Thứ Hai, 22 tháng 12, 2014

Hồng Lâu bên sông đen Buriganga ở Dhaka

LTS: Dhaka được Telegraph điểm danh trong 10 thành phố chất lượng sống tệ nhất thế giới. Nhưng, cũng nên đi để thấy giữa ngổn ngang là nét duyên xưa của thành phố đã 2.000 năm tuổi này, để nhớ vài hình ảnh thời chưa xa... Ngoài tên cúng cơm Ahsan Manzil, lâu đài được gọi là Pink Palace, Hồng Lâu. Ngày cũ, Hồng Lâu soi duyên bên dòng Buriganga xanh biếc chắc đẹp lắm. Giờ, Buriganga không còn xanh, Ahsan Manzil bạc màu, nhưng vẫn còn đó chút duyên phai của thành xưa Dhaka.
[140981]1._Chi_u_tr_n_d_ng_Buriganga__t_p_n_p_nh_ng_chuy_n_ph___t_u...
Tôi đến Bangladesh không qua cửa ngõ chính, thủ đô Dhaka, mà từ cửa khẩu đường bộ với xứ Ấn, Benapole. Hơn một tuần mới trôi dạt đến, tưởng đã dần quen với xứ sở nổi tiếng đông đúc này, vẫn choáng váng với Dhaka. Hơn những gì có thể tưởng tượng. Nhưng khi hết bỡ ngỡ, lại thấy những nét duyên lạ trong cái xô bồ đông đúc lấn chen náo nhiệt của phố nghèo. Trong cái ồn ào chật chội kinh người vẫn dễ nhìn thấy sự hồn hậu, mến khách của người dân còn nhiều khốn khó thành Dhaka… Theo hướng dẫn tận tình của ông chú chủ khách sạn Arzoo, tôi bắt đầu khám phá thành phố từ khu phố “cũ” Old Dhaka, tìm đến lâu đài Ahsan Manzil, niềm kiêu hãnh của người Dhaka.
Sông đen trở đẹp trong chiều hồng
Visa Bangladesh dễ xin với người Việt, nhưng khi xin phải ghi rõ cửa khẩu nào sẽ vào, ra. Dù có visa, nhưng vào/ra khác cửa khẩu ghi trong đó đều không được – nếu không làm thủ tục xin đổi trước đó. Đã có hàng không giá rẻ bay đến Dhaka từ Singapore nên nếu có kế hoạch sớm, vé khứ hồi chỉ trên dưới 100 USD. Bụi bặm hơn, bay đến Kolkata (Ấn Độ) bằng nhiều chuyến bay hàng không giá rẻ từ Bangkok, Kuala Lumpur, Singapore, rồi từ đó đi tàu lửa hoặc xe khách đến Dhaka. Rất ít khách du lịch nên giá cả dịch vụ hoặc rất cao (các khu dịch vụ cao cấp giá như 4 – 5 sao ở Việt Nam) hoặc rất thấp (giá sinh hoạt bình thường của người dân – chỉ 1/3 giá Sài Gòn), tuỳ chọn. Dịch vụ đơn sơ nhưng người dân rất hồn hậu, thân thiện hơn hẳn nhiều nước khác trong khu vực.
Nhưng, lần quần trong mê cung phố chợ, tôi lạc đến bến Sadarghat bên dòng Buriganga. Chảy ngang thành Dhaka, Buriganga là một nhánh của sông Hằng huyền thoại (Ganga) chảy ra vịnh Bengal, bị bồi lấp và chuyển dòng (Buriganga tiếng Hindu là Sông Hằng Cũ – Old Ganges). Ngày xưa thưa người, sông là nguồn nước chính và là mạng lưới giao thông quan trọng len lỏi vào trong sâu phố thị. Dhaka giờ là một trong những thành phố đông dân nhất thế giới, hơn 15 triệu người. Đông đúc, ô nhiễm, sông xanh đã thành đen. Cảng lớn Narayanganj trên dòng Buriganga là cửa ngõ lưu thông hàng hoá đường thuỷ chính của thủ đô. Ven sông có hàng chục bến tàu phà, thuyền tấp nập dừng chân, ngồn ngộn hàng hoá ngược xuôi giữa quê và thị. Buriganga bận rộn đông đúc lại càng ô nhiễm. Thế nhưng, theo nhiều diễn đàn du lịch, giong đò lang thang trên Buriganga là một điều must-do khi đến Dhaka – nếu không muốn chỉ cỡi ngựa xem hoa. Để được nhìn, chan hoà vào, để hiểu nhiều, để thấm hơn cuộc sống của người dân bản địa – điều rất khó có nếu chỉ tham quan lầu son gác tía núi xanh biển đẹp mà Bangladesh cũng có thừa.
Những con đường hẹp quanh bến sông chỉ có xe lôi, đạp hoặc kéo (do người hoặc ngựa) chen nhau cùng đoàn cửu vạn vác, mang, bê, đội, gánh, xách, cõng, quảy… ăm ắp hàng hoá trong tay, trên người. Những chiếc rickshaw tô sơn quét màu lậm sắc hoe hoét trái ngược với những manh áo tả tơi của những người phu xe nên càng thấy tơi tả. May sao vẫn còn những nụ cười mệt nhoài nhưng hồn hậu chào khách lạ đang lấn chen vẫn cố bấm mấy tấm hình. Làm lòng ấm. Dưới sông, bên cạnh những chiếc phà 2 – 3 tầng cũ kỹ hoen gỉ là hàng trăm những chiếc đò mỏng teng. Khi phà cập bến, những chiếc đò bu lại đón khách cứ dập dềnh trên sóng như những chiếc lá, đảo chao. Chiều trải mình vào đêm, nắng chuyển màu giấu che bớt những hoang tàn bẩn rác, hoàng hôn trên sông đen Buriganga chợt hồng chợt tím là lạ. Làm khách du cứ quẩn quanh, như sắp quên cả toà lầu đài hồng rực rỡ cách bến sông có mấy bước chân.
Duyên xưa Hồng Lâu
Hồng Lâu Ahsan Manzil khá đẹp lạ giữa một Dhaka khói bụi mịt mù.
Hồng Lâu Ahsan Manzil khá đẹp lạ giữa một Dhaka khói bụi mịt mù.
Ahsan Manzil, lâu đài lộng lẫy của dòng họ quý tộc Nawab Abdul Ghani là một trong những kiến trúc cổ và đẹp còn sót lại sau nhiều binh lửa trên miền đất này. Xây dựng từ giữa thế kỷ 19 (1859 – 1872) lâu đài được xây dựng theo phong cách Indo-Gothic, mang những nét đặc trưng của kiến trúc Gothic cổ kính châu Âu pha trộn những nét riêng của kiến trúc mughal xứ Ấn. Không rành kiến trúc cũng dễ thấy sự phối hợp của mái vòm mughal duyên dáng tôn thêm nét thanh mảnh tinh xảo các phù điêu hoạ tiết trang trí của toà lâu đài với dáng dấp cổ điển thanh thoát. Ahsan Manzil là niềm hãnh diện của người dân Dhaka, được xem như biểu hiện đẹp đẽ của ngày vinh quang, thịnh vượng xưa.
Chìm nổi theo số phận của dòng dõi danh gia vọng tộc Ghani, rồi mấy trận cuồng phong, động đất ngang qua, Ahsan Mazil mới trùng tu lại những năm cuối thế kỷ 20, theo những bức hình một vị khách quý đã chụp cẩn thận từng căn phòng lớn nhỏ của lâu đài trăm năm trước. Từ phòng ăn, phòng ngủ, phòng khách… hay cả căn phòng đặc biệt có trưng bày chiếc sọ khổng lồ của chú voi thân yêu Feroz Jung của ngài Abdul Ghani đều được thiết kế tỉ mẩn, sử dụng những vật dụng đẹp, sang trọng… cho thấy ngày xưa ấy Hồng Lâu rực rỡ dường nào. Giờ, nơi đây là điểm đến yêu thích của người dân Bangladesh. Không chỉ thăm viếng lầu đài mà cả khu vườn xanh mát ôm quanh cũng là điểm picnic thú vị giữa một Dhaka chật chội mờ mịt khói bụi.
Chiều đã rất chiều. Nhìn từ Hồng Lâu, Buriganga nhẹ nhàng hơn trong hoàng hôn nắng nhạt vì bụi và vì cả khói sương. Sông chuyển màu hoang hoải, những lá thuyền chới với dập dềnh, gió chiều rủ rỉ qua những khe cửa Ahsan Manzil nghe như tiếng thở dài… Bao giờ về lại ngày huy hoàng? Bao giờ Hồng Lâu soi duyên bên bến sông xanh? Bao giờ…
Dhaka nổi tiếng là thành phố của rickshaw.
Dhaka nổi tiếng là thành phố của rickshaw.
Chợ tiền, một nét đặc sắc của Dhaka.
Chợ tiền, một nét đặc sắc của Dhaka.
Bài và ảnh: Hoàng Dược Sỹ
Ảnh lớn: Chiều trên dòng Buriganga, tấp nập những chuyến phà, tàu.

Không có nhận xét nào: