Đủ loại ngọc, đá quý các màu được bày
la liệt và đơn giản trên tấm trải nilon, trên bàn giống như người ta bán
rau ngoài chợ khiến tôi hoa mắt.
Chanthaburi một ngày tháng 12 khi chúng tôi ghé qua thành phố vào tầm
trưa. Nghe nói thành phố này nổi tiếng là nơi có nhiều mỏ khai thác đá
quý nhất Thái Lan nhưng tôi không nghĩ sẽ được tận mắt nhìn thấy những
hàng bán đá đơn sơ đến vậy ngay trên vỉa hè.
Sau một hồi lòng vòng trong phố, cuối cùng tôi cũng tìm thấy trung tâm
buôn bán đá quý sầm uất của Chanthaburi. Không khó để nhận ra khi phía
sau những ô cửa kính là những dãy bán ngọc phản chiếu lấp lánh. Sau mỗi ô
cửa đó là cả một thế giới của ngọc quý. Từ các gian hàng mua bán nhộn
nhịp các sản phẩm đá thô đến khu vực chế tác, các khu trưng bày, khu bán
hàng giảm giá, các khu bán mặt hàng đã thành sản phẩm như nhẫn, vòng,
hoa tai… Gian hàng nào cũng đông kín người vào ra, nói cười rôm rả.
Trong một góc kín đáo và yên tĩnh nhất, một người thợ đang soi cẩn thận
từng viên đá quý. Đây là công việc phân loại quan trọng đòi hỏi kinh
nghiệm, độ hiểu biết và chính xác cao của người thợ.
Mỗi tòa nhà khiến bạn đi vài tiếng đồng hồ mới hết. Giá cả cũng đủ
chủng loại, từ vài chục bath cho đến hàng nghìn bath đều có (một bath =
650 đồng).
Đằng sau cửa kính này là thế giới của đủ loại đá quý được bán buôn và bán lẻ.
|
Ngay cạnh các tòa nhà là cả một khu chợ dành riêng cho đá quý. Tôi để
xe bên ngoài chợ, đi bộ vào khu mua bán với đa phần gương mặt là người
gốc Hoa và gốc Ấn. Một người phụ nữ đang lách xe đi qua, trên giỏ chất
có đến vài túi nilon to, mỗi túi nặng cả cân loại đá đỏ thô. Sát bên,
rất đông người qua lại đều mang theo hàng túi với hàng trăm viên đá lớn
nhỏ tìm đến nơi bán. Các quầy nhận mua sản phẩm đá thô đều đặt ngay trên
vỉa hè. Người ta đổ đá ra bàn, đếm số lượng, cân lên và mua, không khác
gì mua rau ngoài chợ. Việc mua bán diễn ra nhanh chóng, các mặt hàng
được bán theo cân chứ không phải từng viên một. Các viên đá được khai
thác thô, mua bán chọn lựa sẽ trải qua một kỳ kiểm tra kỹ càng để chọn
ra những viên ngọc tốt hơn, được phân loại và chế tác để thành các sản
phẩm tinh xảo, thành trang sức lấp lánh cho các quý bà, quý cô.
Song song với dãy bàn mua bán đá thô là dãy bán đá ngay trên vỉa hè,
trải trên những chiếc bạt nilon. Tò mò, tôi ngồi lại bên một gian hàng.
Vốn không hiểu nhiều về đá quý, tôi chỉ phân biệt được vài loại như tóc
tiên, ngọc bích... Các viên đá từ thô sơ đến được mài giũa qua được bày
đầy trên mặt sạp. Những viên hồng ngọc bé xíu làm mặt nhẫn, đá tóc tiên
với những sợi tóc mỏng manh, vô số các loại đá màu lam và xanh dương
tuyệt đẹp. Thấy tôi nhặt hết viên đá này đến viên đá khác giơ lên ánh
mặt trời soi, người bán hàng nhiệt tình chào mời. Giá cả khiến tôi không
biết là đá thật hay đá giả khi chỉ ở mức khoảng 30.000 đồng cho một
viên đá tóc tiên đủ làm mặt đeo dây chuyền cỡ ngón tay cái.
Các loại đá quý bày bán la liệt trên vỉa hè khiến bạn hoa mắt.
|
Càng về chiều, chợ càng đông vui tấp nập. Người ta ăn ngay tại quầy
hàng, các hàng ăn chen giữa các quầy bán đá. Từ 8h sáng đến 21h đêm, chợ
đá quý không ngớt người vào ra, mua bán chọn lựa, trả giá, đặt hàng. Từ
đây, đá quý sẽ được chở đi và bán trên khắp đất nước Thái Lan.
Tôi mua cho mình một viên đá nhỏ làm kỷ niệm trước khi rời thành phố này về Pattaya.
Chanthaburi nằm cách thủ đô Bangkok khoảng 5 tiếng đi ôtô, gần về phía
biên giới Camphuchia. Thành phố với chỉ khoảng hơn 30.000 dân này là mỏ
đá quý của đất nước Thái Lan. Chanthaburi còn được gọi là thành phố Ánh
trăng hay thành phố Đá quý bởi những hầm mỏ với những viên đá sapphire,
topaz rất đẹp, đặc biệt là "Siam Ruby", những viên hồng ngọc Thái to và
đẹp mắt nổi tiếng.
Chợ đá quý trên phố.
|
Bài và ảnh: Lam Linh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét