LTS: Còn rất sớm nhưng để rộng đường book vé giá rẻ cho một mùa Giáng sinh yên ả, TGTT giới thiệu bãi biển Ngwe Saung, một trong top biển đẹp ở Myanmar.
Đến từ đất nước biển, cả tháng lang bạt Myanmar, tôi quên biển. Mấy ngày cuối, đuối đuối vì cơm hàng cháo chợ… tôi buýt thẳng hướng vịnh Bengal, tìm về biển, định thư giãn một hai bữa. Và đã để lại một phần con tim ở đó.
Nghe nhiều về Ngapali, nhưng tôi chọn đi Chuang Tha, cũng nằm trong bốn bãi biển đẹp nhất Myanmar được CNN đề cập. Đến Pathein, hỏi xe đi Chuang Tha, tôi được hai chàng trai lúc nãy có dăm câu ba sợi trên xe tận tình dắt đi. Tới nơi, thay vì để tôi lại, họ gặp tài xế hỏi han rồi mặt dài ra: “Không đi Chuang Tha được anh ơi, mưa lũ sáng nay làm gãy cầu trên đường tới đó rồi!” Mặt tôi nghệch ra. Hai bạn trao đổi dăm câu rồi rụt rè “Hay là anh đi Ngwe Saung cùng! Tụi em đang về nhà, mà biển ở đó cũng đẹp lắm”. Buồn ngủ gặp chiếu manh, tôi gật cái rụi, lót tót cõng balô theo hai bạn đón xe về miền đất lạ hữu duyên đó.
Biển bạc Ngwe Saung mùa không bạc
Trong tiếng Myanmar, “Ngwe” nghĩa là “bạc”. Mỹ danh là Silver Beach, biển bạc Ngwe Saung có bãi cát trắng, phẳng lì, dài tăm tắp hơn 15km được rợp bóng bởi lũ dừa chen lẫn thuỳ dương xanh ngăn ngắt. Chưa bị khai phá, băm nát bởi các resort, khách sạn… (cả 15km đó chỉ trên dưới 20 resort, khách sạn) bãi biển vắng tênh mấy ngày giữa tuần tôi đến quả là nơi để nghỉ dưỡng thật sự.
Tôi ghé đến ngày mưa, biển không lóng lánh nhan sắc nhưng bãi cát phẳng lì, trắng tươm, sạch thênh không dù lọng, hàng rong… khiến tôi nhớ làm sao những Phú Quốc, Côn Đảo… ngày chưa xa xưa lắm.
Nhưng khác nhiều. Vì quê mình không ai sơn xanh đỏ vàng xe bò, gắn những chiếc dù truyền thống Pathein nổi tiếng nước Miến để chở khách nhẩn nha hóng gió, ngó biển, ngắm làng… Những chiếc cộ cũng từng quê kệch như ở mình giờ sáng sủa lên đời, leng keng chuông, lóc cóc bò, chở mấy bạn tóc vàng hoe trên xe ngả ngớn, tay cầm những chai lade Myanmar cụng côm cốp hết sức khoái trá. Khác vì ở đây là đất Phật, nên trên bãi cát có hai tảng đá lớn thô kệch bỗng đẹp hơn, lung linh hơn khi được gắn thêm hai toà chedi vàng lóng lánh mô phỏng Golden Rock miền Bago và trở thành kiểng chùa Anh Chị – Kyauk Maumghnama. Khác ở chỗ là ngoài biển xanh không xa lắm kia có một đảo đá nhưng xanh cây rậm rì có tên gọi Đảo Nhơn Tình (Lovers Island) mà rất thú vị là khi triều cạn có thể lội bộ ra thăm thú hoặc nghiêng ngả làm mấy tấm hình với phông nền đẹp lạ… Còn nhiều nữa, tỷ như những đoá địa lan lạ nở hoa trên cát, tỷ như nhiều loài chim chao ngang liệng dọc, có cả những chú ó biển, đại bàng kiêu hãnh… Nhưng, Ngwe Saung không chỉ có vậy!
Ấm áp tình người Ngwe Saung
Lúc vừa đến, nghe tôi thẳng thắn nói cần tìm nơi nghỉ bình dân nhất, Nay Win Aung (còn có tên dễ gọi là Tino) và cậu bạn Mo Mo nhìn nhau lưỡng lự. Tino mượn xe gắn máy ở nhà quen bên đường chở tôi xuôi nam thật xa, đến khách sạn Pearl Ngwe Saung xa phố gần làng. Tôi có một buổi chiều thư giãn bên biển đẹp, dạo bước vào làng quê, chọc phá các em bé mặt trắng xoá phấn thanaka ngộ nghĩnh, sà vào các mẹt, các hàng quán bình dân, chen cùng các mẹ, các dì khám phá mấy món quà quê Myanmar mộc mạc – mà ngoài món gọi, tôi được mời thêm bao nhiêu là món thử, món nếm… kể cả mấy ly nước cay nồng! Đi không dứt vì bao lời rủ rê ngày mai ngày mốt… bao nhiêu là thân tình, còn hơn khi tôi về vài miền quê Việt bây giờ.
Tối, tôi về phố, vào quán lộng gió ven biển tán dóc, cụng ly cùng Tino và các bạn trong làng. Là giáo viên dạy tiếng Anh cho trẻ con, Tino hầu như là thông dịch viên cho cả đám. Những câu chuyện về quê hương, xứ sở, những thắc mắc chưa biết hỏi ai… giờ tôi phang tuốt luốt… đến nửa đêm vẫn chưa muốn về. Đến khi giật mình thấy Tino giật lấy mảnh giấy từ chú chủ quán, dù cái hoá đơn đó hơn cả tháng lương giáo viên chính thức của cậu. Giành qua giật lại muốn banh tờ giấy tôi mới được quyền trả, sau khi hứa hẹn là sẽ nhận chầu càphê sáng mai. Tino mặt xụ ra…
Ngày về Yangon, tôi đến nhà Tino chào gia đình, cậu chở tôi ghé ngang sạp quần áo. Hết sức ngăn cản nhưng tôi không thể chối từ khi cậu cứ dúi mãi vào tay tôi chiếc T-shirt có in chữ Ngwe Saung “Để kỷ niệm mà anh”. Tôi càng xốn xang hơn khi thấy cậu tiếp tục lục lọi “Để tặng bồ anh”! Lần này thì cậu không thể khi tôi la to lý do thô thiển: “Không được, bồ anh thì phải để anh lo chứ!”
Chia tay Myanmar, balô bụi đời có thêm cái áo mỏng teng nhưng nghe sao trĩu nặng. Từ đó đến giờ, mê mải đuổi theo nhiều đam mê ham hố, tôi chưa quay lại miền đất này. Nhưng luôn biết chắc rằng Ngwe Saung, nơi một phần con tim đã rớt lại, sẽ là điểm nhất-định-phải-đến ngày tôi về lại đất nước xinh đẹp hiền hoà này.
bài và ảnh: Hoàng Dược Sỹ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét