(iHay) Khi nói đến Nhật Bản, người ta nghĩ ngay đến vẻ đẹp của hoa anh đào, sự hùng vĩ của núi Phú Sĩ hay những ngôi đền cổ kính. Tuy nhiên, Nhật Bản còn có điều thú vị mà chỉ một lần đến bạn sẽ nhớ mãi: thế giới ngầm trong lòng đất.
Chu du nước Nhật bằng vé Japan Rail Pass
Trong
sách dạy tiếng Nhật cho người nước ngoài có câu “giao thông Nhật Bản
rất tiện lợi” và sau một tuần ở Nhật, trải nghiệm qua các loại phương
tiện giao thông từ xe buýt, xe điện, tàu siêu tốc Shinkansen… tôi mới
cảm nhận hết được bài học vỡ lòng trong sách giáo khoa ấy.
Tàu siêu tốc Shinkansen - Ảnh: Thiên Long |
Nhật
có chính sách phát triển du lịch rất tốt. Thông qua các công ty du
lịch, du khách được mua những chiếc vé đi tàu điện, tàu siêu tốc
Shinkansen với giá rất rẻ - “Japan Rail Pass”. Chỉ có du khách mới được
hưởng chế độ này. Theo sự giới thiệu của người bạn, tôi đến một công ty
du lịch tại TP.HCM mua vé đi tàu điện “Exchange Order” với giá gần 8
triệu đồng cho cuộc di chuyển bằng các loại hình tàu có mang dấu hiệu JR
(Japan Railway) trong suốt thời gian 7 ngày trên đất Nhật.
Tại
sân bay quốc tế Narita, chúng tôi đổi vé tàu và mất khoảng 2 tiếng rưỡi
trên tàu siêu tốc Shinkansen để đến Osaka, đoạn đường dài hơn 520 km.
Theo anh Trần Đủ - người hướng dẫn, nếu không mua vé từ Việt Nam thì
phải mua vé tàu Shinkansen cho chặng đường này với giá 13.750 yen
(khoảng hơn 3,5 triệu đồng) cho một người lớn. Để đi toa hạng nhất,
khách hàng phải nộp thêm từ 1.000 đến hơn 7.000 yen (khoảng 260.000 đồng
- 1,8 triệu đồng), tùy thuộc vào quãng đường dài hay ngắn.
Hẹn hò dưới lòng đất
Cuộc
sống của người Nhật phần lớn diễn ra ở các nhà ga dưới lòng đất. Nhà ga
không chỉ là điểm trung chuyển mà còn là nơi hẹn hò, ăn uống, mua sắm,
giải trí… Trong khi bên trên mặt đất, chỉ có rất ít người đi lại làm
việc thì ở phía dưới lòng đất, một cuộc sống thường nhật sôi động đang
diễn ra suốt ngày đêm. Bên cạnh những nhà ga rộng rãi, những hành lang
ngầm dài hun hút nối với nhau tựa như trận đồ bát quái, có rất nhiều
trung tâm mua sắm, khu giải trí, cửa hàng bán lẻ, ăn uống được xây dựng
quy mô, hoành tráng.
Kiểm soát vé tự động đi tàu điện ngầm ở Nhật - Ảnh: Thiên Long |
Với
hệ thống soát vé rất tiện lợi, người tham gia giao thông bằng tàu điện
chỉ cần đến cái nơi bán vé tự động, bỏ tiền xu vào và máy sẽ nhả ra một
vé nhỏ như con tem. Người mua chỉ cần cầm vé, đi qua quầy soát vé tự
động bỏ vào, máy sẽ tự động bấm lỗ và nhả trả lại vé. Điều gây ấn tượng
đối với du khách khi đi qua các trạm soát vé tự động này là hình ảnh
nhân viên Công ty JR cúi đầu và miệng luôn nói câu cảm ơn hành khách. JR
có rất nhiều nhân viên đứng dọc các điểm soát vé, tay cầm bản đồ chỉ
làm nhiệm vụ hỗ trợ người đi. Trong khi chờ tàu, du khách có thể tham
quan mua sắm, xem ti vi hoặc ngồi ở phòng chờ thư giãn đọc sách mà chẳng
ai làm phiền.
Chính xác và đúng giờ
Một
trong những nguyên nhân khiến người Nhật luôn hẹn đúng giờ là do thói
quen đi tàu điện ngầm. Trong những ngày ở Nhật, tôi có hẹn với một anh
bạn người Nhật chưa biết mặt, anh này từ Tokyo lên Kobe đón tôi đi
Hiroshima.
Trong
điện thoại anh hẹn đúng 11 giờ 58 tại toa số 5 nhà ga Kobe. Trước giờ
hẹn tôi một mình đi đến điểm nhà ga mà lòng lo lắng vì không có điện
thoại liên lạc, chưa biết mặt anh ta và quan trọng nhất là sợ ngược
hướng với toa tàu. Đã vậy, trên các bảng thông báo của nhà ga liên tục
chạy những dòng chữ bằng tiếng Nhật. Trong suốt gần 1 giờ ngồi chờ tàu,
tôi phát hiện ra sau ba lần chạy thông tin bằng tiếng Nhật thì có một
lần bằng tiếng Anh. Và đúng 11 giờ 58 thì chiếc tàu Shinkansen từ Tokyo
đỗ xịch lại và trong toa số 5 anh bạn bước ra gọi tên tôi.
Ngồi
trên tàu Shinkansen rồi mới biết là vì sao thế giới xếp loại phương
tiện giao thông này vào loại hiện đại bậc nhất. Tàu lướt êm ru, ghế ngồi
thật thoải mái, có bàn làm việc, móc treo áo vest… Tàu chạy khoảng 10
phút thì nhân viên soát vé mở cửa lịch sự cúi đầu chào và bắt đầu công
việc quen thuộc của mình.
Trong
suốt thời gian trên tàu, đa số khách đọc sách, xem ti vi và bấm điện
thoại. Đi đoạn đường dài gần cả ngàn km từ Tokyo đến Hiroshima bằng tàu
siêu tốc Shinkansen mất vài tiếng đồng hồ mà du khách chẳng thấy chút
mệt mỏi.
Thiên Long
Những điều không thể bỏ qua khi đến Nhật Bản
Trượt tuyết ở Niseko, tắm
nước nóng thiên nhiên và nghỉ đêm tại chùa là những gợi ý thú vị cho bạn
khi đến một đất nước giàu truyền thống và văn hóa như Nhật Bản.
1. Ghé thăm các di tích ở Kyoto
Đền Kinkakuji là một trong những thắng cảnh đẹp nhất Kyoto.
|
Là thủ phủ của Nhật Bản từ năm 794 đến 1868, Kyoto là thành phố nhuộm
màu lịch sử. Kyoto tự hào sở hữu 17 di sản thế giới, trong đó Kinkakuji
là di sản biểu tượng của cố đô này. Kinkakuji từng là biệt thự nghỉ ngơi
của Thiên hoàng (Shogun). Ngôi biệt thự được mạ vàng này ngày nay đã
trở thành một ngôi đền của giáo phái Thiền tông, nằm bên một bờ ao thanh
tĩnh, soi bóng vàng cổ kính trên làn nước.
2. Nghỉ qua đêm tại một ngôi chùa
Một ngày theo chân các nhà sư trên núi Koya.
|
Núi Koya đã trở thành nơi hành hương kể từ khi nhà sư Kobo Daishi được
truyền cảm hứng giữa rừng cây bách hương cổ thụ, để hình thành nên
trường phái Shingon của Phật giáo vào thế kỷ thứ 9. Ngoài việc tham
quan, du khách còn có cơ hội được nghỉ qua đêm tại một số ngôi đền trên
đỉnh Koya. Eko-in là một trong những nơi nghỉ chân cửa Phật như thế:
phòng nghỉ theo phong cách Spartan điển hình với chiếu nằm tatami, bữa
ăn chay tinh xảo trên đĩa sơn mài, những buổi thiền với tu sĩ và khách
hành hương mỗi sớm.
3. Ngắm nhìn “Đảo Nghệ thuật”
Naoshima trên biển nội địa Seto là nơi đặt 3 phòng trưng bày lớn cùng
nhiều địa điểm nghệ thuật nhỏ lẻ, đẹp như tranh vẽ. Phòng trưng bày nổi
tiếng nhất là Benesse Housse được thiết kế bởi Tadao Ando, vừa là một
khách sạn vừa gallery trưng bày nhiều tác phẩm của David Hockney, Bruce
Nauman và Frank Stella. Không gian nghệ thuật hiện diện khắp nơi trên
hòn đảo này. Ngay cả phòng tắm công cộng mang tên I Love Yu cũng được
sửa sang lại theo phong cách pop-art đương đại. Đây đích thực là một hòn
đảo nghệ thuật.
4. Trượt tuyết ở Niseko
Niseko là một thị trấn nghỉ mát trượt tuyết tại Hokkaido và được đánh
giá là một trong những khu trượt tuyết tốt nhất Nhật Bản. Không chỉ là
điểm đến mùa đông, nơi đây còn là địa điểm du lịch hè đầy trải nghiệm
với các hoạt động chèo bè, leo núi hay chèo thuyền kayak. Niseko còn sở
hữu hệ thống suối nước nóng quanh năm, bạn có thể trầm mình trong suối
nước nóng để xoa dịu cơn mỏi nhức sau một ngày leo dốc.
5. Trải nghiệm nhà trọ truyền thống
Mùi hương thoang thoảng của chiếu tatami, nội thất trang nhã,
dịch vụ chu đáo với phòng tắm suối nóng ngoài trời, bữa ăn nhiều món
theo mùa địa phương, tất cả tạo nên trải nghiệm khó quên tại nhà trọ
truyền thống Nhật Bản hay còn gọi là ryokan.
6. Ngâm mình trong suối nước nóng thiên nhiên
Lúc mọi người đang say sưa ngâm mình và trò chuyện thì bất
ngờ tuyết rơi. Khung cảnh lãng mạn và liêu trai mà có lẽ bất kể ai từng
được trải nghiệm đều không thể quên.
|
Việc ngâm mình khỏa thân với người lạ trong suối nước nóng (onsen)
không xa lạ trong văn hóa Nhật Bản. Người Nhật đã quen với việc ngâm
mình trong dòng nước khoáng nóng ấm tự nhiên để thư giãn và chữa bệnh
trong nhiều thế kỷ. Một điểm đến gợi ý cho du khách là Dogo, một trong
những khu nghỉ mát suối nước nóng nổi tiếng bậc nhất Nhật Bản.
Minh Châu (theo Nat Geo)
Cư xử thế nào khi tắm onsen ở Nhật?
Tắm khỏa thân ở suối nước khoáng nóng là nét văn hóa độc đáo ở xứ hoa anh đào, thu hút rất đông khách du lịch hàng năm.
Người Nhật “Đến Nhật mà chưa tắm onsen là chưa tới Nhật” và “Tắm một lần da dẻ mịn màng, tắm hai lần bệnh tật tiêu tan”.
Nhật Bản có nhiều núi lửa còn đang hoạt động. Yếu tố thiên nhiên tưởng chừng khắc nghiệt đó lại tạo ra hơn 20.000 nguồn suối nước nóng. Những con suối tập trung ở vùng nông thôn, nơi có cảnh sắc thơ mộng và tĩnh lặng. Tuy nhiên, một suối nước ở Nhật chỉ được xem là onsen khi đáp ứng được đúng tiêu chuẩn về nhiệt độ và khoáng chất. Tùy theo vùng, các suối nước nóng mang nhiều màu sắc như xanh lục, đỏ hồng… và có tác dụng như thần dược chữa trị các loại bệnh.
Nguồn gốc tắm onsen gắn liền với văn hóa lâu đời của người dân bản địa. Thuở xưa, khi các nông dân kết thúc mùa vụ gặt lúa vất vả, họ tìm đến các suối khoáng nóng, mang theo thức ăn và thư giãn trong nước ấm để phục hồi sức khỏe. Cả nam và nữ đều thoáng trong chuyện khỏa thân tắm suối. Đó còn là cách giao tiếp đặc biệt trong văn hóa của người Nhật. Mọi rào cản về khoảng cách địa vị xã hội không tồn tại ở chốn onsen, bởi khi sinh ra ai cũng giống nhau.
Các khách sạn ở dưới chân núi Phú Sĩ có phong cảnh hữu tình, thơm ngát mùi hoa oải hương. |
Bạn nên đi ôtô từ thủ đô Tokyo đến khu vực dưới chân núi Phú Sĩ để lưu trú, vì so với Tokyo, giá phòng ở đây rẻ hơn, sạch sẽ hơn và có cả tắm onsen miễn phí. Khi nhận phòng, khách sạn sẽ đưa cho bạn bộ đồ yukata giống bộ kimono truyền thống, nhưng mỏng nhẹ hơn. Nhân viên phục vụ rất nhiệt tình và lịch sự, song khả năng ngoại ngữ hạn chế nên thật khó cho họ hướng dẫn bạn cách tắm onsen một cách tỉ mỉ. Bạn càng không thể quan sát người Nhật tắm rồi bắt chước bởi trong chỗ tắm onsen, ai cũng trong trạng thái Adam và Eva.
Bộ yukata dùng để mặc trước khi vào khu vực tắm suối nước khoáng nóng. |
Trước khi tắm suối khoáng nóng, bạn mặc bộ yukata, nhớ đặt vạt áo trái lên vạt phải (tránh đặt vạt áo ngược lại vì kiêng kỵ, dành cho người đã khuất), rồi đi bộ một đoạn xuống chỗ tắm. Trước khi vào, bạn để ý kỹ khu vực dành cho nam và nữ với biểu tượng hình vẽ, màu sắc chiếc rèm che: phía dành cho nam có màu xanh dương, nữ màu đỏ. Một nét khác biệt văn hóa Nhật Bản với các nước khác là màu đỏ tượng trưng cho người phụ nữ, bởi họ được tôn trọng và mạnh mẽ. Thậm chí ngay cả việc tỏ tình, cầu hôn và tặng quà nhân dịp lễ Tình nhân cũng là nhiệm vụ của phụ nữ Nhật.
Vào khu tắm khoáng, bạn cởi hết các lớp áo quần, đặt vào rổ và nhớ vị trí cất đồ đạc của mình. Lúc này mọi thiết bị chụp ảnh không được mang theo. Trước tiên, bạn tắm gội sạch sẽ ở chỗ có các ghế đẩu và vòi hoa sen. Sau đó bước qua những hồ đối diện để ngâm thảo dược, tránh kỳ cọ trong hồ. Bạn cho chân xuống trước để quen với độ nóng trong hồ rồi từ từ ngâm cả cơ thể.
Lúc này, chiếc khăn quấn trên đầu rất hữu ích, giúp bạn tránh mất nhiệt. Khi quen với độ nóng hồ nước trong nhà, bạn có thể chuyển sang ngâm hồ ngoài trời với nhiệt độ nước nóng tăng dần. Còn gì tuyệt vời hơn khi bạn thả lỏng cơ thể, trút bỏ mọi ưu phiền dưới làn nước nóng thơm mùi thảo dược và ngắm nhìn cảnh sắc thiên nhiên ngoài trời?
Tắm onsen ở Nhật, bạn nghĩ ngay đến những bộ phim cổ trang chiếu đầy trên truyền hình Việt Nam, tái hiện hình ảnh vua chúa ngâm cơ thể trong hồ đầy hương hoa, thảo dược. Làm sao dân chúng có điều kiện trải nghiệm đẳng cấp như vậy? Giờ đây, chính bạn sẽ thấy mình không khác những ông bà hoàng giữa chốn tắm tiên nơi suối khoáng nóng.
Sau một tiếng, bạn ra sấy tóc và uống ly nước suối siêu lạnh đặc biệt, có tác dụng làm cho cơ thể sảng khoái. Thời điểm tốt nhất để tắm onsen là vào buổi tối trước khi đi ngủ, và buổi sáng sau khi tập thể dục.
Các khách sạn trong khu vực Hakone gần núi Phú Sĩ có dịch vụ tắm suối khoáng nước nóng miễn phí cho những khách lưu trú.
Ở những chỗ tắm onsen, phí có nhiều mức giá, dao động từ 500-1500 yên cho một lần tắm (100.000-300.000 đồng).
Bài và ảnh: Hạnh Phan
Thiên đường tắm suối khoáng nóng ở miền Nam Nhật Bản
Đến với vùng đất Kyushu ở phía Nam xứ sở mặt trời mọc, du khách không thể bỏ qua trải nghiệm cởi hết quần áo rồi ngâm mình vào bể nước suối khoáng nóng độc đáo.
Đứng từ độ cao một tòa nhà nào đó, du khách dễ dàng quan sát thấy những cột hơi bốc lên ở khắp nơi trong thành phố, đó là những nguồn suối khoáng nóng độc đáo có nhiều ở Kyushu (Nhật Bản). Trên hình ảnh là một góc thành phố Beppu thuộc tỉnh Oita, một trong những nơi có nhiều suối khoáng nóng nhất miền Nam xứ sở Phù Tang. |
8 khu vực suối nước nóng chính bao gồm Beppu, Kankaiji, Kamegawa, Shibaseki, Kannawa, Myoban, Horita và Hamawaki. Sở dĩ có nhiều suối nước nóng như vậy là do quá trình hình thành từ 9 ngọn núi lửa trên đảo Kyushu. |
Nhiều năm qua người dân địa phương đã đưa vào khai thác du lịch, và thành những điểm đến hết sức hấp dẫn. Theo thống kê của Cục xúc tiến du lịch Kyushu, hàng năm có tới hơn 4 triệu lượt khách từ nhiều quốc gia đổ về nghỉ dưỡng và trải nghiệm tắm suối nóng. Nơi đây chỉ đứng sau công viên Yellow Stone của Mỹ về trữ lượng nước khoáng nóng. |
Các suối nước nóng này tiếng Nhật gọi là onsen, nó có nhiều màu sắc khác nhau như xanh, đỏ, vàng, hồng khá thú vị, từ lâu đã là một phần không thể thiếu đối với người dân Nhật Bản, tác dụng chính là chữa bệnh. Câu nói truyền miệng của người Kyushu là “tắm một lần da dẻ mịn màng, tắm hai lần bệnh tật tiêu tan". |
Tắm onsen cũng được sử dụng để chữa các vết thương ngoài da, phục hồi chức năng sau phẫu thuật, những bệnh như thấp khớp kinh niên, đau dây thần kinh, các bệnh về gan, túi mật, cao huyết áp, liệt nửa người… |
Các khách sạn, khu nghỉ dưỡng ở Beppu đều có suối nước nóng cho khách tắm. Tới bất kỳ đại lý du lịch nào cũng thấy có rất nhiều quảng cáo về khu nghỉ suối nước nóng, những cuốn hướng dẫn về cách tắm onsen cũng xuất hiện ở nhiều hiệu sách trong thành phố. |
Trên toàn đất nước Nhật Bản nói chung có đến hơn 20.000 suối nước nóng thiên nhiên, tuy nhiên chỉ những nơi nào đáp ứng đủ những điều kiện nhất định về nhiệt độ và thành phần khoáng chất mới được coi là onsen. |
Hơi nóng từ onsen còn được dùng để sưởi ấm các căn phòng, nấu ăn, ủ rượu sake hoặc làm miso. Có những suối nước nóng đạt nhiệt độ cao có thể sử dụng làm nguồn năng lượng cho các trạm phát điện. |
Theo đại diện Cục xúc tiến du lịch Kyushu Nhật Bản thì tháng 11 và 12 là thời điểm tắm onsen đẹp nhất trong năm. Mỗi khi tiết trời sang thu người Nhật từ các miền lại rủ nhau đến những vùng có có khu nước suối khoáng nóng để ngâm mình trong làn nước. |
Có nhiều kiểu bồn tắm onsen như làm bằng gỗ cây bách, đá tảng, đá cuội hoặc bồn tắm ngoài trời... Không chỉ tắm, nhiều nơi còn làm thêm các bể xông hơi, ngâm chân cho du khách, thậm chí có nhiều trạm miễn phí trên đường phố. |
Khi mới đưa chân xuống dưới nước sẽ có cảm giác bỏng rát chân phải rút lên vội nhưng khi quen dần du khách có thể chịu đựng được lâu thời gian hơn, dần dần cảm nhận được sự thú vị từ những nguồn suối này. |
Nhiều hộ gia đình ở Beppu có suối nóng tại gia nhưng vẫn quen tắm nơi công cộng vì chi phí rẻ và tiện lợi hơn. Tại một cơ sở kinh doanh tắm khoáng thuộc tỉnh Saga, nơi đây chuyên phục vụ những người từ trung niên cho đến ngoài 70 tuổi. Những ông cụ, bà cụ yếu phải ngồi xe lăn cũng có thể tự mình tìm đến đây ngồi ngâm mình bằng cả chiếc ghế quay ròn rọc thả từ từ một cách nhẹ nhàng vào trong bể. |
Đặc biệt, cách tắm ở đây là không được kỳ cọ gây bẩn bể. Trước khi ngâm mình xuống nước từ 2 đến 3 tiếng đồng hồ khách bắt buộc phải tắm tráng thật kỹ. Vào trong phòng không được mặc quần áo, và tất nhiên hai phòng nam nữ riêng biệt. Nhiệt độ nước trong bể này thường là từ 39 đến 40 độ C. |
Nếu như việc cởi bỏ hết quần áo tắm chung một bể là điều kỳ lạ đối với du khách nước ngoài thì người Nhật Bản họ đã quá quen thuộc và coi như một việc bình thường. Thậm chí những người phụ nữ làm công việc lau chùi dọn dẹp tại đây có thể ra vào phòng tắm của đàn ông một cách thoải mái, không ngượng ngùng, họ cho rằng việc ai người nấy làm. |
Du khách Việt có thể chọn tour tới Kyushu tắm khoáng onsen 5 ngày với giá tham khảo 29,5 triệu từ đơn vị lữ hành Vietrantour. Đặc biệt áp dụng chính sách giá giảm 2 triệu đồng/người cho 10 khách đầu tiên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét