Thứ Hai, 22 tháng 12, 2014

Siem Reap không Angkor


[140582]61882094
Chợ đêm ở Siem Reap. Ảnh: TL
Quá gần, từ Sài Gòn sáng đi chiều đã tới, Seam Riep với Angkor Wat, Angkor Thom… hầu như người mình ai cũng biết. Nhưng không chỉ có vậy! Siem Reap vẫn còn nhiều thứ để “khám phá”. Vì sao du khách cứ ùn ùn đổ về điểm đến thứ 33 trong danh sách 50 nơi cần đến trong đời Huffington Post vừa công bố, không chỉ vì mỗi Angkor?
Dẫu còn ngổn ngang, Campuchia đang đổi thay từng ngày, nhất là hệ thống giao thông – điều kiện quan trọng phát triển kinh tế. Tỷ như con đường từ Siem Reap đi cửa khẩu Poipet ngày trước đi mất cả ngày trời giờ chỉ còn hơn bốn tiếng. Hay đường từ Siem Reap đến ngôi đền danh tiếng Prasat Preah Vihear vài năm trước chỉ có xe gắn máy cày được, mà cũng chỉ trong mùa khô và lấy mất gần hai ngày trời, giờ trải nhựa phẳng lì, bốn làn xe bon bon, đi mất khoảng ba giờ. Nên lần vừa ghé Siem Reap, tôi dễ dàng quay lại nhiều chốn cũ ngày trước lướt vội, thăm thú nhiều nơi “mới”.
Ngàn năm đá vẫn không mòn
Nằm ở núi thiêng Kulen, nơi đức vua Jayavarman II khai sinh vương triều Angkor hùng mạnh, Kban Speal là điểm du lịch tâm linh quan trọng của người bản xứ. Cách Siem Reap chỉ 49km nhưng Kpal Spean thường không được các công ty đưa vào tour. Ngày trước vì đường quá xấu, bụi bẩn kinh người. Giờ đường nhựa êm ru nhưng nơi đây cũng chỉ là điểm đến của khách lẻ. Vì để đến đây, du khách phải lội ngược dốc núi hơn 40 phút trong cái nắng, ẩm kinh người của rừng già Campuchia – điều khách đi tour dọn sẵn thường không thích. Nhưng đối với người yêu thiên nhiên, cánh rừng nhiệt đới rậm rì, bướm dung dăng dung dẻ, chim ríu ra ríu rít… là quà tặng thêm của Kpal Spean.
Nhiều tượng thần Hindu như Shiva, Vishnu, Brahma, các vũ nữ Apsara xinh đẹp… được điêu khắc tinh xảo, đẹp đẽ, Kpal Spean được gọi là Dòng sông ngàn Linga vì chính những linga (biểu trưng sinh thực khí nam giới theo Hindu giáo) lớn nhỏ đan dày mới là chủ thể điêu khắc chính nơi đây. Ảnh: TL
Nhiều tượng thần Hindu như Shiva, Vishnu, Brahma, các vũ nữ Apsara xinh đẹp… được điêu khắc tinh xảo, đẹp đẽ, Kpal Spean được gọi là Dòng sông ngàn Linga vì chính những linga (biểu trưng sinh thực khí nam giới theo Hindu giáo) lớn nhỏ đan dày mới là chủ thể điêu khắc chính nơi đây. Ảnh: TL
So với Angkor Wat, Angkor Thom được “phát hiện” giữa thế kỷ 19, Kpal Spean – Dòng sông ngàn Linga – được tìm thấy năm 1969 quả là rất mới. Càng ít người biết vì những năm sau đó đất nước này chìm trong lửa đạn. Không hoành tráng vĩ đại như những ngôi đền Angkor, Kpal Spean chỉ là những chạm trổ điêu khắc nhỏ bên triền sông, dưới lòng sông đá cứng. Được xây dựng trong khoảng thế kỷ 11 – 12, Kpal Spean ngày trước dài hơn 4km giờ được tìm thấy chỉ vài trăm mét. Tuy nhiên, cũng như những bí ẩn chưa được giải đáp trong việc xây dựng Angkor, ở đây, người ta cũng chưa tìm ra cách người xưa đã đục khắc như thế nào bên dưới dòng nước đang cuộn chảy để nên vóc những pho tượng rạng ngời lung linh. Nhiều tượng thần Hindu như Shiva, Vishnu, Brahma, các vũ nữ Apsara xinh đẹp… được điêu khắc tinh xảo, đẹp đẽ, Kpal Spean được gọi là Dòng sông ngàn Linga vì chính những linga (biểu trưng sinh thực khí nam giới theo Hindu giáo) lớn nhỏ đan dày mới là chủ thể điêu khắc chính nơi đây. Khá lạ là hình như câu tục ngữ “nước chảy đá mòn” không đúng lắm ở đây, vì đã ngàn năm tuổi nằm dưới dòng sông lúc cuồn cuộn chảy khi chầm chậm trôi nhưng những điêu khắc chạm trổ trên đá cứng vẫn còn rất sinh động, sắc nét. Mê mẩn ngắm, chụp, rồi bon chen cùng các bạn Tây hoà với lũ con nít tắm thác nước thiêng lấy hên… lòng vui như về ngày thơ dại, dù thi thoảng vẫn bật lên câu hỏi sao ngàn năm đá vẫn không mòn!
Lạ lẫm bánh bao hồng Siem Reap
Trên những cung đường ngược xuôi Đông Nam Á, tôi ngang qua dọc lại Siem Reap bao nhiêu lần nhưng nào có biết món này. Đến một ngày, ghé thăm người bạn Sài Gòn sang làm việc, thành thổ dân mới được “giải ngố”. Rồi ngỡ ngàng khi tìm hiểu thêm thông tin. Người Việt tự hào nhiều về tính thông minh, sáng tạo, cũng đã từng tự hào với cây thanh long một thời chỉ mình có, mình trồng. Giờ, thanh long đã không còn là đặc sản xứ Việt, ở Campuchia người ta còn trồng được thanh long ruột đỏ, tự hào dán tem “Produce of Cambodia” – “Đặc sản Campuchia”. Nhưng hơn thế nữa, ở làng quê nghèo ngoại ô Siem Reap, từ trái thanh long hồng ngọt ngào dịu thơm, họ đã chế biến nên món đặc sản mới, từ cái bánh bao quá đỗi bình thường xứ mình.
Bánh bao hồng được làm từ nước cốt thanh long hồng, bày bán bên cạnh mâm thanh long trước cửa vườn. Ảnh:H.D.S
Bánh bao hồng được làm từ nước cốt thanh long hồng, bày bán bên cạnh mâm thanh long trước cửa vườn. Ảnh:H.D.S
Bánh bao hồng được làm từ nước cốt thanh long hồng, bày bán bên cạnh mâm thanh long trước cửa vườn. Thì cũng đơn giản, chỉ ép lấy nước cốt thanh long, lược bỏ hột, dùng để nhồi bột. Bánh có màu hồng dịu, vẫn còn sót, điểm nhẹ đây đó vài hạt đen nhánh nhỏ xíu như những nốt ruồi duyên. Được hấp lửa vừa, vị thơm dịu của thanh long vẫn được giữ, nhất là khi đứng kề bên xửng hấp vừa mở nắp. Nói nào ngay, nhân bánh bao hồng cũng bình thường, nếu không muốn nói là hơi yếm thế so với trứng muối, trứng cút, lạp xưởng ngồn ngộn, đùm đề của bánh bao Sài Gòn. Nhưng bù lại bởi lớp vỏ bánh đặc biệt. Vị ngọt nhẹ của thanh long quyện trong vị thơm bột gạo không pha mùi khai khái (amoniac) bột nở như bánh bao bên mình. Cũng vì không bột nở, vỏ bánh hơi chắc, dai dai, lạ miệng với dân Việt giờ quá quen với cái bánh mì tồng rỗng xốp rộp, bánh bao nở phồng. Nhưng với ai còn tưởng chút hương xưa ngày cũ, đó sẽ là sự tái ngộ đặc biệt. Bữa đó, dưới chân những tháp đền ngàn năm tuổi Prasat Preah Vihear, chia sẻ những lon Angkor nồng nàn cùng các anh lính biên phòng, nhấm nháp những miếng bánh bao hồng đã nguội ngắt sao bỗng thấy ngọt như chưa từng ngọt hơn.
Đêm, về phố thị lang thang góc hẻm, đầu chợ, la cà vào những quán bình dân chen chúc trai làng gái quê Siem Reap. Chỉ chỉ trỏ trỏ, hào hứng chờ đợi những món ngon, rẻ địa phương như bò nướng thơm lựng ăn cùng bánh mì nướng bơ beo béo giòn tan, dưa góp chua chua ngọt ngọt…
Rồi ghé phố đêm Pub Street nhâm nhi Angkor mát lạnh, thơm lừng, ngắm người qua kẻ lại xôn xao mua bán nói cười… thấy càng yêu Siem Reap. Và hiểu thêm vì sao miền đất này là điểm đến yêu thích của khách du – không chỉ vì những ngôi đền Đế Thiên Đế Thích.
Hoàng Dược Sỹ

Chiêm ngưỡng những ngôi đền huyền bí ở Siêm Riệp

(Dân trí) - Được mệnh danh là đất nước của chùa tháp, Campuchia hấp dẫn du khách không chỉ bởi vẻ đẹp huyền bí của chùa tháp, của những phiến đá rêu phong cổ kính mà còn bởi những con người hiền lành.

Đền Angkor Wat
Chiêm ngưỡng những ngôi đền huyền bí ở Siêm Riệp
Là ngôi đền đẹp nhất, lớn nhất và nằm ở vị trí đẹp nhất trong tất cả các ngôi đền ở Angkor. Ngôi đền rộng gần 200 ha, được bao quanh bởi một hồ chứa khổng lồ. Angkor Wat được xây dựng dưới triều đại của vua Suryavarman II trong nửa đầu của thế kỷ 12 là đỉnh cao của kiến trúc Khmer. Ngôi đền nổi tiếng với những dãy hành lang dài được khắc họa bởi hàng trăm các bức phù điêu sử thi Ấn Độ giáo, huyền thoại của các vị thần Hindu cùng hàng nghìn những bức tượng vũ nữ Apsara tuyệt đẹp, đặc biệt tất cả các bức tượng này đều không trùng nhau về kiểu dáng váy áo lẫn kiểu cách tay chân khi múa.
Đền Bayon
Chiêm ngưỡng những ngôi đền huyền bí ở Siêm Riệp
Với hàng trăm bức tượng bốn mặt tuyệt đẹp, ngôi đền này khiến du khách từng đến không thể nào quên.Bayon được xây dựng vào thế kỷ thứ 12 bởi vua Jayavarman VII và là ngôi đền quốc gia duy nhất tại Angkor được xây dựng chủ yếu cho Phật giáo Đại thừa, dành riêng để thờ Đức Phật. Đây là ngôi đền ấn tượng nhất trong quần thể Angkor do sự hùng vĩ về qui mô cùng những cảm xúc tâm linh kì bí khi chiêm ngưỡng ngôi đền này.
Đền Ta Prohm
Chiêm ngưỡng những ngôi đền huyền bí ở Siêm Riệp
Được xây dựng từ năm 1186, Ta Prohm là một ngôi đền Phật giáo dành riêng cho người mẹ của vua Jayavarman VII. Đây là một trong số ít những ngôi đền tạiAngkor có bằng chứng cung cấp các thông tin về cư dân của ngôi đền. Ngôi đền thờ từng là nhà của hơn 12.500 người. Những thân cây mọc trên khắp các bức tường tạo nên vẻ đẹp huyền bí và đặc biệt cho ngôi đền.
Đền Ta Keo
Ta Keo được xây bởi vua Jayavarman V, con trai Rajendravarman khi ông được 17 tuổi và là nơi dành riêng cho thần Shiva. Tuy nhiên, ngôi đền chưa bao giờ được hoàn thành bởi sự qua đời của nhà vua. Truyền thuyết kể rằng ngôi đền đã bị sét đánh trong lúc thi công và tất cả công việc đã bị dừng lại vào giai đoạn các cấu trúc chính vừa được hoàn tất. Đền Takeo nằm lặng lẽ trong khu vực Angkor Thom khá đổ nát với những vết tích chưa hoàn thành. Ngôi đền này đang được sửa chữa và gia cố lại.
Đền Banteay Kdei
Banteay Kdei hiện đổ nát nhưng vẫn tuyệt đẹp. Đền được xây vào đầu thế kỷ thứ 13 dưới thời trị vì của vua Jayavarman VII. Bạn sẽ không thể bỏ qua những phế tích cùng hoa văn trạm trổ duyên dáng trên các bức tường của ngôi đền này. Thú vị nhất được đi trên những hành lang dài, chiêm ngưỡng những cột trụ chạm khắc tinh xảo mang nhiều giá trị lịch sử.
Đền Banteay Srei
Nằm cách Angkor Wat gần 30 km, nhưng Banteay Srei là một ngôi đền không thể bỏ qua tại Angkor. Ngôi đền với những nét tinh tế và duyên dáng này được xây dựng để thờ thần Hindu là Shiva. Banteay Srei hay “đền của phụ nữ” là bức tranh tuyệt tác về nghệ thuật điêu khắc trên đá ong và sa thạch đỏ. Bản thân ngôi đền được xem là tuyệt đỉnh của nghệ thuật trên đá với những bức phù điêu hoa văn một cách tinh tế và khéo léo từng chi tiết nhỏ.
Song An (Tổng hợp)

Không có nhận xét nào: