SGTT.VN - Khác hẳn bất cứ thành phố Nam Á khác,
những chiếc xe lôi len lỏi qua những nẻo phố tạo nên một nét rất riêng
cho thành phố Dhaka – Bangladesh. Mùa đông đang đến trong thành phố,
nhưng nó không “lạnh” như tôi đã từng nghĩ khi còn ở Việt Nam.
Có khoảng 400.000 chiếc xe lôi hoạt động ở Dhaka – thành phố là “trung tâm xe lôi của thế giới”.
|
Dhaka từng là vùng đất vàng son của vương triều Hồi giáo Mughal hùng mạnh ở Ấn Độ – nổi tiếng với ngôi mộ tình yêu vĩnh cửu Taj Mahal. Trong thời Trung cổ (1605 – 1627), Dhaka có tên gọi là Jahangir Nagar (thành phố của vua Jahangir). Thủ đô Bangladesh chính thức mang tên Dhaka vào năm 1630 và từng là trung tâm thương mại về lụa muslin nổi tiếng của vùng Nam Á.
Trên chiếc xe lôi của anh Manun, tôi len lỏi trong những ngõ hẹp để tham quan những vết tích vương triều Mughal để lại ở Dhaka như pháo đài Lallbagh, thánh đường Hồi giáo Saat... Những tảng sa thạch đỏ ở pháo đài Lallbagh hay cung điện Ahsan Mazil biến thiên màu sắc theo ánh sáng mặt trời luôn là kiến trúc riêng biệt của các vương triều Mughal thời trung cổ. Tôi cũng đến ngôi đền Dhakeshwari có tuổi đời hơn 800 năm – đền Hindu linh thiêng nhất ở Bangladesh.
Nhìn tấm lưng nhễ nhại mồ hôi của Manun và đôi chân anh cố gắng đều đặn theo những vòng quay của bánh xe với một chút “xót xa” trong lòng. Nhưng tôi không thể tìm được phương tiện di chuyển khác bởi xe lôi là phương tiện hữu hiệu nhất ở đây. Dhaka đôi khi được gọi là thành phố của những thánh đường Hồi giáo bởi quanh co trong những ngõ hẹp khoảng vài block nhà là những cột tháp cao liên tục xuất hiện.
Hiện tượng kẹt xe cũng rối rắm trên những nẻo phố. Khác với hình ảnh của các thành phố Nam Á khác, những đoàn xe lôi nối đuôi dài nhau ở các ngã tư hay một giao lộ nào đó cắt ngang những con hẻm nhỏ. Anh nhân viên bán vé ở pháo đài Lallbagh cho biết, ở Dhaka có khoảng 400.000 chiếc xe lôi hoạt động mỗi ngày. Nó tạo một nét “đáng yêu” cho thành phố và đôi khi du khách hay gọi là “thành phố của những chiếc xe lôi” hay “trung tâm xe lôi của thế giới”.
Ngồi trên chiếc xe lôi của anh Manun vi vu qua những đường phố ở Dhaka, tôi lại nhớ đến hình ảnh đáng yêu của Sài Gòn với những chiếc xích lô của hai thập niên trước…
Trước chuyến đi, tôi nhận được câu hỏi phỏng vấn từ cô nhân viên Đại sứ quán khi xin visa đến Bangladesh: “Anh đến đó làm gì khi đó là vùng đất không an toàn?” Cùng với những thông tin về cộng đồng Hồi giáo từ các trang báo hay trên internet khiến tôi luôn nghĩ rằng Bangladesh là một vùng đất rất “lạnh”!
Mùa đông đã đến Dhaka, nhưng nó không “lạnh” như tôi từng nghĩ khi ở Việt Nam. Buổi sáng và tối không khí se lạnh, để rồi buổi trưa nắng vàng hanh xuyên qua từng góc phố. Dhaka còn có những trái tim nồng sưởi ấm “cái lạnh Hồi giáo” trong trái tim tôi.
Manun cố gắng vượt qua đám tang trong con hẻm nhỏ để đưa tôi đến ngôi chùa Phật giáo sớm. Ngay lập tức, Manun được một người lớn tuổi trong đoàn gọi lại để giáo huấn về nghi lễ. Nhìn cách lễ phép của Manun khi lắng nghe giáo huấn, hay cúi đầu xin lỗi khiến tôi “chột dạ” bước đến xin lỗi phụ cho Manun.
Một vài cuộc biểu tình đã xảy ra trên đường phố Dhaka. Tôi nhìn đoàn người biểu tình trật tự hô vang khẩu hiệu mà có suy nghĩ khác hơn về người Bangladesh. Đó không phải là hình ảnh ném đá, chửi thề hay chọi vào cảnh sát ở những quốc gia tiên tiến, giàu có mà tôi từng chứng kiến.
Ở nơi đó, tôi còn giữ lại hình ảnh đáng yêu trong ký ức những trái tim nồng ấm giúp đỡ tôi đến tận răng khi dặn dò nhà xe đón đưa tôi cho đúng giờ để không lỡ chuyến bay, hay tụm lại thành đám đông bảo vệ tôi sau khi nghĩ nhầm anh phục vụ nhà hàng ức hiếp và chặt chém giá do sự bất đồng ngôn ngữ, hoặc tặng miễn phí bánh Pitha truyền thống ngọt ngào để thử qua…
Tôi đi thẳng ra sân bay sau khi trở về Dhaka từ Puthia. Tôi đã thất hứa khi không đủ thời gian ghé lại Dhaka để thăm Manun. Tôi còn nợ Manun một lời xin lỗi! Tôi đã trải qua những ngày mùa đông ở Bangladesh, nhưng nó không “lạnh” như tôi đã từng nghĩ.
bài và ảnh: Chính Ly
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét