Không chỉ ở Anh mới có văn hóa uống trà và ăn bánh giữa buổi, mà tại Hàn, những bữa tiệc trà cũng mang trong mình những nét đặc sắc rất riêng.
Dagwasang – Thú vui nhâm nhi của người Hàn
Cả trà và bánh ngọt đều là hai lĩnh vực cực kì phát triển của ẩm thực Hàn Quốc với sự đa dạng, phong phú về chủng loại và đẹp mắt, ngon miệng. Không có gì lạ khi người Hàn đã kết hợp hai yếu tố này lại để tạo ra những khay dagwasang – bao gồm vài loại bánh ngọt và trà – để phục vụ sau bữa ăn chính. Hình thức tráng miệng thanh tao này rất được ưa chuộng và nó dần trở thành thú ăn vặt vào bất kì thời gian nào trong ngày, không chỉ sau bữa ăn. Dagwasang cũng thường được phục vụ để mời khách hay trong các dịp picnic chiều.
Dagwasang xuất hiện trong văn hóa ẩm thực Hàn quanh năm, và tùy theo mỗi mùa lại có sự biến hóa khác nhau. Khay dagwasang chủ yếu gồm các loại bánh khô như bánh quy, bánh in,… và vào mùa đông thì được kết hợp với trà nóng, mùa hè thay bằng các loại trà hoa quả tính chất thanh mát hơn. Giới trẻ Hàn ngày nay, do không quen uống trà, thường thay thế trà truyền thống bằng các loại trà lạnh, nước ép trái cây để thanh nhiệt ngày hè.
Muôn màu muôn vè bánh ngọt Hàn trong tiệc trà
Đồ ngọt Hàn Quốc phong phú, nhưng không phải loại bánh nào cũng được đưa vào khay dagwasang. Ngoài tiêu chuẩn thơm ngon một cách thanh tao, nhẹ nhàng và tinh tế, bánh trong khay trà còn phải có ngoại hình đẹp đẽ, cầu kì. Bánh được dùng nhiều nhất trong dagwasang là hangwa – một dạng bánh quy truyền thống của Hàn – được làm từ gạo sấy khô. Hangwa trước đây được tạo hình mô phỏng các loại trái cây rất bắt mắt, và ngày nay vẫn vô cùng rực rỡ nhờ màu sắc cầu vồng đủ loại.
Dasik lại là món bánh in với vẻ đẹp trang nhã và nữ tính, gợi nhớ đến dòng bánh wagashi Nhật Bản. Công thức bánh bao gồm bột gạo với các loại thảo mộc và loại bột hương liệu đặc biệt, làm từ những cánh hoa tươi, với lớp sốt tteoksal ngoài cùng. Dasik vì thế gây ấn tượng với màu sắc cung mùi hương đặc trưng, tự nhiên và hấp dẫn.
Bánh mật ong yakwa cũng là một công thức chinh phục người thưởng thức nhờ hương thơm. Bột, mật ong dầu mè, rượu được trộn chung và cắt thành từng khối vuông nhỏ, đem rán giòn và cuối cùng áo bằng một lớp mật ong. Yakwa cực kì nổi bật trên khay dagwasang nhờ màu vàng óng ánh và hương mật ong ngào ngạt. Maejakgwa là một biến tấu khác của yakwa, cũng rán giòn và chúng qua mật ong nhưng còn được bổ sung hương gừng nồng nàn, thường dùng trong các khay dagwasang vào mùa đông.
Những chén trà đi kèm
Trà dùng trong dagwasang rất đặc biệt và không hề nhập nhằng với trà đạo của Nhật hay trà trong tiệc trà chiều của Anh. Thay vì phục vụ một bình trà lớn với những tách nhỏ xung quanh, trà sẽ được pha sẵn và đổ vào một bát con có hoa văn đẹp mắt. Bao nhiêu khách dùng dagwasang, bấy nhiêu chén được bày ra tương ứng với từng người. Trà xanh, trà trái cây và trà từ ngũ cốc là những loại được ưa chuộng nhất khi chuẩn bị dagwasang.
Nokcha là trà truyền thống làm từ lá trà xanh, được đánh giá rất cao nhờ hàm lượng caffeine, tannin và vitamin C vượt trội. Không chỉ dùng trong dagwasang mà nokcha còn được người Hàn thưởng thức hầu như mọi dịp, đặc biệt đây là thành phần không thể thiếu của các buổi dado (trà đạo kiểu Hàn) với chức năng thanh lọc cơ thể và tinh thần hiệu quả.
Vào mùa hè, trà có gốc trái cây sẽ thay thế trà xanh trên khay dagwasang. Omija hwachee là đại diện tiêu biểu cho dòng trà này với màu đỏ mướt mát từ quả schisandra tươi. Vốn là loại quả hoang mọc trên rừng, được người Trung Quốc đưa vào Hàn, schisandra nhanh chóng gắn bó với ẩm thực nơi nay. Quả chín sẽ được ngâm qua đêm sau đó mới nấu lấy nước, dùng chung với những lát lê mát lành trên mặt.
Trà gạo rang cũng là công thức đáng để thử trong tiệc trà kiểu Hàn. Nước chắt từ gạo rang cho mùi thơm đặc biệt và vị ngọt nhẹ nhành rất khó quên. Món này gọi sikhye, thường được phục vụ lạnh vào các ngày hè nóng bức, càng làm tăng cường tinh chất mát ruột giải nhiệt vốn có của nước gạo.
Người ta khi nhắc đến văn hóa trà chiều thường nghĩ tới những khay bánh kiểu Tây trắng muốt và tách trà tròn ở Anh. Nhưng thực chất, thú vui ăn bánh uống trà thanh tao vẫn tồn tại trên nhiều quốc gia khắp thế giới, trong đó có Hàn Quốc. Những khay trà tráng miệng dagwasang của người Hàn tuy nhỏ bé nhưng chứa đầy sự tinh tế và hài hòa về cả hình thức lẫn hương vị, là một nét văn hóa ẩm thực đáng thử của xứ Kim Chi.
Theo kenh14
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét