Thứ Hai, 22 tháng 12, 2014

Nước mắt Tây Tạng ở McLeod Ganj


dulich2
Ngoài Tứ động tâm – bốn vùng đất Phật xưa cổ bên sườn nam Himalaya, xứ Ấn còn có một điểm du lịch hành hương mới – phố núi McLeod Ganj, Tiểu Lhasa, nơi có 20 tấn đất đưa từ Tây Tạng sang…
Lang bạt đến đây những ngày thu trong veo, ngất ngây vì thiên nhiên tươi đẹp, nhiều danh lam độc đáo của tôn giáo đa dạng… tôi tình cờ được tham gia một sự kiện làm rơi nước mắt bao người.
Lưng chừng thung lũng Kangra, bang Himachal Pradesh miền Bắc Ấn, Dharamsala được biết đến từ những năm 1960, khi Đức Đạt lai Lạt ma 14 đến định cư. Dharamsala là miền đất đẹp được yêu thích, với các ngôi đền Hindu cổ xưa, nhà thờ Công giáo “trẻ” hơn chừng 150 năm tuổi… đây đó giữa triền xanh. Gồm hai phần, thị trấn Dharamsala – thủ phủ của huyện nằm bên dưới và miền Thượng Dharamsala, McLeod Ganj. Tuy nhiên, từ lúc người Tạng đến đây, cái tên McLeod Ganj (ít được biết đến) dường như “đồng nghĩa” với Dharamsala.
McLeod Ganj sẽ không được ví von là Tiểu Lhasa nếu giờ đây không lấp lánh những mái chùa, thiền viện màu sắc Tây Tạng rực rỡ cùng với những phướn cờ lungta phần phật bay giữa phố núi xanh, dưới trời xanh. Vẻn vẹn năm con đường nhỏ gặp nhau tại bùng binh Main Chowk, ở McLeod Ganj giờ đi đâu cũng gặp những ngôi chùa Tạng. Nổi tiếng nhất là đường Chùa – Temple road, với cụm chùa, thiền viện Tsuglagkhang, nơi Đức Đạt lai Lạt ma cư ngụ.
Những con đường đậm sắc màu Tây Tạng ở McLeod Ganj.
Những con đường đậm sắc màu Tây Tạng ở McLeod Ganj.
Không xa lắm, dưới một con đường núi dốc ghềnh là tu viện Dip Tse-Chok Ling, nhỏ nhắn nhưng rất đẹp. Rồi quanh quanh ở mấy con đường khác là bảo tháp Mani Lakhang, tu viện Nechung, Niyngmapa, Geden Choeling… Tô đậm thêm chất Tây Tạng là những nhà nguyện với hàng chuyển luân xa ôm vòng quanh, các đại chuyển luân xa giữa phố. Thêm nữa là đường phố đông đúc người Tạng với trang phục truyền thống, những tu sĩ trong cà sa đỏ nâu đặc trưng, rồi đông đúc những cửa hàng thangka, chuyển pháp luân, quà lưu niệm, bơ yak… và các quán ăn với momo, chow mein, thenthuk… quen thuộc.
Không khí Tiểu Lhasa còn được nhấn nhá thêm bởi bài tụng ca Om Mani Padme Hum vang vang khắp nơi, cả ngày… Từng may mắn hai lần viếng Tây Tạng, đến McLeod Ganj tôi như về lại Lhasa ngày nào. Nhưng, những ngày Tiểu Lhasa đó càng thêm ý nghĩa với sự kiện đặc biệt “Our land, Our people” (tạm dịch Đất nước tôi, Dân tộc tôi), tôi may mắn tham dự.
Hôm đến McLeod Ganj, thấy áp phích giới thiệu chương trình “Our land, Our people”, tôi nôn nóng chờ đợi. Nên buổi mai rất sớm ngày khai mạc, 26.10, theo đoàn người Tây Tạng xúng xính xiêm áo mới ngược con đường dốc Mall 2, tôi hướng về Tibet Children Village (TCV). Sau 4km đường dốc, sân bóng rổ của Làng trẻ em Tây Tạng cũng hiện ra, với một khán đài rực rỡ sắc màu.
Tenzing Rigdol với khay đất Tây Tạng đã được Đạt lai Lạt ma chúc phúc và dùng ngón tay ghi chữ Tây Tạng lên đó.
Tenzing Rigdol với khay đất Tây Tạng đã được Đạt lai Lạt ma chúc phúc và dùng ngón tay ghi chữ Tây Tạng lên đó.
Rộng 13 x 13m, cao 1,8m, ấn tượng sắc màu đặc trưng Tây Tạng chứa đất cát bên trong, “khán đài” là tâm huyết của Tenzing Rigdol, 32 tuổi, nghệ sĩ đương đại Tây Tạng. Khởi nguồn từ ý nguyện nung nấu suốt đời nhưng không thành của người cha qua đời vào tháng 8.2008 – “Cha tôi và những người thân thường nói rằng họ chỉ muốn được đặt chân một lần trên đất Tây Tạng trước khi chết”, chàng nghệ sĩ chào đời ở Nepal, lưu lạc sang Ấn, rồi New York, Hoa Kỳ đã bao tháng ngày trăn trở nghĩ suy. 17 tháng sau khi ý nghĩ hình thành, qua nhiều chuyến bay xuyên lục địa, bao chuyến tàu xe ngang qua, dọc lại Nepal, Ấn Độ, 20 tấn đất từ quê hương Tây Tạng, bằng cách nào đó, đã được chuyển đến McLeod Ganj để nên hình nên dáng “Our land, Our people”.
Rất tò mò, tôi hỏi Tenzing Rigdol “đất đến từ miền nào của Tây Tạng và làm thế nào để vận chuyển được 20 tấn đất qua khỏi biên giới kiểm soát vô cùng nghiêm ngặt…” Anh cho biết: “Những thông tin đó chúng tôi không thể chia sẻ vì nó sẽ liên luỵ đến những bạn bè đã giúp đỡ”. Tuy nhiên, sau đó anh hé lộ thêm ít thông tin như đất lấy từ vùng Shigatse, chuyển qua Nepal rồi mới đến Ấn Độ, thay vì trực tiếp từ Tây Tạng sang Ấn, có chung biên giới. Chúng được vận chuyển qua những cánh rừng biên giới, nhiều khi phải “chung chi”, hoạt động vận chuyển chủ yếu trong đêm, qua những hành trình khó nhọc, bí hiểm…”, Tenzing chia sẻ.
Sau lễ khai mạc, các vị sư là những người đầu tiên được mời lên khán đài cầu nguyện. Trước khi đặt chân lên đất quê hương, thành kính đi những vòng kora nhỏ quanh khán đài, họ đã quỳ xuống lạy chào kính cẩn. Tiếp đó là vỡ oà. Dù những người lớn tuổi được mời, được dìu lên trước, các cụ ông cụ bà đều tránh sang bên, nhường đường cho dòng thác các em học sinh đang nô nức ùa lên. Rồi những dòng nước mắt bắt đầu tuôn rơi, nước mắt của người lưu lạc trên đất mẹ quê hương bao năm gặp lại.
Con xoa đất lên trán vì đó là đất quê hương mà giờ con mới được gặp.
Con xoa đất lên trán vì đó là đất quê hương mà giờ con mới được gặp.
“Được đặt chân trên đất Tây Tạng, tôi cảm thấy như thể đã về nhà, về với quê hương sau hơn 50 năm xa cách. Sinh ra ở Tây Tạng, từ khi ra đi năm 1959, tôi không có cơ hội nào để quay trở lại”, ông Lobsang nghẹn ngào tiếp, “Trong tim tôi, tôi như thể đã trở về Tây Tạng”.
Nhiều bà mẹ trẻ cố gắng dạy dỗ, nói chuyện về đất quê hương cho những em bé còn rất bé, cùng con trẻ vốc giữ nắm đất quê hương trong bàn tay bé xíu. Các bé lớn hơn không chỉ vui đùa tung tăng chạy nhảy, bày các trò xây nhà, bắn bi… ngay trên khán đài, nhiều em còn quỳ xuống hôn lên đất, vốc đất xoa lên trán, lên đầu. “Con xoa đất lên trán vì đó là đất quê hương Tây Tạng của con mà giờ con mới được gặp”, câu trả lời hồn nhiên của các em làm các phóng viên, khách du lịch nghèn nghẹn.
Ngày cuối, khán đài sạch sẽ. Người Tạng ở Dharamsala chia nhau mang về nhà những phần đất quê hương yêu dấu. Tôi thấy lòng chùng sâu thật sâu. Dưới trời xanh thăm thẳm Himalaya, tôi chắp tay nguyện cầu!       
bài và ảnh: Thanh Hải

Ảnh trên cùng: McLeod Ganj giữa triền xanh dưới chân Himalaya hùng vĩ.

Không có nhận xét nào: