Thứ Hai, 22 tháng 12, 2014

Makassar với món ông Obama ưa thích

LTS: Indonesia còn ẩn giấu nhiều miền đất đẹp lạ vì trùng dương cách trở, nhưng đã đến, khó mà thản nhiên bỏ đi. Không chỉ vì cảnh đẹp mà còn bởi những điều bình dị.
???????????????????????????????
Tôi đến Makassar sau hai đêm sặc sừ trong khoang hạng bét bưng bít chật chội của con tàu K.M. Umsini từ Kupang, Tây Timor. Cõng balô lê từ cảng về phố trong cái nóng xứ biển cận xích đạo làm tôi khá đừ. Nhưng nhìn tấm ảnh toà thánh đường soi bóng nơi biển biếc, tôi vội gội rửa, vọt nhanh. Vừa kịp hoàng hôn xuống.
Lung linh nhà thờ nổi Amirul Mukminin
Makassar (tên cũ Ujung Pandang) là thủ phủ tỉnh Nam Sulawesi, trong quần đảo cùng tên. Người ta đã tìm thấy dấu tích của người Khmer, Xiêm La, Ấn Độ… đến buôn bán trước khi người châu Âu phát hiện miền đất không chỉ giàu khoáng sản, gia vị… mà còn quan trọng trong cung đường giao thương trên đại dương này. Người Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan… đã tranh giành qua lại vùng này trong mấy thế kỷ, Makassar chỉ về cố quốc vào năm 1945, hiện là thành phố lớn thứ năm của đất nước Indonesia 17.000 đảo này.
Duyên của Makassar là những kiến trúc mới. Trong đó, ngôi nhà thờ nổi chỉ vừa xây xong cuối thế kỷ trước là một điểm nhấn độc đáo. Nằm ngay trên vịnh biển Losari ôm sát thành phố, được xây trên mặt biển Masjid Amirul Mukminin là nhà thờ Hồi giáo nổi đầu tiên của Indonesia. Gọi nhà thờ nổi, Masjid Amirul Mukminin không dập dềnh mà nằm trên 164 cột. Có đến ba tầng, ngoài giờ kinh kệ, nơi đây là nơi ngắm đại dương, ngắm mặt trời chìm xuống biển tuyệt nhất miệt này. Có điều hơi đáng tiếc là khi ngắm chiều rơi từ đây, sẽ không thấy một hoàng hôn đẹp lạ với một ngôi nhà thờ nổi lung linh trên biển chiều.
Masjid Amirul Mukminin thanh thoát được xây dựng với kiến trúc hiện đại với hai màu trắng xám chủ đạo bằng đá. Không hoành tráng, ngôi nhà thờ thêm duyên bởi hai mái vòm không hực hỡ vàng như thường gặp trên đất này mà được ghép bởi những vuông đá xanh lóng lánh, càng duyên dáng, được nhấn nhá bởi hai tháp minaret thanh thoát. Bãi biển Losari, nổi tiếng vì hoàng hôn rực rỡ giờ thêm duyên khi nắng vàng phủ bóng xuống ngôi nhà thờ trắng xám với những mái vòm xanh long lanh, soi duyên xuống biển biếc yên ả như gương hồ. Rồi đêm xuống đèn lên, Masjid Amirul Mukminin lấp lánh trong biển đêm. Losari trở thành nơi quần tụ của người Makassar lẫn du khách hóng gió và chiêm ngưỡng ngôi nhà thờ rực sáng trên cạn lẫn lung linh dưới nước.
Đền Amirul Mukminin lung linh trong nắng mai.
Đền Amirul Mukminin lung linh trong nắng mai.
Cuốn hút ẩm thực chợ phiên cuối tuần
Đã có hàng không giá rẻ bay đến Makassar, hoặc đi tàu thuỷ của hãng Pelni Ship. Tàu chở trên dưới ngàn người, mất 2 – 3 ngày tuỳ cảng xuất phát. Hành trình không dành cho những khách ít đi bụi và ít thời gian, nhưng là tưởng thưởng tuyệt vời với những bình minh hoàng hôn lênh đênh giữa trùng khơi. Các sinh viên nhiệt tình trong CLB Anh văn, họp nhóm buổi chiều trong pháo đài Rotterdam, sẽ hỗ trợ bạn city-tour nguyên ngày, với điều kiện đơn giản là bạn nói chuyện tiếng Anh với nhóm. Thân hơn, họ sẽ mời bạn về miền quê xa lắc lơ nào đó. Makassar có khách sạn, nhà nghỉ bình dân giá từ 200.000 đồng/phòng. Thức ăn giá bình dân, phố biển nên hải sản tươi và rẻ.
Quyết định dừng chân Makassar, tôi đâu biết hôm sau sẽ có chợ phiên cuối tuần. Dậy sớm ngắm bình minh nhà thờ nổi, tôi may mắn hoà vui trong phiên chợ tàn khá sớm này.
Con đường ven biển nhộn nhịp, kéo dài đến quảng trường bãi biển Losari, nơi rất đông người dân tập thể dục buổi sáng. Tiếng nhạc aerobic sôi động của các bà các chị hoà trong tiếng rao, tiếng bán mua làm không khí càng nhộn nhịp. Nói nào ngay, hàng hoá không đặc sắc, chủ yếu là các hàng tiêu dùng bình thường, chẳng thấy dấu vết gì của gia vị – những thứ đã làm Makassar, Sulawesi nổi tiếng một thời. Do vậy, sự quan tâm của hầu hết mọi người, và cả khách lạ, là các món ẩm thực dân dã địa phương, một phần cũng có lẽ đã đói bụng sau buổi lang thang từ rất sớm.
Rất nhiều món ăn chơi như bánh trứng cút, bánh crếp, nasi goreng (cơm chiên) mi goreng (mì xào), ayam (thịt gà) sa tế… được nấu nướng tại chỗ dậy lên mùi thơm quyến rũ, đông đúc người vây quanh. Nhưng đến Makassar, phải nói đến món đặc biệt mà các tài liệu du lịch đều nói đến là món banana epe (chuối nướng). Đã gặp nơi nơi trên đường phố, bãi biển Makassar, giờ những xe chuối nướng cũng càn quét chợ. Chuối được nướng khi chưa chín hẳn, ép dèm dẹp, cho thêm đủ các mùi vị như mật ong, sôcôla, sầu riêng… của nước xốt chan lên, tý dừa nạo, mấy hạt đậu phộng… làm chuối đã bùi càng thêm ngọt, khác vị chuối nướng quê mình thường chỉ áo xôi hoặc rưới nước cốt dừa… Và dĩ nhiên, không thể thiếu món ăn đường phố truyền thống của người Indonesia, chứ không riêng gì ở Makassar, bakso, món ăn thuở thiếu thời ngài Barack Obama đã nhắc nhớ, ca ngợi trong chuyến về thăm chốn cũ Indonesia năm 2010, từng tạo bão truyền thông xứ này. Câu chuyện đã luôn được các bạn trẻ Indonesia tặng kèm khi mời ăn hay hỏi khách lạ chuyện ẩm thực địa phương. Sáng đó cũng vậy, khi thấy tôi sùm sụp húp tô bakso, giông giống hủ tíu bò viên xứ mình nhưng đơn giản, ít hương hoa hơn, tôi cũng liên tục được mời phát biểu cảm nghĩ về món ăn Tổng thống Mỹ yêu thích (!).
Dù chần chừ, tôi chia tay Makassar vẫn còn sót nhiều điểm du lịch. Nhưng không tiếc, vì biết mình sẽ quay lại miền đất lạ quá đẹp Sulawesi nhiều lần, nên sẽ có dịp ghé ngang đây. Để lại có những hoàng hôn tuyệt vời bên ngôi nhà thờ lạ, bên những người bạn mới nhưng đã thân ở miền đất hiền này.
Bakso, món ăn yêu thích thuở thiếu thời của Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Bakso, món ăn yêu thích thuở thiếu thời của Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Chuối nướng và những chàng trai hát rong là đặc sản của Makassar.
Chuối nướng và những chàng trai hát rong là đặc sản của Makassar.
Một chiếc xe bán bakso dã chiến.
Một chiếc xe bán bakso dã chiến.
bài và ảnh: Thái Hoãn

Không có nhận xét nào: