Ngày 18.12, cây nến đầu tiên của lễ hội Hanukkah kéo dài 8 ngày được đốt lên, đánh dấu ngày người Do Thái giành lại Jerusalem và Ngôi đền thiêng này từ tay vương quốc Seleukos từ năm 168 trCN. Và trong danh sách những thứ “không được làm” ở Israel, người ta ghi rõ: đừng đi tìm mua cây thông bởi ở đây không có Giáng sinh.
Đường tới huyền thoại
Đường tới Jerusalem không xa mấy, đi xe từ thủ đô Tel Aviv khoảng 45 phút, và đây là con đường xuyên qua cả đất nước Israel. Dọc đường, ông bạn ở bộ ngoại giao Do Thái chỉ những mảnh xe tăng, xe tải rải rác hai bên vỉa hè để kể về những trận chiến giữa đoàn xe từ Tel Aviv tiến về thánh địa Jerusalem với những chốt chặn của kẻ thù địch đến từ Ả rập hay đủ mọi quốc gia xung quanh. Ông kể về việc người Do Thái nghĩ ra một loại xe tải chở hàng mà đạn bắn không thủng, người Ả rập bèn mai phục phía trên đỉnh đồi và lăn những tảng đá lớn xuống chặn đầu xe. Những người cầm lái chỉ còn cách ra khỏi xe để đẩy tảng đá đi, và đó là lúc họ bị tấn công.
Có lần, một người trai trẻ cũng lái xe như vậy, và bị bắn thủng ruột. Anh ta thấy mình đang chảy máu rất nhiều và chết dần, chết dần. Bỗng anh nghe thấy âm thanh từ phía sau: “Đừng nhúc nhích”. Rồi có ai đó kéo anh vào phía sau bụi rậm, tìm cách cầm máu vết thương cho đến khi cơn súng đạn qua đi. Chàng thanh niên nhờ đó mà được cứu sống. Một thời gian sau đó, anh ta trở thành thủ tướng của Israel. Và lịch sử đất nước này đã sang trang vì một người bình dân đã vô tình cứu sống người lính ấy.
Trong lịch sử của mình, Israel có đến hai vị thủ tướng xuất thân là quân nhân chuyên nghiệp chứ không phải chỉ đi lính theo nghĩa vụ. Và người cán bộ dẫn đường, dù làm công tác ngoại giao, vẫn giữ ngôn ngữ của con nhà lính chuyên nghiệp: “Hãy nhìn phía hai giờ của các bạn, đó là vọng gác quan trọng mà trước đây người Anh án ngữ. Còn phía bên trái hướng chín giờ, chúng ta sẽ thấy một nghĩa trang lớn nhất của Israel…”
Đang đi, thấy một chiếc xe ô tô gặp tai nạn. Nhìn chiếc xe bị móp đầu, biết là lỗi quá tốc độ không kiểm soát được nên đâm vào dải ngăn cách nhưng không quá nguy hiểm. Loại này thì ở xứ mình nhiều. Ông bạn nhoài người lên kêu tài xế chạy nhanh lên, vì sắp kẹt xe rồi. “Bất kỳ người Do Thái nào đi ngang cũng sẽ chạy thật chậm lại để nhìn, sau đó dừng xe lại để xuống tìm hiểu nguyên nhân và luận bàn rất lâu. Vậy là thế nào cũng kẹt xe thê thảm…” – “Trời đất người xứ ông tò mò kinh khủng vậy hả?” – “ Ừ, đúng là tò mò thật, và chúng tôi xem đó là một đức tính tốt vì ai cũng muốn tìm hiểu ngọn nguồn của mọi việc, quan tâm tới mọi việc. Đó cũng là một cách để chúng tôi tư duy và sáng tạo”.
Phiên chợ của quá khứ
Jerusalem xây toàn bằng đá màu trắng ngà. Tất cả công trình mới cũng phải tuân thủ mô hình “màu cờ sắc áo” này để hình thành một thành phố màu trắng nhấp nhô giữa những triền núi. Lối vào ngôi đền thiêng trong khu vực thành phố cổ được vây quanh bởi phức hợp rất nhiều những cửa hàng bán đủ thứ. “Đi chợ ở đây giống như vào casino đánh bài, không bao giờ thắng được đâu…” – ông bạn thì thầm. Nghe nói, ở đây nếu đi lơ ngơ, sẽ được mời chào mua những thứ thuộc hàng cấm, tỉ như một mẩu đá của núi sọ, nơi Chúa Giêsu tử nạn hay một phần của cây thánh giá cổ xưa này…
Mỗi đoạn đường bên trong đền thiêng đều kể về một đoạn của quá trình khổ nạn của Chúa. Người ta xây một bàn thờ rất lớn bên trên đỉnh núi sọ, là nơi mà Chúa bị đóng đinh. Quỳ xuống, có một cái lỗ nhỏ để mọi người có thể thò tay vào và chạm đến khối đá xưa cũ mang tính biểu tượng này. Phía dưới, nơi có tấm đá từng được dùng để khâm liệm thi thể của người con vua, rất đông người đến quỳ hôn và lấy áo, lấy khăn chà xát lên mặt đá để xin ơn lành…
Bước ra khỏi ngôi đền, lại tiếp tục là một khu mua sắm khác. Ở giữa con đường lát đá này, thỉnh thoảng lại nhô lên một cái hào sâu, được cho rằng được đào từ hàng trăm năm trước công nguyên. Một ông bán hàng có bộ râu dài mỉm cười thân thiện: “Ồ Việt Nam, Hồ Chí Minh hả, hãy nhìn một chút về quá khứ đi, rồi vào đây mang vật kỷ niệm về…”
Đi thêm một đoạn, thì đến bức tường than khóc, nơi mà năm 1986 danh thủ Maradona đã đến cầu nguyện và tương truyền rằng chức vô địch World Cup Mexico năm ấy chính là nhờ bàn tay của Chúa đã ghi bàn. Và Chúa này không phải là Chúa của đạo Thiên Chúa mà là Chúa của người Do Thái. Bởi vậy, khi vào đứng cạnh bức tường cầu nguyện này, ai cũng phải đội cái mũ bé xíu của Do Thái mà người dân địa phương hay gọi là mũ “sợ trời”. Bao nhiêu tâm tình, cầu nguyện được dâng lên một cách lặng lẽ, trang nghiêm trong cái lạnh của Địa Trung Hải tràn vào…
Mỗi bước đi ở Jerusalem, là đi trên những hòn đá, những con đường đã có hơn hai ngàn năm tuổi. Ngàn năm, vật đổi sao dời, nhưng mặt trời vẫn cứ tỏa sáng trên những con đường hành hương về đất Thánh trong những ngày cuối tháng 12 nhưng không có Giáng sinh…
Hanukkah sẽ được đại sứ quán Israel tại Việt Nam tổ chức ở Hà Nội với sự tham dự của rất đông quan khách.
Theo kinh Torah thì sau khi chiếm được Jerusalem, vua Seleukos Antiochos IV Epiphanes đã đặt đạo Do Thái ra ngoài vòng pháp luật, và cho dựng những tượng thần Hy Lạp bên ngoài Ngôi đền thiêng của Jerusalem. Sau chiến thắng của vị anh hùng Maccabe, Jerusalem được thu hồi và Ngôi đền được làm lễ Hiến dâng.
Theo truyền thuyết, người Do Thái dựng một cột lớn bên trong có chứa dầu oliu để thắp lại ngọn lửa vĩnh cửu tại đây, nhưng người ta không kiếm đủ dầu sạch để cho vào cột đèn đó nên dầu chỉ đủ dùng cho 1 ngày. Do một phép lạ, ngọn lửa đã cháy liên tục trong 8 ngày liền.
Vì vậy, Lễ hội ánh sáng được tổ chức cùng với lễ đốt nến truyền thống. Tám cây nến được cắm trên cùng một chiếc bàn nến gọi là Menorah. Mỗi ngày người ta đốt cháy hết một cây nến và Lễ hội sẽ kết thúc khi cây nến thứ tám cháy hết.
Bài và ảnh: TRẦN NGUYÊN
Bình yên đất thánh Jerusalem giữa Trung Đông
Israel được truyền thông thế giới nhắc đến như một điểm nóng của khu vực Trung Đông, nơi luôn xảy ra xung đột với các nước láng giềng Ảrập. Song chúng tôi lại cảm thấy yên bình trên suốt chặng đường khám phá đất nước giàu huyền thoại này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét