Thứ Hai, 27 tháng 8, 2012

Đà Lạt êm đềm & Hội An cổ kính trên đất Malaysia


(ĐVO) Chỉ với một chiếc thẻ thanh toán tích hợp Visa, vài cái click chuột, gần 3 giờ bay từ Hà Nội, thế là chúng tôi đã tới Kuala Lumpur, thủ đô của đất nước Malaysia tươi đẹp. Ở đâu đó, chúng tôi vẫn tìm thấy dáng vẻ Việt quyện hòa nơi đất khách.

Malaysia mùa này không khác mảnh đất phương Nam của ta. Nhộn nhịp và ầm ĩ. Ban ngày nắng nóng hơn 30 độ nhưng mát về đêm.

Đặt chân xuống KLIA (sân bay quốc tế Kuala Lumpur - theo cách gọi tắt của người bản xứ), chỉ với 15 ringit (khoảng hơn 60.000 đồng), tôi nhảy chiếc xe bus (loại xe dành cho các khách sạn vì là có thể đi khoảng 50km vào trung tâm) về khách sạn Novotel Hydro Majestic. Đây là khách sạn 4 sao nằm trên đường Kia Peng, cách tháp đôi Petronas 5 phút dạo bộ, gần khu shopping Bukit Bintang nổi tiếng (không kém Orchard của Singapore hay Nam Kinh của Thượng Hải).
Nơi chúng tôi đặt chân đến đầu tiên là tòa tháp đôi Petronas

Sau một đêm chìm trong giấc ngủ yên lành, tôi bắt đầu cuộc hành trình. Với tấm bản đồ trên tay, khoanh vùng những điểm cần tới và hướng phương tiện di chuyển (đã chỉ rõ trên đó), cùng với những “đồ nghề” cần thiết để thỏa mãn trí tò mò của tôi trên mảnh đất lạ.
Điểm đặt chân đến đầu tiên là toà tháp đôi cao 88 tầng, biểu tượng của quốc gia hồi giáo này: tháp Petronas. Để được lên tháp, tôi xếp hàng từ sớm, chờ đến 8h30, vé được phát miễn phí, nhưng chỉ giới hạn cho khoảng 300 người.
Một cảm giác hơi thất vọng chảy trong suy nghĩ, bởi so tháp truyền hình Minh Châu ở Thượng Hải, tòa tháp đôi có vẻ không lãng mạn bằng. Còn so với Tử Cấm Thành của người Hoa, hay huyền thoại Sư Tử Biển (MerLion) của người Sing, nó không có vẻ huyền bí. Và quả thực không rùng rợn như Đấu trường Colosseum của người Ý… Tuy nhiên bù lại, khu đền thờ hồi giáo: Masjid Jamek và Đền thờ hồi giáo quốc gia (khá giống với  khu Arap street của Singapore) lại mang đến cho tôi những ấn tượng khó phai.
ấn tượng nhất với tôi là khu đền thờ hồi giáo Masjid Jamek

Bước chân vào chốn linh thiêng này chúng tôi phải mặc quần áo trùm đầu của họ (được cho mượn sau khi đăng ký tên và quốc tịch).

Trước khi sang Kuala Lumpur cô bạn người Mã Lai từng khuyên rằng, tôi không nên đi bộ hết Kuala Lumpur như hồi sang quốc đảo Merlion. Nhưng thực tế không phải vậy, từ trung tâm, có thể đi bộ tới những địa danh nổi tiếng của nơi này. Còn nếu muốn nhanh hơn, có thể sử dụng taxi (với mức giá như ở Việt Nam). Rất tiện lợi và nhanh chóng.

Từ  Kuala Lumpur, có thể đi tới nhiều nơi: Quảng trường Độc lập, Đài tượng niệm quốc gia, Bảo tàng quốc gia, Central Market (chợ to như chợ Lớn của mình) hay Petaling (khu phố người Hoa giống như Chinatown ở nhưng nơi khác)…
Từ KL có thể đi tới Quảng trường Độc lập

Mang tiếng là chợ, nhưng chợ của người Mã rất sạch. Tại đây tôi đã qua bữa ngon lành với giá khá rẻ, khoảng 7-9 ringit/suất ăn (khoảng 30.000 đồng) tuỳ chọn.
Ngồi trên xe bus dạo xuống các tỉnh miền Nam, qua cửa kính, tôi nhận thấy, hệ thống đường sá được chăm chút chi tiết đến từng đám cỏ và những làn cây vệ đường. Nếu ngược lên phía Bắc thậm chí những quả núi cũng được cắt gọt mang hình khối kiểu ruộng bậc thang như ở nước ta…
So sánh Genting với Đà Lạt quả không xứng. Đà Lạt đẹp và thơ mộng hơn nhiều. Nhưng hai nơi này cùng chia sẻ một điểm chung duy nhất: nằm trên cao so với mực nước biển, không khí mát mẻ như châu Âu vào thu.
Một Genting thơ mộng không khác so với Đà Lạt

Thế nhưng, Đà Lạt tĩnh lặng và hơi buồn… còn Genting lại là thành phố giải trí. Để đến được Genting, tôi chọn con đường dễ nhất, bắt đầu từ bến xe Pasar Rakyat trên đường Imbi, chỉ với 8,5 ringit (khoảng 50.000 đồng, bao gồm cả chi phí đi cáp treo), khoảng nửa giờ đồng hồ chạy xe và quá giang bằng cáp treo dài nhất Đông Nam Á (người Mã gọi làSkyway).
Tại đây, bạn có thể chơi bất kỳ trò gì mình muốn; từ cảm giác mạnh cho tới… đánh bạc. Hai sòng bạc trong cùng một nơi: Monte Carlo (theo tên địa danh đánh bạc nổi tiếng ở Monaco) và Genting Casino được ví như Las Vegas của người Mã, chỉ thiếu ánh đèn nêon của Thượng Hải.
Không muốn thử sức với các trò chơi cảm giác mạnh, tôi vào casino giải trí

Nghe nói, chủ sòng bạc, ông Lim Goh Tong, một trong những người giàu nhất Mã Lai, đã đầu tư vào đây từ những năm 80. Ông này là người Hoa chính gốc, nhập cư vào Mã khi còn bé, năm nay đã gần 95 và Genting Casino của ông vẫn làm ăn tốt. Đối với các du khách chưa một lần đặt chân sang Âu châu thì sòng bạc của ông quả là lớn. Với tất cả các trò chơi có thể, từ mạt chược cho tới rút bài, om quẻ…
Lúc đến Rome tôi từng mê mẩn với kiến trúc La Mã ở xứ Nam Âu này. Hình ảnh lặp lại ở phố Đông sông Hoàng Phố, Thượng Hải. Và, một lần nữa nó được tái hiện ở Melaca (Melaca theo tiếng gọi là người địa phương).
Nhà thờ ST. Paul cổ kính

Từ bến Puduraya (ở Kuala Lumpur Sentral), trên chuyến xe bus hiệu Volvo sang trọng chỉ với 9,4 ringit (khoảng 50.000 đồng) bạn sẽ tới Melaca Sentral (quãng đường này khoảng 170km và 2 giờ đồng hồ xuôi Nam đi Johor và Singapore). Từ đây tôi bắt chuyến xe bus 1 ringit vào khu phố cổ. Có thể rảo bộ hết nơi đây trong hơn một ngày.
Trên chuyến bay khi sang Mã những ngày trước đó, cô bạn đường trên chuyến bay từ Hà Nội về Malaysia có nói với chúng tôi rằng, “Well, you should go to Melaca, the historical town and accient trading center. It looks like your Hoi An” (Tạm dịch là: Chà, bạn nên tới Melaca, thị trấn lịch sử và là trung tâm buôn bán cổ. Nó giống với Hội An của các bạn).
Có lẽ, sự so sánh đó có phần hơi thiên vị. Hội An của ta tuy rất đẹp, cổ kính nhưng có lẽ chưa thể so với Melaca của người Mã. Thực vậy, tới Mã mà không đặt chân tới Melaca coi như chuyến đi của tôi mất đi một phần ý nghĩa.
Vẻ cổ kính của Melaca làm tôi nhầm tưởng như mình đang ở phố cổ Hội An

Sức hấp dẫn về văn hoá, kiến trúc khiến nơi đây trở thành địa danh du lịch nổi tiếng nhất vùng Tây Malaysia. Mặc dù chỉ là cảng biển và trung tâm thương mại nhỏ, nhưng Melaca đã trải qua sự thống trị của nhiều đế quốc như Bồ Đào Nhà, Hà Lan và Anh quốc từ thế kỷ 16.
Mãi đến năm 1957 mới giành độc lập với sự chiến đấu ngoan cương của dân tộc bản địa và người anh hùng Huang Tuah - chiến binh huyền thoại đã đi vào sử sách của người Mã.
Tại Melaca, tôi đặt chân vào những nơi đẹp nhất trong cuộc hành trình này: Stadthuys (tư dinh của các Toàn quyền người Âu sang Melaca cai trị), nhà thờ St. Paul, bảo tàng văn hoá Malaca, Porta de Santiago… 

Kết thúc những ngày ở đó, tôi chỉ có thể nói một câu ngắn gọn “Đất nước này quả là huyền bí và quyến rũ. Tôi thấy như đang được ở chính trên quê hương yêu dấu của mình”.


Sa Hà

Không có nhận xét nào: