Thứ Tư, 22 tháng 8, 2012

Chuyện kể từ Kampot



Chua nam thuyen
Chúng tôi đến Kampot vào những ngày tháng 5 khi ở quê nhà cái nắng và nóng thường xuyên bị những cơn mưa đầu hè làm phiền. Thế mà cảm giác ngồi trên chiếc xe buýt lắc lư trên cung đường quốc lộ hướng về phía miền Nam Campuchia cứ nhẹ tênh. Phải chăng vì đường về phía Kampot đang chất chứa biết bao điều mới lạ hay vì cái sự thân thương toát lên từ con người và vùng đất xứ chùa tháp.
Thanh bình Kampot
Tôi đã lang thang nhiều ngày ở thủ đô Phnom Penh, đắm mình trong không khí sử thi và truyền thuyết ở khu quần thể Angkor – Siep Riep, thót tim với những cung đường rừng tìm về ngôi đền “gươm thần” Preah Khan ở ranh giới hai tỉnh Kom Pong Cham – Preah Vihear hay ngỡ ngàng với vẻ đẹp của đền thiêng Preah Vihear, thế nhưng đây mới là lần đầu tiên của tôi ở Kampot.
Chiếc xe buýt từ tốn dừng lại tại một khách sạn trong thị trấn, Kampot đang cố gắng trở thành điểm đến thu hút du khách khi khá nhiều các khách sạn, nhà trọ và resort đang ngày càng hoàn thiện về dịch vụ để phục vụ các du khách ngày một nhiều tại hai thị trấn lớn là Kampot và Kep (cách Kampot khoảng hơn 20km đường bộ).
Chúng tôi dành hẳn cả buổi chiều chỉ để lang thang trên những con phố vốn cũ kỹ của Kampot. Những năm tháng thăm trầm trong lịch sử đã tạo nên một thị trấn với những căn nhà mái ngói đỏ hòa quyện cùng nhiều tòa kiến trúc kiểu thuộc địa Pháp. Kampot đã được đặt những viên gạch nền tảng từ hàng thế kỉ trước nhưng vị trí và diện mạo của một đô thị hiện đại chỉ có được trong thời gian người Pháp nắm quyền vào cuối thế kỉ 19 đầu thế kỉ 20. Rất nhiều những tòa nhà dọc và gần bờ sông Kampot đã được xây dựng trong quá trình này. Phía cực Nam của thị trấn nơi những bến cảng cũng có vài công trình kiểu Âu Châu bao gồm tòa nhà ủy ban và nhà tù cũ. Hầu hết các công trình khác trong thời thuộc địa là những kiểu nhà 2 tầng truyền thống Trung Hoa. Không giống những đô thị khác ở Campuchia, những cửa hàng ở đây được thiết kế một cách tự do tạo nên cho Kampot một không gian khá lạ thường.
Ở Kampot, hành trình phổ biến nhất là lên cao nguyên Bokor. Phnom Bokor (Núi Bokor) là tập hợp những công trình kiến trúc trên đỉnh núi bao gồm khách sạn, casino, nhà thờ, nơi nghỉ của hoàng gia…) được xây dựng vào  đầu những năm 1920 như là một khu nghỉ dưỡng phức hợp.
Ngôi nhà thờ rêu phong trên đỉnh Bokor
Những năm 1990, những lữ khách thường nhắc Bokor như là “nơi kỳ lạ nhất trên thế giới”. Tại thời điểm đó, Bokor là nơi rất tao nhã để những người Pháp và du khách quốc tế tìm đến đô thị hiếm có còn mang hơi thở của một Old Indochina – vùng đất cựu thuộc địa với khu “Hill station” tọa lạc trên đỉnh núi. Đỉnh Bokor mang đến không khí mát mẻ khác hẳn cái nắng nóng khó chịu của vùng đất Campuchia thông thường.  Sau một giời gian bị rơi vào quên lãng, mọi thứ cứ như chìm vào làn sương mở ảo và mây mù đã mang đến không khí huyền hoặc cho vùng đất này. Trở lại với sự quan tâm đầu tư của chính phủ Bokor đang được đầu tư để biến thành một điểm đến mới ở Campuchia trên cung đường Phnom Penh – Sihanoukville.
Tôi đứng trên đỉnh Bokor nhìn về phía Đông, không xa bên ấy là quê nhà Việt Nam thân thương. Một cảm giác gần gũi đến khó tả!
Chùa năm thuyền
Khoảng 250m về phía tây bắc của ngôi nhà thờ công giáo trên cao nguyên Bokor, men theo con đường nhỏ, qua cổng 3 tháp sẽ đến đền thờ Wat Sampov Pram, nơi đây cũng được biết đến với tên Chùa 5 chiếc thuyền, nguyên nhân là do một số người nói rằng nơi đây có 5 hòn đá hình giống như 5 chiếc thuyền. Được xây dựng vào năm 1924 bởi nhà vua Monivong, ngôi chùa tạo ra một khung cảnh độc đáo vì từ nơi đây, tôi có thể nhìn xuyên qua rừng cho đến bờ biển phía dưới, trong đó có cả đảo Phú Quốc Việt Nam mập mờ phía chân trời.
Ngôi chùa mang phong cách Khmer đặc trưng với màu vàng rực trên những lá mái và vị thần chim Garuda trên các cột chống. Theo chân những cư dân Campuchia vào chùa, mở ra trước mắt chúng tôi là bức tranh tường về tôn giáo tuyệt đẹp với tuổi thọ gần 90 năm. Anh hướng dẫn đưa tôi vào câu chuyện truyền thuyết xưa lý giải nguồn gốc của tên và lý do ra đời ngôi chùa độc đáo trên đỉnh Bokor.
Ngôi đền Wat Sampov Pram hay còn được gọi là chùa Năm Thuyền
Ngày xửa ngày xưa, có một hoàng tử tên là Preah Thong vốn phải từ bỏ mọi thứ và nhường ngôi cho em trai bởi lệnh của vua cha. Thật sự chán nản, chàng quyết định rời bỏ đất nước và đi du ngoạn vòng quanh thế giới. Trong một lần khám phá vùng đất mới, Hoàng tử Preah Thong tìm thấy một cây Tlork rất cao.
Cây Tlork sản sinh các loại hạt không chỉ ăn được mà nhựa cây còn có thể sử dụng để chống thấm nước cho tàu thuyền. Đây là thứ mà Hoàng tử Preah Thong rất cần nên chàng đã ra lệnh cho người hầu cắm trại ngay gần gốc cây. Sáng hôm sau, khi đi dạo trên bãi biển vào buổi sáng, hoàng tử thấy một nhóm thiếu nữ đang chơi đùa gần bãi biển. Ngay lập tức chàng bị lôi cuốn và thu hút bởi vẻ đẹp của một Nagani (công chúa Thủy Cung).
Tình yêu giữa họ nảy sinh từ cái nhìn đầu tiên. Chẳng lâu sau, hoàng tử Preah Thong yêu cầu công chúa Nagani dẫn mình đến gặp cha cô để xin phép kết hôn. Công chúa nhìn vào mắt hoàng tử và nói một câu nói thật dịu dàng “Chàng hãy cầm lấy đuôi của thiếp”. Công chúa dẫn hoàng tử lặn sâu xuống biển gặp mặt Long Vương. Đức vua rất hài lòng về hoàng tử Preah Thong và đồng ý cho hai người kết hôn.
Sau 7 ngày ở Thủy cung, hoàng tử Preah Thong muốn lên bờ ra đi xây dựng vương quốc mới cùng công chúa. Long Vương tặng vợ chồng chàng 5 chiếc thuyền buồm khổng lồ chứa đầy châu báu để làm của hồi môn. Cùng với 500 gia nhân, hai vợ chồng hoàng tử căng buồn đi đến vùng đất mà hiện tại là vị trí của Chùa 5 thuyền. Hoàng tử Preah Thong quyết định xây dựng vương quốc của mình tại đây và từ đó chàng được biết đến như là cha đẻ của nền văn minh Khmer!
Theo thời gian, nước biển rút đi, mặt đất dần cao lên và 5 chiếc thuyền buồm khổng lồ biến thành đá. 5 viên đá hình chiếc thuyền ngày nay trước mặt tôi đây chính là dấu tích của con thuyền xưa kia.
Bước ra từ thế giới của truyền thuyết, tôi vẫn chưa hết ngỡ ngàng về sức sáng tạo văn học của người Khmer cổ, họ không chỉ có những câu chuyện giải mã những hiện tượng thiên nhiên kì thú mà còn là bao tác phẩm nhân văn đang chờ tôi ở học viện văn khóa Khmer dưới thị trấn. Hành trình ở Bokor của chúng tôi lại tiếp túc, bỏ lại sau lưng chút nắng gió và bụi bặm của cung đường đất đỏ…
An Nam – Du Lịch Việ

t

Không có nhận xét nào: