ lá thông.
Nhưng phần hấp dẫn nhất là lúc bữa tiệc bắt đầu, âm nhạc trỗi dậy. Nhạc phật giáo của Tây Tạng sống động gõ vào không gian từng tiếng chuông chùa, khoan thai, nhẹ nhàng, không nhanh, không chậm, không cao, không thấp, chỉ là những đợt sóng vỗ từ xa, xoa dịu cõi lòng kẻ phàm nhân đau đớn trong khổ ải trần gian. Tôi cùng chủ nhà rì rầm cầu nguyện bài kinh Phật trước khi dùng bữa, anh nhắm nghiền mắt, gương mặt nghiêm túc đầy vẻ khổ hạnh, thành tâm kính cẩn ngay cả trong từng nhịp thở.
Bàn ăn được bày biện đầy đủ bộ dao, nĩa, chén, bát,... theo phong cách chuẩn mực của phương Tây trên nền thổ cẩm thêu hình con thú kì lạ với đôi nanh dài là thần hộ mệnh trong niềm tin Tây Tạng. Món khai vị là Dre-si - một món ngọt Tây Tạng dùng gạo nấu với bơ nhạt, nho khô và droma. Kế tiếp là thịt bò Tây Tạng, miếng bò săn chắc, đầy gân, vị ngọt tứa ra ngay từ miếng cắn đầu tiên được dùng kèm khoai tây. Món ăn này là cuộc hôn phối đầy ngẫu hứng từ ẩm thực phương Tây và truyền thống Tây Tạng. Sau đó là Tsam-thuk - thịt cừu Tây Tạng hầm cùng bột đại mạch, và nhiều loại phô mai.
Kết thúc bữa tối, chủ nhà tặng tôi bức tượng Phật Thích Ca bằng đồng nhỏ. Phật hiền từ nhìn tôi như thấu hiểu, bao dung tất cả. Tôi cảm ơn chủ nhà trong niềm nghẹn ngào vì tình thân đến từ con người mới gặp trên mảnh đất xa lạ. Tạm biệt anh trong quyến luyến, tôi nhủ thầm trong lòng mình sẽ không bao giờ quên đêm Giáng Sinh siêu thực, như bức tranh của Picasso: Nơi tôi đã “gặp” Đức Phật, Đạt Lai Lạt Ma và chúa Jesus!
...............................................
Tất cả như vỡ òa... Tây Tạng chìm trong biển trắng mùa đông thật đẹp - vẻ đẹp thiền định làm mờ ranh giới giữa thực và ảo, tồn tại và không tồn tại, sân si và cực lạc. Đôi khi tôi sợ hãi nắm chặt bàn tay để chắc chắn mình đang không tan biến dần trong cái khung cảnh trắng xóa ấy.
Bài: Tống Trần
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét