Đến Tokyo lần đầu vào tuần cuối cùng
của tháng 10, hành trình 4 đêm 5 ngày ở Nhật Bản quả là ngắn ngủi. Mỗi
ngày rong ruổi qua nhiều đoạn đường, tôi chỉ có thể ngắm nhìn cuộc sống
của Tokyo, Hakone, Kamakura… qua cửa kính. Thế nhưng, những ngày ngắn
ngủi ở đây vẫn cho tôi cảm xúc trong trẻo và lạ lẫm, vì ba thứ: Maccha,
Nama và Onsen.
5
giờ sáng trên chuyến bay của hãng hàng không Nhật Bản (Jal) trong giấc
ngủ vật vờ, tôi nghe tiếng mời uống nước trà xanh nóng của cô tiếp viên
xinh đẹp. Cầm chiếc bình, cô nhẹ nhàng rót nước trà xanh ra ly. Dưới đáy
bình không có xác lá trà, chỉ có một thứ bột màu xanh chưa tan hết. Mùi
trà thoang thoảng làm tỉnh cả người. Khi ăn xong bữa sáng, trà xanh vẫn
được các cô mang ra mời khách.
Ba
đêm nghỉ trong khách sạn Shinagawa Prince trên một vùng đồi ở thủ đô
Tokyo, thứ duy nhất mà họ để trong phòng mời khách là trà xanh. Các bữa
ăn ở khách sạn hay ở các quán ăn nhà hàng, trà xanh vẫn là thức uống
không thể thiếu. Khi thì bột trà, lúc là túi lọc, lúc là trà đóng
chai... Và ngon nhất là loại trà xanh được cô phục vụ người Nhật mặc áo
yukata (giống kimono nhưng cách mặc đơn giản hơn) rót ra từ cái bình gốm
sứ, tay cầm bằng gỗ trong bữa tối và bữa sáng ở vùng Hakone. Tôi không
sành trà, nên vị ngon có lẽ nằm ở cách cô gái trẻ ấy quỳ xuống thong thả
rót trà cho từng vị khách.
Một
người bạn giỏi tiếng Nhật, từng sang Nhật nhiều lần nói với tôi: “Trà
xanh gắn liền với đời sống người Nhật. Họ dùng trà xanh mỗi ngày, cả
trong thực phẩm chế biến”. Trà xanh còn được sử dụng như nguyên liệu làm
đẹp. Người Việt đã quen với sushi và sashimi -thức ăn Nhật, nhưng không
biết họ có món “cơm trà dưa muối” (ochatsuke). Họ bỏ ít dưa cải muối
hay mơ muối, cùng với tảo biển cắt nhỏ lên trên chén cơm trắng, sau đó
đổ trà nóng vào rồi dùng thật nhanh. Ngoài ra, còn món “cơm trà” (sahan)
– cơm được nấu với nước trà và một ít muối...
Đối với tôi, hương vị trà xanh ngon nhất là kem trà xanh và sôcôla trà xanh.
Nama: sôcôla tươi từ vùng Hokkaido
Trước
lúc đi, một người bạn thân dặn tôi nhất định phải mua Nama Choco ở sân
bay Narita về làm quà. Bạn thường sang Nhật công tác nên bảo, “phômai,
sữa và sôcôla sản xuất từ vùng Hokkaido (vùng núi, thường được ví là
“Thuỵ Sĩ của Nhật Bản”) có vị ngon không đâu sánh bằng”. Ở sân bay
Narita, đến khu bán bánh kẹo. Cô nhân viên người Nhật dẫn tôi đến tận
quầy hàng bán thứ sôcôla nổi tiếng của Nhật Bản - được xếp hạng là một
trong mười loại sôcôla ngon nhất thế giới. Những chiếc hộp vuông bằng
giấy (to hơn bàn tay một chút) – nhãn hiệu Royce từ vùng Hokkaido -có đủ
màu xếp trong tủ trữ lạnh. Khi ra quầy tính tiền, cô thu ngân hỏi tôi
có muốn mua cái túi đựng Nama Choco có khả năng giữ lạnh với giá 100 yen
Nhật không (1 yen 218 đồng). Người Nhật thật chu đáo, họ luôn tính
trước cái mà khách hàng cần.
Một
hộp Nama Choco khoảng 190g, với 20 viên sôcôla hình chữ nhật trông rất
hấp dẫn. Giá bán tại sân bay Narita là 680 yen/hộp, không đắt so với các
loại sôcôla hơn 70% cacao khác. Thể hiện tính chu đáo của người Nhật,
Nama Choco có đến ba lớp bao gói và một cái muỗng xúc bằng nhựa xinh
xắn. Natsuki Kitayama - cô bạn Nhật Bản bảo: “Nama” - tiếng Nhật có
nghĩa là “tươi”, là “sống”. Do tươi, Nama rất mềm, mịn, tan trong miệng
như kem, thời gian sử dụng chỉ có một tháng. Trên trang web của Royce
cho biết Nama Choco là sản phẩm tốt nhất của họ, ra đời từ năm 1995,
trong thành phần 75% là cacao nguyên chất.
Trong
các loại tôi chọn, ngon nhất là Maccha. Mùi trà xanh quyện trong lớp
cacao vừa thanh khiết vừa rất đặc biệt. Ngậm viên sôcôla “Maccha” và để
nó tan từ từ... bạn sẽ biết tại sao người Nhật ưa thích Maccha đến vậy!
Onsen: suối nước nóng
“Đến
Nhật mà không tắm onsen thì quả thật uổng phí” - bạn tôi bảo thế.
“Onsen” trong tiếng Nhật là “suối nước nóng”. Tắm onsen là ngâm mình
trong suối nước nóng nhiệt độ 40 độ C, với thân thể hoàn toàn “nuy”.
Cách tắm này được truyền tụng là “bí quyết làm đẹp da” của phụ nữ Nhật,
vì trong suối ở Nhật có nhiều khoáng chất tốt cho làn da.
Trời
cuối tháng 10 ở Nhật đã bắt đầu vào thu, mới 5 giờ chiều mà trời đã
nhập nhoạng tối, gió thổi lạnh chừng 10 độ C. Trong khu vực Hakone -
thung lũng dưới chân núi Fuji - có nhiều khách sạn và nhà trọ có dịch vụ
tắm onsen. Trên đường đi, có thể thấy nhiều con thác và suối chảy lộ
thiên trong khu vực này.
Đến
khách sạn Kajikaso. Trước khi nhận phòng, cả đoàn được mời ngồi tại
sảnh để xem cô nhân viên hướng dẫn cách mặc yukata - trang phục bắt buộc
của mỗi người khi đi tắm onsen. Họ hướng dẫn cách tắm onsen: mỗi người
phải tắm sạch sẽ trước khi vào bồn onsen tắm chung cùng mọi người. Ai
cũng nhận được một cái khăn và cái khăn này bắt buộc phải để lên đầu khi
vào bồn, tuyệt đối không để khăn nhúng vào bồn tắm chung. Và, ngâm từ
từ người vào bồn, không được quẫy nước hay bơi. Ngâm khoảng 10 phút thì
phải lên nghỉ 10 phút, rồi sau đó ngâm tiếp 10 phút là đủ khoẻ.
Vào
buổi tối, khu tắm onsen của nữ ở tầng 6, nam ở tầng 2. Nhưng sáng sớm
(từ 5 giờ sáng họ đã mở cửa khu tắm onsen) thì nữ phải xuống tầng 2, còn
nam lên tầng 6. Không hiểu vì sao họ lại đổi khu tắm như thế, riêng
tôi, có lẽ họ muốn mọi người đều có cơ hội thưởng lãm phong cảnh khác
nhau ở hai khu onsen.
Thấy
rõ sự khác biệt, phụ nữ Nhật đội khăn lên đầu và cứ thế “nuy” đi tìm
bồn tắm chung với bạn bè của mình một cách tự nhiên, không ngại ngần.
Riêng phụ nữ Việt thì e ngại, phải bung khăn che một phần thân thể trước
khi vào bồn tắm onsen. Trong khi phụ nữ Nhật thường chọn những cái bồn
to đặt ngoài trời để tắm cùng bạn bè, thì phụ nữ Việt Nam thường chọn
bồn nhỏ (có thể tắm một mình) ở trong nhà. Sáng sớm hôm sau, trước khi
rời Hakone, tôi và một cô bạn cố vượt qua cơn cám dỗ của giấc ngủ để tìm
đến khu tắm onsen ở tầng 2. Cảnh ngoài trời tuyệt đẹp: thác reo, chim
hót, sương đẫm trên những chùm lá đang chuyển màu, không khí thật trong
lành. Cơ thể đang bị lạnh bỗng ấm dần lên khi ngâm từ từ trong làn nước
nóng…
Tất nhiên, ngoài Maccha - Nama - Onsen, vẫn còn có những điều khác để tôi nhớ về nước Nhật… Nhưng đó lại là một câu chuyện khác.
Theo SGTt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét