Naadam là lễ hội lớn nhất ở Mông Cổ. Tới tham dự lễ hội đặc biệt này du khách sẽ có cơ hội khám phá văn hóa và con người xứ thảo nguyên.
Naadam trong tiếng Mông Cổ có nghĩa là “trò chơi”, được tổ chức từ thời của Thành Cát Tư Hãn. Theo các tài liệu cổ xưa, nguồn gốc của lễ hội đến từ những màn diễu hành, các trò chơi săn bắn của binh sĩ xưa kia.
Lễ hội Naadam nhiều màu sắc, vui tươi và bình dị
Lễ hội Naadam được tổ chức ở hầu như khắp thảo nguyên nhưng lễ hội lớn nhất vẫn là ở thủ đô Ulanbaatar. Đây là một lễ hội đầy màu sắc, vui tươi và bình dị nên thu hút được mọi người dân. Năm 2010, Naadam đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới.
Theo truyền thống, lễ hội Naadam được tổ chức vào giữa mùa hè. Trong những ngày diễn ra lễ hội, người dân Mông Cổ và du khách từ khắp nơi đổ về đại mạc sẽ được chiêm ngưỡng các màn biểu diễn múa, hát truyền thống cũng như tham gia vào các cuộc đua, trò chơi cổ truyền thú vị.
Trước khi lễ hội Naadam bắt đầu sẽ có một phần lễ được diễn ra. Các vũ công và nhạc công chơi nhạc trong khi những vận động viên và nài “ngựa điều khiển ngựa” quanh sân vận động chính ở thủ đô. Sau phần lễ này, phần hội mới chính thức bắt đầu.
Cưỡi ngựa, đấu vật và bắn cung là 3 trò chơi chính trong lễ hội
Thông thường, có ba trò chơi chính trong lễ hội là đấu vật, cưỡi ngựa và bắn cung. Các trò chơi chính trong lễ Naadam chủ yếu là để chứng minh sức mạnh và sự nam tính của người đàn ông.
Khoảng hơn 1.000 đấu sĩ sẽ bước lên quảng trước và vẫy tay, bắt chước cách sải cánh của đại bàng và khiêu vũ truyền thống trước khi thượng đài. Các bài hát được tấu lên để ca ngợi sức mạnh của họ vang khắp sân vận động. Giải thưởng ở môn đô vật có giá trị cao quí nhất, người chiến thắng sẽ được mọi người tôn vinh như một anh hùng ở địa phương đó.
Môn thể thao tiếp theo là môn bắn cung, vì cung là một công cụ để săn bắt và chiến đấu đã xuất hiện từ nhiều thế kỷ qua nên tất cả nam nữ, trẻ già, đều sử dụng cung rất thành thạo. Để tham gia môn này, người đàn ông phải đứng cách xa mục tiêu 75m và đối với phụ nữ thì mục tiêu cách xa 60m.
Môn thứ ba của lễ hội cũng là môn quan trọng nhất là đua ngựa. Đua ngựa là truyền thống của người Mông Cổ, những kỵ sĩ trên lung ngựa. Ngoài việc điều khiển con ngựa khéo léo di chuyển với tốc độ nhanh, còn phải có kỹ năng bắn cung trên lưng ngựa, mục tiêu có thể là mục tiêu di động với những con chim đang bay lượn trên trời, hoặc là mục tiêu tĩnh với những tấm bia đặt dưới mặt đất. Nhưng với mục tiêu động hay tĩnh đều phải yêu cầu kỹ năng rất cao.
Tới dự lễ hội Naadam, du khách không chỉ được xem các màn biểu diễn thú vị mà còn được thưởng thức các món ăn truyền thống Mông Cổ, sữa chua dê, trà truyền thống…
Theo dantri
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét