Thứ Bảy, 26 tháng 10, 2013

Angkor Thom

(TBKTSG Online) - Angkor Thom là kinh đô cuối cùng trước khi chấm dứt thời hoàng kim của đế quốc Khmer. Vào cuối thế kỷ XII vua Jayavarman VII xây dựng Angkor Thom bao trùm lên một phần diện tích của cố đô Yashodharapura. Từ thế kỷ XVI đến nay, người Khmer không còn phân biệt giữa Angkor Thom và Yashodharapura nữa; toàn bộ khu vực này được gọi chung là Angkor Thom.
 
 Cổng vào phía Nam Angkor Thom cách Angkor Wat 1,7 km và cách thành phố Siem Reap 7,2 km về phía Bắc. Các khuôn mặt trên các ngọn tháp cao 23 mét ở cổng thành giống với các khuôn mặt tại đền Bayon. Đoạn đường vào cổng là cầu bắc qua hào nước, hai bên cầu có hai hàng Deva ngồi nâng con rắn thần Naga
 
 Du khách sẽ không khỏi ngạc nhiên nếu có thời gian ngắm nhìn thật kỹ những khuôn mặt còn nguyên vẹn của các Deva trước cổng vào Angkor Thom. Có đến hàng trăm tượng nhưng các khuôn mặt hoàn toàn khác nhau, không hề có sự trùng lặp. Điều này khiến chúng tôi tự hỏi: Bao nhiêu thợ đá và bao nhiêu nhà điêu khắc tham gia thực hiện công trình này? Và họ đã làm theo những khuôn mẫu nào dể tránh được sự trùng lặp các nét mặt của hàng trăm pho tượng như vậy?
 
Khác với khu Angkor Wat, vốn dùng nguyên liệu đá xanh là chính; nhiều bức tường ở Angkor Thom được xây bằng đá ong. Trong ảnh, phần tường chịu lực bằng đá ong được ốp đá xanh để đục chạm phù điêu trang trí.
 Angkor Thom có nhiều đền thờ từ các thời kỳ trước cũng như các đền thời được Jayavarman VII và những người nối nghiệp ông xây dựng. Các đền thờ nổi tiếng nhất của thời kỳ Yashodharapura gồm Baphuon - ngôi đền quốc gia cũ, và Phimeanakas - ngôi đền đã được nhập vào cung điện hoàng gia. Trong ảnh là ngôi đền Baphuon, được xây dựng vào thế kỷ XI, dưới triều vua Udayadiyavarman II, nổi tiếng với tượng Phật nhập Niết bàn được chạm khắc trên bức tường đá dài 40 mét. Ngôi đền được xây dựng dùng để thờ thần Shiva.
 .
 Tính từ ngôi đền Bayon ở vị trí trung tâm Angkor Thom đi lên hướng bắc, các di tích nằm phía tây, bên trái gồm có đền Baphuon, sân Voi, đền Phimeanakas trong khuôn viên cung điện hoàng gia, đồi Vua Cùi, Tep Pranam và Preah Palilay; ở phía đông, bên phải có Prasats Suor Prat, đền Khleang phía Nam, đền Khleang phía Bắc và Preah Pithu. Trong ảnh là khu cung điện hoàng gia, xa xa là ngôi đền Phimeanakas (đền Trời).
 Phimeanakas là một ngôi đền Hindu theo phong cách Khleang được xây cuối thế kỷ X, trong thời kỳ trị vì của vua Rajendravarman II (941-968), sau đó được xây lại vào thời Suryavarman II theo hình dạng một kim tự tháp có 3 tầng; trên đỉnh có một tháp lớn. Tương truyền, đó là một tháp làm bằng vàng là nơi hằng đêm, nhà vua đã leo lên các bậc thang này để ngủ cùng với rắn thần Naga trước khi quay về ngủ với hoàng hậu.
  
 Nhìn chung, Angkor Thom bị đổ nát, hư hại nhiều so với Angkor Wat nhưng vẫn có sức hấp dẫn khách du lịch bởi sự đa dạng về kiến trúc và trang trí mỹ thuật, về và có khi chính những khiếm khuyết vì sự đổ nát lại gợi lên những tò mò, kích thích trí tưởng tượng của khách tham quan. Một trong những hạng mục độc đáo ở Angkor Thom là sân Voi (terrace of the elephants) nằm trước khu vực đền Phimeanakas. Sân Voi được xây dựng vào năm 905 - 984 cùng với cung điện hoàng gia. là nơi giải trí của vua và các quan dưới triều đại Angkor.
 .
 .Từ bên ngoài nhìn vào, tường bao nền ở sân Voi phía tay phải là một bức phù điêu đá xanh với hình ảnh đàn voi trong nhiều tư thế khác nhau. Hình ảnh mô tả cảnh voi diễu hành và cảnh thuần dưỡng voi đấu voi...
  
Bức tường bao nền bằng đá xanh bên trái lại thể hiện một dãy chim thần Garuda (hình người) vươn tay chống giữ bờ tường. Hàng tượng chim thần được điêu khắc nửa tượng nửa phù điêu.
  
Ở một góc, cũng giống như ở hai bên tam cấp lên nền sân Voi có những nhóm tượng đầu voi được làm bằng loại đá có màu trắng pha màu gạch, bên cạnh là những tượng thần Hanuman, trông rất đẹp mắt. Bên phải ảnh này là một bờ tường nền đất khác được chạm toàn tượng Phật.
  
Nằm sát sân Voi về phía Bắc là đồi Vua Cùi (Leper King) được xây dựng dưới thời vua Jayavarman VII theo phong cách Bayon. Tên gọi này xuất hiện từ việc phát hiện ra pho tượng cổ miêu tả thần Yama, tử thần theo quan niệm của đạo Hindu. Pho tượng được gọi là Vua Cùi vì trông bẩn và bám đầy rêu trông như một người bị bệnh phong (cùi, hủi) và cũng vì có truyền thuyết cho rằng nhà vua Yasovarman I bị bệnh phong. Hiện trên khu này còn sót lại một pho tượng có khắc tên vua Jayavarman VII dưới đáy tượng.
  
Trên đỉnh gò đất cao này có một tòa sen bằng đá như thường thấy là nơi đức Phật đứng hoặc ngồi. Rất tiếc, chúng tôi không biết tòa sen này có ý nghĩa gì.
  
Tường đá bao bọc đồi Vua Cùi được trang trí phù điêu gồm nhiều hàng liên tục những hình tượng như Phật ngồi
. 
Phía đông Angkor Thom, hay bên trái đi từ Bayon lên hướng bắc, du khách sẽ thấy một dãy 12 tháp nhỏ ẩn hiện thấp thoáng trong rừng cây. Những tháp này xây bằng đá nhưng có kiểu dáng kiến trúc nhìn thoáng qua giống như tháp của người Champa. Cụm tháp này gọi là “Tháp 12 con giáp” (Prasats sour Prat), nằm chia thành hai bên Bắc và Nam Khleang, ở giữa là con đường đi về phía đông, dẫn đến ngôi đền Ta Prhom nổ tiếng với những bộ rễ cây cổ thụ.
 Tác giả : Hoàng Mai

Không có nhận xét nào: