Thứ Hai, 22 tháng 12, 2014

Mông Cổ và những phận chùa

Những cây cổ thụ và thương xá Tax hơn trăm năm tuổi, biểu trưng Sài Gòn hoa lệ ngày nào bị bứng đi, thay bằng cao ốc 40 tầng... làm nhớ chuyện hôm nào lang thang Mông Cổ. Cũ không đi sao có mới, nhưng xưa nào vẫn cần giữ, cũ nào nên thay? Giữ, thay như thế nào cho đề huề, để không như chuyện ngôi chùa bị bóng đè ở thành đô Ulaanbaatar.
OLYMPUS DIGITAL CAMERA
Đi Mông Cổ vì si mê thảo nguyên thu vàng, đến sớm tôi vẫn kịp ngắm mấy cây mưa nuối cuối hạ. Bèn rủ rê đám bạn giang hồ chung chiếc xe xuôi nam tìm những thắng cảnh nổi tiếng như đụn cát vàng Khongoriin Els, vách núi đỏ Bayanzag… những ngày Gobi còn chút xanh lá. May mắn, chúng tôi – đúng hơn là chỉ tôi, vì các bạn Âu Mỹ ít quan tâm – được tưởng thưởng thêm các di tích đẹp không có trong lịch trình.
Thanh thoát Gimpil Darjaalan giữa sa mạc
Là quận lớn thứ hai của tỉnh Dundgovi, nhưng Erdenedalai còn chưa có đường nhựa. Nhờ con đường tỉnh lộ bụi mù vừa khít hai làn xe, xóm nhỏ là nơi dừng chân của lữ khách trên đường xuôi nam sau ngày dài lăn lóc từ Ulaanbaatar (thường được gọi là Ulan Bator). Xe dừng, ngỡ ngàng tưởng ảo giác sa mạc khi thấy xa xa mái chùa u tịch trong bóng hoàng hôn, quăng balô vào lữ điếm, tôi tranh thủ vọt nhanh. Chỉ được vài tấm hình trời đã tối sầm. Hoàng hôn rơi quá nhanh trên sa mạc vắng.
Nằm giữa sa mạc, ngày đó chỉ là nơi dừng chân của các lái buôn, đoàn lạc đà… tu viện Gimpil Darjaalan được xây dựng chào mừng chuyến viếng thăm đầu tiên của Đạt Lai Lạt Ma từ Tây Tạng vào cuối thế kỷ 18. Bấy giờ Gimpil Darjaalan giữa sa mạc cằn khô này có đến 500 tăng sĩ tu tập. Như nhiều chùa chiền Mông Cổ, tu viện thuộc phái Mũ Vàng, Phật giáo Mật tông do đại sư Tông Khách Ba sáng lập. Thời kỳ Mông Cổ thanh trừng tôn giáo, được chuyển thành cửa hàng rồi nhà kho, Gimpil Darjaalan may mắn không bị phá huỷ, nhưng rốt cuộc đã bị đóng cửa vào năm 1937. Mãi đến năm 1990 tu viện mới được sửa sang, mở cửa lại và chỉ còn vỏn vẹn năm tăng sĩ. Do tính lịch sử quan trọng của Gimpil Darjaalan, dù đường đất cực kỳ gian khó, Đức Đạt Lai Lạt Ma 14 cũng đã ghé thăm tu viện năm 1992.
Mông Cổ mênh mang thênh thang
Mông Cổ mênh mang thênh thang
Thật khó quên bình minh hồng lạnh buốt Gimpil Darjaalan. Tuy Phật giáo gốc Tây Tạng, Gimpil Darjaalan lại giản dị. Không mái lóng lánh, tường vàng hực hay đỏ rờ rỡ, những vuông cửa lắm sắc… tu viện lặng lẽ vách đá xám tịch liêu, mái lưu ly phủ trắng bụi sa mạc, cột gỗ đỏ nhỏ phai dấu thời gian… giữa vuông đất cằn loe hoe cỏ vài nhúm. Buổi mai sớm, thanh thoát giữa mênh mang, Gimpil Darjaalan như đón hết, nhận hết sức sống sa mạc hừng hực từ bình minh đang lên. Sa mạc xanh lạnh đêm mới rời đi, những ngón tay hồng ban mai ve vuốt, nhả vào dấu xưa u tịch sức sống mới, làm sáng bừng chùa xưa. Nhất là hàng chuyển pháp luân vàng óng, stupa trắng tinh tươm… và cả cái ger tròn duyên xinh quen thuộc Mông Cổ. Làm chùa cũ dậy lên nét duyên mộc rất riêng. Giữa thênh thang hư không, tiếng chuông nhè nhẹ ấm áp làm kẻ viễn du quên mình đang giữa sa mạc vắng xứ người… Lên xe, tôi nấn ná nhìn mãi, khi Gimpil Darjaalan đã chìm sâu thật lâu trong bụi mờ.
Chùa xưa Choijin Lama trong bóng đè thành đô
Xếp thứ 10 trong 48 danh lam thắng cảnh của Ulaanbaatar theo TripAdvisor, chùa cũng là bảo tàng Choijin Lama lại là “Sự xấu hổ của Mông Cổ” – theo các độc giả (!). Không phải cụm chùa đặc trưng Mông Cổ do các kiến trúc sư tài hoa xây dựng, với các tác phẩm của hoạ sĩ Zanabazar – Michelangelo Mông Cổ, trang trí bên trong… không quý, không đẹp, mà bởi vì điều chính quyền Ulaanbaatar đã làm – những cao ốc, chung cư cao tầng bủa vây chùa xưa.
Một góc đẹp hiếm hoi của chùa xưa Choijin Lama.
Một góc đẹp hiếm hoi của chùa xưa Choijin Lama.
Chùa do Đại hãn cuối cùng Bác Khắc Đa (Bogd Khaan Javzandamba) xây tặng anh mình, cao tăng Choijin Lama. Chỉ hơn trăm năm tuổi (xây dựng 1904 – 1908) chùa Choijin Lama không quá cổ, nhưng là viên ngọc quý của Mông Cổ vì kiến trúc đa dạng, đặc trưng, cũng như các bảo vật bên trong. Năm ngôi chùa tách biệt thờ phụng các Phật, tăng khác nhau, như chùa Maharaja Sum thờ các tượng Phật Thích Ca Mâu Ni, cao tăng Choijin Lama và sư phụ Baltung Choimba của ông (với nhục thể bên trong). Chánh điện Maharaja nổi tiếng với các tượng thần hộ vệ làm từ bột giấy… tinh tế, sắc sảo, tươi sắc qua bao thăng trầm cũng như gió bụi thảo nguyên, sa mạc. Xây đầu thế kỷ 20, còn giữ nhiều chạm trổ tinh xảo gốc và các tranh tượng, kiến trúc quý giá có từ nhiều trăm năm trước trong chùa sẽ làm các tín đồ yêu xưa chuộng cũ ngẩn ngơ. Bí ẩn thay, chùa không bị phá huỷ thời kỳ thanh trừng tôn giáo vì được dùng để tham quan – như chứng tích, đại diện của tàn dư thời phong kiến!
Nhiều điều hay lạ ở ngôi chùa mà nếu chịu khó tìm góc, gian lận tý photoshop xoá bớt vẫn có hình đẹp để khoe này. Nhưng nhìn chùa xưa bị đè lọt thỏm trong bóng thập diện mai phục những cao ốc, giàn giáo băm ngang chẻ dọc khoảng trời quanh Choijin Lama… mới mừng cho Gimpil Darjaalan ung dung tự tại nơi sa mạc vắng. Mới cám cảnh thườn thượt thở, hiểu sao du khách cáu kỉnh phóng bút “Mongolia’s shame!”; “Don’t judge the place from outside”…
Những tác phẩm cổ xưa vô giá trong chùa Choijin Lama.
Những tác phẩm cổ xưa vô giá trong chùa Choijin Lama.
bài và ảnh: Thái Hoãn
Du lịch Mông Cổ tự túc hơi khó khoản visa vì người Việt sang ở lại lao động đã hơi nhiều, giờ phải có thư mời. Ngoài máy bay, cách đi rẻ được yêu thích là tàu lửa. Hà Nội – Bắc Kinh – Ulaanbaatar hay qua biên giới Trung – Mông đón tàu. Mùa du lịch tốt nhất là hè thu vì hai mùa còn lại rất lạnh, đông vui nhất là Nadaam tháng 7. Rất ít các phương tiện giao thông công cộng nên thường phải gom nhóm, cùng sở thích để đi chung tuyến, càng đông giá càng rẻ – khoảng 20 – 30 USD/ngày, trọn gói. Thức ăn ít rau, nhiều dầu, ngon lúc đầu dễ ngán về sau. Giá tương tự Việt Nam.

Không có nhận xét nào: