Đăng Bởi -
Đây là kỷ niệm tuyệt vời nhất trong hành trình, bởi từ trên đỉnh núi cao nhất của Bodo (Na Uy), chúng tôi được gần nhất với mặt trời, ngắm thành phố dưới ánh nắng chan hòa vào… nửa đêm.
Tuyết giữa mùa Hè
Đường đến Bodo không hề đơn giản. Đầu tiên là một chặng xe lửa từ Antwerp, phía Bắc nước Bỉ đến Brussels, trong vòng 2 tiếng, sau đó là chặng bay từ Brussels đến Oslo, thủ đô của Na Uy. Tiếp đó bắt tàu từ Oslo đến Tronheim, một thành phố nhỏ ven biển Baltic, đổi tàu và tiến thẳng đến Bodo. Bodo cũng là ga cuối cùng của tuyến đường sắt chạy dọc đất nước Na Uy.
Tại đây, nếu bạn muốn đi xa hơn lên phía bắc, chỉ có cách đi ô tô hoặc tàu thủy. Bodo chưa phải là điểm tận cùng của Na Uy, nhưng đã vượt qua vòng cực Bắc của trái đất, nơi bạn đã có thể tận hưởng ánh mặt trời chiếu sáng suốt cả ngày vào mùa hè. Còn mùa đông, cả khu vực này đều bị bóng đêm bao phủ suốt 24 giờ
7_resize
Cuộc sống yên bình của Bodo
Chúng tôi thật may mắn khi đặt chân đến Oslo, trời rực rỡ nắng đúng vào thời điểm đẹp nhất trong năm. Ở các ngọn núi hai bên đường, tuyết vẫn phủ trắng. Một phụ nữ trên cùng chuyến tàu nói với chúng tôi “Tuyết bao phủ những ngọn núi này quanh năm, nắng mặt trời giữa mùa hè cũng không thể làm tan hết tuyết”.
Tuyến đường sắt chạy dọc theo đất nước Na Uy dài hơn 3000 km, chui qua 775 đường hầm xuyên núi, và vắt ngang hơn 3000 chiếc cầu. Con tàu đưa chúng tôi đi xuyên qua những vùng đồng bằng, núi non, vắt qua những sườn đèo cheo leo, qua những cánh rừng hoang sơ bất tận cảu Na Uy. Chúng tôi đã thấy một ngọn thác đổ nước trắng xóa từ trên ngọn núi xanh mướt xuống biển ào ạt song, một dòng suối nhỏ chảy hiền lành qua một cánh đồng hoa, nở rực rỡ giữa mùa hè.
4_resize
Nhà ga Bodo là điểm cuối cùng của tuyến đường sắt chạy dọc đất nước Na Uy
Xuyên qua vòng Bắc Cực
Phía xa là một ngọn núi tuyết phủ trắng trên đỉnh, những cái nắng oi ả chỉ làm cho những mảng tuyết chưa tan sáng rực lên, và cả những ngọn núi dựng đứng hai bên cho tàu chạy qua, hay những con đường hầm xuyên qua lòng núi.
Phải mất đến 3 phút tàu mới chui ra được phía ánh sáng, cảm giác giống hệt đang ngồi trên con tàu Hogward Express đến trường học phù thủy trong truyện Harry Potter vậy. Thực tế, hình ảnh đoàn tàu trong tập phim Harry Potter và hoàng tử lai đã được quay trên đoạn đường ray Raumabanen (từ Oslo đến vùng vịnh Andalsnes). Được một nửa chặng đường, cậu bạn Arnout hét ầm lên “này này các cậu, nhìn kìa, vòng Bắc cực kìa (Artic circle). Cả bọn nháo nhác nhìn ra ngoài cửa sổ xe lửa, và hét ầm lên thích thú vì đoàn tàu vừa đưa mình vượt qua một vành đai ảo, vành đai nằm trên vĩ độ 66 phía Bắc xích đạo.
Toàn bộ vùng đất nằm phía trên vòng tròn này được gọi là vùng Bắc Cực, và tất cả các điểm nằm phía trên vành đai này đều không có màn đêm vào mùa hè và không có ánh sáng mặt trời vào mùa đông. Trên đường viền ảo này, người ta xây dựng các lô cốt nhỏ như kim tự tháp cao khoảng 1m có hình quả địa cầu bên trên để đánh dấu biên giới.
 norway 10_resize
Cột mốc đánh dấu vành đai ảo vùng cực Bắc, hình một quả địa cầu nghiêng
Bodo là điểm đến cuối cùng của tuyến đường sắt. Nhà ga ở đây bé xíu như một ngôi nhà gỗ cheo leo trên vách núi của một gia đình, hai ngày mới có một chuyến tàu khởi hành từ đây đi, vì thế, du khách đến thăm phải tính toán kỹ lưỡng để lên tàu về đúng giờ. Chuyến tàu cuối đên Bodo chỉ mang theo khoảng hai chục du khách, và chục người dân địa phương đi xa về.
4_resize
Nhà ga Bodo là điểm cuối cùng của tuyến đường sắt chạy dọc đất nước Na Uy
Tới gần mặt trời ngắm thành phố lúc nửa đêm
Để ngắm toàn thành phố từ trên cao, chúng tôi quyết định leo lên ngọn núi cao nhất của Bodo, nhìn con đường màu xám ngoằn ngoèo len lỏi trong từng bụi cây dẫn lên đỉnh núi, chúng tôi không khỏi choáng ngợp. Đây là kỷ niệm tuyệt vời nhất trong hành trình, bởi từ trên đỉnh núi, chúng tôi được gần nhất với mặt trời, ngắm thành phố dưới ánh nắng chan hòa vào… nửa đêm.
2_resizeNgôi nhà sơn màu đỏ để định hướng cho người ngư dân tìm về nhà mình
Phải mất 2 tiếng đồng hồ chúng tôi mới đến được đỉnh núi. Lúc đó là 2 giờ đêm, trời vẫn sáng, và cả bọn xuýt xoa với nhau: “Cậu nhìn này, không thể tin được đang là 2 giờ. Ánh sáng vẫn không thay đổi từ khi chúng ta đặt chân đến đây. Cậu đoán xem hướng nào lát nữa mặt trời sẽ mọc? Tớ nhìn thấy ánh sáng ở đằng kia”.
Cả thành phố phía dưới ngọn núi đều im lìm, không có một ánh đèn nào, không có một chiếc xe nào đang chạy. Chắc hẳn cả thành phố đang … ngủ. Chúng tôi tự nhận mình là những kẻ điên, vì trèo lên đỉnh núi vào lúc 2g sáng và hát hò.
5_resizeTrèo lên đỉnh núi cao nhất Bodo vào lúc 2h đêm
Ai đó leo lên ngọn núi này trước chúng tôi đã xếp những hòn đá thành một chồng cao ngất, cao đến cả mét. Arnout, cậu bạn người Bỉ, giải thích: “Theo thông lệ, khi người ta leo lên một đỉnh núi cao, chinh phục được thiên nhiên, người ta thường xếp những hòn đá lên cao lên mãi để khẳng định sức mạnh của con người vượt qua được tự nhiên”. Tất nhiên, tôi cũng không quên nhặt một viên đá, xếp lên trên cùng của ngọn núi nhỏ nhân tạo, đánh dấu bước chân mình đã chinh phục thêm một ngọn núi cao.
norway 5_resizeNhững viên đá do con người đặt trên đỉnh núi, để đánh dấu mỗi thử thách đã được chinh phục
Trước khi đến Bodo, tôi luôn có cảm giác đây là thành phố thuộc vùng sâu vùng xa, hẻo lánh và kém văn minh (dù sao cũng gần Bắc cực, và là điểm cuối cùng của tuyến đường tàu), tuy nhiên, Bodo thực tế rất hiện đại.
Đường xá, nhà cửa được xây dựng rất quy củ, có một sân bay ngay giữa trung tâm thành phố, nơi trước kia, trong chiến tranh thế giới thứ nhất, quân đội Đức đã chiếm đóng làm căn cứ, nay là sân bay quân đội do Lực lượng không quân hoàng gia Na Uy quản lý. Ở đây cũng có nhiều trung tâm mua sắm lớn, với nhiều thương hiệu thời trang nổi tiếng thế giới.
3_resizeChụp ảnh cùng người lính gác bên ngoài cung điện Hoàng Gia
Cả ngày sau đó, chúng tôi ghé thăm những địa điểm nổi tiếng của Bodo, như nhà thờ, bến tàu, tháp đồng hồ cổ, bảo tàng hàng hải Viking. Con đường từ chân núi dẫn ra biển ngập tràn hoa cúc trắng và hoa bồ công anh. Nếu một đoàn làm phim đến quay bộ phim tình cảm lãng mạn, thì đây chắc chắn phải là nơi đóng cảnh cầu hôn của đôi tình nhân trẻ, bởi con đường chúng tôi đang bước đi trông giống như lối vào thiên đường vậy.
Theo Tạp chí Duyên Dáng Việt Nam – Bài: Quỳnh Mai – Ảnh: Quỳnh Mai, Tư liệu