|
|
Thành phố Đài Bắc nhìn từ máy bay. Ảnh: Minh Sơn. |
(TBKTSG Online) - Với slogan du lịch nghe rất ‘nổ’, đủ để gây tò mò
“Taiwan - The heart of Asia” (Đài Loan - Trái tim của châu Á), khiến tôi
ước ao được một lần đặt chân lên hòn đảo từng được các thủy thủ Bồ Đào
Nha, từ nửa đầu thế kỷ XX gọi là Ilha Formosa, nghĩa là ‘hòn đảo xinh
đẹp’.
Khám phá hòn đảo xinh đẹp
Từ TPHCM, vượt đại dương đến hơn 2.200km trong 3 tiếng 5 phút bằng máy
bay, tôi đặt chân xuống sân bay quốc tế Đào Viên (Taipei Taoyuan
International Airport), là sân bay lớn nhất tại Đài Loan. Sân bay này
nằm ở thành phố Đào Viên (cách Đài Bắc khoảng 30 phút đi xe trên đường
cao tốc) là nơi quá cảnh của nhiều chuyến bay nối liền giữa các nước
châu Á với nhiều châu lục khác trên thế giới như châu Âu, châu Mỹ… nên
lượng hành khách ở đây luôn rất đông.
Là một người thích khám phá những chân trời mới, tôi đặt chân đến Đài
Loan mong rằng mình sẽ được mở rộng hơn nữa kiến thức non trẻ của bản
thân cũng như học hỏi được sự văn minh, phát triển từ văn hóa cho đến
khoa học kỹ thuật của đất nước bè bạn trong châu lục.
Đảo Đài Loan có hình dạng như một chiếc lá nằm trên biển, khoảng cách
hai đầu bắc nam chỉ khoảng 395 km, dân số ở đây chỉ khoảng hơn 23 triệu
dân. Người bản xứ ở đây là người Phúc Kiến (chiếm khoảng 70%) và sử dụng
tiếng Hoa phổ thông (còn gọi là tiếng Quan Thoại) làm ngôn ngữ chính
thức của mình. Người dân trên hòn đảo này rất phân biệt nguồn gốc, họ
gọi “người Đài Loan” là chỉ người dân Phúc Kiến chiếm đại đa số nơi đây,
còn “người ngoại tỉnh” là ám chỉ 30% số dân còn lại.
Thực ra người bản địa chính gốc ở đảo Đài Loan là những dân tộc thiểu
số, nhưng ngày nay số lượng thổ dân còn lại không nhiều ở vùng đô thị.
Họ di trú về những vùng ven núi để sinh sống; trong đó, dân tộc Thiệu có
dân số ít nhất, chỉ khoảng trên dưới 300 người, chủ yếu sống bằng nghề
nông, săn bắn thú rừng, trồng cây làm thuốc, nổi tiếng với trồng nấm
linh chi và bán ra những sản phẩm vào hàng bậc nhất của Đài Loan.
|
Taipei 101 tower cao 509 mét, vượt qua tòa tháp đôi Petronas của
Malaysia (452 m) trở thành tòa tháp cao nhất thế giới (từ năm 2004 đến
năm 2010), trước khi tòa nhà Burj Khalifa tại Dubai hoàn thành. Ảnh: Duy
Anh |
Dân tộc Thiệu là một trong số rất ít người dân được chính phủ cho phép
săn bắn thú rừng để làm thuốc trị bệnh vì thời xưa chính vị trưởng tộc
của dân tộc này đã dùng bào thai của hươu sau khi được chưng cất và nấu
thành loại thuốc quý đã cứu sống Tống Mỹ Linh - phu nhân của Tưởng Trung
Chánh (tức là Tưởng Giới Thạch) là tổng thống Trung Hoa Dân Quốc lúc
ấy. Nơi sống tập trung của dân tộc Thiệu là ở huyện Nam Thầu, gần khu
vực hồ Nhật Nguyệt (Nhật Nguyệt đàm).
Ấn tượng đầu tiên
Khi rời khỏi sân bay, ấn tượng đầu tiên của tôi chính là hệ thống cơ sở
hạ tầng đường xá ở nơi đây. Đài Loan có hơn 2/3 diện tích lãnh thổ là
đồi núi, vì thế việc quy hoạch cơ sở hạ tầng ở nơi đây không hề đơn giản
như những nơi khác. Nếu không đến tận nơi mà chỉ nghe nói, tôi không
thể hình dung được những con đường cao tốc được xây dựng bằng những công
nghệ hiện đại như thế này. Nối liền giữa các thành phố là hệ thống
đường cao tốc trên không đồ sộ, rộng lớn với 8 làn xe lên và xuống. Tốc
độ tối thiểu khi lưu thông trên đường cao tốc là 60km/g và tối đa là từ
90 đến 110km/g. Tuy tốc độ cao như thế nhưng khi ngồi trên xe, tôi không
hề có cảm giác rung lắc vì mặt đường nơi đây rất bằng phẳng, lâu lâu
chỉ rung lên một chút khi xe chạy ngang những vạch giảm tốc trên đường
mà thôi.
Đường cao tốc nơi đây gồm từ 2-3 tầng, dựng lên cao vút giữa núi đồi,
xuyên qua rất nhiều lòng núi bằng những hệ thống đường hầm hiện đại và
người hướng dẫn viên gọi là “Sky road” (đường trên không). Trong khu vực
nội thành, đường xá cũng khá rộng rãi, những cửa hàng buôn bán luôn
phải chừa trống một phần vỉa hè dành cho người đi bộ, họ không được
quyền lấn chiếm để trưng bày hàng hóa hay để xe cộ.
Xe gắn máy ở Đài Loan được người dân xem chỉ như là một phương tiện đi
lại thông thường, không phải là món tài sản quý giá nên bạn sẽ không
thấy những bãi giữ xe máy ở Đài Loan. Những bãi giữ xe thường là những
bãi đất rộng để cho ô tô đậu. Xe máy thường được đậu ở phần đường sát
vỉa hè, rất ngăn nắp, không khóa cổ, cũng chẳng có người trông coi vì ở
đây rất hiếm khi nào xảy ra tình trạng lấy cắp xe máy. Hướng dẫn viên
địa phương nói hóm hỉnh: “Xe máy thì không ăn trộm đâu, cùng lắm họ chỉ
mượn đỡ để đi đâu đó rồi sẽ đem trả lại chỗ cũ ngay thôi”. Hình như ở
đây người ta chỉ sử dụng xe tay ga, không chạy xe số.
Những chiếc xe gắn máy thường nhỏ gọn, không cồng kềnh như SH, Dylan...
và phần lớn người dân Đài Loan dùng sản phẩm do chính nước họ sản xuất
như SYM, Kymco… Khác với xe máy, xe đạp ở đây có vẻ ‘quý hiếm’ hơn
nhiều. Anh hướng dẫn viên địa phương nói, người ta không lấy trộm xe máy
nhưng xe đạp thì chỉ cần để sơ hở là mất như chơi. Vì thế người đi xe
đạp thường trang bị cho họ nhiều loại khóa khác nhau và có các kiểu khóa
xe rất độc đáo như khóa 2-3 vòng quanh gốc cây hay trụ điện… Đúng như
vậy, trên dường đi tôi cũng thấy tận mắt một chiếc xe đạp khóa bằng mấy
loại ổ khóa khác nhau!
|
Một góc đường của Đài Bắc, luôn luôn tấp nập người buôn bán, đi lại
với hàng xe máy xếp dài ngăn nắp sát lề đường. Ảnh: Duy Anh |
Dạo quanh phố phường buổi tối ở Đài Bắc mới cảm nhận được mãi lực và
lối sống của người dân nơi đây. Tuy thành phố Đài Bắc chỉ khoảng 2 triệu
dân nhưng lượng du khách các nơi khác đổ vào rất đông nên đường phố ở
đây luôn nườm nượp người người đi bộ và chuyện trò rôm rả khắp các nẻo
phố. Các quán ăn, trung tâm mua sắm đầy ắp người. Du khách đến Đài Loan
từ lục địa Trung Quốc chiếm hơn 60%, phần còn lại là Nhật Bản, Hàn Quốc
và các nước phương Tây; lượng khách đến từ Việt Nam rất nhỏ.
Đi đâu cũng thế, từ những con chợ nhỏ đến những khu chợ đêm, từ xe buýt
công cộng đến những tuyến tàu điện ngầm đan xen như mắt lưới đều rất
đông người, tuy nhiên an ninh và ý thức của con người nơi đây rất tốt.
Rất hiếm khi xảy ra chuyện móc túi hay ăn trộm vặt ở đây, theo hướng dẫn
viên địa phương thì tình trạng này gần như không có xảy ra ở Đài Loan.
Camera an ninh được gắn ở khắp mọi nơi với mật độ dày đặc, từ trong siêu
thị đến những con đường hẻm nhỏ nên tuy chen lấn ở những nơi đông người
nhưng khách du lịch có thể cảm thấy rất an tâm.
Tuy đây chỉ là những ấn tượng đầu tiên khi tôi vừa đặt chân xuống hòn
đảo này nhưng điều đó đã tạo ra một ấn tượng mạnh về sự phát triển về
khoa học kỹ thuật, kinh tế và ý thức của người dân nơi đây. Từ đó đã
kích thích thêm sự tò mò cho chuyến đi tham quan những danh lam thắng
cảnh trong thời gian lưu lại nơi này.
Chợ đêm Đài Loan
|
|
|
|
Hàng đêm, chợ Sĩ Lâm mở cửa đến 2g sáng, lúc nào cũng nườm nượp khách đi mua sắm. Ảnh: Duy Anh |
(TBKTSG Online) - Người hướng dẫn du lịch địa phương nói rằng, ở Đài
Loan có một nét đẹp văn hóa mà không nhiều đất nước trên thế giới có
được, đó là chợ đêm. Đối với người Việt, hai chữ ‘chợ đêm’ không có gì
xa lạ, Sài Gòn, Phú Quốc, Đà Lạt, Nha Trang, Hội An, Huế… đều có chợ đêm
tấp nập, rộn ràng; nhưng “chợ đêm” tại Đài Loan không chỉ đơn thuần là…
chợ họp ban đêm! Vậy nó là gì?
.
Chợ đêm ở Đài Loan là nơi có sức hút kéo mọi người ra khỏi nhà hàng đêm
bởi không chỉ là nơi mua bán, nó còn là khu giải trí, ăn uống với không
khí náo nhiệt, tấp nập... Người đông như nêm, vui vẻ như trẩy hội, đi
như chen nhau trên những con đường nhỏ xíu, chật chội với nhiều hàng
quán vây quanh.
Có nhiều chợ đêm nổi tiếng ở Đài Loan như Tây Môn Đinh, Sĩ Lâm (TP. Đài
Bắc), Phụng Giáp (TP. Đài Trung), Lục Hợp (TP. Cao Hùng)… Các khu chợ
đêm thường bắt đầu nhộn nhịp vào khoảng 5 giờ chiều và kéo dài đến 12
giờ đêm. Rất nhiều gian hàng bán đồ ăn trải đầy khắp mọi nẻo đường, và
rất dễ nhận ra là người Hoa rất thích những món chiên xào như cá viên
chiên, tàu hũ chiên, cánh gà chiên, mì xào... và tất nhiên ở đâu cũng có
món mì hoành thánh. Không khí bốc đầy mùi dầu mỡ, tỏa nghi ngút khắp
phố.
Từng đợt người ghé vào, cầm trên tay những xiên que nóng hổi tẩm tương
ớt đỏ choét, nước mỡ còn chưa kịp rịn ra hết trên từng sớ thịt; họ vừa
thổi vừa ăn rồi lại xuýt xoa vì vị cay nồng và thơm lừng hấp dẫn ấy. Có
nhiều quầy hàng đồ ăn đông tới mức khách mua hàng phải xếp thành hai, ba
hàng dài ngoằng, uốn lượn như rắn để chờ đến lượt mình vào mua. Sự nhẫn
nại chờ đợi để mua được một vài thanh xiên que nướng như thế thật đáng
nể!
Chợ đêm lớn nhất ở Đài Loan là Sĩ Lâm (Shihlin night market), tiếp đến
là Tây Môn Đinh (Ximen night market) tại thành phố Đài Bắc (Tapei)… Chợ ở
nơi đây bán rất nhiều loại mặt hàng, từ những sạp quần áo lớn nhỏ với
đủ loại đồ thời trang bình dân có, bậc trung và cao cấp cũng có đủ. Giá
cả cũng theo đó mà phân chia, nhưng chủ yếu quần áo đều mang nhiều sắc
đỏ - vàng vì đây là hai màu được người bản địa ưa thích.
|
Quầy trái cây trong chợ đêm Sĩ Lâm. Ảnh: Duy Anh |
Tiếp đó là những quầy bán trái cây với đủ loại quả, chỉ nhìn đã thấy mê
rồi. Điều làm tôi rất đỗi ngạc nhiên là trái cây ở Đài Loan vừa to, vừa
thơm lại ngọt đến lạ lùng, nhất là món mãng cầu. Mãng cầu Đài Loan là
một đặc sản mà nhiều nước khác không thể sánh bằng. Trái mãng cầu thường
rất to, hình dáng giống mãng cầu xiêm nhưng vỏ thì giống mãng cầu ta
của Việt Nam. Bên trong lòng thịt trắng phao, mùi thơm ngào ngạt, vị
ngọt lịm nhưng không quá gắt, tạo cảm giác thật tuyệt diệu khi thưởng
thức.
Ngoài ra, khế, mận… của Đài Loan trái cũng rất to và rất ngọt, hầu như
bạn không cảm nhận được vị chua thường có của những loại trái cây này.
Tuy nhiên, giá những loại trái cây này không rẻ tí nào, thông thường
khoảng 80 - 150 nghìn đồng cho 1 cân (3 cân bằng 1 kg). Bên cạnh những
cửa hàng này là những quầy hàng bán đồ lưu niệm, giày dép, túi xách…
Giày dép của Đài Loan nổi tiếng vì thiết kế thời trang và chất lượng
cao, bền bỉ. Những nữ du khách đi chợ đem sẽ khó cưỡng lại được trước
rất nhiều kiểu giày độc đáo, đẹp mắt và rất mô-đen. Giá cả giày dép ở
đây cao hơn Việt Nam chừng một chút nên cũng không làm vui lòng nhiều du
khách Việt.
Chợ đêm không chỉ là nơi ăn uống, thỏa mãn nhu cầu mua sắm mà còn là
nơi vui chơi, giải trí của nhiều lứa tuổi. Không phải chỉ thiếu niên hay
các bạn thanh niên mà cả quý ông sồn sồn cũng khoái tham gia những trò
chơi như: bỏ xu gắp thú, câu cá hay câu tôm trong chậu, ném vòng vào
cột, bắn bong bóng bằng những cây súng hơi, chơi mahjong game… ở các cửa
hàng trò chơi luôn luôn náo nhiệt, đông kín người. Nhưng nơi này đem
nào cũng đầy người chơi, có khi họ còn phải xếp hàng chờ đến lượt, trông
thật hấp dẫn và lôi cuốn.
|
Câu tôm, trò giải trí ở chợ đêm luon thu hút khách tham gia thuộc nhiều lứa tuổi. Ảnh: Duy Anh |
Mấy bác trung niên, tuy cũng có tuổi nhưng vẫn rất chăm chú, nhẫn nại
cầm trên tay chiếc cần câu nhỏ xíu, bỏ vào trong một cái bể vuông nhỏ và
chờ… tôm cắn câu, tranh tài với các bạn trẻ xung quanh. Một trò chơi
hết sức xa lạ với tôi và gây cho tôi rất nhiều tò mò, muốn vào làm vài
nhát câu thử tài với các bác ấy nhưng vì lượng người chơi quá đông nên
tôi không thể chen chân nổi.
Thích nhất khi đi chợ đêm là gặp lúc các cửa hàng có chương trình “giờ
vàng đặc sắc”. Khi đó, tất cả những món hàng trong cửa hiệu đều được bán
đồng giá, thông thường là 10 Đài tệ, 20 Đài tệ hoặc 30 Đài tệ (1 Đài tệ
khoảng 700 đồng Việt Nam). Gặp ‘thời cơ’ ấy, bạn có thể mua cho mình
nhiều món quà lưu niệm dễ thương như nhẫn, dây chuyền, bông tai, móc
chìa khóa... và cả những ốp lưng điện thoại đủ loại, đủ màu, rất thời
trang và trẻ trung nữa.
Chợ đêm ở Đài Loan là một nét đẹp văn hóa sinh hoạt cộng đồng của cư
dân bản địa và cơ hội cho du khách từ xa đến hòa mình vào nếp sống thân
thiện và dễ thương ở một thành phố hiện đại. Những dòng ghi chép này e
là không miêu tả được hết và còn nặng cảm tính cũng như khả năng quan
sát con phiến diện của tác giả; nếu có dịp, các bạn hãy đặt chân đến đây
một lần chắc chắn sẽ có những trải nghiệm thực tế thú vị hơn nhiều về
sinh hoạt các chợ đêm ở thành phố này.
Đài Loan - hiện đại và cổ kính
|
|
|
Phật Quang Sơn tự (Cao Hùng) với 2 pho tượng sư tử và voi chầu trước cửa. Ảnh: Duy Anh |
(TBKTSG Online) - Đài Bắc (Taipei), thành phố lớn và nhộn nhịp nhất tại
Đài Loan, là nơi có nhiều công trình kiến trúc vô cùng độc đáo. Khi
nhắc tới thành phố này, không ai là không biết đến tòa tháp Taipei 101
cao sừng sững giữa trời.
Taipei 101 là một trung tâm thương mại của Đài Loan, cao 101 tầng, kiến
trúc nhiều góc cạnh, ở khoảng lưng chừng 1/3 chiều cao của tòa nhà có
đặt 4 đồng tiền vàng (xoay về 4 mặt của tòa tháp) tượng trưng cho tài
lộc và may mắn. Trong thời gian từ năm 2006 đến năm 2010, tòa tháp này
giữ kỷ lục ‘cao nhất thế giới’. Hiện nay, hệ thống thang máy của tòa nhà
này vẫn giữ kỷ lục tốc độ nhanh nhất thế giới, trung bình đi từ tầng 4
lên tầng 89 chỉ mất 39 giây! Về đặc điểm công nghệ, tòa tháp này có con
lắc đối trọng khổng lồ, nằm chính giữa tòa nhà tại tầng 89. Con lắc đối
trọng này giúp cho tòa nhà có thể đứng vững trước những cơn động đất,
vốn là hiện tượng thiên nhiên thường xuyên của hòn đảo này.
|
Một góc vườn thượng uyển tại Viện bảo tàng Cố Cung. Ảnh: Duy Anh |
Từ tầng 1 đến tầng 4 của tòa nhà là trung tâm mua sắm cực kì rộng lớn,
tâp trung những nhãn hiệu nổi tiếng toàn cầu như Gucci, Levis, Rolex,
Prada… với những món đồ mới nhất của thời trang thế giới. Tại tầng 89
của Taipei 101, du khách sẽ được chiêm ngưỡng toàn bộ cảnh quan của
thành phố Đài Bắc với những kiến trúc chọc trời chen nhau, trùng trùng
điệp điệp tựa núi đồi.
Ra khỏi trung tâm Đài Bắc một chút, chúng ta sẽ ghé thăm viện bảo tàng
Cố Cung. Viện bảo tàng Cố Cung tại Đài Loan được Tưởng Giới Thạch xây
dựng vào năm 1933, lưu giữ một phần báu vật của Trung Hoa - đời nhà
Thanh - nhằm tránh khỏi sự vơ vét của quân đội phát xít Nhật cũng như sự
tha hóa của triều đình nhà Thanh, bán quốc bảo cho các nước phương Tây
để lao vào những trò cờ bạc đỏ đen. Bảo tàng Cố Cung được xây dựng ở một
vị thế độc đáo, được gọi là “Ngọa hổ tàng long”. Xung quanh là núi cao
bao quanh, chỉ có một lối vào và ra duy nhất, các báu vật được cất giữ
bên trong lòng núi, chỉ trưng bày ra mỗi đợt khoảng 1.500 hiện vật và cứ
ba tháng một lần lại thay đổi theo từng chủ đề phục vụ cho du khách
tham quan.
Những báu vật được lưu giữ tại nơi đây khoảng 700.000 món, độc nhất vô
nhị trên thế giới như miếng đá có hình thịt ba rọi (năm 1644), cây cải
xanh được điêu khắc tinh xảo từ phiến ngọc bích hai màu (năm 1644)… Như
vậy để chiêm ngưỡng được hết 700.000 món cổ vật ở bảo tàng Cố Cung này,
một người cần khoảng 117 năm. Quả là một bảo tàng khổng lồ về số lượng
báu vật được bảo tồn; chẳng ai có thể chiêm ngưỡng hết! Khối lượng và
giá trị cổ vật ở đây luôn luôn lôi cuốn được rất nhiều khách du lịch
toàn thế giới đến tham quan, với khoảng 200.000 lượt người mỗi ngày. Bảo
tàng Cố Cung Đài Loan là điểm đến không thể bỏ qua với bất kỳ du khách
từ đâu đến du lịch Đài Loan.
Đài Trung - cảnh giới thiên đường
Rời Đài Bắc, đoàn chúng tôi đến thăm thành phố Đài Trung, một trong
những thành phố lớn ở Đài Loan. Ở huyện Nam Thầu (Nantou) ngoại ô Đài
Trung có Nhật Nguyệt Đàm (hồ Nhật Nguyệt) là một địa điểm du lịch vô
cùng lôi cuốn du khách. Sở dĩ nó có tên gọi như vậy vì phía Đông của hồ
có hình vòng tròn tựa mặt trời, còn phía Tây lại có hình dáng của mặt
trăng. Ngoài ra ở hồ này có một điều đặc biệt là cảnh sắc của hồ sẽ thay
đổi khác nhau vào buổi sáng và buổi chiều, khiến cho du khách luôn luôn
ngạc nhiên và đầy ấn tượng.
|
Thuyền đưa khách du lịch dạo chơi hồ Nhật Nguyệt. Ảnh: Duy Anh |
Đoàn chúng tôi bước lên một chiếc du thuyền, dạo quanh khám phá những
ốc đảo quanh hồ. Nước hồ màu xanh thẫm, tựa như nước ở vịnh Hạ Long, vô
cùng sạch sẽ. Từ trên du thuyền, tôi có được cái nhìn bao quát cảnh quan
xung quanh. Thật là hùng vĩ và đẹp đến lạ thường! Những dãy núi vẫn còn
bao phủ bởi màn sương huyền ảo với những tia nắng mặt trời chiếu xuyên
qua tựa một tấm màn lụa mỏng, xa xa là những chiếc thuyền rẽ sóng đưa
từng lượt khách dạo quanh các đảo, trên bờ hoa đua thắm với muôn vàn màu
sắc. Chợt tôi không thể nhận ra mình đang thức hay đang mơ ? Hay đang
lạc vào cõi thần tiên như Từ Thức?
Phải một hồi lâu trước cảnh sắc thiên nhiên tuyệt mỹ ấy tôi mới hoàn
hồn lại được. Sau gần 30 phút, thuyền chúng tôi đã cập bến một hòn đảo
rộng lớn. Xung quanh hòn đảo này có rất nhiều cây đào, nở rộ rực rỡ như
cây đào Nhật Tân ở Hà Nội, trên đảo là Huyền Trang Tự, nơi thờ phụng đại
sư Huyền Trang ở thời nhà Đường của Trung Quốc (tức Tam Tạng ở trong bộ
truyện Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân). Rất nhiều du khách thập phương đến
đây bày tỏ lòng thành kính và khấn nguyện, mong sao sức khỏe dồi dào và
vạn sự may mắn trong cuộc sống.
|
Du khách tập trung dới chân núi, chuẩn bị leo bậc thang lên Huyền
Trang Tự, nơi thờ đại sư Huyền Trang ở thời nhà Đường. Ảnh: Duy Anh |
Từ trên tự nhìn xuống hồ Nhật Nguyệt, kỳ lạ thay, nước hồ đã chuyển từ
màu xanh lục thẫm sang màu xanh da trời, một lần nữa Nhật Nguyệt Đàm lại
mang đến cho tôi một sự ngạc nhiên đến khó tả. Tại nơi ấy, tôi tìm thấy
được sự bình yên, nhẹ nhàng trong tâm hồn đến lạ thường, tuy chỉ vỏn
vẹn đặt chân có vài tiếng đồng hồ nhưng cảnh sắc của Nhật Nguyệt Đàm sẽ
mãi mãi trong trái tim tôi.
Trong khuôn viên xung quanh hồ Nhật Nguyệt còn có đền Văn Võ với hai
cánh cổng lớn là cổng Hổ và cổng Long. Theo truyền thuyết, người đi vào
trong đền khi vào thì vào cổng Long còn khi ra thì ra cổng Hổ, như vậy
suốt năm sẽ gặp nhiều may mắn, sức khỏe dồi dào và phát tài phát lộc,
bạn tuyệt đối đừng nên làm ngược lại vì điều này sẽ không tốt cho bạn.
Đền Văn Võ thờ Quan Công (Võ miếu) và đức Khổng Phu Tử (Văn miếu). Bên
trong đền tấp nập người hành hương xin xăm, xem bói… và du khách luôn
đông đúc. Ở ngoài đền dọc theo sườn núi là “bậc thang tuổi”. Sở dĩ nó có
tên gọi như thế là vì nó gồm 366 bậc thang tượng trưng cho 366 ngày
trong năm. Mỗi bậc đều khắc ngày và tháng trong năm, vì thế bạn có thể
tìm thấy bậc thang ứng với ngày tháng sinh của mình, trên đó sẽ có khắc
tên những người nổi tiếng, thành đạt ở Đài Loan trùng ngày tháng sinh
của bạn. Cũng thú vị đấy chứ?!
Tạm biệt Nhật Nguyệt Đàm, chúng tôi quay về Đài Bắc để tham quan Trung
Liệt Từ. Tại nơi đây có nghi thức đổi gác của các binh sĩ hết sức trang
trọng cứ mỗi một tiếng diễn ra một lần.
|
Lính gác ở Trung Liệt Từ. Ảnh: Duy Anh |
Các binh sĩ đứng gác ở Trung Liệt Từ tay cầm súng gắn lưỡi lê sáng
loáng, quân phục chỉnh tề đứng nghiêm trang ở cổng vào. Nhìn họ đứng
nghiêm như tượng, tôi liên tưởng đến lính Hoàng gia Anh ở điện
Buckingham mà tôi đã có dịp tận mắt chứng kiến, một anh lính đứng gác bị
một vật bay vào mắt, nước mắt chảy ra nhưng anh ta không hề chớp mắt,
không hề nhúc nhích, phải đến một lúc sau mới có một người trong phòng
trực đi ra cầm khăn giấy lau nước mắt của anh lính này. Đến đây tôi thực
sự nể phục sự nghiêm chỉnh đến mức lạnh lùng của những người lính ở nơi
đây.
Giờ chuyển giao binh sĩ đã đến, từ phòng trực ban, năm người lính với
quân phục nghiêm chỉnh xếp thành hai hàng, tay bồng súng, bước đi nhịp
nhàng, đều tăm tắp với ánh mắt nhìn thẳng, bước đi như những chú robot
được lập trình sẵn vậy. Bạn không thể thấy sự lệch nhịp trong động tác
cũng như bước đi của họ. Trên nền sân của Trung Liệt Từ còn in hằn ba
vệt dài đen nâu thẳng tắp của đế giầy những binh sĩ ở nơi đây. Sự việc
cứ thế diễn ra quanh năm, lập lại đúng 60 phút một lần như thế đã bao
năm nay nhưng luôn thu hút sự ngưỡng mộ, tò mò của du khách ở khắp mọi
nơi đặt chân đến đây.
Còn nhiều thật nhiều những cảnh đẹp đến mê hồn của hòn đảo ngọc này
nhưng tôi xin để dành cho những bạn thích khám phá đặt chân đến đây tìm
tòi, chiêm ngưỡng... và hơn thế nữa, chiêm nghiệm về sức mạnh của hòn
đảo nằm phía đông nam của lục địa Trung Hoa.
Duy Anh
|
|
|
|
|
|
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét