TTO - Cơm Việt với người Việt có gì lạ? Cái khác biệt ở
đây là cơm Việt và bữa cơm đậm chất Việt trên vùng nóc nhà thế giới -
Annapurna.
Bình yên Annapurna - Ảnh: Đức Hùng |
Chuyện là sau mấy ngày trời di chuyển từ Ấn Độ sang
Kathmandu, rồi Pokhara, rồi đi trekking lên đỉnh Poon Hill (Annapurna,
Nepal), nhóm chúng tôi... thèm cơm nhà đến mức không chịu nổi. Trên con
đường đi xuyên qua rừng đỗ quyên đang bắt đầu vào mùa hoa nở, qua mấy
bản làng vắng vẻ, mấy anh chị em bàn nhau chắc phải đặt một con gà luộc
cho bữa tối, phải "luộc kiểu Việt Nam", ăn cho đỡ thèm.
Nói là làm, tôi đề nghị Binot (người hướng dẫn địa
phương của chúng tôi) gọi điện thoại trước cho nhà hàng ở Ghorepani nằm ở
độ cao 2.860m so với mực nước biển xin đặt một con gà. Tôi dặn đi dặn
lại Binot là phải nguyên một con gà, không rách rời, "chắp vá".
Nửa buổi chiều hôm đó, Binot điện thoại qua lại để xác
nhận tin tốt là sẽ có một con gà phần cho chúng tôi (phải đặt chắc chắn
vì chúng tôi sẽ đến điểm nghỉ chân muộn nên nếu không dặn trước, sẽ
không có gì mà ăn). Nhưng tin xấu là con gà không có đầu và không có cổ,
người dân ở Nepal không có thói quen giữ lại đầu và cổ nên khi làm thịt
họ sẽ vứt bỏ phần không sử dụng này đi.
Tôi kêu ca càm ràm tại sao lại không còn đầu và cổ, thế
thì làm sao có thể cúng "thần phượt", bởi chúng tôi có "truyền thống"
phải tự túc đồ ăn vì điểm đến thường là những vùng sâu, vùng xa, điều
kiện sống khó khăn và không có nhiều dịch vụ du lịch.
Trong khoảng thời gian đầu tiên của chuyến đi, khi có
điều kiện phù hợp, tất cả bạn đồng hành sẽ "nộp" các món đồ ăn mình mang
theo, gom thành mâm lễ “cúng thần phượt”, cầu cho chuyến đi may mắn, an
toàn, mưa thuận gió hòa và cầu cho các chuyến đi chơi sau thần cũng sẽ
phù hộ.
Vì thế, chuyện con gà thiếu mất cổ và đầu có chút gì
không hoàn chỉnh (mặc dù hoàn toàn là phù phiếm) khiến mọi người hơi
buồn. Nhưng không sao, thích nghi là một trong những đức tính quan trọng
của dân đi.
Niềm vui khi mua được con gà - Ảnh: Đức Hùng
|
Lúc trekking qua làng Banthanti ở độ cao 2.210m so với
mực nước biển, mặt trời đã bắt đầu xuống núi. Ánh nắng quái chiều hôm đã
dần tắt trên những mái nhà, rừng sẫm màu và bắt đầu se lạnh. Tôi bất
ngờ khi thấy có một lồng gà trên sườn núi, phía bên kia con đường, độ
3-4 con đang chen chúc mổ nhau.
Vui mừng quá đỗi, tôi nhờ Binot hỏi mua giùm một con gà
sống, tối về chúng tôi sẽ tự tay thịt gà, việc này hẳn mấy bạn đồng
hành của tôi cũng khéo xử lý mà thôi. Sau một hồi "giao dịch", Binot đã
hỏi mua được một cô gà mái với giá cả rất phải chăng, ở một nơi xa xôi
đến thế, 1.000 rupiah tức chưa đến 250.000 đồng.
Trong khi các bạn cười nói hồ hởi và tưởng tượng đến
bữa tối thịnh soạn thì tôi đi tìm một bao tải dứa để có thể đựng con gà
quý giá trên đường lên làng Ghorepani. Dọc đường, Binot cứ dành cho tôi
nụ cười vô cùng tò mò, trong đầu chắc đang tự hỏi mấy vị khách sẽ bày
trò gì với con gà.
Một bạn trong nhóm hái một bông hoa đỗ quyên hồng thắm
nở rất to và đẹp trên đường, dự định thay cho bông hoa hồng mẹ vẫn hay
sử dụng cho mâm cúng ở nhà.
Tối mịt chúng tôi mới tới được Ghorepani. Sau khi cất
đồ vào phòng, tôi và một bạn trai được phân công đi thịt gà với sự giúp
đỡ của cậu khuân vác đã đồng hành cùng chúng tôi từ Nayapool. Đường dẫn
nước nằm bên ngoài bếp, và trong điều kiện thời tiết ban đêm đang hạ
xuống 1-2 độ C, chúng tôi đã làm thịt được con gà theo đúng cách cổ
truyền Việt Nam.
Mọi người vào bếp và với sự giúp đỡ hết sức nhiệt tình
của mấy người phụ nữ Nepal, bắc bếp tự tay luộc gà, luộc cải bắp, trứng
gà và chiên khoai tây.
Kèm theo một chai nước mắm bé xíu hảo hạng cẩn
thận mang đi từ Việt Nam và ăn uống dè sẻn trong mấy ngày qua, một chút
muối ớt xanh đỏ cay sực trong đêm lạnh, mấy quả quýt rừng hái trên cây
khi qua vùng Ullere, bông hoa đỗ quyên rạng rỡ trên đĩa thịt gà, chúng
tôi đã có một mâm cơm “cúng thần phượt” đáng giá.
Bữa cơm Việt Annapurna - Ảnh: Đức Hùng
|
Mấy vị khách cùng nơi nghỉ, sau bữa tối đang ngồi sưởi
ấm quanh bếp lò, tò mò nhìn đám khách với một bàn ăn khá khác thường
đang vô cùng hớn hở và tíu tít. Chúng tôi cùng người hướng dẫn địa
phương và cậu khuân vác ngồi quanh chiếc bàn ăn trải khăn kẻ ấm áp, cầu
thần phượt phù hộ cho chuyến đi được thuận lợi bình an rồi bắt đầu bữa
cơm Việt ở một nơi cách xa nhà hàng ngàn kilômet.
Hai người bạn địa phương nhanh chóng nhập cuộc bằng
cách xé thịt gà và chấm mắm ớt như mấy người Việt Nam, không một chút e
dè. Gà trên núi nên thịt có hơi dai và chắc nịch, nhưng cũng không hề
gì, chúng tôi chắc chắn không mong đợi gì hơn...
Tôi đã nhớ mãi, nhớ mãi những khoảnh khắc bạn đồng hành
quây quần bên bàn ăn, bên cạnh là bếp lò ấm sực trên vùng đất được mệnh
danh là nóc nhà thế giới. Bình yên Annapurna.
THỦY TRẦN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét