Thứ Hai, 22 tháng 12, 2014

Một ngày hè ở Jakarta


[139949]_MG_1905
Giao thông thành phố Jakarta được xếp hạng đông đúc thứ 2 trên thế giới sau Bangkok. Quãng đường di chuyển từ nơi này sang nơi khác thường được tính bằng giờ thời gian chứ không tính bằng ki lô mét.
Thứ hai thế giới
Chuyến bay giá rẻ cất cánh và hạ cánh đúng giờ sau ba giờ bay thẳng từ Sài Gòn đến Jakarta, nụ cười thiện cảm của cô nhân viên hải quan nhắc tôi đổi hộ chiếu sắp hết hạn, và những người hướng dẫn nhiệt tình tại sân bay Jakarta là những ấn tượng khá đẹp khi tôi bắt đầu chuyến viếng thăm Indonesia.
Niềm hí hửng kiếm được phòng trọ trung bình, giá 200.000 RP/ngày (350.000 đồng) gần sân bay phía bắc thành phố của tôi không được bao lâu khi nhận ra, nó nằm khá xa trung tâm thành phố. Thêm vào đó, thiết bị điện tử tôi mang theo đành phải ném xuống đáy vali vì ổ cắm điện là chấu tròn hoặc ba chấu dẹp trong khi đồ sạc điện của tôi là chấu dẹp. Nhà trọ không có đầu nối nào cho khách.
Nhưng cái khoảng cách nhà trọ đến trung tâm còn xa hơn khi chính thức trải nghiệm giao thông ở Jakarta. Dù chẳng xa lạ gì với nạn kẹt xe giờ cao điểm, nhưng kẹt xe ở Jakarta vào một ngày hè vẫn là cơn ác mộng. Xe cộ ùn ứ và bò như rùa trên đường phố bất chấp giờ thường hay giờ cao điểm đã trở thành đặc sản của Jakarta. Xe hơi, xe buýt và xe máy là những phương tiện chính, chưa kể các loại xe chở khách khác như xe lam, xe ba bánh, xe tải nhỏ. Tất cả xe cộ dường như lao hết ra đường phố khiến cho nhiệt độ tự nhiên chắc phải tăng thêm vài độ.
Cậu hướng dẫn là du học sinh Việt Nam cho tôi biết, ngồi trên xe di chuyển từ nơi này sang nơi khác cũng là một cực hình đối với chính người dân bản địa “vì ở đây kẹt xe thường xuyên như cơm bữa. Đôi khi đi vài cây số cũng mất cả mấy tiếng đồng hồ, có những đoạn đường lúc chẳng lúc nào thông thoáng”.
Tuy nhiên, tôi thực sự ấn tượng với cái cách người dân Indonesia phản ứng với tình trạng giao thông này. Hiếm khi thấy cảnh chiếc xe này chặn đầu chiếc xe khác hay vượt mặt nhau ở ngã tư hay bùng binh dù chẳng thấy bóng dáng cảnh sát giao thông. Người dân dường như đã quen với sự chậm chạp của giao thông nên cứ chờ đợi lần lượt thoát khỏi các đám đông kẹt cứng một cách trật tự. Không ai leo vỉa hè hay lấn làn, vượt tuyến. Tất cả đều kiên nhẫn chờ đợi đến lượt mình giống như cách họ xếp hàng ở mọi dịch vụ công cộng. Chẳng thấy ai đùn đẩy, chen ngang lấn chỗ hay bóp kèn inh ỏi như từng thấy ở quê mình.
Làn đường dành riêng cho xe buýt được làm riêng biệt, cao hơn mặt đường khoảng 50cm. và chẳng có phương tiện nào khác lấn vào làn đường này. Nghe nói hệ thống này được đầu tư tiện nghi và ưu tiên để khuyến khích hơn 9 triệu người dân dùng giao thông công cộng. Nhưng tuyến xe buýt chỉ có ở một số con đường nhất định là lý do xe buýt không được ưa dùng ở Jakarta. Đứng trên chiếc cầu vượt nhìn giao thông Jakarta 15 phút, tôi quyết định thuê chiếc Ojek (xe ôm) đi thăm thành phố, sau khi kỳ kèo được cái giá mà bạn tôi sau này đã nói nó khá hời. Khoảng 7.000 đồng/km.
Bụi, bụi và bụi
Hai người láng giềng Malaysia và Singapore thường xuyên phàn nàn về tình hình khói bụi từ Indonesia bay sang nước họ. Tất nhiên, nguyên nhân đến từ đủ thứ nguồn: cháy rừng, núi lửa phun, xây dựng và giao thông. Hai ngày ở Jakarta, tôi không thấy mày xanh của bầu trời. Không khí cứ mờ mờ, đục trắng mặt dù cơ quan thời tiết báo rằng đó là ngày nắng và ngoài trời luôn trên mức 30oC. Chứng kiến lượng xe cộ lưu thông trên đường phố Jakarta, tôi tin chắc rằng, nó cũng là một nguyên nhân khiến cho bầu trời trong xanh phía trên bị che phủ.
Chất “bụi bặm” của đường phố dường như cũng lây sang văn hóa và tính cách của người dân Indonesia mà tôi gặp. Người dân bán hàng rong lề đường, vỉa hè ở Indonesia nhiều không kém tại TP.HCM, có thể còn nhiều hơn. Những hàng quán được quây lều, phủ bạt, phục vụ khác hàng ngay cạnh đường phố. Bên ngoài xe cộ qua lại bụi mù cạnh những công trình, đường phố đang xây dựng thì bên trong mọi người vẫn cứ ngồi ung dung dùng tay không lùa thức ăn vào miệng một cách ngon lành (phong tục ăn tay không của người Indonesia).
Càng đến gần các điểm nhiều khách du lịch càng thấy rõ chất bụi bặm trong cuộc sống lam lũ của người dân. Những phụ nữ da ngăm đen, dù luôn quấn khăn kín theo phong tục hồi giáo, đẩy xe, đeo trên vai, hoặc gánh hàng hóa, từ quần áo, mũ món, kính mát, thuốc lá, nước uống, đến những những món ăn vặt như quà bánh, trái cây cắt sẵn bán cho du khách. Cạnh đó là những người đàn ông đang mời chào khách bên cạnh những chiếc xe ba bánh sặc sỡ sắc màu. Quay sang người chạy xe ôm để hẹn giờ quay lại, tôi thấy anh ta đã nằm vắt vẻo trên yên chiếc xe máy cạnh mấy người khác đang nằm trên vài cây tre kê lên mấy viên gạch, cạnh một gốc cây lớn, cười cười giải thích sẽ nghỉ ngơi đôi chút, chờ tôi quay ra từ điểm tham quan.
Tôi bắt đầu hành trình tìm hiểu hòn đảo Java của đất nước vạn đảo này từ đài tưởng niệm quốc gia, tháp Monas ở trung tâm thành phố Jakarta.
Nằm ở quảng trường Merdeka, đài tưởng niệm quốc gia, là một công trình kiến trúc cao 132m khánh thành năm 1975. Chân tháp, đại diện cho yoni, là một tòa nhà rộng mang chức năng của bảo tàng lịch sử, chứa đựng các mô hình, hình ảnh, tư liệu về lịch sử phát triển của người dân ở đất nước vạn đảo từ hàng ngàn năm qua. Phía ngoài phần chân tháp còn có hàng loạt các bức phù điêu bổ sung thêm các chi tiết về lịch sử đấu tranh gìn giữ, xây dựng đất nước này. Thân tháp là biểu tượng của linga có thang máy đưa khách lên gần đài quan sát, có thể quan sát thành phố Jakarta từ trên cao. Phần đỉnh được thiết kế theo hình ngọn lửa độc lập bằng đồng được phủ 50kg vàng lá.
Có rất nhiều tranh cãi xung quanh thiết kế khi tổng thống Sukarno dự tính xây dựng một đài tưởng niệm quốc gia ở quảng trường phía trước dinh tổng thống sau khi thủ đô của được rời từ Yogyakarta về Jakarta. Hàng trăm mẫu thiết kế được đưa ra từ năm 1955 – 1960 sau hai lần thi được ủy ban về đài tưởng niệm quốc gia tổ chức nhưng không mẫu nào đáp ứng được mong muốn của ông Sukarno: đậm chất truyền thống, trường tồn với thời gian và đáp ứng được ngân sách xây dựng hạn hẹp thời bấy giờ và đặc biệt là hình dạng linga và yoni, thể hiện triết lý về sự cân bằng, hòa hợp của âm dương, khả năng sinh sản và sự sống vĩnh cửu. Cuối cùng thì ông Sukarno quyết định lựa hai kiến trúc sư làm việc với nhau dựa trên những yêu cầu và ý tưởng của ông tạo nên tháp Monas ngày nay.
Ngồi ở chân tháp, nhìn những người phụ nữ bán hàng đang nằm dài trên sảnh nghỉ trưa, chẳng quan tâm đến khách du lịch qua lại, tôi tự nhủ, sự vô tư, cam chịu, những nụ cười gần gũi của những người tôi gặp có lẽ đã xóa bớt cái khó chịu về thời tiết nóng bức và giao thông chậm chạp ở thành phố. Và nó càng thôi thúc tôi tìm hiểu nhiều hơn về đất nước và con người Indonesia trong chuyến đi của mình.
Bài và ảnh: Kim Dung
Ảnh: Những người phụ nữ bán hàng rong nghỉ ngơi khi vắng khách ở chân đài tưởng niệm quốc gia

Không có nhận xét nào: