Hầu như rất ít người Việt biết Labuan Bajo ở Indonesia, dù miền đất này giờ đông đúc dập dìu du khách, nhất là những khách mạo hiểm, muốn tìm đến “công viên kỷ Jura Á Đông”. Nổi tiếng vì là điểm gần nhất để thăm thú các chú rồng Komodo, nhưng Labuan Bajo không chỉ có vậy.
Cực tây quần đảo Flores, làng chài nghèo Labuan Bajo giờ tấp nập du thuyền, đông đúc khách… là điểm đến hấp dẫn xứ vạn đảo.
Hoàng hôn hồng trên biển biếc
Rồng Komodo không cư ngụ trên cụm đảo Flores mà Labuan Bajo nằm trong đó. Lạ lùng là trong hơn 17.000 đảo của Indonesia, loài bò sát khổng lồ này chỉ tập trung ở hai cụm đảo Komodo và Rinca. Có tour du thuyền đi cả tuần từ Bali đến các đảo rồng, nhưng với khách giang hồ túi mỏng, đường ngắn, rẻ nhất đến đảo rồng Rinca là từ Labuan Bajo. Hai ngày xe xật xừ từ Bali đi Bima, 5 giờ sáng mắt nhắm mắt mở từ Bima đi Sape, lênh đênh tiếp tám tiếng phà từ Sape qua Labuan Bajo… đang lắc lư ngất ngư, tôi choàng tỉnh – như sáo, khi Labuan Bajo hiện ra xa xa. Rực lên màu xanh biếc lộng lẫy trong chiều vàng.
Vất va vất vưởng rồi cũng kiếm được chỗ ngả lưng, tôi phóng vội ra đường ven biển, cũng là con đường chính của phố, khi mặt trời xuống cách biển chỉ con sào. Buổi chiều đó, Labuan Bajo “đãi” khách lạ một hoàng hôn tuyệt vời. Biển xanh, dập dìu những con thuyền cá với hai cái còng lạ lẫm, sang trọng mấy chiếc thuyền buồm trắng tinh khôi, xa xa mấy đảo xanh, dăm núi cao làm phông nền… Mặt trời xuống kéo theo những gam màu mới, dưới hoàng hôn hồng rực rỡ, biển biếc chuyển dần lam, rồi tím, tím rịm trước khi tan vào đêm đen khoe những con sóng bạc đầu lấp lánh. Hoàng hôn Labuan Bajo như bộ phim chiếu chậm thật chậm của những khung màu rực rỡ, còn tặng thêm mấy cánh chim chiều khắc khoải chao nghiêng, những cơn gió biển đầu hôm nhẹ nhàng ve vuốt… làm lòng lữ khách chơi vơi “chưa nhấm đã say” dù chẳng có miếng rượu hồng đào nào!
Đến Labuan Bajo không chỉ để thăm thú rồng Komodo
Có thể bay từ Bali đến Labuan Bajo bằng các hãng hàng không giá rẻ vé chỉ 50 – 70 USD. Du thuyền là thú vui xa xỉ khác cho hành trình 1 – 2 tuần lênh đênh qua những miền biển đảo đẹp. Đi đường xe, phà là một hành trình gian khổ 3 ngày 2 đêm qua mấy chuyến phà biển có chuyến lên đến 9 – 10 giờ nếu biển động – bù lại là biển biếc tuyệt vời miền xích đạo này. Từ Labuan Bajo, nếu đi thăm đảo rồng giá vé tàu nguyên chuyến khoảng 1 – 1,5 triệu đồng đi được 8 đến 10 người. Một người giá cũng vậy – nên hãy đi ké rồi chung tiền. Đến Labuan Bajo, nếu các phòng nghỉ hết chỗ (chỉ từ 150.000 đồng/phòng), rất thú vị khi xin nghỉ trong ký túc xá của nhà thờ Thiên Chúa giáo trong vùng – tuỳ tâm cúng dường.
Một mình, tôi ké tàu với hai bạn trẻ Pháp đến Rinca ngó nghiêng mấy chú rồng Komodo. Cũng khá thú vị được chiêm ngưỡng loài bò sát to nhất thế giới gầm gừ khoe móng vuốt trong môi trường sinh sống hoang dã tự nhiên. Nhưng cũng chỉ một buổi là xong, vì xem mấy chú rồng, chụp vài tấm hình là hết vì chúng nào có khác nhau nhiều. Thêm nữa, cũng hơi chán chán vì phải nghiêm ngặt đi theo sát hướng dẫn viên, vì thống kê các vụ rồng Komodo tấn công làm chết lẫn bị thương du khách đã kín một trang A4 (!). Nhưng biển xanh lộng lẫy trên đường đến, đảo hoang biển trong ngần ghé lại trên đường quay lại… mới biết tại sao thăm rồng Komodo chỉ một buổi nhưng nhiều du khách đã dừng chân Labuan Bajo đến cả tuần.
Biển miền này hoang sơ biếc xanh, lại còn được soi bóng bởi nhiều dãy núi hình dáng khác nhau, sắc màu nơi xanh chỗ đỏ vàng tuỳ theo hệ thực vật, cũng như thổ nhưỡng riêng làm cho quang cảnh thêm đẹp. Vài góc vịnh kín gió, biển lặng như hồ yên lung linh mấy con thuyền soi duyên, nơi phô phang thoai thoải trải dài bãi cát trắng tinh trong veo cá đàn bơi lội, chỗ rừng ngập mặn vươn xa biển chợt chuyển màu xanh lá, vài ngư ông buông cần thư thái… làm du khách không nhảy xuống ì ùm lặn ngụp cũng giương máy tanh tách chụp hết pin, cạn thẻ nhớ…
Hạnh phúc tham gia cùng các bạn, tôi càng hiểu thêm lý do hôm qua còng lưng cõng balô đi hết khách sạn, lữ điếm đều gặp những nụ cười lắc đầu, sau cùng may mắn được bà dì tốt bụng dẫn đường, giúp xin phép xơ quản lý nhà thờ Saint Angela cho tôi vào tạm trú trong ký túc xá.
Đêm, phố biển vẫn giữ nếp cũ, ngủ sớm, vắng vẻ thanh tịch, trừ chợ ẩm thực cuối phố, nơi các phẩm vật biển khơi tươi rói hầu như chỉ được chế biến mộc mạc hấp, nướng thơm lừng. Chợ đêm cũng là nơi hầu như 90% đám lữ khách giang hồ tập trung về tán dóc, khoe chuyện đường xa… Khác với những miền khác ở đất nước đến 87% dân số theo đạo Hồi, tôn giáo chính ở Labuan Bajo là Công giáo. Do vậy, việc kinh doanh bia bọt “dễ thở” hơn. Quán xá chợ đêm chỉ bán nước ngọt, nhưng khách du dễ dàng mua những chai Bintang lạnh ngắt, thơm nồng từ hàng tạp hoá bên đường. Để hợp hơn với những món hải sản, không lạ lắm với con dân nước Việt, nhưng luôn được các du khách Âu Mỹ xuýt xoa trầm trồ. Để những câu chuyện tuôn ra như suối, rồi những điểm đến mới, những cung đường mới được nên vóc, được rõ ràng.
Ra đi, tạm biệt miền đất rồng, chia xa Labuan Bajo, trên đường lang bạt thi thoảng có “cưa bom, quăng lựu đạn” là đã từng đến đất rồng, chạm trán những chú rồng Komodo… nhưng thực lòng tôi nhớ nhiều hơn những biển đêm vui lộng gió, những hoàng hôn đẹp nao lòng Labuan Bajo.
bài và ảnh: Thái Hoãn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét