Thứ Tư, 30 tháng 10, 2013

Lang thang các ngóc ngách ở "thiên đường ổ chuột" châu Á

Sơn Hải - Theo Màn Ảnh Sân Khấu

Và cùng đi tìm những người nghệ sĩ lang thang - cư dân khu "ổ chuột" Kathputli (Ấn Độ)...

Tới New Delhi (Ấn Độ), nhiều du khách đã vô cùng ấn tượng với Kathputli - khu vực chuyên trình diễn múa rối, xiếc, ảo thuật, thở lửa… Được mệnh danh là một trong những “thiên đường ổ chuột” ở châu Á, nơi đây tụ họp nhiều nghệ sĩ lang thang trình diễn những tuyệt kỹ có 1-0-2 trên thế giới…

Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghiệp, các tập đoàn lớn ở nước ngoài đã mua lại các khu thuộc Kathputli để xây dựng nhiều tòa nhà chọc trời.

Trong quá trình này, hàng ngàn nghệ nhân đường phố bị mất nơi ở... Điều này đã buộc họ phải tìm kiếm sự thích nghi mới trong xã hội hiện đại khắc nghiệt, vừa kiếm đủ tiền để mưu sinh, vừa giữ lại những giá trị nghệ thuật độc đáo sắp phai tàn theo thời gian.

Joshua Cogan - một nhiếp ảnh gia người Mỹ đã có dịp ghé thăm Kathputli và ghi lại những hình ảnh về cuộc sống nơi này. Cùng tìm hiểu cuộc sống của những người dân ở Kathputli và khám phá "thiên đường ổ chuột" châu Á qua chùm ảnh dưới đây.

Lang thang các ngóc ngách ở "thiên đường ổ chuột" châu Á 1

Bhatt là một trong số nhiều nghệ nhân đặc biệt nơi đây. Tuy tầm nhìn bị hạn chế do chỉ có một mắt nhưng đôi tay của ông được coi là điều kỳ diệu của tạo hóa. Sự khéo léo của đôi bàn tay khiến ông dễ dàng điều khiển 18 dây trên một con rối, tạo ra nhiều cử động phức tạp, ngộ nghĩnh. Qua cách này, ông đã truyền bá vô sô các câu chuyện thần thoại trong sử thi Ấn Độ đến với trẻ em trong khu Kathputli.

Nhưng dự án mới của công ty nước ngoài đã làm Bhatt mất tất cả, ông cũng như nhiều nghệ nhân múa rối khác bị đẩy ra đường, khu nhà để sinh sống cùng trình diễn múa rối của ông bị quốc gia cưỡng chế, bán cho các tập đoàn công nghiệp nước ngoài. Bhatt giờ đây hoàn toàn trắng tay, ông cũng không được nhận tiền đền bù vì không có bất cứ thứ giấy tờ sở hữu hợp pháp nào. 


Lang thang các ngóc ngách ở "thiên đường ổ chuột" châu Á 2
Các cư dân trong Kathputli còn nuôi nhiều động vật như dê, rắn, khỉ đầu chó, gấu để biểu diễn hệt như một rạp xiếc. Những con vật này được coi như một thành viên trong gia đình, sống, ăn ngủ cùng với các huấn luyện viên. 

Tuy nhiên với sự phát triển của xã hội, các luật bảo vệ động vật xuất hiện ngày một nhiều ở Ấn Độ. Việc hành hạ, đánh đập, nuôi nhốt các động vật hoang dã sẽ bị bỏ tù và phạt tiền đã khiến các rạp xiếc lang thang điêu đứng.


Lang thang các ngóc ngách ở "thiên đường ổ chuột" châu Á 3
Trong bức tranh màu tối ở Kathputli, Ishamuddin là điểm sáng duy nhất. Là một nghệ sĩ trong khu Kathputli, ông trở nên giàu có nhờ những tuyệt kỹ nghệ thuật của mình. Mọi người biết đến ông nhờ trò ảo thuật điều khiển dây, với nhiều tiểu xảo, ông khiến một chiếc dây tự động di chuyển và có thể nâng được một đứa trẻ lên cao. 

Ishamuddin đã đi khắp nước để trình diễn kỹ năng này cho khán giả, nhưng ông tuyệt nhiên không dạy cho các con mình màn ảo thuật này. Thay vào đó, ông bắt chúng đi học và không được phép học bất cứ thứ gì liên quan tới nghệ thuật đường phố.


Lang thang các ngóc ngách ở "thiên đường ổ chuột" châu Á 4
Kathputli hiện ra đầy thú vị, trẻ em rất ngoan và tốt bụng. Chúng thông minh tới độ lợi dụng các đồ vật vứt đi để làm đồ chơi, lấy các chiếc bàn ghế cũ làm dụng cụ tập thể dục. 


Lang thang các ngóc ngách ở "thiên đường ổ chuột" châu Á 5
Một điều đáng buồn là dù còn rất nhỏ nhưng các em đã phải theo gia đình mưu sinh, không được cho tới trường mà phải bỏ thời gian, công sức, tính mạng vào những bài biểu diễn nguy hiểm: phóng dao, uốn dẻo, phun lửa…


Lang thang các ngóc ngách ở "thiên đường ổ chuột" châu Á 6

Lang thang các ngóc ngách ở "thiên đường ổ chuột" châu Á 7
Không ít các bé gái ở Kathputli bị bắt để bán cho nhà giàu, các nhà thổ ở vùng Calcutta - một trong những trung tâm mại dâm lớn nhất Ấn Độ với khoảng 10.000 phụ nữ hành nghề. 

Đáng sợ hơn, các em bị ép uống Oradexon - một loại thuốc để "vỗ béo" gia súc để làm cho cơ thể nở nang, hấp dẫn hơn với khách hàng.


  Lang thang các ngóc ngách ở "thiên đường ổ chuột" châu Á 8
Nhiều bé nam bị chính cha mẹ của chúng làm thành tàn tật để đi ăn xin. Không ít trẻ em bị bán cho các khu đồn điền công nghiệp, nhà máy gạch, nơi các em phải lao động trên 10 tiếng/ngày, được trả lương ít ỏi, cùng nguy cơ bị đánh đập, bạo hành là vô cùng cao.


Lang thang các ngóc ngách ở "thiên đường ổ chuột" châu Á 9
Nhiều đứa trẻ khác trong khu Kathputli thì may mắn hơn, chúng cố gắng tìm mọi cách để đi học, trở thành những người thành công trong xã hội Ấn Độ hiện đại. Đối với những người trẻ, Ấn Độ đang có một bộ mặt hoàn toàn khác, thách thức hơn và cũng nhiều cơ hội hơn.


Lang thang các ngóc ngách ở "thiên đường ổ chuột" châu Á 10

Joshua Cogan cũng gặp được những người trẻ tâm huyết với các nghệ thuật đường phố ở Kathputli. Họ có công việc cùng thu nhập ổn định nhưng vẫn vô cùng đam mê tìm hiểu và lưu giữ những tuyệt kỹ dân gian kỳ thú. 

Nhưng đây chỉ là một con số ít so với phần còn lại, phần đông người dân Ấn Độ ở vùng khác nhìn về Kathputli như một nơi đầy tệ nạn, nhơ nhớp, bẩn thỉu. 


Lang thang các ngóc ngách ở "thiên đường ổ chuột" châu Á 11
Cuộc sống hiện đại khiến cho mọi người ít nhìn thấy được vẻ đẹp từ các nghệ thuật cổ xưa, lớp trẻ Ấn Độ quan tâm nhiều hơn về văn hóa phương Tây, phim ảnh nước ngoài. Trong khi đó ít ai trong quốc gia này nhận ra rằng, họ đang dần mất đi những nghệ thuật có tới 1.000 năm tuổi thọ.

* Bài viết có sử dụng tư liệu tham khảo từ các nguồn: NPR, IndiaTimes, Wikipedia...

Không có nhận xét nào: