Thứ Bảy, 20 tháng 12, 2014

Andorra: vương quốc núi xanh


Andorra: vương quốc núi xanh


Doanh nhân Sài Gòn

Từ Toulouse nước Pháp, chuyến xe đưa chúng tôi đến Andorra phải đi qua không biết bao nhiêu đèo dốc quanh co.
May mắn đoàn đi vào giữa tuần nên bác tài cứ giữ đều vận tốc trên 100km/g, chứ nếu khởi hành vào cuối tuần, xe chỉ có thể chạy chừng sáu, bảy chục và chúng tôi sẽ mất đến năm giờ đồng hồ mới đến được quốc gia nhỏ xíu nằm trên dãy Pyrenees.
Cung đường dẫn từ độ cao vài chục mét lên đến hai ngàn mét so với mực nước biển thật tuyệt vời. Đường rộng, khung cảnh hai bên tuyệt đẹp, rừng xanh, hoa thắm, suối bạc thi nhau chạy qua trước mắt.
Thủ đô dành cho du khách
Thủ đô Andorra la Vella chào đón mọi người bằng cái lạnh ngọt ngào trong ánh nắng chan hòa. Không khí trong lành đến nỗi bầu trời xanh lồng lộng tưởng nhưở rất gần, những ngọn núi phủ tuyết trắng lấp lánh bao quanh thành phố như cũng ở rất gần.
Ngay cả ngọn Pedrosa cao xấp xỉ ba ngàn mét cũng như chỉ đi dăm bước là tới. Có tuổi đời hơn bảy thế kỷ, Andorra la Vella kiêu hãnh với nhiều kiến trúc thật cổ xưa. Nhưng thật ra, làm nên sức sống mới cho thủ đô ba vạn dân này là hơn năm mươi khách sạn cao cấp có kiến trúc thanh lịch.Tuy thành phố không lớn nhưng nhờ khéo tận dụng địa hình rừng núi nên vẫn tạo cảm giác đa dạng về cảnh quan.
Xen kẽ với những dãy nhà nhuốm màu thời gian là hơn chục tòa cao ốc trên 30 tầng rất hiện đại. Đặc biệt khu Caldea mới khánh thành vô cùng lộng lẫy với những tòa nhà kính hình kim tự tháp khổng lồ. Khu spa – thể dục dưỡng sinh lớn nhất và có cảnh quan đẹp nhất châu Âu này rất hấp dẫn du khách bởi giá cả khá dễ chịu.
Điểm nhấn của Andorra la Vella là dòng sông Valira bắt nguồn từ các đỉnh núi cao rồi uốn lượn ngang qua thành phố như một dải pha lê lấp lánh. Hai cây cầu duyên dáng bắc ngang Valira gần như lúc nào cũng có các thiếu nữ xinh tươi đến từ nhiều vùng châu Âu thong thả dạo bước.
Theo thống kê, cứ hai người đang ở trên đất Andorra thì có một người là du khách. Có hơn tám mươi phần trăm thu nhập quốc dân đến từ du lịch nên chính quyền ở đây “o bế” khách quốc tế rất dữ.
Mùa lạnh, khách đi ngoài đường có thể mở vòi nước công cộng để rửa tay chân bằng nước nóng.
Nhưng thực tế hơn cả là việc chiều chuộng du khách trong lĩnh vực mua sắm. Hàng hóa ở Andorra nhập miễn thuế từ khắp các nước nên vô cùng phong phú, hàng nông phẩm tươi sống hết sức phong phú và đặc biệt là rất rẻ. Thuốc lá, rượu, xăng giá cũng chỉ bằng một nửa mặt bằng giá chung ở châu Âu.
Các mặt hàng tiêu dùng, giá cả dịch vụ cũng rẻ hơn ở Pháp nhiều. Chính sách ưu đãi thuế còn giúp thu hút người nước ngoài đến đây làm ăn. Trong các thung lũng quanh Andorra, ngày càng mọc lên nhiều biệt thự có kiến trúc đẹp và sáng tạo thuộc sở hữu của các doanh nhân quốc tế.
Chúng tôi đã đến thăm một biệt thự như vậy nằm ở triền núi. Xung quanh nhà, băng đóng như ốp kính. Trong tất cả các phòng, tay nắm và khung cửa kính đều dát vàng sang trọng. Đất và nhà ở đây nhìn chung cũng không đắt đỏ mặc dù Andorra luôn đứng trong top mười quốc gia có thu nhập đầu người cao nhất thế giới.
Cuộc sống ngày xưa trên núi cao
Thật ra, vẻ náo nhiệt hào nhoáng chỉ mới đến với Andorra khoảng nửa thế kỷ nay, từ khi ngành du lịch phát triển. Trong nhiều thế kỷ trước đó, đây là một lãnh thổ bình yên và có đời sống hết sức giản dị.
Lịch sử của đất nước này hình thành ít nhất đã bảy thế kỷ. Vào năm 1278, những mối bất hòa giữa Tây Ban Nha và Pháp đã khiến cho hai nước không thể xác định được chủ quyền vùng lãnh thổ Andorra.
Cuối cùng hai bên phải đồng ý ký kết hiệp ước về việc phân chia quyền lực như sau: Andorra trực thuộc quyền cai quản của bá tước De Fua nước Pháp và giáo chủ thành phố Seo De Urkhel tại Tây Ban Nha. Ngày nay, mặc nhiên Andorra vẫn phụ thuộc vào hai nguyên thủ: Nhà vua Tây Ban Nha và tổng thống Pháp.
Do đó, trên các đường phố du khách có thể nhìn thấy nơi thì chi nhánh bưu điện đặc trưng cho nước Pháp, nơi thì đặc trưng cho Tây Ban Nha. Người dân nước này sử dụng các ngôn ngữ như tiếng Catalan, tiếng Pháp và cả tiếng Castilia.
Dù có tranh chấp nhưng trong suốt chiều dài lịch sử, xứ sở này luôn yên bình với nghề nông. Đến giữa thế kỷ XX, lãnh thổ tuyệt đẹp bỗng được phát hiện là nơi đây một năm có đến hơn 300 ngày nắng, ngoài ra bảy thị trấn cổ đều nằm trong các thung lũng ở độ cao trên 1.500m.
Vậy là tuyết, nắng, độ cao – ba đặc sản chính của Andorra đã biến vương quốc rộng chưa đến năm trăm cây số vuông trở thành thiên đường trượt tuyết. Ở cả bảy thị trấn đều có những khu leo núi trượt tuyết lớn, có hệ thống cáp treo lên xuống tấp nập.
Dân thể thao trượt tuyết trên thế giới đều biết đến khu du lịch thể thao Grandvalira được sáp nhập từ hai khu Pas de la Casa với Soldeu để trở thành khu thể thao khổng lồ, có chiều dài đến 200km.

Muốn tìm lại một Andorra ngày xa xưa với nghề chăn cừu và trồng trọt, chúng tôi tìm đến Arinsal, một trong những ngôi làng trên núi cao còn giữ nguyên kiến trúc truyền thống. Dù nằm trong quần thể khu thể thao du lịch Vallnord, Arinsal vẫn được những người làm du lịch tài giỏi giữ gìn rất tốt bầu không khí xưa.
Toàn bộ kiến trúc trong làng, từ nhà ở, giáo đường cho đến đường đi đều xây bằng đá màu xám đen. Thứ đá thô màu u trầm giữa vùng tuyết trắng lóa và nắng đổ chói mắt hóa ra lại tạo nên vẻ đẹp đặc biệt: ấm áp mà thông thoáng, vững chãi mà nhã nhặn.
Buổi tối, giữa mênh mông tuyết và bầu trời xanh nhung tưởng như với tay là chạm được, ngọn lửa đỏ trong lò sưởi nhuộm hồng các bức tường đá của cả làng. Lúc đó, Arinsal trông huyền ảo và đẹp như miền thượng giới.

Ban ngày, quanh làng thỉnh thoảng lại có dân địa phương cưỡi ngựa qua lại. Người Andorra nổi tiếng là chân thành, hiếu khách. Nhiều năm liền được xếp hạng là dân tộc sống lâu bậc nhất thế giới nên họ chẳng bao giờ phải vội vã.
Tại thung lũng Madriu, một cô gái đang cưỡi ngựa bắt gặp ánh mắt ngưỡng mộ của chúng tôi liền tiến lại mời chúng tôi chụp ảnh chung. Trước những lời cảm ơn rối rít của nhóm du khách châu Á, cô cười bảo rằng hình ảnh Andorra được chúng tôi đem về xứ sở thì chính cô mới là người cần cảm ơn.
Sau thoáng bất ngờ, tôi chợt hiểu thêm một lý do khiến Andorra mỗi năm đón hơn mười triệu du khách, và chỉ sau mấy chục năm, một xứ sở nghèo tài nguyên đã trở thành nơi có thu nhập bình quân đầu người cao hàng đầu thế giới.
MINH HOA/DNSGCT

Không có nhận xét nào: