Thứ Năm, 30 tháng 8, 2012

Rome - một thời huy hoàng và máu lửa


Có lẽ không mấy ai không nghe đến câu: "Mọi con đường đều dẫn đến La Mã". Câu ngạn ngữ xưa, ra đời cách đây gần hai ngàn năm, từ thuở đế quốc La Mã mênh mông chiếm cứ gần hết cả tây Âu và vươn đến một vùng rộng lớn của Bắc Phi.

Những di tích còn lại của cái thời huy hoàng nhưng cũng đầy máu lửa ấy vẫn còn hiện diện dày đặc trên thành Rome hiện đại.
Thành Rome nổi tiếng với những bức tường và ngôi nhà gạch cổ
Tôi rời Pháp đến Ý vào đầu hạ, khi bầu trời Paris vẫn còn đầy mây u ám của những cơn mưa trái mùa dai dẳng. Máy bay dần vượt khỏi biên giới nước Pháp thì mây cũng giảm dần. Đến lúc màu xanh của Địa Trung Hải hiện ra thì cũng là lúc bầu trời trong xanh rực rỡ không còn vương một chút mây nào nữa.
Thành Rome hiện ra chính thức trước mắt tôi với bức tường và những ngôi nhà gạch cổ. Người tài xế tự hào chỉ cho tôi một ngôi nhà thờ với tuổi đời hai ngàn năm thấp thoáng bên đường.
Đấu trường Coloseo
Nghỉ ngơi một chút và ăn lót dạ ở khách sạn xong, cầm bản đồ với cái đích quan trọng đầu tiên là đấu trường Coloseo nổi tiếng. Nhìn trên bản đồ, thấy khoảng cách cũng không xa lắm, tôi chọn cách đi bộ. Từ xa, bức tường đổ của đấu trường hiện lên sừng sững trong bóng chiều tà, xung quanh tấp nập người xe qua lại.
Bên trong đấu trường
Những bậc thang dốc, mỗi bậc không bằng như thông thường mà lại hơi xuôi về sau, dẫn đến tầng hai, nơi có khán đài. Nhìn quanh, thấy bố trí bên trên cũng tương tự như các sân vận động thời hiện đại. Ở dưới thì khác, chi chít các hành lang và các gian phòng nhỏ.
Đứng lặng mình từ trên nhìn xuống, hình dung lại khung cảnh xa xưa, giữa những hành lang kia là những trận quyết đấu sinh tử của những tù binh và nô lệ để mua vui cho những kẻ cầm quyền ngồi trên khán đài. Rồi nhớ đến cuộc khởi nghĩa do Spartacus cầm đầu mà cảm thương cho số phận bi hùng của ông:
Thành cổ trơ tuế nguyệt
Anh hùng hận ngàn thu
Chiều tà qua chốn cũ
Lệ rơi trong tiếng cười.
Từ những hành lang của đấu trường, ta có thể nhìn bao quát ra xung quanh. Một phía thì được xây dựng những công trình mới. Một phía kia thì những công trình cổ đổ nát được bảo tồn, lớp thì vươn lên trời, lớp thì nằm bán lộ thiên dưới đất.
Rome không lớn lắm, mật độ các điểm tham quan lại rất dày, nên sáng hôm sau, tôi vẫn quyết định đi bộ từ khách sạn đến nơi hội thảo. Dọc đường, quả là có lắm thứ để xem.
Các đường phố hẹp nhưng giao thông vẫn ổn vì không có quá nhiều xe cộ. Người đi xe máy cũng nhiều và đáng ngạc nhiên là số lượng xe máy Ý cũng không vượt quá số lượng xe Nhật, mà trong đó xe SH của Honda khá đông đảo.
Dọc đường, các công trình cổ nằm chen lẫn với những ngôi nhà hiện đại, màu sắc tùy hứng chen lẫn nhau. Có lẽ ở đây người ta không quy định chặt chẽ lắm về sự thống nhất của màu sắc như ở Pháp.
Và cũng có lẽ là các di tích quá nhiều nên không thể cô lập tất cả để bảo tồn nên người ta chấp nhận phương án đan xen cổ kim. Cảnh một phần của kiến trúc hiện đại là một mảng của di tích cổ không hiếm. Âu cũng là một cách để bảo tồn vậy.
Tòa nhà nơi tôi dự hội thảo cũng là một kiến trúc cổ kim như thế. Từ cánh cổng, tôi đã thấy những bức tường gạch cổ đan xen với những mảng tường mới. Người gác cổng chỉ cho tôi lối vào phòng hội thảo, một con đường bậc thang nhỏ vòng vèo dẫn đến một hội trường nằm sâu dưới mặt đất hàng chục mét.
Sau này tôi mới biết, đây là khu dinh thự của hoàng đế Cesar, hiện được dọn dẹp và xây dựng thêm để làm khách sạn và nơi hội họp. Cảm giác dự một hội thảo về khoa học máy tính trong một gian phòng gạch thô gần hai ngàn năm tuổi cũng thêm phần thú vị.
Tôi để dành buổi sáng cuối cùng ở Rome để đi tham quan thánh đường Vatican. Thấy khoảng cách khá xa và sợ không đủ thì giờ để đi bộ, tôi hỏi cách dùng tàu điện ngầm để đi đến đó. Người lễ tân của khách sạn nhìn cái ba lô và máy ảnh tôi đeo trên lưng ái ngại. Ông dặn đi dặn lại là phải cẩn thận trên tàu điện, ba lô phải đeo về phía trước, ví tiền phải giữ chắc chắn đề phòng móc túi.
Quả thật, tàu điện ngầm ở đây đông như nêm cối, mọi người đứng ép vào nhau trong cái không khí khá nóng bức. Dẫu sao thì tôi cũng đến nơi một cách an toàn, không mất mát gì. Ngước nhìn cái khoảng sân mênh mông của thánh đường, tôi lấy cái ống kính fisheye ra để chụp một bức toàn cảnh.
Trước khi vào bên trong, du khách cũng bị soi hành lý và kiểm tra an ninh như ở sân bay vậy, ngoại trừ việc không phải trình giấy tờ. Bên trong giáo đường, kiến trúc rất đẹp và có cả một nhà bảo tàng nhỏ với vô vàn bảo vật.
Rời Vatican, thấy còn thì giờ trước khi lên máy bay, tôi quyết định làm một vòng đi bộ để về khách sạn. Con đường trước mặt thánh đường dẫn đến sông Tevere, dòng sông không lớn như tôi tưởng.
Ngoảnh mặt ra sông Tevere, không xa lắm với Vatican là bảo tàng quốc gia Ý, nằm trong pháo đài cổ St. Angelo, với kiến trúc hình tròn nổi bật trên nền trời.
Trên khoảng sân hẹp và trên chiếc cầu phía trước, có nhiều nghệ sĩ đường phố đang hành nghề. Người thì giả làm tượng, người thì đánh đàn, có người thì lại hóa trang với những trang phục chiến binh La Mã cổ đại để lôi kéo khách du lịch chụp ảnh chung.
Thầm tiếc không đủ thời gian vào bên trong, tôi chỉ ngắm nghía một lúc rồi tiếp tục lên đường.
Sau khi xuyên qua vài con phố dài, tôi trở lại khu di tích trung tâm, gần đấu trường Coloseo. Ở đây có những điểm khai quật bên cạnh các con đường tấp nập du khách.
Thấy bụng cồn cào, tôi đi vào một nhà hàng bánh piza. Sau khi chọn món piza cùng nước uống trên menu, với giá khá rẻ, tôi chỉ tay vào tủ kính mua thêm một miếng dưa hấu. Quả là thêm một sự ngạc nhiên nữa khi thanh toán tiền, miếng dưa đó được tính giá bằng 3 lần suất ăn piza kia. Dân Ý quả cũng không để mất cơ hội kiếm tiền.

Rời cái nhà hàng với cảm giác không lấy gì làm dễ chịu lắm đó, tôi lặng chân ngắm nhìn lần cuối cùng ba cây cột đá nâng một mảng tường vỡ, một biểu tượng của thành Rome.
Phía bên phải nó, trắng lóa dưới ánh nắng ban trưa là phần hông của lâu đài Venezia, được xây dựng trong thời cận đại để tưởng nhớ Victor Emmanue, vị hoàng đế đầu tiên của nước Ý. Chợt nghĩ rằng, nếu phải mô tả thật ngắn gọn điểm độc đáo nhất của thành phố này, cụm từ « khu bảo tàng vĩ đại ngoài trời » sẽ là phương án xuất sắc nhất.

Rome - khu bảo tàng vĩ đại ngoài trời


Những công trình cổ đổ nát được bảo tồn

Đường phố Rome nhiều xe máy Nhật

Những ngôi nhà kim, cổ xen kẽ

Dinh thự của hoàng đế Cesar
Thánh đường Vatican
Sông Tevere
Bảo tàng quốc gia Ý
Những điểm khai quật bên cạnh các con đường tấp nập du khách.
Một dãy nhà cổ, với màu gạch nâu đỏ thi gan với thời gian.
Ba cây cột đá nâng một mảng tường vỡ, một biểu tượng của thành Rome.
Hà Hải

Không có nhận xét nào: