Nhân Halloween ở Mỹ, TGTT chọn giới thiệu một lễ hội ma độc đáo ở Thái Lan được báo chí phương Tây như CNN, NYT ca ngợi.
Huyện nhỏ Dan Sai ở phía tây tỉnh Loei thuộc Đông Bắc Thái, nằm lọt thỏm giữa rừng xanh núi đỏ quanh năm tịch mịch trừ ba ngày lễ hội ma.
Là nghi thức của các lễ hội nối tiếp nhau Bun Luang, Bun Bang Fai (lễ hội Pháo thăng thiên), nhưng hầu như du khách chỉ nhớ cái tên Phi Ta Khon (Pee Ta Khon), một lễ hội chỉ có ở Dan Sai. Lễ hội xuất phát từ hai truyền thuyết chính. Một đôi yêu nhau bị cha mẹ phản đối. Họ chết tức tưởi vì bị nhốt trong hang, rồi được thần sông suối Phra Uppakhut giải thoát.Hồn ma của họ cùng những oan hồn khác kéo về làng cũ trong ngày lễ để nghe kinh kệ. Truyền thuyết khác, theo kinh Vessantara, mô tả cuộc trở về của hoàng tử Vessantara (kiếp trước của Đức Phật) được cho là đã chết sau nhiều năm lưu vong nơi rừng thiêng nước độc. Do vậy, Phi Ta Khon phải thật sôi động để có thể đánh thức người chết sống dậy, trở về. Ở Phi Ta Khon có cả kiệu rước hoàng tử Vessantara cùng hồn ma của đôi trái gái, lẫn thêm các nghi thức Bà La Môn giáo… Nét đặc biệt của sự dung hoà tôn giáo làm lễ hội thêm cuốn hút.
Phi Ta Khon theo lịch âm, thường trong khoảng tháng 6, 7. Dan Sai cách Bangkok 520km. Từ Bangkok có máy bay hàng không giá rẻ bay đến thành phố Loei, đi tiếp xe buýt đến Dan Sai. Rẻ hơn là đi xe, tàu lửa đêm đến Phitsanulok, chuyển xe buýt đi Dan Sai. Mỗi ngày chỉ có 3 – 4 chuyến xe từ Loei hoặc Phitsanulok đến đây, cần lưu ý giờ giấc. Đi dịp Phi Ta Khon, nên đặt phòng trước vì rất ít khách sạn, nhà nghỉ. Nếu lỡ đến, hết phòng, có thể hỏi các nhà dân tăng cường dịch vụ homestay mấy ngày lễ hoặc đi ra xa khu ngoại ô cũng có vài nhà nghỉ. Dịp lễ, giá phòng đơn giản hoặc homestay khoảng chừng 300.000 đồng. Đồ ăn uống nhiều, ngon và rẻ. Chợ đêm ẩm thực Dan Sai dịp Phi Ta Khon sẽ là điểm khám phá thú vị. Nhiều đồ lưu niệm, giá phải chăng, áo thun in hình mặt nạ Phi Ta Khon chỉ từ 100.000 – 200.000 đồng. Mặt nạ thì đắt hơn và khá cồng kềnh, nhưng hiếm tìm thấy ở nơi khác. Tuyến xe buýt đi thẳng từ Loei đến cố đô Luang Pra Bang (Lào) vừa khai trương sẽ là một hành trình thú vị khác khi đến miền đất này.
Ba ngày, 16 nghi thức là những con số của Bun Luang, Bun Bang Fai, Phi Ta Khon thu hút cả những khách đến từ trên trời. Hàng đoàn vận động viên nhảy dù, kéo theo cờ Thái phất phới giữa trời xanh khởi động buổi lễ. Dù lễ rước viên sỏi trắng (tượng trưng cho thần Phra Uppakhut) từ sông Man về chùa Phonchai đã tiến hành từ 3 giờ sáng, Phi Ta Khon chỉ tưng bừng từ lúc này, khoảng 9 giờ.
Bắt đầu bằng lễ rước hoàng tử Vessantara cùng vợ trên kiệu hoa rực rỡ. Khuấy động tiếp theo bằng những màn múa hát rộn ràng của những trai quê gái làng rỡ ràng xiêm y. Nhưng nổi bật nhất vẫn là “những con ma” với mặt nạ rực sắc, quần áo cũng lắm màu, quy chuẩn theo từng đội của các thôn xóm, đi cùng các xe hoa trang trí cũng không kém màu. Thêm duyên là những người dân quê mang những nông lâm ngư cụ diễu hành, tái hiện hoạt động săn bắn thu hái cấy lượm…
Điểm lạ, hấp dẫn, mang tính phồn thực của lễ hội cầu khẩn một mùa mới no ấm là vũ khí của mấy con ma – những sinh thực khí của nam giới dài ngoằng, đến các trò chơi dân gian như quăng chài, kéo lưới… thì đối tượng câu bắt không là cá, tôm, mà cũng là những sinh thực khí được các bà, các cô rú ré đùn đẩy qua lại. Chưa hết, nổi bật giữa đám đông là nhiều hình nộm của đôi trai gái “ma” cao 2 – 3 mét, sinh thực khí vươn lồ lộ khiêu khích! Du khách Âu Mỹ trợn mắt khi thấy người dân quê bẽn lẽn giờ bạo dạn sờ sẫm, vuốt ve, chụp hình… với chúng.
Nhưng để được gọi là lễ hội Ma, không thể thiếu “đám ma bùn” trét lọ nghẹ đen thùi lùi từ đầu đến chân đi lang thang chọc phá. Rồi những kiệu rực rỡ rước rước pháo thăng thiên (Bang Fai), để sau đó sẽ được các sư sãi chùa Phonchai khai hoả. Hình ảnh các vị sư khai phóng những chiếc pháo bay vút vào trời xanh, cầu mong thần Mưa ban vụ mùa tươi tốt cho dân lành mới thấy sự gần gũi việc đạo việc đời nơi đây…
Buổi sáng, cuộc vui diễn ra trên đường phố chính của Dan Sai. Chiều, lễ rước kéo về chùa Phonchai để các “hồn ma” nghe kinh kệ. Tối, có mấy sân khấu lớn nhỏ để lũ ma hoà giọng với ca sĩ, chung nhịp vui với các vũ công chân đất… Rảnh rỗi, lũ ma kéo nhau lên phố chọc phá người qua, kẻ lại, rồi ùa vào các hội chợ thưởng lãm những thức lạ, món ngon của các nghệ nhân hay các phẩm vật quê nhà dân dã tươi ngon. Đây là dịp người Dan Sai giới thiệu những đặc sản địa phương, đặc biệt các mặt nạ ma quỷ. Qua bàn tay khéo léo, các bẹ dừa (chỉ làm chất đốt ở xứ mình), chõ đồ xôi bắng nan tre, đã trở thành những chiếc mặt nạ Phi Ta Khon tinh xảo, giá đến 3 – 4 triệu đồng. Sản phẩm của dự án OTOP (One Tambon One Product – Mỗi làng một sản phẩm chuyên biệt) từ thổ cẩm, đồ mây tre nứa, đến các loại bánh kẹo địa phương… được bày bán hấp dẫn. Hàng đoàn khách xúng xính trong áo xống in sặc sỡ mặt nạ ma quỷ ríu rít bán mua, tay mang trĩu nặng quà cáp… làm không khí lễ hội thêm sống động.
Ngày cuối, sau khi tiễn đưa thần Phra Uppakhut về sông Man, người dân Dan Sai quay về ngôi chùa hơn 500 năm tuổi Phrathat Si Song Rak lắng nghe các cao tăng thuyết giảng những bài kinh Vessantara. Ngoài kia, phố đã vắng thênh thang. Người đi lòng cũng nhẹ tênh, thầm mơ một ngày vui Dan Sai lại về.
bài & ảnh: Thái Hoãn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét