(TBKTSG Online) - Bagan (tên cũ là
Pagan) từng là kinh đô của vương quốc Pagan tồn tại từ thế kỷ IX đến thế
kỷ XIII ở miền trung Myanmar, ngày nay là một khu vực khảo cổ thuộc
vùng Mandalay. Du khách nước ngoài đến Myanmar thường bay đến Yangon,
thành phố lớn nhất của đất nước này, sau đó dừng chân ở Mandalay, từng
là kinh đô của vương triều cuối cùng của Myanmar và hiện nay là thành
phố lớn thứ hai của Myanmar.
Cả nước Myanmar có hàng vạn ngôi đền, chùa, tháp nằm rải rác trên khắp
đất nước; tập trung nhiều nhất ở thành phố Bagan, gồm khoảng hơn 4.000
đền, chùa, tháp lớn nhỏ trên diện tích khoảng 40km2. Vì vậy, cũng như
Campuchia, Myanmar còn được gọi là đất nước Chùa Tháp.
Phương tiện di chuyển được ưa chuộng của du khách ở Bagan là xe thổ mộ
và xe đạp. Cũng có xe taxi nhưng xe rất cũ, không có tổng đài để gọi xe
(muốn gọi taxi khách phải nhờ lễ tân khách sạn và thường phải đặt trước
vài tiếng đồng hồ). Nói chung, ở Myanmar, kể cả ở Yangon - thành phố lớn
nhất Myanmar, taxi không có đồng hồ tính cước, trước khi đi khách phải
thỏa thuận giá cước với lái xe, thường không rẻ lắm và dễ bị hớ.
Xe thổ mộ, tuy xưa cũ nhưng giá cước cũng khá đắt. Tiền thuê một chiếc
xe ngựa để đi lại trong một ngày vào khoảng 25.000 kyats (tương đương
550.000 đồng Việt Nam); người đánh xe đôi khi nói được chút ít tiếng
Anh, có thể kiêm luôn “hướng dẫn viên du lịch”. Tuy nhiên, khó mà nói
chuyện được với “hướng dẫn viên”, một phần vì đa số họ rất kiệm lời,
phần vì đa số đàn ông Myanmar vừa hút thuốc lá vừa ăn trầu nên hơi thở
của họ có mùi khó chịu.
Xe đạp có giá thuê khoảng 1.500 kyats mỗi ngày. Nhưng đạp xe trên những
con đường đầy cát, dưới ánh nắng chói chang và không khí nóng bức là
điều không dễ chịu chút nào, nhất là đối với du khách đã quen với cuộc
sống thành phố và công việc văn phòng.
Điện
ở Bagan, cũng như ở Myanmar nói chung, rất chập chờn và hầu như không
có đèn đường. Du khách nên mang theo đèn pin, và khi có điện nên tranh
thủ sạc các thiết bị điện tử vì không biết điện sẽ bị cắt lúc nào. Một
số khách sạn lớn ở Bagan có dịch vụ Internet và Wi-Fi nhưng tốc độ truy
cập rất chậm, lại thường bị mất điện.
Một điều cần lưu ý là khi vào thăm các di tích đền tháp ở Bagan, du
khách phải bỏ giày dép, kể cả tất (vớ) ở ngoài cửa và đi chân đất. Vì
thế, chỉ nên mang dép hoặc sandal, hạn chế mang giày để đỡ mất thời gian
và nên tránh đi thăm đền vào buổi trưa vì nền đất rất nóng.
Bagan phát triển du lịch đã lâu nên có nhiều khách sạn, nhà nghỉ từ
bình dân đến cao cấp. Nhà nghỉ bình dân (guest house, hostel) có giá khá
bèo, khoảng 7 đô la Mỹ/giường/đêm, phù hợp với những người trẻ đi
“phượt”; khách sạn có ăn sáng, có Wi-Fi miễn phí giá khoảng 40-50 đô la
Mỹ, còn khách sạn có hồ bơi hoặc resort có khi đến 150 đô la/phòng/đêm.
Ăn uống thì không thành vấn đề: người Myanmar ăn uống khá giống người
Việt, chỉ khác là cơm, rau và thịt cá được trộn chung vào một đĩa chứ
không dọn thành những món riêng. Ở Bagan cũng có khá nhiều tiệm ăn Ý, Ấn
Độ, Hoa, Thái để du khách lựa chọn, tiền ăn mỗi bữa tốn khoảng từ 2 đến
6 đô la Mỹ, tùy thực đơn.
Thức uống phổ biến ở Myanmar là món trái cây xay (sinh tố) giá khoảng
1.000 kyats, trà Myanmar (Myanmar tea) là món trà sữa, giá khoảng 300
kyats. Trà xanh như người Việt thường uống ở đây gọi là trà Tàu (Chinese
Tea), được bày sẵn trên bàn trong các bình thủy nhỏ để khách uống miễn
phí. Cà-phê ở đây ít người dùng, khi gọi cà-phê thì quán chỉ phục vụ một
ly nước sôi và một gói cà-phê hòa tan 3 trong 1, tùy khách pha chế, giá
khoảng 300 kyats.Huỳnh Hoa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét