Thứ Bảy, 20 tháng 12, 2014

Quá khứ rực rỡ ở Peru


Quá khứ rực rỡ ở Peru


Doanh nhân Sài Gòn

Chuyến bay của chúng tôi hạ cánh xuống Lima khi trời hửng sáng. Nhìn từ xa, một nửa thủ đô của Peru như chìm trong màn mưa, nhưng đến gần thì mới thấy đó chỉ là sương mù bốc lên từ biển.
Có một dòng nước lạnh chạy dọc theo bờ tây của Nam Mỹ, từ Nam cực lên đến xích đạo thì quẹo trở ra khơi, giao với dòng nước ấm ở trung Thái Bình Dương. Chính dòng nước lạnh này giúp điều hòa lại khí hậu của dải đất hẹp chạy dọc dãy núi Andes cao lừng lững.
Dải đất này là một sa mạc chạy dài từ Ecuador xuống tận Chile. Đúng vậy, Lima – một siêu đô thị sầm uất, nơi tập trung một phần ba dân số Peru nằm giữa sa mạc. Một sa mạc sống được!
Lima nhìn từ biển
Thủ đô đa sắc tộc
Nhờ có hai dòng nước ấm lạnh giao nhau, hải sản ngoài khơi Peru hết sức phong phú. Người Lima đặc biệt tự hào về các món hải sản, nhất là món ceviche, một dạng gỏi cá ăn chung với bắp và khoai lang rất ngon.
Bắp ở Peru hột to như cái nút áo lớn, nhai dẻo dẻo. Đầu hè, nhiệt độ ban ngày ở Lima chỉ trên dưới 25 độ C. Những ngày này cả thủ đô nhìn như một công trường xây dựng lớn.
Hệ thống đường cao tốc vẫn đang được phát triển tiếp. Những cao ốc mới ở Lima thiên về thiết kế đường nét và phối màu sắc chứ không thiên về phủ kính bóng lộn như Trung Quốc và Việt Nam.
Có thể nói kiến trúc của Lima không nhằm gây ấn tượng về vẻ hiện đại mà nghiêng về hòa hợp với thiên nhiên. Thành phố vẫn còn những khu ổ chuột lớn trên các sườn đồi xung quanh. Bù lại Lima có khá nhiều công viên dù nằm giữa sa mạc.
Phố vắng ở Lima
Chính thức thì Lima được thành lập năm 1532, nhưng thành phố mười triệu dân này có một lịch sử xa xưa hơn rất nhiều. Đi trong thành phố, thỉnh thoảng lại gặp những di chỉ khảo cổ rất rộng lớn.
Có cả một khu kim tự tháp xây bằng gạch mộc từ hai ngàn năm trước to lớn không thua gì kim tự tháp Ai Cập. Lima là một thành phố đa sắc tộc. Số lượng người lai rất đông, từ lai nhiều đến lai ít trên cái nền của thổ dân bản địa.
Dân gốc Á châu chiếm khoảng tám phần trăm dân số, đa phần là người Nhật hoặc người Hoa. Peru đã từng có tổng thống người gốc Nhật và hoa hậu gốc Hoa.
Ảnh hưởng của người Hoa lên ẩm thực Peru rất rõ. Khắp Lima có rất nhiều quán Chifa chuyên bán thức ăn lai giữa đồ ăn Peru và đồ ăn Tàu.
Vương quốc giữa các tầng mây
Chuyến bay từ Lima lên Cuzco khá thú vị. Sau khi máy bay vượt tầng mây thứ nhất cao vài trăm mét, núi Andes lờ mờ hiện ra ngoài cửa kính.
Khi máy bay vượt tiếp tầng mây thứ hai ở độ cao vài ngàn mét, dãy Andes hiện ra rõ nét. Lúc này trên đầu chúng tôi vẫn còn mây bay lơ lửng.
Kể từ lúc đó máy bay bay là là trên các đỉnh núi – nhưng vẫn thấp hơn các đỉnh cao chót vót – cho tới khi hạ cánh xuống Cuzco ở độ cao ba ngàn bốn trăm mét.
Andes là dãy núi cao thứ hai và dài nhất thế giới – khoảng bảy ngàn cây số, chỗ rộng nhất khoảng bảy trăm cây số. Cảm giác đầu tiên khi bước xuống Cuzco là thấy đầu óc váng vất vì cơ thể chưa quen với áp suất thấp.
Một cung đường trong dãy Andes
Cuzco là thủ đô của đế quốc Inca ngày xưa. Gọi đúng theo ngôn ngữ Quechua của đế chế Inca là Quosqo, có nghĩa là trung tâm của các trung tâm.
Thực vậy, Cuzco nằm ở ngay chính giữa của trung tâm Andes. Đế chế Inca ngày xưa bao trùm gần như toàn bộ miền núi Andes, trải dài từ Ecuador xuống tới Chile ngày nay.
Thực ra, Inca là danh hiệu của người cai trị của đế quốc này. Các Inca gọi đế quốc của mình là Tứ Xứ. Cuzco nằm ở trung tâm của bốn xứ đó: cao nguyên, đồng bằng, biển và rừng.
Đường phố lát đá và nền móng nhà do người Inca xưa xây dựng
Sau khi người Tây Ban Nha tiêu diệt đế quốc Inca, họ tàn phá luôn thủ đô rồi xây những nhà thờ to lớn chồng lên các đền thờ và các cung điện của người Inca. Họ gọi thủ đô của người Inca là Cuzco, có nghĩa là chó nhí.
Thực ra người Inca quy hoạch thủ đô của mình theo hình dạng báo Puma, loài mãnh thú ở vùng Andes. Đế quốc Inca chỉ tồn tại hai trăm năm nhưng đã đạt được nhiều thành tựu đáng nể và vẫn tiếp tục làm kinh ngạc người nghiên cứu ở thời hiện đại này.
Họ không có chữ viết, nên những gì mà chúng ta biết về họ hiện giờ chủ yếu dựa trên các di tích còn sót lại cũng như các trang sử đầy thiên kiến của người Tây Ban Nha.
Các đền đài và cung điện ở Cuzco lúc ban đầu được kể lại là dát đầy vàng bạc. Cuzco được quy hoạch hoàn chỉnh đến mức sau này người Tây Ban Nha chỉ việc xây các công trình của mình lên trên các nền móng đã có sẵn và giữ nguyên đường phố lẫn các quảng trường.
Quảng trường trung tâm thành phố cổ Cuzco
Hậu duệ của các Inca
Cuzco là một thế giới hoàn toàn khác với Lima, từ đô thị cho tới con người. Người Quechua, chủ nhân ngàn đời của vùng Andes sinh sống ở đây rất đông.
Trừ khu trung tâm xinh đẹp xây chồng lên kinh đô cũ của đế quốc Inca ngày trước, thành phố bảy trăm ngàn dân này bị bao bọc bởi các xóm nhà ổ chuột. Đây là một khu vực từng bị bỏ quên trước khi hồi phục lại khoảng hai mươi năm gần đây nhờ du lịch.
Những công trình thời thuộc địa ở Cuzco còn tương đối nguyên vẹn. Quy hoạch đô thị thời Inca nhờ vậy mà được bảo tồn. Các con đường lát đá xây từ thời Inca vẫn còn được sử dụng.
Nền móng còn sót lại của các đền đài và cung điện của đế quốc Inca cho thấy một kỹ thuật chế tác đá và trình độ xây dựng cao, đặc biệt là họ không hề sử dụng các công cụ bằng kim loại.
Ngày nay, người Quechua theo lối sống phương Tây vẫn sống hòa hợp với người Quechua sinh hoạt theo nếp cổ. Trong thành phố có nhiều người ăn xin gốc Quechua, tuy nhiên họ không hề làm phiền ai, chỉ ngồi yên một góc.
Quosqo có rất ít xe hơi riêng, đa phần là xe buýt hoặc taxi. Người đi bộ cũng rất nhiều. Chợ búa tổ chức rất ngăn nắp và sạch sẽ. Người Quechua cũng nói thách tới trời, nhưng đến khi trả xuống đúng giá là cười rồi bán. Nói chung họ khá thân thiện và dễ mến.
Chúng tôi ở lại Cuzco đêm Giáng sinh. Thành phố chìm ngập trong không khí lễ hội, mọi người rộn ràng đi mua sắm. Ở quảng trường chính Armas, một hội chợ đầy màu sắc được tổ chức.
Người Quechua từ khắp các làng mạc xa xôi mang các sản vật về đây mua bán và trao đổi tới tận khuya. Sáng sớm hôm sau, quảng trường đã được dọn sạch từ lúc nào không biết.
Sau buổi lễ sáng, người Quechua trong các trang phục hóa trang lộng lẫy từ các nhà thờ đổ ra diễu hành và nhảy múa trên đường phố. Người ta nhảy múa, chơi các nhạc cụ, và ca hát như lên đồng. Một không khí lễ rất kỳ lạ.
Một điểm đặc biệt khác là trong cảnh bài trí Giáng sinh ở vương cung thánh đường cũng nhưở các nhà thờ, mẹ Maria, chúa Jesus, cũng như các nhân vật khác đều mặc trang phục của người Quechua, và họ không ở trong hang đá, mà ở dưới một mái chòi.
Lễ của người Inca đã hóa thân vào lễ của Thiên Chúa giáo.
Thần dân của đế quốc Inca chấp nhận quyền lực mới, chấp nhận tôn giáo mới. Theo một cách rất riêng của mình!
ĐÌNH VIẾT KHIÊM/DNSGCT

Không có nhận xét nào: