Thứ Tư, 29 tháng 8, 2012

Ngưỡng mộ nghệ thuật tôn giáo tỉ mỉ xứ Ấn


Ngôi đền quay ra bốn hướng, với những bức tượng thần được trang trí tỉ mỉ từ chân lên đỉnh.
Đền Kapaleeshwarar là đền thờ thần Shiva, nằm ở Mylapore, ngoại ô thành phố Chennai, Ấn Độ. Đền được xây dựng vào thế kỷ thứ 7 và là một ví dụ điển hình cho phong cách kiến trúc Dravidian: kiến trúc chóp vuông, với họa tiết chi tiết tỉ mỉ từ đáy chóp đến đỉnh chóp. 


Tên của đền thờ được ghép từ hai chữ: kapalam: cái đầu và eeshwarar: một bí danh của thần Shiva. Theo truyền thuyết cổ Ấn Độ, trong cuộc gặp gỡ của hai thần Brahma và Shiva trên đỉnh núi Kailash, Brahma đã tỏ ra không tôn kính đối với Shiva. Vì vậy, thần Shiva đã chặt đầu thần Brahma. Thần Brahma không đầu phải bỏ chạy đến Mylapore, xây dựng ở đây một đền thờ để cầu xin Shiva tha tội. Đó chính là nơi ngày nay mọc lên ngôi đền Kapaleeshwarar. 


Đền thờ là đặc trưng của loại kiến trúc Dravidian nổi tiếng của Ấn Độ, với bốn mặt quay sang bốn hướng, hai lối vào ở mỗi bên và rất nhiều tượng nam thần, nữ thần, nhân vật nổi tiếng trong các tích truyện Ấn Độ được tạc, khắc khắp bề mặt đền. 


Trong khuôn viên đền có một cây cột lớn, và những người theo đạo Hindu phải đi bảy vòng xung quanh cây cột này trước khi bước vào trong điện thờ. Những người không theo đạo chỉ được đi dạo xung quanh, ngắm cảnh chứ không được bước vào bên trong. Về đêm, ngôi đền được thắp ánh sáng vàng mờ ảo, huyền bí và thiêng liêng. Bất cứ ai, dù không phải những người theo đạo đều phải công nhận rằng đã bước chân vào lãnh địa Hindu này là đều cảm thấy tâm hồn thanh thản, tìm lại sự cân bằng cho tâm trí. 



Ngày nay, Kapaleeshwarar là nơi thường xuyên tổ chức những buổi lễ Hindu trang trọng nhất của người dân Ấn. 




Hiền Trang (TH)

Không có nhận xét nào: