SGTT.VN - Không ai xác định được ngôi đền Ad Deir được
xây dựng bởi vương triều người Nabataeans trong lòng thánh địa Petra,
Jordan nhằm mục đích gì. Khi đã vượt qua đoạn đường dài, len lỏi trong
các khe núi để lọt vào trung tâm thánh địa, tôi cũng không thể bỏ qua
việc chinh phục ngôi đền nằm chót vót trên đỉnh núi cao.
Ngôi đền Al Khazneh – biểu tượng của Petra, Jordan.
|
Tôi cần leo 800 bậc thang nữa từ trung tâm “Quảng
trường những hàng cột” trong thánh địa Petra để đến ngôi đền Ad Deir.
Đang chần chừ để thuê lừa với giá 10USD/chiều, tôi chợt nhìn lại phía
sau, các bạn Tây vẫn ào ào leo lên bằng chính đôi chân của họ. Tôi quyết
định tiếp tục trải nghiệm những ngày ở Jordan bằng đôi chân của mình và
bước theo họ...
Gian nan và thử thách
Đoạn đường leo vô cùng vất vả, bởi những bậc thang
trong các hẻm núi có lúc gần như dựng đứng lên trời. Lúc đầu, tôi còn
bước theo các bạn Tây để song hành, nhưng rồi, ngày càng bị họ bỏ rơi
lại phía sau một đoạn đường khá dài. Rồi cũng đôi khi, đoạn đường rất
bằng phẳng mà tôi có cảm giác như đang đi giữa một cánh đồng trong sa
mạc hoang vu nào đó. Những đoạn đường như thế nó chỉ được một phần nhỏ
trong suốt chặng đường xa xăm này.
Những dãy núi sa thạch đỏ nằm trong sa mạc chơ vơ đem
đến cho tôi những cảm nhận khác nhau khi ngắm nhìn nó. Màu sắc của nó
thay đổi theo ánh sáng mặt trời, lúc thì đỏ đậm như son khi ánh sáng gắt
gao, lúc thì màu vàng nhạt nhoà khi ánh sáng yếu đi, lúc thì màu trầm
buồn khi mặt trời bị đám mây che phủ… Có những đoạn đường mà các dãy sa
thạch hùng vĩ chụm đầu vào với nhau, chỉ tạo thành một đường nứt duy
nhất như một con suối nhỏ quanh co len lỏi qua các chân núi. Và đoàn
người đang “ngụp lặn” trong con suối nhỏ đó để tiến về đền AdDeir.
Nhìn những chú lừa nhỏ thó, dẻo dai đang cặm cụi chở
những du khách, tôi cảm thấy thương cho một “kiếp lừa”. Bộ lông trên
người nó đã ướt đẫm mồ hôi vì trọng lượng của các bạn Tây không mấy
“khiêm tốn”. Nó lại bị những trận đòn roi một cách vô cớ bởi những ông
chủ đi bộ theo sau khi nó gặp “khó khăn” đôi chút ở những cung đường có
những bậc thang cao vút. Nó dường như không bao giờ được nghỉ mệt một
giây phút nào trên con đường “đau khổ”, bởi ông chủ muốn khai thác một
cách hiệu quả nhất về lịch làm việc của nó trong một ngày.
Ngồi nghỉ chân và nhìn lại cung đường vừa đi qua, tôi
bất chợt giựt mình, tôi đã leo núi ở một độ cao rất khá bởi những người
đang đi phía dưới nhỏ như một chấm đen trên bản đồ lớn. Dường như con
đường phía trước vẫn còn là “đường xa mây trắng” và những bước chân của
tôi cũng mất hút theo tiếng gõ nhịp của thời gian. Các chai nước đã bắt
đầu cạn dần và sức lực cũng bắt đầu chững lại theo những bậc thang.
Cứ gặp nhóm du khách đi xuống, nhóm người đi lên dồn
dập hỏi một câu hỏi rất quen thuộc: “Còn bao lâu nữa sẽ đến được ngôi
đền Ad Deir?” Và câu trả lời vẫn là những “lời nói dối trắng” để động
viên những người đến sau: “Chẳng còn bao xa nữa, cố lên các bạn!” Sau
một tiếng trèo, tôi cũng đã đến ngôi đền ở độ cao 500m so với mặt đất.
Hạnh phúc yên bình
AdDeir được xây dựng vào khoảng thế kỷ 1 sau Công
Nguyên với kiến trúc tương tự như đền trung tâm Al Khazneh, nhưng đơn
giản hơn. Ngôi đền có chiều ngang khoảng 50m, cao chừng 40m. Ngôi đền
được tạo bằng cách đục đẽo rất sâu vào bên trong vách núi và lối vào đền
là một bậc cửa bằng đá chắn ngang cao khoảng 8m. Các nhà khoa học đã
tìm thấy được những vết điêu khắc trên vách đá bên trong ngôi đền với
hàng chữ: “Tưởng niệm thần Obodas” (Obodas là vị vua của vương triều
Nabataean từ năm 96 đến 85 trước Công nguyên). Tuy nhiên, các nhà khoa
học vẫn chưa có câu trả lời một cách chính xác: AdDeir là một đền thờ
vua Obodas hay là một lăng mộ để chôn cất vua Obodas và các thành viên
thuộc hoàng gia.
Phía trước ngôi đền là một khoảng sân rất rộng. Theo
ước đoán, nơi đây là nơi dùng để tổ chức các cuộc hội nghị ngoài trời
hay còn là nơi thực hiện nghi thức tế lễ. Cách ngôi đền không xa về
hướng trái, vẫn còn hình ảnh hai con lạc đà được dẫn bởi một người đàn
ông Ảrập được điêu khắc vào vách đá. Đó như minh chứng Petra từng là một
trung tâm “kinh tế” và là điểm dừng chân của những đoàn lạc đà thương
mại trên con đường nối liền ba châu lục Á – Âu và Phi trong thời cổ đại.
Trên đỉnh núi cao, những cơn gió lạnh cứ bay vô tình,
nhưng lòng vô cùng hạnh phúc khi nghe những lời chào ấm áp từ các bạn
Tây hay các bạn Nhật, khi biết tôi đến từ Việt Nam qua chiếc áo “cờ đỏ
sao vàng” mà tôi đang khoác trên người. Những câu nói “lơ lớ” bằng tiếng
Việt: “Xin chào Việt Nam”, “Bạn có khoẻ không”… khiến tôi có cảm giác
thật yên bình, ấm áp khi Jordan đang bước vào những ngày đầu xuân…
bài và ảnh: Chí Linh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét