Các bến xe lớn nhỏ ở Baguio đều không có xe đi Kabayan. Dạt tạm qua Sagada lông bông, may gặp các sinh viên Baguio chỉ vẽ cụ thể, tôi quay lại bến xe cóc trên đường Slaughterhouse mấy hôm trước tới lui mấy bận, mới kiếm được chiếc xe đi Kabayan, vùng đất của những xác ướp nổi tiếng nhưng hiếm du khách.
Xanh bình yên Kabayan
Kabayan, miền thung lũng sơn cước của Pulag – ngọn núi cao thứ hai Philippines (2.922m), chia cách đồng bằng đô thị bởi nhiều đèo cao vực thẳm. Là huyện nhỏ của tỉnh Benguet, Kabayan chỉ cách phố núi nhộn nhịp Baguio – thủ đô mùa hè của Philippines – 85km, nhưng đi mất trên dưới sáu giờ xe. Đường nhiều đoạn lở nát, xe vừa bò vừa nằm chờ vá vỏ cả đi lẫn về. Rồi còn phải dừng xe nghỉ mấy lượt vì máy quá nóng khi lên xuống những con đèo vừa dốc đứng vừa ngoằn ngoèo. Bù lại, cung đường men theo rừng già nhiệt đới được giữ gìn kỹ, tuyệt đẹp. Nhiều con suối, thác lớn nhỏ buông những dải lụa trắng lững lờ trên vách đá… Không khí cao nguyên trong veo mát lạnh.
Miền Kabayan của người Ibaloi – anh em với những bộ lạc săn đầu người khét tiếng Ifugao, Kalinga… nhưng họ sống chủ yếu nhờ nuôi trồng. Không có những cánh ruộng bậc thang 2.000 năm tuổi như ở Banaue, Bontoc… cách đó không xa, nương đồi Kabayan thoai thoải xanh ngắt những cánh đồng trồng gạo đỏ Kabayan nổi tiếng. Không chỉ gạo đỏ, Kabayan còn là vựa rau xanh dồi dào cung cấp cho Luzon. Nên chẳng ngạc nhiên khi trên chiếc xe về lại Baguio, hơn hai phần xe ngồn ngộn những bao, sọt rau tươi mởn.
Nổi tiếng với những hang động kỳ bí, nhiều đoạn trong dãy Pulag cấu trúc đá cứng. Đá xám cũng theo người dân về nhà. Những con đường đá bờ tường đá, cả hàng rào đá như ở cao nguyên đá xứ mình. Mưa bão Luzon nổi tiếng thế giới, nên những bờ tường đá ẩm ướt hoa cỏ rậm rì khoe sắc làm phố nhỏ thêm duyên. Ngất ngây với những ngôi nhà sàn mái ngói đỏ, đường đá xám rộn ràng hoa nơi miền đồng xanh thắm rừng… du khách dễ quên mất Kabayan bình yên lại ẩn chứa những hang động, những câu chuyện huyền bí từ nhiều ngàn năm trước.
Huyền bí động đầu lâu hang xác ướp
Kabayan và vùng lân cận có đến hàng trăm hang động là các nghĩa trang của người Ibaloi, trong đó có trên 15 hang có xác ướp. Nổi tiếng vì có nhiều xác được bảo quản tốt, dễ đến – vẫn phải có người dẫn đường đi mất 5 – 6 giờ! – là các hang Timbac, Pongasan… Tiện tặn thời gian và kinh phí thì đến bảo tàng quốc gia Kabayan ngay trong phố, cũng có xác ướp trưng bày, cùng nhiều nông ngư cụ, vũ khí, đồ dùng… của người xưa. Xác ướp Kabayan là hình thức mai táng dành cho giới trưởng giả Ibaloi những ngày rất cũ. Nhiều nguồn khác nhau cho rằng chúng có trong khoảng giữa năm 2.000 và 1.200 trCN. Nhưng các xác ướp này “trẻ” nhất cũng đã hơn 500 năm tuổi, vì khi người Tây Ban Nha đến đây những năm 1.500, tục lệ này mới bị bãi bỏ.
Chỉ có thể đi Kabayan từ Baguio (cách Manila 244km, đi mất 6 – 7 giờ). Baguio cách Kabayan chỉ 85km nhưng cũng mất 6 – 7 giờ và chỉ có xe vào buổi sáng. Kabayan có lữ điếm đơn sơ, 60.000 – 80.000 đồng/người tuỳ phòng đôi hay phòng tập thể. Ăn uống đơn giản, mì gói là món ưa thích của người bản địa nên chắc hợp với nhiều khách Việt. Trừ bảo tàng và động Opdas, các điểm tham quan khác đều cần phải có hướng dẫn viên bản địa. Ngoài các di tích huyền bí, cung đường trekking lên đỉnh núi Pulag là một hành trình yêu thích của nhiều du khách.
Kỹ thuật ướp xác Kabayan được cho là hơi giống của người Ai Cập thế kỷ 10 trCN. Xác được làm sạch bằng muối, thảo mộc… rồi làm khô từ từ bằng khói thảo dược để chống côn trùng… cùng lúc với việc uốn nắn cái xác trở về tư thế nằm bó gối của thai nhi trong bụng mẹ. Quá trình kéo dài từ 6 tháng – 2 năm, tuỳ cơ địa, cách thức, thảo dược… Xác khô được đặt vào quan tài gỗ thông gọn ghẽ rồi mới chính thức mai táng trong các hang động. Ít nhất năm thế kỷ đã qua, đá mòn gỗ mục, nhiều xác ướp trơ vẫn còn tinh tươm, gọn ghẽ. Nhiều điều thú vị của người cổ Ibaloi được phát hiện, nghiên cứu từ đây. Tỷ như việc xăm hình, vị trí, cách thức, lý do, loại hình xăm (giờ không còn
phổ biến)… vẫn chưa phai màu ở các xác ướp.
phổ biến)… vẫn chưa phai màu ở các xác ướp.
Ngoài các hang xác ướp, Kabayan còn nổi tiếng với các hang động chỉ gồm đầu lâu, xương cốt. Nằm ngay rìa thị trấn, ven đồng xanh mướt. Động đầu lâu Opdas với hàng trăm bộ hài cốt của người Ibaloi là điểm đến thú vị cho du khách lười nhác khỏi băng rừng lội núi. Lò dò tìm đến, tôi được đưa chìa khoá tự vào tự ra. Khi xem xác ướp quanh tôi còn có người khác, ở Opdas chỉ có một mình trong động vắng với ngồn ngộn những xương cốt, đầu lâu, cả thiên niên kỷ tuổi tác với các hốc mắt như cứ xoáy vào làm tôi rợn gáy, chụp vội vài tấm hình rồi tháo ra. Giờ lại hơi tiêng tiếc, nhất là khi các thông tin chia sẻ chỉ đề cập nhiều đến các hang xác ướp.
Điều thú vị nữa khi đến Kabayan là sự mộc mạc mến khách của người bản địa, không như những tộc miền thượng Luzon nổi tiếng với việc “săn đầu người”. Kenneth, nhân viên phòng hành chính Kabayan kiêm hướng dẫn viên du lịch được Lonely Planet khen ngợi, đã giúp đỡ, chia sẻ nhiều câu chuyện lạ về xác ướp cũng như cuộc sống miệt này. Thú vị làm sao khi Keneth nói rằng tôi là người Việt Nam đầu tiên anh gặp từ khi ra và lớn lên ở Kabayan (38 năm)! Chia tay Kabayan, tôi tự nhủ sẽ dời sâu chuyến đi Ai Cập, vì đã mãn nhãn với xác ướp đặc biệt miền Đông Nam Á!
bài, ảnh: Trần Thái Hoãn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét