Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2013

Người Việt và món chả giò 'di cư' loempia

Món fast-food (đồ ăn nhanh) phổ biến mà người Việt bán ở nhiều nước trên thế giới là một biến thể của chả giò, với tên gọi là loempia hay lumpia.


 Người Việt và món chả giò "di cư" loempia 1
Quầy bán chả giò loempia của người Việt tại Bỉ - Ảnh Tom Magnus
Món chả giò (nem rán) có cái tên mới - "loempia" hay "lumpia" đã giúp cho cuộc sống của rất nhiều người Việt di cư khỏi Việt Nam tới nhiều nước từ sau 1975.
Có dịp đặt chân tới một số chợ ngoài trời ở Bỉ và Hà Lan, tôi rất ngạc nhiên khi mỗi chợ có ít nhất một quầy hàng di động bán món chả giò với cái tên biển hiệu là “Vietnamese loempia”. Khách xếp hàng dài rồi quay ra với món chả giò giòn tan, vỏ màu nâu vàng, dùng kèm với sốt cà chua ớt.
Anh Phú, người Việt tới Bỉ từ sau 1975 có lẽ là người đầu tiên bán món chả giò kiểu Việt ở thành phố Antwerpen (Bỉ). Anh chia sẻ rằng: "Những năm 1980, tôi làm công chức, lương tháng cũng thoải mái chi tiêu, sau khi làm phụ bếp cho một người Hoa, thấy bán hàng ăn lời quá, tôi bỏ nghề để đi bán đồ ăn ở chợ ngoài trời, thu nhập mỗi tháng gấp mấy lần làm công chức".
Chỉ bán tại chợ ngoài trời có hai ngày mỗi tuần, anh Phú đã “tậu” được căn nhà lớn cho riêng mình, điều mà rất nhiều người Bỉ cũng không làm được nếu chỉ đi làm công, ăn lương.
Chị Mai bán loempia ở thủ đô Bruxelle cho biết, mỗi tối chị cuốn khoảng 1000 cái, vừa bỏ mối cho “Tây” với giá 40 cent/cái (vì không phải người Bỉ nào cũng khéo léo để cuốn chả giò trăm cái như một), vừa bán ở chợ ngoài trời với giá khoảng trên dưới 1 euro/chiếc. Những chiếc chả giò được cho vào tủ đông rồi sáng sớm hôm sau chở xe ra chợ bán. Phía sau xe được thiết kế như một quầy bán hàng, khi nào tới chợ là có ngay gian hàng di động.
 Người Việt và món chả giò "di cư" loempia 2
Món loempia của người Việt tại Bỉ đã được rưới nước sốt làm từ cà chua, ớt, nước mắm
trước khi chuyển tới tay người mua - Ảnh: Tom Magnus

Món Vietnamese loempia ở Hà Lan - Ảnh Kevin
Tại sao phải ghi là “Vietnamese loempia” à? Để phân biệt với món loempia của người Hoa, vốn đã quen thuộc người Bỉ từ lâu rồi, bởi họ đặt chân tới Bỉ sớm hơn người Việt. Người Bỉ cũng biết, món loempia của người Hoa và người Việt rất khác nhau về cách làm, dù cùng một tên gọi, vì thế, để họ nhận ra, phải cho thêm “Vietnamese” ở phía trước”, chị Mai chia sẻ.
Món rất giống chả giò của người Hoa có tên là lunpia, rồi biến thể thành lumpia hay loempia khi du nhập sang các nước như Philippines hay Indonesia. Theo chân người Hoa tới Bỉ và Hà Lan, món này có tên là loempia. Tại Mỹ và Úc, món chả giò có tên là lumpia, do vậy, người Việt thường ghi biển hiệu là "Vietnamese lumpia".
Chia sẻ về sự khác nhau của món loempia của người Hoa và người Việt ở Bỉ và Hà Lan, chị Mai cho rằng món chả giò khi “di cư” ra nước ngoài vẫn giữ bản sắc Việt ở nhân và nước xốt. Nhân vẫn là giá đỗ, cà rốt, thịt heo hoặc thịt gà, trứng, nấm mèo, nước mắm, trong khi đó loempia của người Hoa không có giá đỗ, có thể là bắp cải hay cần tây, có các loại nhân thịt hay tôm như của người Việt nhưng nêm nước tương.
Nước sốt món loempia của người Việt cũng sử dụng nước mắm chứ không phải nước tương như người Hoa, vì vậy, hương vị rất khác dù có khá nhiều nguyên liệu giống nhau.
Sự thay đổi lớn nhất của món chả giò ở Bỉ và Hà Lan là vỏ bánh không làm bằng bánh đa nem (bột gạo) mà bằng bột mì cán mỏng, bán sẵn tại các cửa hàng bán đồ châu Á. Xuất xứ vỏ bánh này thường ghi là từ Singapore hoặc Trung Quốc.
Có những quầy bán loempia còn ghi hẳn bằng tiếng Việt chữ “nem Quê Hương’, dù biết rằng chẳng Tây nào hiểu được, làm tôi thấy lòng rưng rưng. Tại nước Bỉ và Hà Lan, người Trung Quốc và người Thái thành công hơn với nhà hàng vì họ đã đặt chân đến trước người Việt và làm ăn lớn chứ không bán buôn ở chợ.
Tuy nhiên, món loempia có lẽ là hình ảnh thân thương nhất về người Việt ở nước ngoài, tuy không làm cho người Việt trở nên quá giàu có nhưng cũng cho họ một cuộc sống no đủ, không phải sống dựa vào trợ cấp của xã hội. Sự phổ biến của chả giò Việt Nam tại Bỉ và Hà Lan và một số nước khác cho thấy món ăn này đã được chấp nhận rộng rãi.
Giang Vũ

Không có nhận xét nào: