Thứ Bảy, 26 tháng 10, 2013

Đền Bayon

(TBKTSG Online) - Đền Bayon nằm ở vị trí trung tâm của phế tích kinh thành Angkor Thom, được vua Jayavarman VII xây dựng trong khoảng cuối thế kỷ thứ XII và đầu thế kỷ thứ XIII. Các khuôn mặt đá được cho là hình tượng các vị bồ tát - người Khmer gọi là Lokesvara - biểu thị lòng thương cảm trước nỗi khổ đau của chúng sinh.
 
 Đền Bayon có 54 tháp lớn nhỏ, cấu trúc thành ba tầng, trên mỗi tháp đều có điêu khắc bốn khuôn mặt của Lokesvara - hay còn gọi là thần Avalokitesvara - tượng trưng cho sự quan sát của thần linh về bốn phương của đất nước Campuchia. Đồng thời, cũng có thuyết cho rằng vua Jayavarman VII tự cho mình hiển thị qua hình ảnh của Lokesvara.
 
 Một nhà nghiên cứu phương Tây cho rằng những khuôn mặt này là hình ảnh của thần Shiva (Ấn Độ giáo). Nhưng sau đó, một số nhà khảo cổ lại cho rằng đó là hình ảnh của bồ tát Quán Thế Âm (Avalokitesvara) theo mô-típ điêu khắc của Phật giáo Đại thừa.
  
Chính vì các vị vua Khmer sau Jayavarman VII - vốn theo Ấn Độ giáo - đã cho rằng đó là khuôn mặt của thần Shiva nên đã không phá hủy Bayon như họ đã làm với những đền chùa khác của Phật giáo. Hiện nay, trong một số phòng vẫn còn các tượng Phật bằng đá.
  
Dù sự thật về những khuôn mặt cười trên các tháp đá thế nào chăng nữa - cũng như mọi ngôi đền khác của người Khmer - hình tượng thần nữ Apsara luôn xuất hiện khắp nơi với những nét chạm trổ phù điêu tinh xảo trên mặt đá.
  
Bên cạnh các mặt Phật nhìn khắp tứ phương, du khách còn bắt gặp các tượng thần chim Garuda - vật cưỡi của thần Vishnu (thần bảo hộ trong Ấn Độ giáo và Bà La Môn).
  
Bất ngờ, chúng tôi còn bắt gặp cả tượng đầu thú trông giống nghê hay lân gì đó mà chúng tôi không nhận biết ý nghĩa hình tượng này.
  
Trải qua bao nắng mưa, thế sự biến động khoảng 800 năm, thật đáng ngạc nhiên khi những nét chạm khắc trên đá ở ngôi đền Bayon vẫn còn sắc sảo như mới.
  
Xen lẫn các khuôn mặt đá là những hốc hay hành lang dẫn vào những phòng nhỏ, nơi đó hoặc là lưu giữ hình tượng yoni hay linga. Trong ảnh là một yoni có cấu trúc khá đặc biệt, ít thấy

 
Cạnh khoảng sân rộng phía lối vào đền hướng đông, nắm nép dưới nền sân, bên một đống đá được xếp tạm, có một tượng Phật nằm trong tư thế lúc ngài nhập diệt. Pho tượng bị mất nửa dưới đôi chân và những chồng đá xếp quanh pho tượng cho thấy đó không phải là vị trí nguyên thủy của pho tượng này.
  
Những tháp tượng bốn mặt ở Bayon phần lớn nằm ở tầng cao, chung quanh có những khoảng trông nhìn thông xuống tầng dưới với các lối đi rất hẹp. Chính ở các góc nhìn này, du khách bắt gặp nhiều tượng sư tử canh gác và cả rắn thần Naga.
  
Các lối đi ở Bayon như trong một mê cung, đi loanh quanh, ở đâu du khách cũng thấy gương mặt tượng đá đang nhìn mình với nét cười từ bi, độ lượng. Viếng đền Bayon, du khách nên đến vào sáng sớm, khi lượng khách tham quan chưa đông để có thể ngắm nhìn và cảm nhận thông điệp từ những khuôn mặt đá mát lạnh. Buổi chiều, hơi nóng sau một ngày nắng gắt từ núi đá khổng lồ sẽ làm du khách mệt mỏi hơn sau một ngày khám phá Angkor.
 
Nhiều du khách lớn tuổi đến đây vẫn len lỏi qua những lối đi hẹp để không bỏ sót góc nhìn ngắm nào của ngôi đền nổi tiếng nhất trong khu kinh thành cổ Angkor Thom
  
Nhiều mặt tượng còn nguyên vẹn nhưng cũng nhiều cái bị sứt mẻ, nhưng tất cả đều được giữ nguyên trạng, kể cả những dấu vết rêu phong của thời gian. Giữa khung cảnh đượm chút thiêng liêng, thần bí, những nhà nhiếp ảnh mê mải ghi nhận nét hoài cổ, gợi nhớ về người xưa, cảnh cũ của một thắng cảnh du lịch tâm linh.
  
Đến Bayon, nhiều khách du lịch thích cưỡi voi đi quanh ngôi đền trước khi vận động đôi chân leo lên công trình xây dựng như một núi đá khổng lồ này
 Tác giả : Hoàng Mai

Không có nhận xét nào: