Thứ Hai, 22 tháng 12, 2014

“Quẫy” trong sắc thu Kathmandu

LTS: Nepal nằm trong 52 điểm đến năm 2014 do New York Times bình chọn, còn thủ đô Kathmandu được các chuyên gia của Lonely Planet vinh danh trong tám điểm đến của tháng 9 năm nay – vì mùa hè hội đang về!
OLYMPUS DIGITAL CAMERA
Từng phiêu bạt đến đây, ngày say bóng đền đài, chiều tương tư hoàng hôn núi tuyết, đêm “quẫy” hết mình ở xứ sở triền miên lễ lạt… Nhớ quá những ngày vui!
Tôi đến Nepal, Kathmandu mùa thu. Trời xanh mây trắng Himalaya làm phông nền quá phiêu cho những thành cũ đền xưa rờ rỡ như bất chấp dấu thời gian. Về mật độ, miền đất này tập trung nhiều nhất các di sản được UNESCO tôn vinh: bảy di sản.
Hiện đã có hàng không giá rẻ bay đến Kathmandu từ Bangkok, Kuala Lumpur. Visa có thể lấy tại sân bay. Tiền visa thay đổi theo số ngày lưu trú, thấp nhất là 25 USD cho 15 ngày. Khách sạn bình dân trên dưới 100.000 đồng/phòng. Ăn uống đã du lịch hoá nên dễ ăn, ít mùi gia vị Ấn Độ, giá rẻ, đã có quán phở Việt Nam ở Kathmandu. Tuy nhiên khám phá ẩm thực địa phương, với mâm cơm nhỏ đi kèm chén yaourt và một ly rượu trắng nhỏ khá thú vị.
Để đi hết bảy di tích UNESCO tại đây, phương tiện rẻ nhất, đông đúc nhất nhưng để hoà vào cuộc sống người dân nhiều nhất là xe buýt, chỉ vài ngàn đồng/tuyến. Không chỉ di tích xưa cũ, thiên nhiên quanh đây tuyệt đẹp, phù hợp cả du lịch mạo hiểm lẫn nghỉ ngơi. Kathmandu còn là thiên đường mua sắm của các tín đồ du lịch khám phá.
Xếp theo nhóm, sẽ có các cố đô Kathmandu, Patan, Bhaktapur. Kế tiếp là các ngôi đền Ấn giáo, Pashupatinath, Changu Narayan. Gần gũi với người Việt hơn dù mang phong cách Mật tông bí hiểm là bảo tháp Phật giáo Boudhanath. Quai quái là chùa thiêng Swayambhunath, được cả phật tử và người theo Ấn giáo cùng thờ phụng.
Xếp theo độ xưa cũ, Patan, hình thành từ năm 299 trước Công nguyên, cổ xưa nhất. Bhaktapur và Kathmandu đâu đó hai thiên niên kỷ tuổi tác. Chùa chiền đền đài theo thứ tự sẽ là Changu Nayaran xây dựng sớm nhất vào thế kỷ (TK) 4. Kế tiếp là Pashupatinath, Swayambhunath cùng được xây ở TK 5. “Trẻ” nhất là bảo tháp Boudhanath, cũng 1.300 năm tuổi, xây trong TK 7 và được xây lại sau khi bị người mugal Ấn Độ phá huỷ ở TK 14.
Hai tuần ở thành phố này cũng chỉ kịp cỡi ngựa Shire xem hoa tí ngọ, mười giờ. Vì trong từng cụm di tích lại có rất nhiều những đền đài lớn nhỏ, tám lạng nửa cân chẳng thể ngó lơ, lướt nhẹ cái nào. Tài hoa của người Newari lừng danh đến nỗi họ được nhiều quốc gia lân cận mời sang xây dựng nhiều công trình. Nên cũng không lạ khi các cung điện đền đài ở quê hương họ vẫn cứ rạng ngời qua lớp lớp vỉa thời gian. Là kẻ lông bông ngoại đạo, tôi còn ngất ngây, đắm đuối, nên không lạ khi các bác Tây đứng hàng giờ mê ngắm khung cửa gỗ chạm trổ tinh xảo ở một ngôi đền, tỉ mỉ rờ rẫm pho tượng đá xanh sắc thời gian vẫn tinh xảo… Tín đồ các tôn giáo vẫn kéo chuông như một tin nhắn gửi thần linh, gõ mõ, thắp hương, dâng lễ…
Hoàng hôn Kathmandu. Vài chai bia Everest lạnh buốt bỏ balô, leo lên đền Shiva cao nhất quảng trường Durbar. Ngay sau lưng, gần trên đầu là những điêu khắc chạm trổ tinh xảo, cả những phù điêu dạng Kamasutra sinh động. Nhìn xa xa, hoàng hôn hồng nhuộm rặng núi tuyết già. Nhìn xuống gần, phố chiều nhộn nhịp đông vui những tà saree nhiều màu phất phới trên những con đường uốn len giữa những ngôi đền ngàn tuổi. Có những chiều trăng xanh lên sớm lơ lửng treo trên mái đền ngàn năm cũ vừa nhuốm hồng… người sao chơi vơi chẳng biết có phải say trăng?
Mùa vàng nơi phố, nơi quê
Mùa thu, cũng mùa lúa vàng ùn ùn về làng, về cả phố, đi cùng những ụ rơm vàng. Mùa thu những ngày tôi đến, các lễ hội Tihar, Diwali, Bhai Tika… liên tiếp nối nhau, phố phường càng dậy thêm sắc khi lũ hoa để thờ cúng, trang hoàng cũng theo những cộ bò, xe lôi, xe đẩy… về ngập phố. Hai sắc hoa chính người Nepal yêu thích là tím và vàng. Tím đẹp nhưng lặng lẽ, nên sắc vàng càng phô phang hực hở. Tôi yêu lắm Kathmandu vàng hoa, vì người dân nơi đây dùng bông vạn thọ để thờ cúng, dâng lễ, trang hoàng nhà cửa, đeo cho cả những bò thiêng, chó hiền… Loài hoa quê mùa mộc mạc ngày bé tôi mòn mỏi trông chờ vì biết chúng sẽ về cùng mùa xuân, ngày tết, pháo hồng rơi… giờ trải vàng muôn nơi khắp chốn.
Hoàng hôn trên đền xưa Bhaktapur.
Hoàng hôn trên đền xưa Bhaktapur.
Ở các làng nhỏ quanh Kathmandu chừng vài mươi phút xe buýt rùa bò, tôi như về lại ngày cũ. Ở sân chung của làng quê miệt này thường có các ngôi đền, mấy ngày này đầy ắp những đụn lúa. Kiến trúc Hindu trắng xám bị áp nắng vàng, lúa vàng. Nơi các sân nhỏ, thanh niên mê say vẽ tranh bằng cát và hạt cốc nhuộm màu. Góc đường gió lùa, mẹ quê, dì quê saree đỏ vàng phất phới tay sàng tay sảy tay rê đám lúa rơi rơi bay bay như mưa hạt vàng. Không xa lắm, bọn con nít và mấy cô gái cốm chanh thách thức, thi nhau đu bay lên thật cao trong chiếc đu tre kẽo kẹt nơi miền quê xanh cây vàng nắng. Sắc màu làng quê ngày mùa, sắc màu lễ hội rực rỡ đan xen nhau, đỡ nâng nhau… làm khách du lâng lâng, chẳng biết vì nắng, vì gió Himalaya hay vì say sắc màu… quên cả lối về.
Một chiều, lại lên sân thượng nhà hàng nhỏ ở quảng trường Dubar ngắm chiều. Hoàng hôn trên Himalaya, trên đền xưa thành cổ chiều nay sao xao xuyến – vì thêm bình hoa lạ trên bàn. Nhìn chiếc bình hoa tí hin cắm vỏn vẹn mỗi cái bông vạn thọ bỗng thấy lòng xốn xang. Vì chưa xa đã nhớ!
Đền xưa vẫn rạng ngời giữa trời xanh mùa thu Himalaya.
Đền xưa vẫn rạng ngời giữa trời xanh mùa thu Himalaya.
Trẻ thơ vui say bên chiếc đu quay bay tít vào trời xanh.
Trẻ thơ vui say bên chiếc đu quay bay tít vào trời xanh.
Mùa vàng, phố cũ dưới trời xanh Himalaya.
Mùa vàng, phố cũ dưới trời xanh Himalaya.
Hoa vàng trên phố
Hoa vàng trên phố
bài và ảnh: Thái Hoà

 Nepal – Thung lũng Kathmandu (1979)

(Cinet-DSTG) – Tổ chức Khoa học và Giáo dục của Liên hiệp quốc đã công nhận Thung lũng Kathmandu là Di sản văn hóa Thế giới năm 1979..
Thung lũng Kathmandu, Nepal

Thung lũng Kathmandu là một thung lũng nằm ở thủ đô Kathmadu của Nepal. Thung lũng có nhiều công trình đẹp với ý nghĩa văn hóa, lịch sử và tôn giáo đặc biệt. Năm 1979, trong khóa họp lần thứ 3, Unesco đã công nhận Thung lũng Kathmandu là di sản văn hóa thế giới và đến năm 2003, Unesco đã đưa di sản này vào danh sách di sản thế giới bị đe dọa.

Kathmandu là thành phố, thủ đô của Nepal, nằm ở miền Trung. Thành phố tọa lạc trên một vùng đất thấp màu mỡ chính là thung lũng Kathmandum, thung lũng nằm ở phía nam Himalayas, tại độ cao khoảng 1.220m, gần đoạn hợp lưu của sông Bghmati và sông Vishnumati. Kathmandu được thành lập năm 723 và được dân tộc Newar cai trị trong nhiều thế kỷ. Năm 1768, thành phố này bị triều Shah chiếm đóng và trở thành kinh đô của họ. Từ 1846 đến 1951, dòng họ hùng mạnh Rana đã cai trị Nepal từ thành phố này. Đây là thành phố lớn nhất và cũng là trung tâm văn hóa, hành chính, kinh tế chính của vương quốc núi non này.
Toàn cảnh thung lũng Kathmandu với núi non và thiên nhiên hùng vĩ

Với bề dày hàng nghìn năm lịch sử, Kathmandu được coi là thành phố thủ đô độc đáo nhất ở châu Á. Đối với các tín đồ đạo Phật và Hindu, đây là một trong những địa điểm hành hương lý tưởng
Ngoài Kathmandu còn có 2 thành phố khác nữa cũng nằm trong thung lũng đó là Patan và Bhaktapur. Do đó, Kathmandu còn được gọi là “thành phố bộ ba”, viết tắt là KTM. Kathmandu nằm ở độ cao khoảng gần 1.400m và được bao quanh bởi 4 ngọn núi lớn là Shivapuri, Phulchowki, Nagarjun và Chandragiri nên phong cảnh ở đây vô cùng tráng lệ, hùng vĩ. Thành phố có hệ sinh thái cân bằng và khí hậu hài hòa do có tới 8 con sông chảy qua, đặc biệt có 6 con sông lớn là Bagmati, Bishnumati, Dhobikhola, Manohara, Hanumant và Tukucha. Vì thế, nhiệt độ ở đây khá ổn định, mùa hè nhiệt độ dao động từ 28 đến 30oC. Mùa đông nhiệt độ trung bình khoảng 10oC.
Những đền, chùa và khu vực sinh sống của người dân tại thung lũng Kathmandu, Nepal
Kathmandu đã có lịch sử hình thành gần 2.000 năm. Tên gọi Kathmandu bắt nguồn từ một ngôi đền ở quảng trường Durbar có tên gọi là Kasthamandap. Trong tiếng Sanskrit, từ Kastha có nghĩa là “gỗ” và Mandap có nghĩa là “nơi ẩn náu được che chắn”. Ngôi đền Kasthamandap còn có tên gọi khác là Maru Sthal được vua Laxmi Narsingh Malla cho xây dựng vào năm 1596. Toàn bộ cấu trúc của ngôi đền này được làm bằng gỗ mà không có sự trợ giúp của bất kỳ một chiếc đinh hay thiết bị chống đỡ nào bằng sắt. Đặc biệt, có truyền thuyết cho rằng toàn bộ số gỗ được sử dụng để dựng nên ngôi đền cao hai tầng này đều được lấy từ một cây gỗ duy nhất. Kathmandu còn được người dân gọi là Kantipur. Kanti là tên gọi thay thế của vị thần Lakshmi, và pur nghĩa là một nơi ở của thần linh. Do đó, từ Kantipur có nghĩa là nơi ở của thần Lakshmi.
Kathmandu là nơi thu hút du lịch và đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế của quốc gia Nepal.. Với những thắng cảnh nên thơ do thiên nhiên ưu đãi cộng với cơ sở hạ tầng vào bậc hiện đại nhất. Đến Kathmandu du khách sẽ có những kỳ nghỉ tốt nhất khi tới Nepal. Tiếng Anh được sử dụng rất phổ biến ở thành phố này. Bên cạnh đó, nhiều người dân Kathmandu cũng có thể nói được tiếng Trung, tiếng Pháp, tiếng Hàn Quốc… Do đó, ngôn ngữ không phải là một rào cản khi khách du lịch đến Kathmandu. Hai tôn giáo chính ở Kathmandu cũng như ở Nepal là Ấn Độ giáo và Phật giáo. Vì vậy những địa danh của nơi đây cũng gắn liền với những tín ngưỡng của Ấn Độ giáo và Phật giáo. Địa danh thu hút khách du lịch đến Kathmandu là khu đền Swayambhu, nằm phía tây thành phố. Còn có tên gọi là Đền Khỉ do có nhiều khỉ sinh sống ở đền. Đây là ngôi đền rất linh thiêng. Do đền nằm ở vị trí khá cao nên từ đây du khách có thể chiêm ngưỡng phong cảnh của toàn thành phố. Ngoài ra, du khách cũng không thể bỏ qua Khu đền Baudha, Bảo tàng Cung điện Narayanhiti, đền  Pashupatinath,  Khu vườn của giấc mơ, quảng trường Durbar
Không những là một không gian mang đậm màu sắc văn hóa và lịch sử, Kathmandu còn là một nơi tuyệt vời để bạn mua sắm các vật dụng như quần áo, vải vóc với rất nhiều loại vải được dệt bằng tay có chất lượng cao với đủ các loại hoa văn và màu sắc phong phú mà chợ Indra hoặc quảng trường Durbar là những địa điểm tin cậy để bạn tìm đến. Những người thợ lành nghề có thể giúp bạn có được những bộ quần áo cũng như túi xách độc đáo từ các loại vải này. Ngoài ra, bạn cũng có thể đến quận Thamel, New Road mua sắm các loại thảm, đồ thủ công mỹ nghệ và thậm chí cả đồ điện tử với giá rẻ vì chúng không bị đánh thuế nhập khẩu và thuế bán hàng.
 Món ăn phổ biến nhất ở Kathmandu là Momo, một loại bánh có nguồn gốc từ vùng núi Tây Tạng, gần giống với bánh bao. Tuy nhiên, nhân bên trong của chúng có thể là thịt trâu, thịt gà, rau và có thể được hấp hoặc rán lên. Những nhà hàng có các món ăn ngon, nhất là các món ăn từ nhiều nền văn hóa khác nhau cùng với dịch vụ tốt và có giá hợp lý nhất bao gồm Helenas Rooftop, Thamel House, Aqua Java Zing, Krua Thai, Cafe Kaldi, La Dolce Vita, Tashi Delek, Northfield Café, New Orleans, Third Eye…
Nepal là nước xuất khẩu cà phê, do đó sẽ là một sự đáng tiếc nếu như đến Kathmandu mà bạn không nếm thử một tách cà phê. Có một lưu ý là cà phê ở đây có thể có những mùi vị khác hẳn với các loại mà chúng ta đã từng thử ở nơi khác và đó sẽ là những trải nghiệm thú vị cho du khách.
Tuy là một thành phố cổ nhưng ở đây cũng có những quán bar. Trong đó có nhiều quán bar có những cái tên hết sức hiện đại, mới mẻ và ấn tượng như House of Music, Everest Irish Pub, Irish Pub Lazimpat, Tom and Jerrys Pub, Sams A, Maya Cocktail Bar, Jump Club, J Bar, Tongues and Tales, Full Moon Club… Đặc biệt, Kathmandu cũng có cả các quán cà phê Internet (ví dụ ở quận Thamel) để phục vụ nhu cầu của khách hàng. Nếu muốn tham gia các trò chơi hoặc những môn thể thao như đi bộ đường dài, thả bè, khám phá rừng sâu ... thì hãy tới những vùng ngoại ô của Kathmandu, cách thành phố khoảng vài tiếng đi xe.
Đến nay, thung lũng này không chỉ là nơi hành hương lý tượng đối với các tín đồ Phật giáo mà còn là điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch quốc tế.
NLH

Không có nhận xét nào: